Đăng ký kinh doanh online đang là hình thức được rất nhiều nhà đầu tư lựa chọn khi tiến hành thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí. Vậy các bước đăng ký giấy phép kinh doanh online được thực hiện thế nào?
Nhà đầu tư được đăng ký kinh doanh online theo hình thức nào?
Đăng ký kinh doanh online là tên thường gọi của hình thức đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Theo khoản 1 Điều 42 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, việc đăng ký kinh doanh qua mạng được thực hiện như sau:
Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp thông qua cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Như vậy, nhà đầu tư có thể lựa chọn một trong 02 cách sau để thực hiện đăng ký kinh doanh online:
– Đăng ký doanh nghiệp bằng tài khoản đăng ký kinh doanh:
Tài khoản đăng ký kinh doanh được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cấp cho cá nhân để thực hiện đăng ký doanh nghiệp.
Một Tài khoản đăng ký kinh doanh chỉ được cấp cho một cá nhân. Cá nhân được cấp Tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin đăng ký.
– Đăng ký doanh nghiệp bằng chữ ký số:
Chữ ký số là một dạng chữ ký bằng phương pháp điện tử dùng để thay thế chữ ký thông thường, mẫu dấu trong các văn bản của cơ quan, tổ chức.
Khi đăng ký doanh nghiệp theo hình thức này, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ là các văn bản điện tử (định dạng “.doc” hoặc “.docx” hoặc “.pdf”) qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp thay vì nộp bản giấy.
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh online
Cụ thể, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử (online) theo Điều 5g Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT (sửa đổi tại Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT) như sau:
– Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử bao gồm các giấy tờ theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bằng bản giấy.
– Văn bản điện tử là văn bản dưới dạng thông điệp dữ liệu được tạo lập hoặc được số hóa từ văn bản giấy và thể hiện chính xác, toàn vẹn nội dung của văn bản giấy. Văn bản điện tử có thể định dạng “.doc” hoặc “.docx” hoặc “.pdf”.
– Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử được chấp thuận khi có đầy đủ các yêu cầu sau:
+ Có đầy đủ các giấy tờ và nội dung các giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định như hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bằng bản giấy và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử.
Tên văn bản điện tử phải được đặt tương ứng với tên loại giấy tờ trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bằng bản giấy.
Chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình hoặc cá nhân khác ký tên trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh có thể sử dụng chữ ký số để ký trực tiếp trên văn bản điện tử hoặc ký trực tiếp trên văn bản giấy và quét (scan) văn bản giấy theo các định dạng quy định tại khoản 2 Điều 5g Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT (sửa đổi tại Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT);
+ Các thông tin đăng ký hộ kinh doanh được kê khai trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh phải được nhập đầy đủ và chính xác theo các thông tin trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bằng bản giấy; trong đó có thông tin về số điện thoại, thư điện tử của người nộp hồ sơ;
+ Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử phải được xác thực bằng chữ ký số của chủ hộ kinh doanh hoặc người được chủ hộ kinh doanh ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh.
Trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử phải kèm theo các giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 4 Điều 84 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
– Thời hạn để hộ kinh doanh sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử là 60 ngày kể từ ngày cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Sau thời hạn nêu trên, nếu không nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung của hộ kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ hủy hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh theo quy trình trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh.
Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh online
Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh online từ ngày 01/7/2023 theo Điều 5e Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT (sửa đổi tại Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT) như sau:
– Đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập hộ kinh doanh, hộ kinh doanh thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh thuộc Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
– Người nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh kê khai thông tin, tải văn bản điện tử, sử dụng chữ ký số để ký xác thực hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh theo quy trình trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh.
– Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trả giấy biên nhận hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cho người nộp hồ sơ qua mạng thông tin điện tử theo quy trình trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh.
Phương thức thanh toán lệ phí đăng ký hộ kinh doanh
Phương thức thanh toán lệ phí đăng ký hộ kinh doanh online theo Điều 5k Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT (sửa đổi tại Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT) như sau:
– Người nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh nộp lệ phí đăng ký hộ kinh doanh tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh.
Lệ phí đăng ký hộ kinh doanh có thể nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh ở cấp huyện hoặc chuyển vào tài khoản của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Lệ phí đăng ký hộ kinh doanh không được hoàn trả cho hộ kinh doanh trong trường hợp hộ kinh doanh không được cấp đăng ký hộ kinh doanh.
– Việc giải quyết các lỗi giao dịch phát sinh trong quá trình sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cổng dịch vụ công quốc gia.
Cá nhân nào không phải đăng ký kinh doanh?
Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh (sau đây gọi tắt là cá nhân hoạt động thương mại).
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP thì cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng:
Không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
– Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
– Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
– Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
– Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
– Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
– Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
Phạm vi về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh của cá nhân hoạt động thương mại
Phạm vi về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh của cá nhân hoạt động thương mại theo Điều 5 Nghị định 39/2007/NĐ-CP như sau:
– Cá nhân hoạt động thương mại được phép kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật, trừ các loại hàng hóa, dịch vụ sau đây:
+ Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật;
+ Hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng, hàng không bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; hàng không bảo đảm chất lượng, bao gồm hàng mất phẩm chất, hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động, thực vật bị dịch bệnh;
+ Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, cá nhân hoạt động thương mại phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan đến việc kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ này.
– Cá nhân hoạt động thương mại phải tuân thủ pháp luật về thuế, giá, phí và lệ phí liên quan đến hàng hóa, dịch vụ kinh doanh.
Trường hợp kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, cá nhân hoạt động thương mại phải bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với việc kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ này.
– Nghiêm cấm cá nhân hoạt động thương mại gian lận trong cân, đong, đo, đếm và cung cấp các thông tin sai lệch, dối trá hoặc thông tin dễ gây hiểu lầm về chất lượng của hàng hóa, dịch vụ hoặc bản chất của hoạt động thương mại mà mình thực hiện.
Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về thủ tục, hồ sơ đăng ký giấy phép kinh doanh online. Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.