Phân biệt nhãn hiệu và logo

phân biệt nhãn hiệu và logo

Luật sở hữu trí tuệ ngày càng được áp dụng nhiều vào cuộc sống, nhưng thực tế vẫn còn không ít người đang lầm tưởng giữa logo và nhãn hiệu. Mặc dù có những điểm giống nhau nhưng bản chất của logo và nhãn hiệu vẫn có những điểm khác biệt nhất định. Cùng theo dõi bài viết dưới đây, Luật Trần và Liên Danh sẽ chỉ rõ sự khác biệt giữa nhãn hiệu và logo để bạn có thể hiểu rõ những vấn đề trên.

Cơ sở pháp lý

Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH năm 2019 hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ do Văn phòng Quốc hội ban hành;

Nghị định 22/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả và quyền liên quan.

Thế nào là nhãn hiệu?

Theo quy định pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Hiện nay nhãn hiệu được chia thành: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết, nhãn hiệu nổi tiếng.

Thế nào là logo?

Hiện nay pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành chưa có định nghĩa cụ thể về logo. Tuy vậy, hiểu theo một cách chung nhất logo là hình ảnh đại diện cho doanh nghiệp, là dấu hiệu giúp nhận diện giữa nhiều doanh nghiệp khác với nhau và giữa nhiều loại hàng hoá/dịch vụ do các doanh nghiệp đó cung cấp với nhau.

Nhãn hiệu và logo có điểm gì giống nhau không?

Về mặt bản chất, ta có thể thấy giữa nhãn hiệu và logo có những điểm tương đồng nhất định:

Thứ nhất, nhãn hiệu và logo đều là những yếu tố rất quan trọng được thể hiện trên bao bì của sản phẩm hay trên các biển hiệu của công ty.

Thứ hai, nhãn hiệu và logo đều có chức năng phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác.

Thứ ba, nhãn hiệu và logo đều là những dấu hiệu nhìn thấy được.

Phân biệt logo và nhãn hiệu

Trên thực tế, giữa nhãn hiệu và logo vẫn có những điểm khác nhau cơ bản mà ta có thể dựa vào đó để phân biệt như sau:

Thứ nhất, về căn cứ pháp lý: các quy định pháp luật về nhãn hiệu hiện nay được liệt kê rất cụ thể trong Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019. Còn với logo của doanh nghiệp thì pháp luật sở hữu trí tuệ lại không quy định cụ thể bởi hiện nay logo được tự do thiết kế dựa trên ý tưởng của mỗi doanh nghiệp, vì vậy việc sử dụng quy định pháp luật để giới hạn thiết kế logo là hoàn toàn không cần thiết.

Thứ hai, về chức năng: Nếu như logo được coi là một ẩn ý, hàm súc có thể thay thế cho cách diễn đạt bằng lời nói của một cá nhân hay doanh nghiệp, là biểu tượng của các thương hiệu, thể hiện năng lực hoạt động của sản phẩm hay dịch vụ mà doanh nghiệp muốn truyền tải tới khách hàng thì nhãn hiệu lại là dấu hiệu giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt được hàng hóa, dịch vụ của chủ thể này với hàng hóa của chủ thể khác.

Thứ ba, về thủ tục đăng ký:

Pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành không bắt buộc doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký nhãn hiệu, tuy vậy việc đăng ký này là điều vô cùng cần thiết và quan trọng. Bởi chỉ khi đăng ký với cơ quan Nhà nước, nhãn hiệu của doanh nghiệp mới được bảo vệ. Hiện nay quy trình bảo hộ nhãn hiệu được diễn ra như sau:

Bước 1: Chuẩn bị nhãn hiệu cần đăng ký bảo hộ;

Bước 2: Xác định loại nhãn hiệu cần xin cấp văn bằng bảo hộ;

Bước 3: Phân nhóm hàng hóa/dịch vụ;

Bước 4: Tra cứu nhãn hiệu;

Bước 5: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký nhãn hiệu độc quyền;

Bước 6: Nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu;

Bước 7: Thẩm định hình thức đơn;

Bước 8: Công bố đơn đăng ký;

Bước 9: Thẩm định nội dung đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu;

Bước 10: Ra quyết định cấp/từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Đăng ký bảo hộ logo cũng không phải là thủ tục mà pháp luật sở hữu trí tuệ bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện. Tuy vậy, việc thực hiện đăng ký bảo hộ logo cũng vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp và được thực hiện dựa trên các bước sau:

Bước 1: Lựa chọn hình thức bảo hộ logo

Bước 2: Phân nhóm hàng hóa/dịch vụ

Bước 3: Tra cứu khả năng bảo hộ logo

Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký logo bản quyền

Bước 5: Thẩm định đơn đăng ký bảo hộ logo

Bước 6: Quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ logo

Thứ tư, về đặc điểm:

Đối với nhãn hiệu: Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 quy định nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể khác nhau. Nhãn hiệu có thể là chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

Đối với logo: Thực tế khi sáng tạo, logo thường là một ký hiệu hoặc biểu tượng được thiết kế bằng một hoặc nhiều hình ảnh, màu sắc hay ký tự từ ngữ ghép lại với nhau để tạo nên một hình thù, khiến cho người xem dễ liên tưởng đến hoạt động sản xuất, dịch vụ của doanh nghiệp đó và thấy được sự khác biệt với các logo khác.

Lợi ích từ đăng ký nhãn hiệu và logo

Đăng ký nhãn hiệu và đăng ký logo là 2 việc làm các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sản xuất hoặc kinh doanh cần thực hiện. Bởi vì sau khi đăng ký chúng sẽ đem đến rất nhiều lợi ích. Cụ thể:

– Qua nhãn hiệu và logo người tiêu dùng dễ dàng biết được sản phẩm/dịch vụ này là do cá nhân hay doanh nghiệp nào sản xuất hoặc cung cấp. Từ đó người dùng có thể yên tâm tin tưởng sử dụng sản phẩm/dịch vụ.

– Đăng ký nhãn hiệu và logo sẽ tạo được sự uy tín của cá nhân/doanh nghiệp đối với người tiêu dùng. Đặc biệt trong các chiến dịch marketing trên các kênh truyền thông.

– Sử dụng độc quyền nhãn hiệu và logo trên lãnh thổ của Việt Nam. Ngăn chặn các hành vi xâm phạm bản quyền đối với đơn vị thứ 3.

– Giúp cá nhân/doanh nghiệp tăng doanh số kinh doanh trong tương lai. Có thể chuyển nhượng thương hiệu hoặc bán quyền sử dụng thương hiệu.

– Thu hút được vốn đầu tư. Khi thương hiệu nổi tiếng (nhãn hiệu và logo là 2 yếu tố đóng góp lớn giúp tạo nên thương hiệu), cá nhân hoặc doanh nghiệp sẽ kêu gọi được nhiều nhà đầu tư hơn. Các nhà đầu tư cũng tin tưởng và đổ vốn để hợp tác kinh doanh.

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu

Bước 1: Lựa chọn một đơn vị tư vấn

Khi thực hiện việc tra cứu và đăng ký nhãn hiệu thì việc lựa chọn đơn vị tư vấn là rất quan trọng.

Không phải công ty luật, đơn vị tư vấn nào cũng là Tổ chức Đại diện Sở hữu trí tuệ.

Các đơn vị tư vấn là Đại diện Sở hữu trí tuệ mới thực sự là các đơn vị có chuyên môn và kinh nghiệm để tư vấn, đánh giá tốt nhất khả năng nhãn hiệu thành công khi đăng ký.

Các đơn vị đại diện Sở hữu trí tuệ sẽ hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến phản đối đơn, từ chối đơn của Quý khách hàng trong quá trình nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam.

Tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ có chức năng ký đơn thay cho chủ đơn và đại diện chủ đơn làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ để đảm bảo tối đa quyền lợi cho khách hàng.

Công ty Luật Trần và Liên Danh là một tổ chức Đại diện Sở hữu trí tuệ nên quý khách hàng sẽ được đảm bảo mọi quyền lợi khi sử dụng dịch vụ về đăng ký nhãn hiệu của chúng tôi.

Bước 2: Lựa chọn nhãn hiệu và sản phẩm, dịch vụ cho nhãn hiệu

Lựa chọn nhãn hiệu: Chọn mẫu nhãn hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ. Nhãn hiệu được lựa chọn không tương tự nhãn hiệu khác đã đăng ký, nhãn hiệu nổi tiếng, nhãn hiệu là các dấu hiệu mô tả không có khả năng cấp bằng bảo hộ.

Lựa chọn danh mục sản phẩm đăng ký: Bạn cần lựa chọn danh mục sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu theo hướng dẫn nêu trên. Phân nhóm sản phẩm, dịch vụ cần thực hiện theo Bảng phân loại quốc tế về nhãn hiệu Ni-xơ.

Bước 3: Tra cứu nhãn hiệu

Lợi ích của việc tra cứu nhãn hiệu

Để thực hiện thành công việc đăng ký nhãn hiệu, tức nhãn hiệu đăng ký có thể được cấp văn bằng bảo hộ, chủ thể nộp đơn đăng ký trước khi tiến hành đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp nên thực hiện thủ tục tra cứu nhãn hiệu.

Việc tra cứu nhãn hiệu nhằm xác định khả năng đăng ký của nhãn hiệu so với các nhãn hiệu cùng loại đã được đăng ký tại cơ quan Sở hữu trí tuệ hay chưa?

Sau khi có kết quả tra cứu nhãn hiệu, chủ đơn sẽ cân nhắc quyết định nên hay không nên đăng ký nhãn hiệu đã được tra cứu.

phân biệt nhãn hiệu và logo
phân biệt nhãn hiệu và logo

Việc tra cứu nhãn hiệu còn góp phần xác định khả năng nhãn hiệu có thể được cấp văn bằng hay không?

Nếu xác định nhãn hiệu không có khả năng được cấp văn bằng chủ sở hữu nên cân nhắc phương án sửa đổi để có thể được cấp bảo hộ độc quyền.

Tra cứu nhãn hiệu tránh được thời gian sau khi xét nghiệm dài chờ đợi nhưng không đem lại kết quả mong đợi của chủ đơn đăng ký.

Tài liệu cần chuẩn bị khi tra cứu nhãn hiệu

Để thực hiện việc tra cứu nhãn hiệu Quý khách hàng chỉ cần cung cấp cho Luật Trần và Liên Danh :

Mẫu nhãn hiệu;

Danh mục sản phẩm dịch vụ cần tra cứu và đăng ký.

Tra cứu nhãn hiệu sơ bộ

Khách hàng có thể tự tra cứu nhãn hiệu qua website: https://ipvietnam.gov.vn/ hoặc trang của wipo.

Thông qua Đại diện sở hữu trí tuệ Luật Trần và Liên Danh tiến hành tra cứu để đánh giá khả năng đăng ký của nhãn hiệu;

Thời gian tra cứu sơ bộ là 01 ngày kể từ khi khách hàng cung cấp nhãn hiệu, danh mục sản phẩm, dịch vụ;

Sau khi tra cứu sơ bộ mà nhận thấy nhãn hiệu không có khả năng đăng ký cho nhãn hiệu luật sư Luật Trần và Liên Danh sẽ đưa ra các đối chứng liên quan để tìm giải pháp cho nhãn hiệu có khả năng cấp văn bằng bảo hộ. Nếu có khả năng đăng ký nhãn hiệu Luật Trần và Liên Danh sẽ tiến hành tra cứu chuyên sâu và mất phí tra cứu.

Tra cứu chuyên sâu

Sau khi tiến hành tra cứu sơ bộ nhãn hiệu cho thấy có khả năng đăng ký. Chủ nhãn hiệu yêu cầu tra cứu chuyên sâu để đánh giá cao nhất khả năng cấp văn bằng bảo hộ. Đây không phải là bước bắt buộc, tuy nhiên nên thực hiện để tăng khả năng đăng ký thành công và tiết kiệm thời gian.

Tra cứu chuyên sâu là thủ tục hoàn toàn tự nguyện của người nộp đơn. Chủ đơn nên tiến hành thủ tục này vì đây là bước quan trọng để đánh giá nhãn hiệu có nên nộp đơn đăng ký bảo hộ hay không.

Việc tra cứu nhãn hiệu cũng chỉ mang tính chất tham khảo và không là căn cứ để cấp hay không cấp văn bằng. Vì, một phần liên quan đến quyền ưu tiên khi đăng ký như đã trình bày mục trên.

Thời gian tra cứu chuyên sâu: 01-03 ngày.

Kết quả tra cứu nhãn hiệu: Bản thông báo kết quả tra cứu nhãn hiệu và tư vấn đánh giá tính khả thi, hướng dẫn cách thức thực hiện thủ tục đăng ký.

Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký

Sau khi tra cứu chuyên sâu và nhãn hiệu được đánh giá là có khả năng đăng ký chủ đơn tiến hành nộp hồ sơ đăng ký. Ngay khi nộp đơn đăng ký chủ đơn đã phải nộp lệ phí đăng ký như sau:

Lệ phí nộp đơn đăng ký cho 01 nhóm sản phẩm, dịch vụ

Đối với đơn có 01 nhóm sản phẩm, dịch vụ và mỗi nhóm hàng hóa, dịch vụ chỉ có gồm 06 sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trở xuống:

Lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng/đơn; Lưu ý: Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã thực hiện giảm 50% các loại lệ phí nộp đơn khi đăng ký cụ thể như sau: Lệ phí nộp đơn cho 01 nhãn hiệu, 01 nhóm hàng hóa dịch vụ từ 150.000 đồng giảm còn 75.000 đồng.

Phí thẩm định nội dung: 550.000 đồng;

Phí tra cứu phục vụ thẩm định nhãn hiệu: 180.000 đồng;

Lệ phí cấp giấy chứng nhận: 120.000 đồng;

Lệ phí đăng bạ: 120.000 đồng;

Lệ phí công bố nhãn hiệu: 120.000 đồng.

Lệ phí nộp đơn gồm nhiều nhóm sản phẩm, dịch vụ

Đối với mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ bảo hộ tăng thêm: 550.000 đồng;

Đối với mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ đăng ký bảo hộ có trên 6 sản phẩm/dịch vụ đăng ký. Lệ phí phải nộp thêm cho mỗi sản phẩm/dịch vụ từ thứ 7 trở đi: 120.000 đồng.

Đối với mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ đăng ký bảo hộ tăng thêm: 180.000 đồng;

Đối với mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ đăng ký bảo hộ có trên 6 sản phẩm/dịch vụ đăng ký. Lệ phí phải nộp thêm phí công bố thông tin cho mỗi sản phẩm/dịch vụ từ thứ 7 trở đi 30.000 đồng.

Cơ quan tiếp nhận và xử lý hồ sơ, thu lệ phí đăng ký tại Việt Nam: Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Bước 5: Thẩm định hình thức đơn đăng ký

Thời hạn thẩm định hình thức đơn nhãn hiệu 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.

Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét đơn có đủ điều kiện về hình thức, mẫu nhãn, chủ sở hữu đơn, quyền nộp đơn, phân nhóm,…

Nếu đơn đăng ký của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ và cho đăng công bố đơn.

Nếu đơn đăng ký của doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo không chấp nhận đơn và đề nghị doanh nghiệp sửa đổi. Chủ đơn, đại diện chủ đơn tiến hành sửa đổi theo yêu cầu. Sau đó, tiến hành nộp công văn sửa đổi cho Cục sở hữu trí tuệ và nộp lệ phí bổ sung nếu phân loại nhóm sai.

Bước 6: Công bố đơn

Thời hạn công bố đơn nhãn hiệu: 02 tháng kể từ ngày có Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.

Nội dung công bố đơn bao gồm: Các thông tin về đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ.

Hình thức công bố: Trang website của Cục Sở hữu trí tuệ và Công báo Sở hữu công nghiệp.

Bước 7: Thẩm định nội dung đơn

Thời hạn thẩm định nội dung: 09 tháng kể từ ngày công bố đơn.

Cục Sở hữu trí tuệ (CSHTT) xem xét các điều kiện đăng ký nhãn hiệu. Trên cơ sở đó, CSHTT có những đánh giá khả năng cấp văn bằng cho nhãn hiệu mà chủ đơn đã đăng ký. Nếu đơn đáp ứng đủ điều kiện thì CSHTT ra Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu.

Nếu đơn không đáp ứng đủ điều kiện. CSHTT ra Thông báo không cấp văn bằng cho nhãn hiệu mà chủ đơn đã đăng ký. Chủ đơn nhãn hiệu xem xét và gửi công văn trả lời, khiếu nại quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ. Chủ đơn đưa ra các căn cứ để cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho nhãn hiệu của mình.

Bước 8: Nộp lệ phí cấp văn bằng bảo hộ

Sau khi nhận được thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ, chủ đơn tiến hành nộp lệ phí cấp bằng.

Lệ phí cấp giấy chứng nhận: 120.000 đồng (năm 2021 do dịch bệnh lệ phí cấp văn bằng bảo hộ từ 120.000 đồng còn 60.000 đồng cho 01 nhãn hiệu, 01 nhóm hàng hóa dịch vụ).

Lệ phí đăng bạ: 120.000 đồng;

Phí công bố: 120.000 đồng/

Nếu đơn đăng ký có nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ thì khi nộp lệ phí cấp bằng sẽ tăng thêm là: 100.000 đồng/1 nhóm. Lưu ý: Năm 2021 được giảm còn 50.000 đồng/nhóm tăng thêm.

Bước 9: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Sau khi chủ nhãn hiệu đã thực hiện nộp lệ phí vấp văn bằng. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu trong khoảng thời gian từ 2-3 tháng kể từ ngày đóng lệ phí.

Thời gian đăng ký nhãn hiệu khoảng 12 – 18 tháng kể từ khi có chấp nhận đơn hợp lệ.

Thời hạn bảo hộ nhãn hiệu: Nhãn hiệu được bảo hộ trong vòng 10 năm kể từ ngày nộp đơn (ngày ưu tiên). Doanh nghiệp được gia hạn văn bằng bảo hộ và không hạn chế số lần gia hạn. Do vậy, nhãn hiệu sẽ là tài sản xuyên suốt quá trình hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về cách phân biệt nhãn hiệu và logo. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139