Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự của bên có lỗi (cố ý hoặc vô ý), gây hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, gây hại đến danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc các chủ thể khác.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại.

Về nguyên tắc, bên vi phạm pháp luật gây thiệt hại có nghĩa vụ bù đắp toàn bộ thiệt hại mà bên bị vi phạm đã phải gánh chịu.

Căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là hành vi vi phạm pháp luật, thiệt hại xảy ra, quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật với thiệt hại và lỗi của bên vi phạm.

Tuy nhiên, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ, chủ sở hữu súc vật, chủ sở hữu nhà cửa… phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi họ không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng.

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong các chế định đầu tiên của pháp luật dân sự được hình thành từ thời pháp luật La Mã ra đời cách đây hàng ngàn năm. Theo thời gian, chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ngày càng được hoàn thiện.

Cùng với hợp đồng dân sự, việc gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật là căn cứ chủ yếu làm phát sinh nghĩa vụ dân sự.

Ở Việt Nam, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chủ yếu được quy định trong Bộ Luật dân sự.

Ngoài ra, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng còn được quy định tại Bộ luật lao động, Bộ luật hàng hải, Luật hàng không dân dụng, Pháp lệnh chất lượng hàng hoá…

Quy định chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Trong lịch sử pháp luật thế giới, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một ttong những chế định được hình thành sớm nhất của pháp luật dân sự.

Trải qua các thời kì lịch sử và ở những nước khác nhau, quy định về người phải bồi thường, cách thức bồi thường, thiệt hại phải bồi thường cũng như mức bồi thường… có sự khác biệt, vấn đề này phụ thuộc vào quan điểm giai cấp, điều kiện kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia.

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng còn gọi là trách nhiệm dân sự do gây thiệt hại. Việc áp dụng trách nhiệm này trong các thời kì lịch sử loài người nói chung và pháp luật, luật tục La Mã nói riêng theo hướng: từ sự ttả thù cá nhân nhằm vào nhân thân của người gây thiệt hại do người thiệt hại và những người thân của họ áp dụng.

Phựơng thức này được chuyển dần sang hình thức nộp phạt cho người bị thiệt hại, do người bị thiệt hại quy định (cưỡng chế cá nhân) đến phạt tiền bồi thường thiệt hại do các pháp quan thay mặt nhà nước quy định được áp dụng theo trình tự tố tụng.

Mức độ và cách thức bồi thường cũng được quy định rất khác nhau từ phương thức “máu trả máu, mắt trả mắt” đến hình thức phạt tiền theo một tiêu chí chung do pháp luật quy định.

Hình thức bồi thường thiệt hại

Các bộ luật cổ của Việt Nam cũng quy định về trách nhiệm dân sự theo hình thức tương tự nhưng không quy định riêng về trách nhiệm dân sự.

Trong các quy định của luật cổ, quy định về hình phạt của hình sự và phạt mang tính chất dân sự theo hướng có lọi cho người bị thiệt hại như một khoản bồi thường. Mức độ bồi thường còn phụ thuộc vào nhân thân người bị thiệt hại.

Theo Điều 29 Bộ luật Hồng Đức thì tiền đền mạng được ấn định tuỳ theo phẩm trật của kẻ bị chết như sau: nhất phẩm, tòng nhất phẩm được đền 15.000 quan; nhị phẩm, tòng nhị phẩm 9.000 quan; tam phẩm, tòng tam phẩm 7.000 quan;

Tứ phẩm, tòng tứ phẩm 5.000 quan, ngũ phẩm, tòng ngũ phẩm 2.000 quan, lục phẩm, tòng lục phẩm 1.000 quan; thất phẩm, tòng thất phẩm 500 quan; bát phẩm đến cửu phẩm 300 quan, thứ nhân trở xuống 150 quan.

Trong Trường hợp đánh người gây thương tích thì người phạm tội ngoài hình phạt bị đánh roi còn phải bồi thường cho nạn nhân theo mức đã được quy định trong Điều 466 Bộ luật Hồng Đức như sau: 

“Sung phù thì phải đền tiền thương ton 3 tiền, chảy máu thì phải 1 quan, gãy một ngón tay, một răng thì đền 10 quan, đâm chém bị thương thì 15 quan. Đọa thai chưa thành hình thì 30 quan, đã thành hình thì 50 quan, gãy một chân một tay, mù một mắt thì 50 quan, đứt lưỡi và hỏng âm, dương vật thì đền 100 quan, về người quyền quý phải xử khác”.

Riêng trong Bộ luật Gia Long, tiền bồi thường không được đề cập. Trong Bộ luật Gia Long chỉ có Điều 201 quy định về tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân trong trường hợp phạm tội giết người, phạm nhân bị phạm tội chiếu theo điều luật cố ý đả thương nhân thương chí tử nhưng cho chuộc tội.

Tiền chuộc thì giao cho gia đình nạn nhân để lo việc chôn cất. Nếu phạm nhân bị phạt tội giảo thì số tiền chuộc là 12 lạng bạc. Đối với người điên giết người số tiền này cũng như vậy.

Nếu kẻ giết người được ân xá, y phải trả cho gia đình nạn nhân 20 lạng bạc. Nếu nghèo túng thì chỉ phải trả nửa số tiền ấy.

Đối với trường hợp gây thương tích, Điều 271 Bộ luật Gia Long cũng quy định tỉ mỉ các hình phạt tuỳ theo thương tích từ nhẹ đến nặng nhưng đó là những chế tài về hình sự mà không đề cập bồi thường như trong Điều 466 Bộ luật Hồng Đức.

Điều 271 Bộ luật Gia Long dự liệu bồi thường trong các trường hợp nặng nhất như hỏng mắt, gãy taỳ chân, làm hỏng bộ phận trong cơ thể… thì ngoài hình phạt lưu 300 lí, 100 trượng thì 1/2 tài sản kẻ phạm tội được đền cho nạn nhân để nuôi thân.

Bước phát triển tiếp theo của chế định bồi thường thiệt hại đánh dấu sự can thiệp mạnh mẽ hơn của Nhà nước bằng cách dự liệu những chế tài về hình sự để trừng phạt những kẻ nào xâm phạm đến tài sản và nhân thân kẻ khác.

Ngoài việc phải chịu hình phạt, kẻ phạm tội còn phải bồi thường cho nạn nhân những thiệt hại mà họ đã gây ra. Vì mang tính chất hình phạt nên số tiền bồi thường được ấn định gấp đôi, gấp ba, gấp bốn lần thiệt hại thực tế đã gây ra.

bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì?

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:

+ Là loại trách nhiệm dân sự phát sinh bên ngoài, không phụ thuộc hợp đồng mà chỉ cần tồn tại một hành vi vi phạm pháp luật dân sự, cố ý hay vô ý gây thiệt hại cho người khác và hành vi này cũng không liên quan đến bất cứ một hợp đồng nào có thể có giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại.

+ Thiệt hại không chỉ là nền tảng cơ bản mà còn là điều kiện bắt buộc của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trường hợp bên bị vi phạm được quyền yêu cầu bên vi phạm bồi thường những thiệt hại xảy ra không phải do vi phạm các nghĩa vụ trong hợp đồng. Theo Bộ luật dân sự 2015, điều kiện xảy ra bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là:

– Có thiệt hại thực tế xảy ra (thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp)

– Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật (xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác)

– Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra

Ngoài ra, khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cần quan tâm đến yếu tố lỗi các bên. Lỗi của người vi phạm là là một trong những điều kiện có thể làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt thiệt hại chứ không phải là yếu tố bắt buộc. Theo Bộ luật dân sự 2015:

“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

  1. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
  2. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Như vậy, trong một số trường hợp người chịu trách nhiệm bồi thường phải bồi thường thiệt hại xảy ra không phải do lỗi của mình, ví dụ trong một số trường hợp phải bồi thường thiệt hại do súc vật hoặc cây cối gây ra.

Xác định mức thiệt hại phải bồi thường

Thiệt hại do tài sản, sức khoẻ, danh dự nhân phẩm, mồ mả…có những căn cứ riêng để xác định mức thiệt hại

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Người chịu trách nhiệm bồi thường phải đền bù những khoản sau đây:

– Giá trị tài sản bị mất, bị hủy hoặc bị hư hỏng

– Giá trị phần lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút do hành vi gây thiệt hại

– Chị phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại

– Một số thiệt hại khác được pháp luât quy định riêng (nếu có)

Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

Người có hành vi xâm phạm đến sức khỏe của người khác phải bồi thường những khoản sau đây:

– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ

– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại hoặc mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được

– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị

– Chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và phải có người thường xuyên chăm sóc

– Khoản bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại gánh chịu theo thỏa thuận hoặc không quá năm mươi lần mức lương cơ sở

– Một số thiệt hại khác được pháp luât quy định riêng (nếu có).

Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

Người xâm phạm đến tính mạng người khác phải có trách nhiệm bồi thường các chi phí sau đây:

– Tất cả chi phí bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như trên phần 2.2 bài viết

– Chi phí hợp lý do việc mai táng

– Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng (VD: con chưa thành niên của người bị chết)

– Mức bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại theo thỏa thuận hoặc không quá 100 lần mức lương cơ sở. Nếu không có người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất (bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết) thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này

– Một số thiệt hại khác được pháp luât quy định riêng (nếu có).

Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

Bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm các khoản chi phí sau:

– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại

– Thu nhập thực tế bị gảm sút của người bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín

– Mức bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị xâm phạm phải gánh chịu theo thỏa thuận hoặc không quá 10 lần mức lương cơ sở

– Một số thiệt hại khác được pháp luât quy định riêng (nếu có).

Thiệt hại do thi thể bị xâm phạm

Người có hành vi xâm phạm đến thi thể thì phải chịu bồi thường các chi phí sau đây:

– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại

– Mức bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết theo thỏa thuận hoặc không quá 30 lần mức lương cơ sở với mỗi thi thể bị xâm phạm. Nếu không có người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này.

Thiệt hại do mồ mả bị xâm phạm

Người có hành vi xâm phạm đến mồ mả thì phải chịu bồi thường các chi phí sau đây:

– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại

– Mức bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết theo thỏa thuận hoặc không quá 10 lần mức lương cơ sở. Nếu không có người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này.

Trên đây là những nội dung tư vấn mà Luật Trần và Liên Danh muốn cung cấp đến quý khách hàng về nội dung liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ qua Hotline để được hỗ trợ.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139