Sự kiện pháp lý là gì? Sự kiện pháp lý phải là một sự kiện có thật trong thực tế, nhưng một sự kiện có thật chỉ có thể trở thành sự kiện pháp lí khi được pháp luật quy định mà trở thành cơ sở làm nảy sinh quan hệ pháp luật.
Khái niệm sự kiện pháp lý
Sự kiện pháp lý là sự việc nảy sinh trong cuộc sống dưới dạng một hành vi của con người hoặc một sự cố tự nhiên được pháp luật gắn với việc làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt một quan hệ pháp luật nhất định như việc li hôn một cặp vợ chồng đưa đến việc chia tài sản và giao con cho một người nuôi hoặc sự cố bão lụt làm sập cầu làm ách tắc ô tô vận tải không thể vận chuyển đưa hàng đến đúng giờ theo hợp đồng đã kí kết.
Sự kiện pháp lí phải là một sự kiện có thật trong thực tế, nhưng một sự kiện có thật chỉ có thể trở thành sự kiện pháp lí khi được pháp luật quy định mà trở thành cơ sở làm nảy sinh quan hệ pháp luật.
Sự kiện pháp lí là một khái niệm pháp lí đa dạng có thể phân loại ở nhiều cấp độ khác nhau. Ở cấp độ chung nhất, sự kiện pháp lí được phân thành hành vi và sự cố.
Hành vi là sự kiện gắn liền với con người, nảy sinh do ý chí của con người. Dấu hiệu tiêu biểu của hành vi là biểu thị ý chí của con người – chủ thể của quan hệ pháp luật như là đơn khiếu tố, mệnh lệnh, hợp đồng, còn sự cố là một sự biến, một hiện tượng tự nhiên, hoàn toàn độc lập với con người nhưng vẫn làm phát sinh các quan hệ pháp luật như hạn hán, bão lụt hoặc thiên tai nói chung.
Tuy nhiên, hành vi lại có thể phân loại thành hành động và không hành động. Hành động là hành vi, cách xử sự tích cực, chủ động như sự việc một người đi đường gặp một người bị tai nạn đã dừng xe, đưa người bị tai nạn lên xe và đưa đi cấp cứu là hành vi hành động và cũng người đó nhưng khi gặp người bị tai nạn lại phất lờ, bỏ qua, phóng xe đi thẳng, đó là một trường hợp không hành động trong việc cứu người, vi phạm vào điều cấm và làm phát sinh quan hệ pháp luật hình sự theo Điều 102 Bộ Luật hình sự.
Xét theo tiêu chí tính hợp pháp thì hành vi (kể cả hành động và không hành động) lại có thể phân loại thành hành vi hợp pháp và hành vi bất hợp pháp. Hành vi hợp pháp hay hành vi không hợp pháp đều có thể phân loại thành hành vi (hợp pháp hoặc hợp pháp) hình sự, dân sự, lao động. hành chính… Thông thường, một sự kiện pháp lí có thể làm phát sinh một quan hệ pháp luật như sự kiện kí kết hợp đồng làm phát sinh quan hệ hợp đồng, nhưng trong một số trường hợp.
Để một quan hệ pháp luật có thể xuất hiện phải cần đến một loạt sự kiện pháp Ií, chẳng hạn, để nhận được lương hưu cần đến một số sự kiện pháp lí, như phải đạt đến một tuổi đời nhất định như nam – 60 tuổi, nữ 55 tuổi, tuổi về hưu – năm công tác 30 năm, nữ 25 năm; đơn xin hưởng lương hưu, quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội và có thể một sự kiện khác.
Trong trường hợp này, các sự kiện pháp lí tập hợp lại thành một tập hợp sự khăng khít với nhau. Nhưng trong một số trường hợp, khoa học pháp lí và cả trong thực tiễn tư pháp lại chấp nhận trường hợp giả định mà theo thuật ngữ chuyên môn gọi là “suy đoán” như suy đoán vô tội được vận dụng rộng rãi trong khoa học và thực tiễn tố tụng hình sự.
Đặc điểm của sự kiện pháp lý
Một sự việc chỉ được coi là sự kiện pháp lý khi nó có những đặc điểm sau:
– Sự kiện phải được thể hiện trên thực tế dưới dạng hành vi hoặc những sự kiện nằm ngoài ý chí của con người nhưng để lại hậu quả thực tiễn với các chủ thể tham gia quan hệ đó.
– Sự kiện đó được đề cập trong phần giả định của các quy phạm pháp luật và khi nó xảy ra thì sẽ làm cho quy tắc xử sự nêu trong phần quy định của quy phạm phát sinh hiệu lực.
– Khi sự kiện đó xảy ra thì sẽ gây ra những hậu quả pháp lý nhất định, tức là làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật.
Ví dụ: Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam quy định nam, nữ đủ tuổi kết hôn phải làm thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Đây là sự kiện pháp lý vì nó làm phát sinh quan hệ hôn nhân giữa các chủ thể.
Phân loại sự kiện pháp lý
Sự kiện pháp lý có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau dựa vào các tiêu chí phân loại khác nhau. Cụ thể:
Căn cứ vào vào mối liên hệ giữa sự kiện thực tế xảy ra với ý chí của thể tham gia quan hệ pháp luật:
Sự kiện pháp lý được chia thành hai loại: sự biến và hành vi.
– Sự biến
Là những sự kiện pháp lí xảy ra và hậu quả của nó nằm ngoài ý chí của chủ thể quan hệ pháp luật. Đó là những hiện tượng tự nhiên như thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh, sinh tử,… mà sự xuất hiện của chúng đã làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, sự biến còn phải gắn liền với đời sống con người và dẫn tới hậu quả pháp lý mới được coi là sự biến. Những hiện tượng tự nhiên như thiên tai, bão lũ xảy ra ở nơi hoang vắng không có người ở, thì chỉ là sự kiện thông thường, không được coi là sự kiện pháp lý. Những hiện tượng tự nhiên như mưa, gió, nhật thực, nguyệt thực, hoa quả đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân,….cũng không phải là sự kiện pháp lí vì chúng là quá trình phát triển thông thường của tự nhiên, không gắn với cuộc sống của con người và không dẫn tới hậu quả pháp lý nào.
Sự biến pháp lý bao gồm hai loại là sự biến tuyệt đối và sự biến tương đối.
+ Sự biến tuyệt đối là sự kiện vốn là kết quả của một hiện tượng tự nhiên nhưng làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật.
+ Sự biến tương đối là sự kiện vốn là kết quả của một sự việc hoặc hành vi xảy ra trong thực tế nhưng làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật.
– Hành vi
Là sự kiện pháp lí xảy ra do ý chí của chủ thể quan hệ pháp luật, được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động.
Tuy nhiên, hành vi đó phải do chính chủ thể có đầy đủ nhận thức thực hiện dẫn tới các hậu quả pháp lý theo quy định của pháp luật. Ngược lại, hành vi do những người mất khả năng nhận thức, hạn chế về nhận thức thực hiện không được coi là sự kiện pháp lý mà chỉ lá sự biến pháp lý do họ không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình nên họ không thể chịu trách nhiệm pháp lý cho những hậu quả do hành vi của mình gây ra.
Căn cứ vào hậu quả pháp lý:
Sự kiện pháp lý được chia thành ba loại:
– Sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật
VD: Việc kết hôn dẫn đến hình thành quan hệ hôn nhân.
– Sự kiện pháp lý làm thay đổi quan hệ pháp luật
VD: Việc sáp nhập doanh nghiệp A và doanh nghiệp Bcó thể làm thay đổi chủ thể và cả một số nội dung của quan hệ hợp đồng còn dang dở mà bên A đã ký kết và đã chuyển giao cho B tiếp tục thực hiện.
– Sự kiện pháp lý làm chấm dứt quan hệ pháp luật
VD: Sự kiện người chết làm chấm dứt quan hệ hôn nhân gia đình, quan hệ xã hội, quan hệ lao động,… của công dân đó với nhà nước và xã hội.
Tuy nhiên, cách phân loại này chỉ có tính chất tương đối vì cùng một sự kiện pháp lý có thể làm phát sinh quan hệ pháp luật này nhưng lại làm thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật khác.
VD: Sự kiện người chết làm chấm dứt các quan hệ pháp luật của công dân nhưng đồng thời cũng làm phát sinh quan hệ thừa kế.
Căn cứ vào số lượng sự kiện thực tế tạo thành sự kiện pháp lý:
Sự kiện pháp lý gồm hai loại: sự kiện pháp lý đơn nhất và sự kiện pháp lý phức hợp.
– Sự kiện pháp lý đơn nhất
Là sự kiện chỉ bao gồm một sự kiện thực tế mà pháp luật gắn sự kiện thực tế này với việc làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật.
Ví dụ: A đưa xe vào bãi giữ xe và nhận vé giữ xe, đó là một sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hợp đồng gửi giữ giữa A với người giữ xe và là sự kiện pháp lý đơn nhất.
– Sự kiện pháp lý phức hợp
Là sự kiện bao gồm nhiều sự kiện thực tế mà nếu thiếu đi một trong các sự kiện cấu thành tập hợp đó thì quan hệ pháp luật không thể phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt.
Ví dụ: Quan hệ nghỉ hưu của người lao động chỉ phát sinh khi họ có đủ các điều kiện về độ tuổi, số năm đóng bảo hiểm và quyết định cho nghỉ hưu của chủ thể có thẩm quyền…
Ý nghĩa của sự kiện pháp lý
Sự kiện pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật vì nó làm phát sinh, thay đổi và chấm dứt quan hệ pháp luật, từ đó giúp cơ quan nhà nước có căn cứ để xác định nguồn luật điều chỉnh nhằm quản lý, giải quyết các vấn đề giữa các chủ thể trong quan hệ pháp luật được thuận lợi, dễ dàng hơn.
Ngoài ra, sự kiện pháp lý còn là cơ sở để xây dựng pháp luật vì bản chất sự việc pháp lý là những sự kiện thông thường diễn ra trên thực tế mà pháp luật lại được sinh ra thực tiễn đời sống xã hội, gắn liền với xã hội. Vì vậy, khi xây dựng pháp luật, các nhà làm luật cần nắm chắc sự kiện pháp lý để xây dựng những quy định pháp luật phù hợp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cá thể trong xã hội.
Phân biệt sự kiện pháp lý và sự kiện thông thường
Một số tiêu chí để phân biệt sự kiện pháp lý và sự kiện thông thường:
– Khái niệm
Sự kiện pháp lý là những điều kiện, hoàn cảnh, tình huống được dự kiến trong quy phạm pháp pháp luật gắn với việc phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quan hệ pháp luật cụ thể khi chúng diễn ra trong thự tế đời sống
Sự kiện thường là những điều kiện, hoàn cảnh, tình huống xảy ra trong đời sống không làm phát sinh những hậu quả pháp lý nhất định
– Bản chất
Sự kiện pháp lý chỉ những sự kiện gây ra những hậu quả pháp lý nhất định cho chủ thể tham gia quan hệ pháp luật mới là sự kiện pháp lý
Sự kiện thường không làm phát sinh những hậu quả pháp lý.
– Sự điều chỉnh
Sự kiện pháp lý phải do pháp luật điều chỉnh và có quy định cụ thể
Sự kiện thông thường không được pháp luật điều chỉnh. Thay vào đó chúng được điều chỉnh bởi đạo đức, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa,…
– Đối tượng điều chỉnh
Sự kiện phápl à các quan hệ pháp luật
Sự kiện thường là các quan hệ xã hội thông thường diễn ra trong cuộc sống thường ngày.
– Ví dụ
Sự kiện pháp lý: Đăng ký kết hôn, lập di chúc, lập hợp đồng…
Sự kiện thường: Đi học, 2 người yêu nhau, 2 người chia tay, lì xì trong ngày Tết,…
Trên đây là bài viết tham khảo của công ty luật Trần và Liên Danh về sự kiện pháp lý là gì? Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ các vấn đề khác lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7 để được tư vấn tốt nhất.