Chuyển nhượng cổ phần và mua lại cổ phần là một trong những hoạt động của công ty cổ phần. Rất nhiều câu hỏi được gửi về tổng đài Luật Trần và Liên Danh vướng mắc về vấn đề trên. Liệu điều kiện nào để nhà đầu tư có thể chuyển nhượng cổ phần? Hay khi nào có thể mua lại cổ phần? Như bạn đã biết, hai hình thức chuyển nhượng cổ phần và mua lại cổ phần đều có chung bản chất là quan hệ mua bán, và đây cũng là căn cứ làm thay đổi chủ sở hữu đối với cổ phần được bán hoặc chuyển nhượng trong công ty.
Tuy nhiên có sự khác biệt lớn giữa hai hình thức trên mà nhiều quý bạn đọc còn vướng mắc. Nhằm giúp quý bạn đọc hiểu rõ hơn về hai trường hợp này Luật Trần và Liên Danh căn cứ vào các quy định cụ thể để giải thích rõ hơn về vấn đề phân biệt chuyển nhượng cổ phần và mua lại cổ phần như sau:
Một số khái niệm cơ bản
Khái niệm cổ phần trong công ty cổ phần: Điều 111 Luật Doanh nghiệp năm 2020 có nêu khái niệm này một cách khá dễ hiểu như sau:
Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
Thực chất, cổ phần (Share) chính là phần vốn góp vào để tạo thành vốn điều lệ của công ty cổ phần. Ví dụ: Vốn điều lệ của một công ty cổ phần là 100.000.000 vnđ, được chia thành 10 nghìn phần bằng nhau => có 10 nghìn cổ phần, mỗi phần tương ứng là 10.000 vnđ được gọi là 1 cổ phần.
Khái niệm cổ đông (Shareholder) của công ty cổ phần: Cá nhân hoặc tổ chức sở hữu hợp pháp cổ phần của công ty được gọi là cổ đông của công ty cổ phần. Cổ đông là đồng sở hữu cổ phần trong công ty, quyền lợi sẽ tương ứng với số lượng cổ phần mà mỗi cổ đông sở hữu.
Khái niệm cổ phiếu (share hoặc stock): Theo quy định tại Điều 121 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. Cụ thể hơn, cổ phiếu chính là giấy chứng nhận số vốn mà nhà đầu tư đã góp vào công ty, là chứng cứ chứng minh cho việc cổ đông sở hữu bao nhiêu cổ phần của công ty đó.
Khái niệm chứng khoán: Chứng khoán là một loại tài sản tài chính có thể đem ra giao dịch. Chứng khoán bao gồm: Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký; Chứng khoán phái sinh; Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.
Phân loại cổ phần
Theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hiện hành, cổ phần gồm có: Cổ phần phổ thông và Cổ phần ưu đãi. Trong công ty cổ phần, cổ phần ưu đãi có thể có hoặc không nhưng cổ phần phổ thông là bắt buộc phải có.
Cổ phần phổ thông, như đã nêu trên, đây là loại cổ phần phổ biến nhất và bắt buộc phải có trong công ty cổ phần. Chủ thể sở hữu cố phần phổ thông được gọi là cổ đông phổ thông. Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
Cổ phần ưu đãi là loại cổ phần mà người sở hữu chúng gọi là cổ đông ưu đãi sẽ được hưởng một số ưu đãi, đồng thời cũng bị hạn chế một số quyền so với cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông. Công ty cổ phần có thể có hoặc không có cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi có nhiều loại, mỗi loại cổ phần ưu đãi đem lại cho người sở hữu chúng những quyền và nghĩa vụ khác nhau. Cổ phần ưu đãi được coi là loại cổ phần đặc biệt trong công ty cổ phần, tương ứng với các loại cổ phần đặc biệt này, cổ đông ưu đãi sẽ nhận được một số quyền nhất định trong quá trình quản lý, hoạt động của công ty cổ phần, cụ thể, các loại cổ phần ưu đãi gồm có:
– Cổ phần ưu đãi cổ tức: là cổ phần mà cổ đông sở hữu sẽ được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm và một số ưu đãi khác theo quy định pháp luật. Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng, cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức. Tuy nhiên, khác với cổ đông phổ thông, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức nàynày không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
– Cổ phần ưu đãi hoàn lại là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại có các quyền khác như cổ đông phổ thông, tuy nhiên cũng giống như cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ đông bị hạn chế một số quyền cơ bản như không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
– Cổ phần ưu đãi biểu quyết: là cổ phần giúp cho cổ đông sở hữu có số biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông, số biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định bên cạnh đó, cổ đông có quyền biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết theo quy định tại điều lệ công ty; Các quyền khác như cổ đông phổ thông. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong vòng 3 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển thành cổ phần phổ thông.
– Cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định, ngoài các loại cổ phần ưu đãi mà pháp luật quy định, các cổ đông có quyền thỏa thuận về cổ phần ưu đãi cho cổ đông tùy thuộc vào tính chất hoạt động của công ty.
Các điều kiện chuyển nhượng cổ phần
Điều kiện chuyển nhượng đối với cổ phần phổ thông:
Luật doanh nghiệp năm 2020 đã quy định khá rõ ràng tại các điều 115, Điều 120 và Điều 127 về điều kiện chuyển nhượng đối với loại cổ phần này, cụ thể: Mặc dù Luật doanh nghiệp cho phép cổ đông phổ thông không phải là cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình. Còn cổ đông sáng lập tuy được tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông nhưng phải lưu ý các trường hợp hạn chế sau đây:
– Trường hợp có quy định pháp luật hạn chế việc chuyển nhượng cổ phần phổ thông tại Điều 120 Luật Doanh nghiệp. Theo quy định này, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. => Trong vòng 03 năm kể từ ngày thành lập, cổ phần phổ thông chỉ có thể được chuyển nhượng cho cổ đông phổ thông sáng lập khác. Nếu muốn chuyển nhượng cho người không phải cổ đông dáng lập phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
– Trường hợp Điều lệ công ty có quy định điều kiện chuyển nhượng cổ phần và điều kiện này được ghi nhận trong cổ phiếu phổ thông, việc chuyển nhượng cố phần phổ thông phải tuân theo các điều kiện ghi nhận trong cổ phiếu phổ thông đó.
Điều kiện chuyển nhượng đối với cổ phần ưu đãi:
Điều kiện chuyển nhượng đối với cổ phần ưu đãi cổ tức: Theo quy định tại khoản 2 Điều 117 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức có các quyền như cổ đông phổ thông (trừ quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát) trong đó cũng bao gồm cả quyền chuyển nhượng cổ phần.
Theo đó, cổ phần ưu đãi cổ tức có thể được tự do chuyển nhượng mà không bị hạn chế, bởi tính chất của loại cổ phần này chỉ giúp cho người sở hữu cổ phần nhận được nhiều cổ tức hơn so với các loại cổ phần khác mà không làm ảnh hưởng tới hoạt động quản lý, điều hành công ty nên có lẽ vì vậy mà không bị hạn chế chuyển nhượng.
Điều kiện chuyển nhượng đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết: Đây là một trong những loại cổ phần mang tính ảnh hưởng tới hoạt động quản lý, điều hành công ty nên việc chuyển nhượng cổ phần này bị hạn chế. Thông thường, đây là loại cổ phần không được chuyển nhượng cho người khác. Việc chuyển nhượng chỉ xảy ra trong các trường hợp: Chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc là di sản thừa kế.
Điều kiện chuyển nhượng đối với cổ phần ưu đãi hoàn lại: Về bản chất, loại cổ phần này cũng tương tự như cổ phần ưu đãi cổ tức là không ảnh hưởng tới việc quản lý, điều hành doanh nghiệp nên việc chuyển nhượng không bị hạn chế như cổ phần ưu đãi biểu quyết.
Phương thức chuyển nhượng cổ phần
Khoản 2 Điều 127 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định cổ phần có thể được chuyển nhượng dưới hai hình thức là: Chuyển nhượng trực tiếp thông qua Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hoặc Chuyển nhượng gián tiếp thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Phương thức chuyển nhượng cổ phần thông qua Hợp đồng chuyển nhượng: Từ quy định trên, để chuyển nhượng cổ phần theo phương thức này, hình thức bắt buộc của giao dịch là lập hợp đồng. Việc giao dịch này có thể coi là một giao dịch dân sự có nội dung mua – bán cổ phần. Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần có thể bằng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương, giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký.
Phương thức chuyển nhượng cổ phần thông qua Giao dịch trên thị trường chứng khoán: Việc chuyển nhượng cổ phần này tuân theo quy định của Luật Chứng khoán. Theo đó, người muốn chuyển nhượng cổ phần thông qua đơn vị phát hành chứng khoán, đăng ký với Uỷ ban chứng khoán nhà nước để chào bán cổ phần ra thị trường.
Ngoài ra, việc chuyển nhượng cổ phần còn có thể thực hiện thông qua các hình thức như: Bản án, quyết định có hiệu lực của Toà án; thông qua thủ tục Khai nhận di sản thừa kế là cổ phần hoặc Hợp đồng tặng cho cổ phần.
Thủ tục chuyển nhượng cổ phần
Phương thức chuyển nhượng thông qua hợp đồng chuyển nhượng:
Bước 1: Các bên xem xét các điều kiện chuyển nhượng cổ phần và thực hiện ký kết hợp đồng chuyển nhượng theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Bộ luật Dân sự;
Bước 2: Thanh toán và ký biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng;
Bước 3: Ghi nhận thông tin cổ đông mới vào sổ đăng ký cổ đông của công ty
Phương thức chuyển nhượng thông qua giao dịch trên sàn chứng khoán:
Để thực hiện chào bán cổ phần trên sàn giao dịch chứng khoán, có các phương thức như sau:
Thứ nhất là chào bán chứng khoán ra công chúng, gồm các hình thức: Chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng; Chào bán cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; Chào bán cho các nhà đầu tư không xác định.
Thứ hai là chào bán chứng khoán riêng lẻ thức là chào bán chứng khoán không thuộc các hình thức trên và chỉ gồm các hình thức: Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; Chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Chuyển nhượng cổ phần thông qua giao dịch trên sàn chứng khoán, đơn vị có nhu chào chào bán sẽ liên hệ với các công ty phát hành chứng khoán và thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước theo quy định để chào bán cổ phiếu ra thị trường.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về chuyển nhượng cổ phần là gì? Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.