Vùng lãnh hải được tính như thế nào? Vùng lãnh hải rộng bao nhiêu hải lý và tính từ đâu? Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển thực hiện quyền tài phán đối với tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam ra sao? Hãy cùng Luật Trần và Liên Danh giải đáp các vấn đề trên qua bài viết dưới đây nhé!
Lãnh hải là gì?
Lãnh hải là một bộ phận của vùng biển Việt Nam, là vùng biển nằm giữa vùng nội thủy và các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.
Theo Điều 11 Luật Biển Việt Nam 2012, lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý (tương đương 22,22km) tính từ đường cơ sở ra phía biển.
Trong đó, đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. (Điều 8 Luật Biển Việt Nam 2012)
Khi đó, ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam.
Quyền tài phán đối với tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam
Quyền tài phán hình sự đối với tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam
Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền tài phán hình sự đối với tàu thuyền nước ngoài khi đang đi trong lãnh hải Việt Nam. Cụ thể quy định tại Điều 30 Luật Biển Việt Nam 2012 như sau:
(1) Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền tiến hành các biện pháp để bắt người, điều tra đối với tội phạm xảy ra trên tàu thuyền nước ngoài sau khi rời khỏi nội thủy và đang đi trong lãnh hải Việt Nam.
(2) Đối với tội phạm xảy ra trên tàu thuyền nước ngoài đang đi trong lãnh hải Việt Nam nhưng không phải ngay sau khi rời khỏi nội thủy Việt Nam, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền tiến hành bắt người, điều tra trong các trường hợp sau đây:
– Hậu quả của việc phạm tội ảnh hưởng đến Việt Nam;
– Việc phạm tội có tính chất phá hoại hòa bình của Việt Nam hay trật tự trong lãnh hải Việt Nam;
– Thuyền trưởng hay một viên chức ngoại giao hoặc viên chức lãnh sự của quốc gia mà tàu thuyền mang cờ yêu cầu sự giúp đỡ của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;
– Để ngăn chặn hành vi mua bán người, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy.
(3) Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển không được tiến hành bất kỳ biện pháp nào trên tàu thuyền nước ngoài đang đi trong lãnh hải Việt Nam để bắt giữ người hay điều tra việc phạm tội đã xảy ra trước khi tàu thuyền đó đi vào lãnh hải Việt Nam nếu như tàu thuyền đó xuất phát từ một cảng nước ngoài và chỉ đi trong lãnh hải mà không đi vào nội thủy Việt Nam.
(Trừ trường hợp cần ngăn ngừa, hạn chế ô nhiễm môi trường biển hoặc để thực hiện quyền tài phán quốc gia quy định tại mục (2))
Quyền tài phán dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam
Đối với quyền tài phán dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển được thực hiện các quyền hạn theo Điều 31 Luật Biển Việt Nam 2012 như sau:
– Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển không được buộc tàu thuyền nước ngoài đang đi trong lãnh hải phải dừng lại hoặc thay đổi hành trình chỉ vì mục đích thực hiện quyền tài phán dân sự đối với cá nhân đang ở trên tàu thuyền đó.
– Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển không được tiến hành các biện pháp bắt giữ hay xử lý về mặt dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài đang đi trong vùng biển Việt Nam, trừ nội thủy.
Trừ trường hợp việc thi hành các biện pháp này liên quan đến nghĩa vụ đã cam kết hay trách nhiệm dân sự mà tàu thuyền phải đảm nhận trong khi đi qua hoặc để được đi qua vùng biển Việt Nam.
– Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có thể áp dụng các biện pháp bắt giữ hay xử lý tàu thuyền nước ngoài nhằm mục đích thực hiện quyền tài phán dân sự nếu tàu thuyền đó đang đậu trong lãnh hải hoặc đi qua lãnh hải sau khi rời khỏi nội thủy Việt Nam.
Chế độ pháp lý của lãnh hải
Các chế độ pháp lý được áp dụng trong lãnh hải Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Luật Biển Việt Nam 2012, cụ thể như sau:
– Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
– Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Cụ thể tại khoản 3 Điều 23 Luật Biển Việt Nam 2012, việc đi qua của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam bị coi là gây phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam, trật tự an toàn xã hội nếu tàu thuyền đó tiến hành bất kỳ một hành vi nào sau đây:
+ Đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam;
+ Đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác; thực hiện các hành vi trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc;
+ Luyện tập hay diễn tập với bất kỳ kiểu, loại vũ khí nào, dưới bất kỳ hình thức nào;
+ Thu thập thông tin gây thiệt hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam;
+ Tuyên truyền nhằm gây hại đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam;
+ Phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện bay lên tàu thuyền;
+ Phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện quân sự lên tàu thuyền;
+ Bốc, dỡ hàng hóa, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu thuyền trái với quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế, y tế hoặc xuất nhập cảnh;
+ Cố ý gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển;
+ Đánh bắt hải sản trái phép;
+ Nghiên cứu, điều tra, thăm dò trái phép;
+ Làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thông tin liên lạc hoặc của thiết bị hay công trình khác của Việt Nam;
+ Tiến hành hoạt động khác không trực tiếp liên quan đến việc đi qua.
Theo đó, việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Các phương tiện bay nước ngoài không được vào vùng trời ở trên lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam hoặc thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Nhà nước có chủ quyền đối với mọi loại hiện vật khảo cổ, lịch sử trong lãnh hải Việt Nam.
Khái niệm về vùng tiếp giáp lãnh hải
Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển nằm ngoài lãnh hải và tiếp liên với lãnh hải, tại đó quốc gia ven biển thực hiện các thẩm quyền có tính riêng biệt và hạn chế đối với các tàu thuyền nước ngoài.
Theo quy định tại Điều 33 UNCLOS 1982, vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển nằm bên ngoài lãnh hải và có chiều rộng không quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở.
Quy định này đã thể hiện một số điểm quan trọng về vùng biển này:
Thứ nhất, về vị trí, vùng tiếp giáp lãnh hải nằm bên ngoài các vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển, có ranh giới trong là đường biên giới quốc gia trên biển và ranh giới ngoài là một đường mà mỗi điểm trên đó cách đường cơ sở khoảng cách tối đa không quá 24 hải lý.
Thứ hai, về chiều rộng, vùng tiếp giáp lãnh hải rộng không quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở. Như vậy, thực chất chiều rộng của vùng tiếp giáp sẽ phụ thuộc vào chiều rộng của lãnh hải và tổng chiều rộng của vùng biển này khi hợp với lãnh hải.
Thứ ba, do vị trí tiếp liền với lãnh hải của quốc gia ven biển nên thực chất, vùng tiếp giáp lãnh hải có ý nghĩa như “vùng đệm” giữa vùng biển thuộc lãnh thổ quốc gia và những vùng biển nằm bên ngoài lãnh thổ của quốc gia ven biển. Nói cách khác, đây là vùng biển để quốc gia ven biển thực hiện các quyền kiểm tra, kiểm soát của mình đổi với tàu thuyền nước ngoài trước khi những tàu này đi vào lãnh thổ và trước khi chúng rời khỏi lãnh thổ quốc gia. Do đó, mặc dù cũng là vùng biển thuộc quyền chủ quyền nhưng bản chất của vùng biển này không mang ý nghĩa kinh tế như vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa mà chủ yếu để bảo vệ an ninh, trật tự của quốc gia ven biển.
Chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải
Sự tồn tại của vùng tiếp giáp lãnh hải trong thực tiễn nhằm:
– Ngăn ngừa những vi phạm đối với các luật và quy định hải quan, thuế khoá, y tế hay nhập cư trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình; . ‘
– Trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định nói trên xảy ra trên lẩnh thổ hoặc trong lãnh hải củạ mình.
Các quy định hiện hành cua Luật biển đều khẳng định vùng tiếp giáp lãnh hải không thể mở rộng quá 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải và là bộ phận đặc thù của vùng đặc quyền kinh tế. Tại đây, quốc gia ven biển có thẩm quyền đối với các hiên vật có tính lịch sử và khảo cổ nằm trên đáy biển của vùng tiếp giáp lãnh hải. Để kiểm soát việc mua bán hiện vật này, quốc gia ven biển có thể coi việc lấy các hiện vật đó từ đáy biển của vùng tiếp giáp lãnh hải mà không có sự thoả thuận của mình là sự vi phặm các luật và quy định của quốc gia ven biển ở trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình.
Quyền của quốc gia ven biển
Theo quy định tại Điều 33 UNCLOS 1982, trong vùng tiếp giáp lãnh hải, quyền của quốc gia ven biển tập trung trong hai nội dung:
– Ngăn ngừa các vi phạm đối với các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, y tế hoặc nhập cư trong lãnh thổ hay lãnh hải của quốc gia ven biển.
– Trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định nêu trên trong lãnh thổ hay lãnh hải của quốc gia ven biển.
Quy định này đã giới hạn rất rõ thẩm quyền tài phán của quốc gia ven biển trong vùng tiếp giáp lãnh hải của mình trên cả phương diện lĩnh vực và không gian, về lĩnh vực, quốc gia ven biển chỉ có thẩm quyền đối với những vi phạm liên quan đến bốn lĩnh vực: hải quan, thuế khóa, y tế hoặc nhập cư. về không gian, quốc gia ven biển chỉ có thẩm quyền đối với những vi phạm trong các lĩnh vực trên khi vi phạm đó xảy ra trong lãnh thổ hoặc lãnh hải của mình. Tức là về bản chất, quốc gia ven biển không được trao quyền để xử lý những vi phạm xảy ra trong chính vùng tiếp giáp lãnh hải mà thẩm quyền tài phán trong trường hợp này vẫn thuộc về quốc gia mà tàu mang cờ. Điều này thể hiện rất rõ bản chất “vùng đệm” của vùng biển “chuyển tiếp” giữa lãnh thổ quốc gia với vùng lãnh thổ thuộc quyền chủ quyền, là nơi quốc gia ven biển chỉ thực hiện các hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự trên lãnh thổ của mình trước khi tàu thuyền nước ngoài đi vào và rời khỏi lãnh thổ quốc gia.
Để thực hiện những quyền được quy định tại Điều 33 UNCLOS 1982, trước hết, quốc gia ven biển có toàn quyền xây dựng và ban hành những luật, quy định điều chỉnh về hải quan, thuế khóa, y tế hoặc nhập cư, đồng thời có quyền áp dụng đầy đủ những quy định này khi tiến hành những hoạt động thuộc thẩm quyền trên vùng tiếp giáp cũng như áp dụng những quy định pháp luật khác có liên quan của quốc gia ven biển khi được dẫn chiếu tới (Chẳng hạn hành vi vi phạm một trong bốn lĩnh vực này nhưng đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì quốc gia ven biển sẽ áp dụng các quy định cùa luật hình sự để xù lý đối với tàu thuyền nước ngoài).
Nhằm ngăn ngừa những vi phạm trong bốn lĩnh vực này, quốc gia ven biển có quyền kiểm tra, kiểm soát đối với tàu thuyền nước ngoài trước khi con tàu đi vào lãnh hải và trước khi tàu rời khỏi lãnh hải của quốc gia. Tàu thuyền nước ngoài sẽ phải dừng lại tại một điểm trên vùng tiếp giáp do quốc gia ven biển quy định trước đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để quốc gia ven biển thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát đối với các lĩnh vực trên. Trong trường hợp có hành vi vi phạm, quốc gia ven biển có quyền áp dụng đầy đủ các quy định của pháp luật nước mình để xử lý đối với con tàu và thành viên trên tàu. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, quốc gia ven biển sẽ chỉ có quyền trừng trị đối với những vi; phạm xảy ra trong lãnh thổ hay lãnh hải của mình chứ không phải đối với những vi phạm xảy ra ngay tại vùng tiếp giáp.
Điều này có nghĩa là khi một tàu thuyền nước ngoài vi phạm các quy định thuộc bốn lĩnh vực trên thì dù hành vi đó diễn ra trên nội thủy, lãnh hải hay bất kì bộ phận nào trên lãnh thổ quốc gia thì quốc gia ven biển vẫn có đầy đủ thẩm quyền tài phán đối với con tàu dù nó đã ra đến vùng tiếp giáp. Nhưng nếu tàu thuyền nước ngoài chỉ hoạt động hoàn toàn bên ngoài lãnh thổ quốc gia thì sẽ không thuộc quyền tài phán của quốc gia ven biển trong bốn lĩnh vực này.
Bên cạnh các quyền được quy định tại Điều 33 UNCLOS 1982, quốc gia ven biển còn có đặc quyền đối với các hiện vật lịch sử và khảo cổ nằm trên đáy biển của vùng tiếp giáp lãnh hải.
Việc thăm dò, khai thác, mua bán các hiện vật này mà không có sự thỏa thuận với quốc gia ven biển sẽ bị coi là vi phạm các luật và quy định của quốc gia ven biển (Điều 303 UNCLOS 1982). Ngoài ra, do vị trí của vùng tiếp giáp là một bộ phận nằm trong vùng đặc quyền kinh tế nên tại đây, quốc gia ven biển cũng được hưởng đầy đủ các quyền mà UNCLOS 1982 quy định cho quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế. Đây là lý do tại sao vùng tiếp giáp lãnh hải được gọi là vùng biển có quy chế “kép”.
Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về câu hỏi vùng lãnh hải rộng bao nhiêu hải lý và tính từ đâu? Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.