Gậy ba khúc có phải là công cụ hỗ trợ không? Sử dụng gậy 3 khúc để tự vệ có bị xử phạt vi phạm hành chính không?
Gậy 3 khúc có phải là công cụ hỗ trợ không?
Hiện nay pháp luật vẫn chưa có khái niệm cụ thể như thế nào là gậy 3 khúc.
Tuy nhiên, xét theo cấu tạo, chức năng, cách sử dụng, khả năng gây sát thương cho người khác thì loại dụng cụ này được xét vào nhóm dùi cui kim loại (trừ sản phẩm được làm bằng gỗ hay cao su).
Theo đó, tại khoản 11 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 có quy định:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp, bao gồm:
a) Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này;
b) Phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;
c) Lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ;
d) Dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh;
đ) Động vật nghiệp vụ là động vật được huấn luyện để sử dụng cho yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;
…
Như vậy, có thể thấy, gậy 3 khúc là công cụ hỗ trợ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp.
Sử dụng gậy 3 khúc để tự vệ có bị xử phạt vi phạm hành chính không?
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ
Cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.
Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ.
…
Đồng thời, căn cứ khoản 4 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm
…
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ;
b) Chiếm đoạt vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ;
…
Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm d và đ khoản 1; các điểm a, b, c, e và g khoản 2; các điểm a, c, d, đ, e, h, i và k khoản 3; các điểm a, b, c, d, đ, e, h và i khoản 4 và khoản 5 Điều này;
…
Biện pháp khắc phục hậu quả:
…
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm b và c khoản 2; các điểm a, b, c, d, đ, e và k khoản 3; các điểm a, c, d, e và i khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều này;
…
Và khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
…
Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
…
Theo đó, pháp luật nghiêm cấm đối với hành vi sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ. Vì vậy, việc sử dụng gậy 3 khúc để tự vệ là trái với quy định.
Người có hành vi sử dụng gậy 3 khúc để tự vệ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Đồng thời, còn phải thực hiện hình thức xử phạt bổ sung đó là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng gậy 3 khúc để tự vệ là bao lâu?
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình là 01 năm.
Thời điểm để tính thời hiệu phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;
b) Đối với hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;
c) Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính chuyển đến thì thời hiệu xử phạt được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này và các điểm a và b khoản này tính đến thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Như vậy, theo quy định, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng gậy 3 khúc để tự vệ là 01 năm.
Yêu cầu chung đối với kho bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận thu gom là gì?
Theo Mục 2.1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 11:2018/BQP có nêu như sau:
Yêu cầu chung
2.1.1 Kho bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom được xây mới, cải tạo hoặc sửa chữa phải thực hiện theo Quy chuẩn này.
2.1.2 Khi thiết kế, xây dựng, kiểm tra, sửa chữa hệ thống chống sét nhà kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom có tính chất cháy nổ phải thực hiện theo QCVN 07:2017/BQP; nhà kho vũ khí, vật liệu và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom không có tính chất cháy nổ phải thực hiện theo Tiêu chuẩn TCVN 9385:2012.
2.1.3 Khi xây mới, cải tạo hoặc sửa chữa kho bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ phải thực hiện theo quy định về an toàn xây dựng công trình tại Điều 2 của QCVN 18:2014/BXD.
2.1.4 Vật liệu để xây dựng nhà kho là vật liệu không cháy, không thấp hơn bậc 1 chịu lửa theo quy định tại Phụ lục B QCVN 06:2010/BXD.
Như vậy, một số yêu cầu chung đối với kho bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận thu gom như sau:
– Kho bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom được xây mới, cải tạo hoặc sửa chữa phải thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 11:2018/BQP.
– Khi thiết kế, xây dựng, kiểm tra, sửa chữa hệ thống chống sét nhà kho có tính chất cháy nổ phải thực hiện theo QCVN 07:2017/BQP, nhà kho không có tính chất cháy nổ phải thực hiện theo Tiêu chuẩn TCVN 9385:2012.
– Khi xây mới, cải tạo hoặc sửa chữa kho phải thực hiện theo quy định về an toàn xây dựng công trình tại Điều 2 QCVN 18:2014/BXD.
– Vật liệu để xây dựng nhà kho là vật liệu không cháy, không thấp hơn bậc 1 chịu lửa theo quy định tại Phụ lục B QCVN 06:2010/BXD.
Địa điểm xây dựng kho bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom phải tuân thủ những gì?
Tại Mục 2.2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 11:2018/BQP có quy định về địa điểm xây dựng kho như sau:
Yêu cầu về địa điểm xây dựng kho
2.2.1 Địa điểm xây dựng kho bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải nằm trong khu kỹ thuật kho vũ khí, đạn cấp chiến dịch, chiến thuật hoặc tương đương.
2.2.2 Phải là nơi có địa chất ổn định, không bị lũ lụt, lũ quét; có đủ diện tích mặt bằng để quy hoạch xây dựng nhà kho và các công trình phụ trợ; phải có đường ra vào để thuận tiện khi cấp phát, tiếp nhận hàng, cứu hộ, cứu nạn. Trường hợp kho xây gần chân đồi, núi phải khảo sát đánh giá nguy cơ trượt lở, quan trắc và cảnh báo khối trượt lở, phải có biện pháp chống và giảm thiểu nguy cơ trượt lở đất đá gây mất an toàn cho nhà kho và các vật phẩm cất giữ trong nhà kho.
2.2.3 Phải xa các khu dân cư, công trình quân sự và dân sự, bảo đảm quy định khoảng cách an toàn từ nhà kho bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom có tính chất cháy nổ đến các nhà kho, công trình khác cần bảo vệ được quy định tại Phụ lục A Quy chuẩn này.
Với nhà kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom có tính chất cháy nổ phải được bố trí ở địa điểm an toàn trong khu kỹ thuật, nơi không ảnh hưởng đến các công trình xung quanh và cách tường rào trong cùng của khu kỹ thuật của kho vũ khí, đạn cấp chiến dịch, chiến thuật hoặc tương đương không nhỏ hơn 55 m. Trường hợp nhà kho xây gần nhà kho vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ khác trên một trục đường phải bố trí các nhà kho có vị trí so le với nhau.
2.2.4 Khi xây dựng nhà kho với địa hình cho phép phải xác định hướng nhà kho sao cho trục dọc theo chiều dài nhà kho gần với trục Đông – Tây nhất để giảm tối đa tác động của ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào nhà kho và tận dụng hướng gió chủ đạo thông gió tự nhiên cho nhà kho.
Theo đó, về địa điểm xây dựng kho phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải nằm trong khu kỹ thuật kho vũ khí, đạn cấp chiến dịch, chiến thuật hoặc tương đương.
Phải là nơi có địa chất ổn định, không bị lũ lụt, lũ quét; có đủ diện tích mặt bằng để quy hoạch xây dựng nhà kho và các công trình phụ trợ; phải có đường ra vào để thuận tiện khi cấp phát, tiếp nhận hàng, cứu hộ, cứu nạn.
* Lưu ý: Trường hợp kho xây gần chân đồi, núi phải khảo sát đánh giá nguy cơ trượt lở, quan trắc và cảnh báo khối trượt lở, phải có biện pháp chống và giảm thiểu nguy cơ trượt lở đất đá gây mất an toàn cho nhà kho và các vật phẩm cất giữ trong nhà kho.
Diện tích nhà kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom theo quy định tối thiểu là bao nhiêu mét vuông?
Theo Mục 2.3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 11:2018/BQP, yêu cầu về diện tích và khối lượng được phép cất giữ ở một nhà kho như sau:
* Yêu cầu về diện tích và khối lượng được phép cất giữ ở một nhà kho
(1) Yêu cầu về diện tích nhà kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom có tính chất cháy nổ
– Nhà kho phải có 3 buồng độc lập với nhau, gồm:
+ Buồng cất giữ vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom có tính nhạy nổ do va đập, ma sát, nhạy bắt lửa, độ nguy hiểm cao;
+ Buồng cất giữ vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom có tính chất cháy nổ khác;
+ Buồng cất giữ vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom dễ bắt lửa, đạn khói dễ tự bốc cháy.
– Mỗi buồng có diện tích sử dụng không nhỏ hơn là 15 m2 và nhà kho có diện tích không lớn hơn 100 m2;
– Mặt bằng nhà kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom có tính chất cháy nổ quy định tại Phụ lục B Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 11:2018/BQP, Phụ lục B-1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 11:2018/BQP.
(2) Yêu cầu về diện tích nhà kho vũ khí, vật liệu và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom không có tính chất cháy nổ
– Diện tích nhà kho không lớn hơn 100 m2;
– Mặt bằng nhà kho vũ khí, vật liệu và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom không có tính chất cháy nổ quy định tại Phụ lục C, Phụ lục C-1 Quy chuẩn này.
(3) Yêu cầu về khối lượng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom có tính chất cháy nổ được phép cất giữ trong một nhà kho (tính theo đương lượng TNT) được quy định như sau:
– Cất giữ đạn, mìn, lựu đạn có đương lượng TNT không quá 20 tấn;
– Cất giữ thuốc nổ, thuốc phóng, liều phóng có đương lượng TNT không quá 35 tấn;
– Cất giữ ống nổ, trạm truyền nổ, bộ lửa có đương lượng TNT không quá 500.000 cái;
Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về thắc mắc gậy ba khúc có phải là công cụ hỗ trợ không? Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.