Năng lực pháp luật và năng lực hành vi pháp luật

Năng lực pháp luật và năng lực hành vi pháp luật

Bài viết dưới đây sẽ là rõ về khái niệm chủ thể của quan hệ pháp luật là gì? phân tích và làm rõ các chủ thể quan hệ pháp luật như: Năng lực pháp luật và năng lực hành vi pháp luật của cá nhân; Pháp nhân theo quy định pháp luật Việt Nam.

Chủ thể quan hệ pháp luật là gì?

Cá nhân hay tổ chức có năng lực pháp luật và năng lực hành vi pháp luật, tham gia vào các quan hệ pháp luật, có quyền và nghĩa vụ pháp lí nhất định.

Nói một cách chung nhất, cá nhân, tổ chức có thể là chủ thể quan hệ pháp luật, nhưng đi vào cụ thể thì có sự phân biệt giữa cá nhân và tổ chức với tư cách là chủ thể của quan hệ pháp luật.

Cá nhân có thể là công dân, người nước ngoài, người không quốc tịch. Với tư cách là công dân, cá nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật ở những mức đô khác nhau. Mọi cá nhân – công dân từ khi sinh ra được pháp luật công nhận là có năng lực pháp luật, khả năng có quyển và có nghĩa vụ pháp lí. Cá nhân công dân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Cá nhân – công dân từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, tham gia các quan hệ pháp luật, xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi. Cá nhân – công dân từ khi sinh ra đến chưa đủ 6 tuổi chỉ có năng lực pháp luật mà chưa có năng lực hành vi dân sự, mọi giao dịch dân sự đều phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện. Cá nhân – công dân mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự cũng là chủ thể quan hệ pháp luật hạn chế theo quy định của pháp luật.

Tổ chức chỉ khi là pháp nhân mới là chủ thể đầy đủ của quan hệ pháp luật, các tổ chức khác phụ thuộc vào tư cách pháp lí khác nhau, cũng có thể là chủ thể của các quan hệ pháp luật, nhưng ở phạm vi nhất định.

Người nước ngoài, người không quốc tịch đều là chủ thể quan hệ pháp luật, trừ những quan hệ pháp luật mà chỉ công dân mới được thực hiện.

Năng lực pháp luật và năng lực hành vi pháp luật của cá nhân

Năng lực hành vi dân sự

Theo quy định tại điều 19 Bộ luật Dân sự 2015, năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

Ví dụ: Khi đủ 18 tuổi, con gái có quyền đăng ký kết hôn

Điều 19 Bộ luật Dân sự 2015 quy định năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo đó tùy theo từng điều kiện, năng lực hành vi dân sự của mỗi cá nhân là khác nhau.

=> Việc đăng ký kết hôn thể hiện năng lực hành vi dân sự.

Năng lực pháp luật dân sự

Điều 16 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự”

Có nghĩa là, Nhà nước công nhận và trao cho cá nhân quyền cũng như nghĩa vụ dân sự.

Đây là tiền đề, điều kiện cần thiết để công dân có quyền, có nghĩa vụ; là thành phần không thể thiếu được của cá nhân với tư cách chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, là một mặt của năng lực chủ thể.

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.

Ví dụ: Con người ngay từ khi sinh ra đã có quyền được khai sinh, có họ tên.

Pháp nhân theo quy định pháp luật Việt Nam

Theo điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, một tổ chức, tạp thể được công nhận là có tư cách pháp nhân khi đạt đủ 4 điều kiện sau:

– Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

– Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

– Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

– Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Năng lực pháp luật và năng lực hành vi pháp luật
năng lực pháp luật và năng lực hành vi pháp luật

Các điều kiện để một tổ chức trở thành pháp nhân

a) Pháp nhân là một chủ thể pháp luật được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam

Theo như định nghĩa pháp nhân là gì, ta thấy rõ ràng pháp nhân không phải một cá nhân mà nhất định phải là một tổ chức. Tổ chức này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập. Vì thế tổ chức sẽ được công nhận là có tư cách pháp nhân kể từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp và phải đạt được một số điều kiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Tổ chức có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình

Tổ chức muốn có tư cách pháp nhân bắt buộc phải có tài sản độc lập. Có tài sản độc lập thì mới có thể tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình đối với các giao dịch, quyền và nghĩa vụ mà tổ chức xác lập.

Trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân dù được thành lập hợp pháp là công ty tư nhân. Vì tài sản của doanh nghiệp tư nhân không tách biệt với tài sản cá nhân – chủ doanh nghiệp tư nhân đó vì thế mà không có tư cách pháp nhân. Trong khi công ty TNHH, công ty cổ phần đều có phần tài sản độc lập để chịu trách nhiệm trước pháp luật nên vì thế mà có tư cách pháp nhân.

Tổ chức phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ

Theo điều 83 Bộ luật dân sự 2015, pháp nhân phải là một tổ chức có cơ cấu quản lý chặt chẽ:

Pháp nhân sẽ phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.

Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.

Như vậy một tổ chức muốn trở thành pháp nhân sẽ phải có điều lệ công ty hoặc quyết định thành lập pháp nhân. Trong điều lệ và quyết định thành lập phải quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành.

– Điều lệ của pháp nhân do các sáng lập viên hoặc đại hội thành viên xây dựng và thống nhất thông qua.

– Pháp nhân có con dấu riêng do người đại diện của tổ chức quản lý và sử dụng.

– Pháp nhân phải có cơ quan điều hành bao gồm các bộ phận, phòng ban được phân chia cụ thể.

– Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng bộ phận, phòng ban được quy định rõ ràng trong điều lệ hoặc trong quyết định thành lập.

– Nếu pháp nhân được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì điều lệ do cơ quan nhà nước đã thành lập.

Tổ chức có thể nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập

– Tổ chức có thể nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập là một trong những điều kiện quan trọng để có tư cách pháp nhân.

– Pháp nhân có quyền nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật thông qua người đại diện theo pháp luật.

– Vì pháp nhân là một tổ chức độc lập, được quyền giao dịch, xác lập quyền và nghĩa vụ nên bắt buộc nó có thể tự nhân danh chính mình.

Trong trường hợp người đại diện theo pháp luật bị bỏ tù, bị bắt giam, bị chết hoặc không còn khả năng đại diện nữa thì pháp nhân đó có quyền bầu ra người đại diện theo pháp luật mới để tiếp tục hoạt động. Điều đó cho thấy tư cách pháp nhân không phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân nào.

Công dân, người nước ngoài, người không quốc tịch

Công dân Việt Nam

Theo Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2014 Người có quốc tịch Việt Nam

“1. Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày Luật này có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam.

Chính phủ quy định chi tiết khoản này.”

Người nước ngoài

Theo quy định tại Điều 3, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2014

“1. Quốc tịch nước ngoài là quốc tịch của một nước khác không phải là quốc tịch Việt Nam.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam là công dân nước ngoài và người không quốc tịch thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam.”

Và theo quy định tại Điều 5, Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, Quan hệ giữa Nhà nước và công dân

Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 13, Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Người không quốc tịch

Theo công ước về vị thế của người không quốc tịch, 1954 (Được thông qua tại Hội nghị các Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên Hợp Quốc ngày 28/9/1954, tổ chức theo Nghị quyết 526(XVII) ngày 26/5/1954 của Hội đồng Kinh tế – Xã hội. Có hiệu lực từ ngày 6/6/1960 theo điều 39) quy định:

“Người không quốc tịch” có nghĩa là người không được coi là công dân của bất kỳ quốc gia nào theo pháp luật hiện hành của quốc gia đó.

Công ước này không áp dụng:

(i) Đối với những người hiện đang được các cơ quan hay tổ chức của Liên Hợp Quốc, ngoài Cao uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn, bảo vệ hoặc trợ giúp, chừng nào họ vẫn còn nhận được sự bảo vệ hay trợ giúp đó;

(ii) Đối với những người được các cơ quan có thẩm quyền của nước mà họ cư trú công nhận có các quyền và nghĩa vụ gắn với việc có quốc tịch ở nước đó;

(iii) Đối với những người mà có nhiều lý do nghiêm trọng liên quan đến họ cho thấy rằng:

(a) Họ đã phạm tội chống hoà bình, tội ác chiến tranh hay tội ác chống nhân loại, như đã được định nghĩa trong các văn kiện quốc tế được soạn thảo về các tội ác này;

(b) Họ đã phạm một tội phi chính trị nghiêm trọng ở bên ngoài nước họ cư trú trước khi được phép vào nước đó;

(c) Họ đã phạm tội vì những hành vi đi ngược lại những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc.

Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về chủ thể của quan hệ pháp luật. Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139