Công ty được phép tuyển dụng lao động nước ngoài, nhưng trước khi xin giấy phép lao động, người sử dụng lao động nước ngoài (trừ doanh nhân) phải tìm hiểu nhu cầu thuê người nước ngoài ít nhất 30 ngày trước ngày dự kiến bắt đầu quan hệ lao động. Đây cũng là thủ tục bắt buộc phải hoàn thành trước khi xin giấy phép lao động cho người nước ngoài. Để tiện lợi cho các doanh nghiệp thì Luật Trần và Liên Danh sẽ hướng dẫn đăng ký nhu cầu sử dụng người nước ngoài qua mạng trong bài viết dưới đây.
Đăng ký nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài là gì?
Đăng ký nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài là 1 thủ tục hành chính mà Công ty phải thực hiện để giải trình về nhu cầu, lý do cần sử dụng người lao động nước ngoài nhằm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và cấp văn bản chấp thuận.
Đăng ký nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài là một thủ tục bắt buộc đối với công ty có sử dụng lao động nước ngoài và phải thực hiện trước khi nộp hồ sơ xin giấy phép lao động. Theo đó, Công ty chỉ được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Đăng ký nhu cầu sử dụng người nước ngoài qua mạng
Thông tư 23/2017/TT-BLDDTBXH cho phép người sử dụng lao động thực hiện các thủ tục liên quan đến người lao động nước ngoài qua cổng thông tin điện tử. Đối với vấn đề đăng ký nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài qua mạng được thực hiện như sau:
Trước ít nhất 20 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) phải khai thông tin vào tờ khai và nộp báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đến cơ quan chấp thuận qua cổng thông tin điện tử. Trường hợp thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động nước ngoài gửi báo cáo giải trình thay đổi trước ít nhất 10 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài qua cổng thông tin điện tử.
Người sử dụng truy cập trang thông tin điện tử của Cục việc làm: http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn/.
Tuy nhiên muốn sử dụng được các dịch vụ người sử dụng lao động bắt buộc phải đăng ký tài khoản. Ở giao diện của Cục việc làm bạn sẽ thấy 3 nơi để bạn nộp hồ sơ: Sở LĐTBXH, ban quản lý khu công nghiệp dành cho các đối tượng theo Nghị định 11/2016/NĐ-CP; Cục việc làm – Bộ LĐTBXH dành cho các đối tượng theo Nghị Định 11/2016/NĐ-CP; Cục việc làm – Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội dành cho các đối tượng theo Nghị Định 87/2014/NĐ-CP. Người sử dụng lao động xem mình thuộc trường hợp nào rồi bấm chọn vào nộp hồ sơ ở trường hợp đó.
Sau đó bấm chọn vào mục đăng ký nhu cầu sử dụng lúc này trên màn hình hiện lên 3 nhóm chính đó là Doanh nghiệp; Tổ chức, hội, đoàn thể; Nhà thầu. Đầu tiên các bạn cần xác định mình thuộc đối tượng nào để thực hiện, sau khi chọn chính xác nhóm đối tượng có nhu cầu thực hiện nộp hồ sơ đăng ký nhu cầu sử dụng lao động qua mạng các bạn tiến hành khai nhận các thông tin của doanh nghiệp cũng như thông tin người lao động nước ngoài. Sau khi khai nhận đầy đủ các thông tin theo yêu cầu bạn nhấn nút lưu và hoàn thành thủ tục đăng ký.
Trong thời hạn 12 ngày, kể từ ngày nhận được tờ khai và báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật, cơ quan chấp thuận trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động. Trường hợp báo cáo chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, cơ quan chấp thuận trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.
Sau khi nhận được trả lời kết quả báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài là phù hợp với quy định của pháp luật, người sử dụng lao động nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính bản gốc báo cáo đến cơ quan chấp thuận để kiểm tra, đối chiếu và lưu theo quy định.
Trong thời hạn không quá 8 giờ làm việc kể từ khi nhận được bản gốc báo cáo thì cơ quan chấp thuận phải trả kết quả cho người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động có thể nhận kết quả trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính theo địa chỉ đăng ký của người sử dụng lao động.
Trường hợp bản gốc báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài không đúng với tờ khai và báo cáo đã gửi qua cổng thông tin điện tử thì cơ quan chấp thuận trả lời bằng văn bản hoặc qua thư điện tử hoặc thông báo trực tiếp cho người sử dụng lao động.
Các bước đăng ký nhu cầu sử dụng người nước ngoài
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ Mẫu 01/PLI ban hành theo nghị định 152/2020/NĐ-CP
Download mẫu tại link dưới đây:
Tải Mẫu Số 1 – Công văn giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài của doanh nghiệp.
Cách thức: Điền đầy đủ các thông tin theo quy định, nội dung phải giải trình rõ nhu cầu sử dụng người nước ngoài
Tình hình sử dụng lao động nước ngoài hiện nay (nếu có), mô tả vị trí công việc, chức danh công việc và yêu cầu về trình độ và kinh nghiệm để thực hiện công việc đó, lý do không tuyển người Việt Nam vào vị trí dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài.
Hình thức làm việc: lựa chọn một trong những hình thức làm việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 nghị định 152/2020/NĐ-CP:
Thực hiện hợp đồng lao động;
Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp;
Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế;
Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng;
Chào bán dịch vụ;
Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
Tình nguyện viên;
Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại;
Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật;
Tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam.
Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Bước 2: Xác định cơ quan tiếp nhận hồ sơ giải trình nhu cầu sử dụng lao động:
Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ giải trình nhu cầu sử dụng lao động được quy định tại điều 2, điều 4 và điều 30 nghị định 152/2020/NĐ-CP cụ thể:
a) Bộ LĐTB&XH cấp giấy phép lao động (work permit) cho những cơ quan, đơn vị sự nghiệp bao gồm:
Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành cho phép thành lập;
Tổ chức sự nghiệp, cơ sở giáo dục được thành lập theo quy định của pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành cho phép thành lập;
Tổ chức quốc tế, văn phòng của dự án nước ngoài tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành cho phép thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;
Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư hoặc theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, có trụ sở chính tại một tỉnh, thành phố nhưng có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại tỉnh, thành phố khác có thể lựa chọn thực hiện việc chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài tại Bộ LĐTB&XH.
Tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy đăng ký theo quy định của pháp luật Việt Nam có thể lựa chọn thực hiện việc chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài tại Bộ LĐTB&XH.
b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy phép lao động cho
Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư hoặc theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên
Nhà thầu tham dự thầu, thực hiện hợp đồng;
Văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập
Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc của nhà thầu nước ngoài được đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật;
Tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã;
Hộ kinh doanh, cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập
Tổ chức sự nghiệp, cơ sở giáo dục được thành lập theo quy định của pháp luật do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập.
Tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy đăng ký theo quy định của pháp luật Việt Nam có thể lựa chọn thực hiện việc chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
c) Ban quản lý các KCN, Khu kinh tế, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao đối với những doanh nghiệp hoạt động nằm trong các khu nêu trên.
Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký nhu cầu sử dụng người nước ngoài trực tiếp hoặc qua mạng
Doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động là người nước ngoài thực hiện uỷ quyền hoặc giới thiệu bằng văn bản cho cá nhân cụ thể nộp hồ sơ đăng ký nhu cầu sử dụng người nước ngoài.
Tuỳ thuộc vào cơ quan tiếp nhận, doanh nghiệp có thể thực hiện nộp hồ sơ qua mạng. Đối với trường hợp nộp qua mạng, cá nhân nộp hồ sơ cần lưu ý:
Tạo tài khoản với thông tin chính xác: Họ tên, Số điện thoại, Số CMND/CCCD
Hồ sơ phải được scan đầy đủ các mặt, mộc rõ ràng, có giáp lai đầy đủ
Theo dõi thường xuyên tiến độ xử lý của hồ sơ, ngày hẹn trả của cơ quan có thẩm quyền
Thời gian giải quyết: 10 ngày làm việc
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về quy trình đăng ký nhu cầu sử dụng người nước ngoài. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác hãy liên hệ ngay với Công ty luật uy tín Luật Trần và Liên Danh để được tư vấn tận tình và nhanh chóng nhất.