Công ty TNHH (trách nhiệm hữu hạn) và công ty cổ phần là hai loại hình doanh nghiệp phổ biến hiện nay. Mỗi loại hình doanh nghiệp nói trên đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Trong đó, công ty cổ phần có ưu điểm là khả năng huy động vốn cao; dễ dàng, tự do chuyển nhượng cổ phần; quy mô hoạt động lớn và khả năng mở rộng kinh doanh trong hầu hết các lĩnh vực ngành nghề còn nhược điểm là phức tạp hơn trong quản lý điều hành. Vậy, ưu điểm và nhược điểm của công ty TNHH là gì ?
Công ty trách nhiệm hữu hạn là gì ?
Công ty trách nhiệm hữu hạn là loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân được pháp luật thừa nhận. Theo đó thì công ty và chủ sở hữu là hai thực thể pháp lý riêng biệt. Trước pháp luật, công ty là pháp nhân, chủ sở hữu công ty là thể nhân với các quyền và nghĩa vụ tương ứng với quyền sở hữu công ty.
Loại hình công ty TNHH gồm có hai loại được phân loại dựa vào nhiều yếu tố, trong đó số lượng thành viên góp vốn :
– Công ty TNHH một thành viên là công ty TNHH chỉ có duy nhất 1 cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu công ty.
– Công ty TNHH Hai thành viên trở lên là công ty TNHH có từ 2 đến 50 thành viên góp vốn.
Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên là gì ?
Theo quy định tại điều 74 Luật Doanh nghiệp năm 2020 :
– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên là gì ?
Theo quy định tại điều 46 Luật Doanh nghiệp năm 2020:
– Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật Doanh nghiệp năm 2020.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ phải tuân thủ quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Bản chất và chế độ trách nhiệm công ty TNHH ?
Bất kì ai khi tìm hiểu về công ty TNHH đều có thể đặt câu hỏi,
tại sao lại gọi công ty này là công ty TNHH, khi các công ty đối vốn đều có đặc trưng cơ bản là chế độ TNHH.
Công ty TNHH là loại hình công ty trung gian giữa công ty đối nhân và công ty đối vốn, nó vừa có những tính chất của một công ty đối nhân, là các thành viên quen biết nhau; việc góp vốn dễ dàng, đơn giản, việc thành lập, quản lý công ty đơn giản hơn Công ty cổ phần. Do đó, dễ làm người ta nhầm lẫn công ty TNHH với công ty đối nhân và vì vậy, phải phân biệt rõ ràng ngay từ khi đặt tên. Còn khi nói tới Công ty cổ phần thì đương nhiên aí cũng hiểu về chế độ TNHH của các cổ đông.
Công ty TNHH là loại hình công ty đối vốn (tuỳ quan niệm của người nghiên cứu cũng có người xếp công ty TNHH thuộc loại hình công ty đối nhân), trong đó các thành viên chỉ chịu trách nhiệm về mọi khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn mà họ đã góp vào công ty.
Lịch sử phát triển các công ty thời gian gần đây cho thấy, công ty TNHH một người chiếm vị trí khá quan trọng ở các nước châu Âu. Luật Doanh nghiệp Việt Nam có quy định về công ty TNHH một thành viên do một cá nhân hoặc một tổ chức làm chủ sở hữu. Việc thành lập công ty TNHH một chủ dựa trên cơ sở hành vi pháp lý đơn phương của một cá nhân hay một pháp nhân. Trong công ty TNHH một chủ, chủ sở hữu công ty phải chấp nhận một số hạn chế, cũng như chịu sự giám sát ngặt nghèo của pháp luật.
Đặc điểm của công ty TNHH là gì ?
Theo pháp luật Việt Nam, công ty trách nhiệm hữu hạn có các đặc điểm sau:
1) Công ty là pháp nhân có tài sản độc lập, chịu trách nhiệm trước các khoản nợ trong phạm vi tài sản của mình (trách nhiệm hữu hạn);
2) Thành viên công ty có thể là tổ chức, cá nhân với số lượng không vượt quá 50;
3) Thành viên chỉ chịu trách nhiệm trước công ty trong phạm vì phần vốn cam kết góp vào công ty;
4) Công ty không được phát hành cổ phiếu trong suốt quá trình hoạt động.
Công ty trách nhiệm hữu hạn có hai loại: Công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên và công ty trách nhiệm hữu hạn có một thành viên. Do công ty trách nhiệm hữu hạn thường có ít thành viên nên việc thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động tương đối đơn giản. Bởi vậy, công ty trách nhiệm hữu hạn rất thích hợp để kinh doanh ở quy mô vừa và nhỏ.
Đặc trưng của Công ty TNHH là gì ?
Công ty TNHH có những đặc trưng cơ bản:
– Công ty TNHH là một pháp nhân độc lập, tư cách pháp lý này quyết định chế độ trách nhiệm của công ty.
– Thành viên công ty không nhiều và thường là những người quen biết nhau, thông thường pháp luật các quốc gia đều quy định số lượng thành viên tối đa. Pháp luật Việt Nam quy định công ty TNHH toi đa không quá năm mươi thành viên,
– Vốn điều lệ chia thành từng phần, mỗi thành viên có thể góp nhiều, ít khác nhau và bắt buộc phải góp đủ khi công ty thành lập, trong điều lệ công ty phải ghi rõ vốn ban đầu. Nếu khi thành lập công ty mà các thành viên chưa góp đủ phần vốn góp thì công ty bị coi là vô hiệu. Công ty phải bảo toàn vốn ban đầu. Nguyên tắc này thể hiện rõ ữong quá trình góp vốn, sử dụng vốn và phân chia lợi nhuận.
Phần vốn góp không thể hiện dưới hình thức cổ phiếu và rất khó chuyển nhượng ra bên ngoài.
– Trong quá trình hoạt động, không được phép công khai huy động vốn trong công chúng (không được phát hành cổ phiếu).
– Về tổ chức, điều hành ở công ty TNHH đon giản hơn so với Công ty cổ phần; về mặt pháp lý công ty TNHH thường ít chịu sự ràng buộc pháp lý hon so với Công ty cổ phần.
Có thể nói, công ty TNHH là mô hình lý tưởng để kinh doanh ở quy mô vừa và nhỏ.
Luật pháp các nước còn thừa nhận công ty TNHH một chủ. Công ty TNHH một chủ là hệ quả pháp lý đặc biệt của quá trình phát triển pháp luật về công ty. Các công ty đối vốn vẫn có khả năng tồn tại và phát triển khi toàn bộ tài sản của công ty chuyển vào một thành viên duy nhất và trở thành công ty TNHH một chủ sở hữu. Như vậy, nếu theo định nghĩa truyền thống về công ty thì công ty một chủ không phải là công ty thực sự, bởi lẽ về bản chất nó chính là doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm hữu hạn. vấn đề là tại sao pháp luật các nước lại thừa nhận loại công ty này (Đức, Anh, Hoa Kỳ). Một số nước như: Tây Ban Nha, Italia, các nước Nam Mỹ thì lại không cho phép thành lập công ty TNHH một chủ vì cho rằng bản chất của nó là doanh nghiệp cá thể. Trong hệ thống kinh tế thị trường, chế độ TNHH tạo điều kiện cho các nhà kinh doanh hạn chế được rủi ro bằng cách chia sẻ trách nhiệm cho nhiều người, làm cho các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào bất kì lĩnh vực kinh tế nào có lợi cho xã hội. Trường hợp ngược lại, nếu phải chịu trách nhiệm vô hạn, họ không dám đâu tư vào những khu vực có khả năng rủi ro lớn và như vậy sẽ không có lợi cho xã hội.
Trong thực tế, có công ty TNHH có nhiều thành viên, trong quá trình hoạt động các thành viên chuyển nhượng vốn cho nhau và cuối cùng chỉ còn một thành viên, công ty vẫn hoạt động có hiệu quả, đóng thuế cho Nhà nước, sử dụng nhiều lao động và thành viên đó không muốn kết nạp thêm thành viên mới. Trong trường hợp này lẽ nào lại bắt họ phải giải thể công ty hoặc buộc họ phải chuyển thành doanh nghiệp tư nhân, trong khi đó họ vẫn muốn giữ tên công ty và thương hiệu công ty đã được khẳng định uy tín trên thị trường. Hơn nữa, trong thực tế đã tồn tại công ty TNHH một thành viên, đó chính là các doanh nghiệp nhà nước.
Ưu điểm và nhược điểm của công ty TNHH một thành viên ?
Ưu điểm :
– Chủ đầu tư có thể là cá nhân hoặc tổ chức;
– Chủ sở hữu có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty;
– Có tư cách pháp nhân nên chủ đầu tư chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn điều lệ, vì vậy hạn chế được rủi ro khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
– Có thể huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu.
Nhược điểm :
– Khi góp vốn, chủ sở hữu phải làm thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản góp vốn sang cho công ty, do đó, làm hạn chế khả năng sử dụng tài sản góp vốn của chủ đầu tư;
– Không được huy động vốn bằng việc phát hành cổ phiếu, vì vậy công ty sẽ không có nhiều vốn để thực hiện các hoạt động kinh doanh có quy mô lớn;
– Nếu có nhu cầu huy động thêm vốn góp của cá nhân, tổ chức khác, sẽ phải thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.
Ưu điểm và nhược điểm của công ty TNHH hai thành viên trở lên ?
Ưu điểm :
– Số lượng thành viên không quá ít cũng không quá nhiều (từ 02 – 50 thành viên) và các thành viên thường là người quen biết, tin cậy nhau, nên việc quản lý, điều hành công ty dễ dàng hơn, không quá phức tạp như công ty cổ phần;
– Có tư cách pháp nhân nên các thành viên công ty chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp đã góp nên ít gây rủi ro;
– Điều kiện chuyển nhượng vốn chặt chẽ nên các chủ sở hữu dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi thành viên, hạn chế sự thâm nhập của người lạ vào công ty.
Nhược điểm :
– Việc huy động vốn bị hạn chế do không được phát hành cổ phiếu, do đó bị hạn chế về quy mô và khả năng mở rộng các lĩnh vực ngành nghề.
– Bị giới hạn đến 50 thành viên nên có thể sẽ bị bỏ lỡ một số cơ hội từ các nhà đầu tư khác;
– Thành viên công ty chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác nên uy tín với đối tác sẽ bị ảnh hưởng.
Có thể thấy, công ty TNHH phù hợp với mục đích kinh doanh vừa và nhỏ.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về ưu nhược điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.