Mua bán nhà đất là một trong những giao dịch có giá trị tài sản lớn vì vậy các thủ tục mua bán diễn ra khá phức tạp và cần chuẩn bị nhiều giấy tờ để thực hiện giao dịch. Đối với những người không có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản chắc hẳn sẽ gặp không ít khó khăn khi chuẩn bị giấy tờ. Bài viết dưới đây Chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn những thủ tục công chứng mua bán nhà đất cần phải thực hiện để đảm bảo tính hợp pháp và giá trị của hợp đồng mua bán nhà đất, tham khảo ngay nhé!
Khái niệm công chứng
Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc do cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Công chứng là chứng nhận tính xác thực của hợp đồng được giao kết và các giấy tờ từ bản gốc được xác lập trong quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại và quan hệ xã hội khác.
Theo khoản 1 Điều 2 Luật công chứng 2014, Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận:
+ Tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch);
+ Tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch).
Mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Đặc điểm, ý nghĩa của công chứng
Công chứng có các đặc điểm
– Công chứng là một hoạt động do công chứng viên thực hiện theo quy định của pháp luật.
– Người yêu cầu công chứng có thể là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc là cá nhân, tổ chức nước ngoài có yêu cầu thực hiện công chứng các hợp đồng, các giao dịch hoặc các bản dịch.
– Nội dung của việc công chứng là để xác định tính hợp pháp của các hợp đồng, của các giao dịch dân sự. Xác nhận tính chính xác, tính hợp pháp và không trái với đạo đức xã hội của các bản dịch giấy tờ, của các văn bản.
– Có hai loại giao dịch được công chứng hiện nay là các loại hợp đồng giao dịch bắt buộc phải thực hiện công chứng theo quy định của pháp luật và những hợp đồng giao dịch do tổ chức, do cá nhân tự nguyện yêu cầu việc công chứng.
Ý nghĩa của việc công chứng
Theo quy định của pháp luật, có một số loại hợp đồng, giao dịch bắt buộc phải công chứng. Trong các trường hợp các bên không thực hiện công chứng, hợp đồng đó được coi là vô hiệu và không có giá trị pháp lý. Thông thường, các giao dịch liên quan đến bất động sản như mua bán, tặng cho, thế chấp, góp vốn… đều phải công chứng.
Việc công chứng giúp các bên hạn chế được những rủi ro từ những hợp đồng, giao dịch dân sự, thương mại không được công chứng.
Hợp đồng mua bán nhà đất là gì?
Hợp đồng mua bán nhà đất là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đó là sự thỏa thuận giữa bên giao đất và bên nhận đất. Bên nhận sẽ phải trả tiền theo thỏa thuận cho bên chuyển nhượng theo quy định. Và để đảm bảo tính hợp pháp cũng như giá trị của hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng mua bán nhà đất phải được công chứng tại Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng được cấp phép hoạt động.
Giấy tờ cần chuẩn bị khi thực hiện thủ tục công chứng mua bán nhà đất.
Bên chuyển nhượng:
– Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất/nhà đất;
– Chứng minh thư/thẻ căn cước/hộ chiếu bản gốc;
– Sổ hộ khẩu bản gốc;
– Hợp đồng ủy quyền mua bán ( nếu có );
Trong trường hợp vợ và chồng đồng sở hữu nhà/đất cần phải có đủ giấy tờ cá nhân của cả hai người và giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Nếu vợ, chồng cùng sở hữu tài sản đó nhưng đã ly hôn thì phải có thêm giấy chứng nhận ly hôn và giấy tờ chứng minh phân chia tài sản.
Bên nhận chuyển nhượng
– Chứng minh thư/thẻ căn cước/hộ chiếu bản gốc;
– Nếu đã kết hôn thì cần cả giấy tờ cá nhân của vợ, chồng và giấy đăng kí hết kết hôn nếu 2 vợ chồng đồng sở hữu nhà đất;
– Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng mua bán nhà đất;
– Hợp đồng ủy quyền mua bán ( nếu có )
Để thực hiện công chứng hợp đồng mua bán nhà đất người mua và người bán cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Nộp đầy đủ hồ sơ đã chuẩn bị cho trụ sở hành nghề công chứng hợp pháp
Bước 2: Văn phòng công chứng sẽ tiếp nhận hồ sơ và tiến hành kiểm tra các giấy tờ trong hồ sơ của 2 bên mua và bán
Trong trường hợp giấy tờ của hai bên còn thiếu, công chứng viên sẽ yêu cầu bổ sung sau đó mới tiến hành thủ tục công chứng hợp đồng mua bán nhà đất.
Sau khi soạn thảo hợp đồng xong, hai bên sẽ phải kiểm tra lại thông tin và các điều khoản ghi trong hợp đồng, nếu có vấn điều khoản cần chỉnh sửa có thể yêu cầu công chứng viên chỉnh sửa, bổ sung. Nếu không có vấn đề hai bên tiến hành ký và điểm chỉ hợp đồng sau đó đưa lại cho công chứng viên.
Bước 3: Nộp lệ phí công chứng
Sau khi hoàn tất các thủ tục công chứng hợp đồng, hai bên sẽ tiến hành đóng lệ phí công chứng và nhận lại bản hợp đồng gốc để tiến hành sang tên nhà đất tại cơ quan nhà đất.
Thông thường thời gian công chứng thường diễn ra trong khoảng 1 – 2h, nếu trường hợp công chứng hợp đồng mua bán nhà đất phức tạp, gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm thủ tục thì thời gian có thể kéo dài từ 1-2 ngày.
04 lưu ý khi đi công chứng hợp đồng mua bán nhà đất
Khi đi công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán nhà đất, người dân cần lưu ý 04 vấn đề, cụ thể:
(1) Được quyền lựa chọn công chứng hoặc chứng thực
Theo điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định:
Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013.
Vì vậy với hợp đồng mua bán nhà, đất các bên có quyền lựa chọn việc công chứng hoặc chứng thực để văn bản có giá trị pháp lý.
(2) Công chứng tại nơi có nhà, đất cần mua bán
Tại Điều 42 Luật Công chứng 2014 về phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản có quy định:
Công chứng viên của tổ chức hành, nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.
Như vậy hợp đồng mua bán nhà, đất được công chứng ở các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của nhà, đất đó.
(3) Thẩm quyền chứng thực hợp đồng mua bán nhà, đất
Theo điểm d, đ của khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP:
“2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:
…
d) Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai;
đ) Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở;”
Theo đó, UBND xã/phường/thị trấn có thẩm quyền chứng thực đối với hợp đồng mua bán nhà đất.
(4) Giá trị pháp lý khi công chứng hoặc chứng thực hợp đồng
– Đối với công chứng
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014:
Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
Theo khoản 3 Điều 5 Luật Công chứng 2014:
Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
– Đối với chứng thực:
Theo khoản 4 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP:
Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
Vì vậy trên thực tế các bên thường lựa chọn công chứng vì giá trị pháp lý cao hơn và tính rủi ro ít hơn.
Công chứng ở đâu ?
Theo quy định của pháp luật hiện hành người có thẩm quyền công chứng hiện nay là công chứng viên. Công chứng viên là người đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Luật Công chứng và được bổ nhiệm để hành nghề công chứng.
Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của các tổ chức hành nghề công chứng. Theo quy định của Luật Công chứng hiện nay thì tổ chức hành nghề công chứng bao gồm phòng công chứng và văn phòng công chứng.
– Văn phòng công chứng chỉ được thành lập mới ở những địa bàn chưa có điều kiện phát triển được văn phòng công chứng. Phòng công chứng sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, có con dấu, có tài khoản riêng.
– Phòng tư pháp: Căn cứ theo nhu cầu công chứng ở địa phương thì Sở Tư pháp sẽ chủ trì phối hợp với sở kế hoạch và đầu tư, sở tài chính, sở nội vụ để xây dựng đề án thành lập phòng công chứng và trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định.
Trong đề án cần nêu rõ sự cần thiết của việc thành lập văn phòng công chứng, dự kiến về việc tổ chức, tên gọi, nhân sự và địa điểm đặt trụ sở. Trong thời gian là 30 ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thành lập phòng công chứng thì sở tư pháp phải đăng báo trung ương hoặc đăng báo địa phương nơi đặt trụ sở của phòng công chứng trong ba số liên tiếp.
Theo đó tổ chức, cá nhân khi muốn thực hiện thủ tục công chứng tại phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng.
Hiện nay đối với một số giao dịch pháp luật không quy định bắt buộc phải công chứng tuy nhiên việc công chứng sẽ giúp các bên bạn chế được các rủi ro từ những hợp đồng, từ những giao dịch dân sự, thương mại không được công chứng.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về thủ tục công chứng mua bán nhà đất Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.