Việc đọc ý kiến kiểm toán không chỉ giúp bạn xác thực tính minh bạch trên báo cáo tàic chính, mà còn xác định nhanh doanh nghiệp này đang có các khoản mục nào bị ngoại trừ, thông tin có đầy đủ, rõ ràng, có những rủi ro nào trên báo cáo tài chính chưa được kiểm toán, báo cáo có độ tin cậy nhất định hay không…? Để chi tiết về các loại ý kiến kiểm toán cũng như cách ứng dụng qua các ví dụ cụ thể mời bạn đọc chi tiết bài viết dưới đây.
Ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần
Ý kiến chấp nhận toàn phần (Unqualified opinion). Đây là báo cáo được đánh giá cao nhất với tính hợp lý, trung thực, độ đáng tin cậy ở báo cáo này là 100% xét trên mức trọng yếu của kiểm toán.
Ý kiến kiểm toán ngoại trừ
Ý kiến kiểm toán ngoại trừ (Qualified opinion) được đưa ra trong trường hợp, kiểm toán viên cho rằng báo cáo tài chính chỉ phản ánh trung thực hợp lí tình hình tài chính, kết quả kinh doanh, dòng tiền của đơn vị xét trên các khía cạnh trọng yếu nếu không bị ảnh hưởng bởi yếu tố tùy thuộc.
Ý kiến ngoại trừ được đưa ra khi
– Dựa trên dữ liệu thu thập, với đầy đủ bằng chứng kiểm toán, kiểm toán viên sẽ đưa ra các kết luận sai sót riêng lẻ từng khoản mục hay tổng hợp lại, có ảnh hưởng trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với báo cáo tài chính; hoặc:
– Kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán, nhưng kiểm toán viên kết luận những ảnh hưởng, có thể có của các sai sót chưa được phát hiện (nếu có) có thể là trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với báo cáo tài chính.
3 câu hỏi quan trọng khi gặp phải ý kiến kiểm toán ngoại trừ
Khoản mục nào bị ngoại trừ
Có trọng yếu hay không
Vấn đề này có xuất hiện trong các năm trước hay không?
Một vấn đề bị ngoại trừ có thể ảnh hưởng trọng yếu đến doanh nghiệp
Ví dụ: Một doanh nghiệp sản xuất hàng tồn kho nhưng lại bị ngoại trừ hàng tồn kho. Hoặc tiền và ngân hàng là 2 khoản mục rất quan trọng nhưng lại bị ngoại trừ, lúc đó việc thu thập bằng chứng để xác minh sự chính xác của 2 khoản mục trên báo cáo tài chính không còn được trọn vẹn nữa. Vì không có cơ sở và bằng chứng để xác nhận các thông tin trên BCTC là đúng và đủ cả.
Với vai trò người đi cho vay thì mình có thể thu thập thông tin báo cáo tài chính ấy một cách đơn giản, từ việc hỏi doanh nghiệp. Hoặc với nhà đầu tư thì mình có thể lên trên website của công ty tải những báo cáo đã public về. Hoặc với những doanh nghiệp không public báo cáo tài chính thì nên cân nhắc lại là có nên đầu tư, cho vay hay không.
Đánh giá thông tin tài chính trên tờ trình thẩm định với báo cáo tài chính có ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán
Disclaimer – Từ chối đưa ra ý kiến (kiểm toán sẽ có quyền từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán trong trường hợp có một vấn đề ngoại cảnh ảnh hưởng đến khả năng thu thập thông tin cũng như bằng chứng kiểm toán). Tức là bị giới hạn trong phạm vi kiểm toán.
Ví dụ minh hoạ
Trên báo cáo tài chính của công ty X, kiểm toán viên đưa ra ý kiến từ chối ở phần báo cáo kiểm toán như sau:
Cơ sở của việc từ chối đưa ra ý kiến
Giả định hoạt động liên tục:
Như được trình bày tại Thuyết minh 2(c), báo cáo tài chính này được lập trên cơ sở hoạt động liên tục mặc dù tại ngày 31 tháng 12 năm 20X4, tổng số nợ phải trả của Công ty vượt quá tổng tài sản 2.100 tỷ VND (31/12/20X3: 1.200 tỷ VND) và lỗ thuần cho năm kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 20X4 là 140 tỷ VND (20X3: 160 tỷ VND).
Ngoài ra, như trình bày tại các Thuyết minh A, B và C trong báo cáo tài chính, tại ngày 31 tháng 12 năm 20X4 Công ty còn có các khoản tiền gửi của và vay từ các tổ chức tín dụng khác, tiền gửi của khách hàng, các khoản lãi phải trả liên quan và các tài sản khác có trị giá tổng cộng là 2.100 tỷ VND mà Công ty đã quá hạn phải thanh toán từ 4 đến 50 tháng (31/12/2013: 1.200 tỷ VND đã bị quá hạn từ 4 đến 40 tháng).
Trong năm 20X4, Công ty đã và đang thực hiện nhiều biện pháp tái cơ cấu về tổ chức, kinh doanh và quản lý tài chính theo Đề án Tái cơ cấu đã được Công ty ABC (“Công ty mẹ”) phê duyệt ngày 21 tháng 7 năm 20X3, theo đó Công ty sẽ được sáp nhập vào Công ty mẹ. Công ty mẹ đã gửi công văn đề nghị phương án sáp nhập này lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (“NHNN”) vào ngày 19 tháng 2 năm 20X4. Tại thời điểm lập báo cáo này, Công ty vẫn đang chờ phê duyệt của NHNN và vì vậy quá trình sáp nhập này vẫn chưa hoàn tất.
Giá trị của giả định hoạt động liên tục sử dụng trong việc lập báo cáo tài chính này, cơ bản tùy thuộc vào việc Công ty mẹ tiếp tục các hỗ trợ tài chính cần thiết cho Công ty, để cải thiện tình hình của Công ty cũng như duy trì hoạt động và thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Tuy nhiên, từ năm 20X2 đến nay, Công ty mẹ cũng gặp rất nhiều khó khăn về tài chính và đã và đang phải thực hiện nhiều biện pháp tái cơ cấu về tổ chức, kinh doanh và quản lý tài chính. Theo đó, Ban Giám đốc Công ty đánh giá rằng không có đầy đủ thông tin để đánh giá được khả năng hoạt động liên tục của Công ty trong tương lai.
Do đó, chúng tôi chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng để đánh giá sự phù hợp của giả định hoạt động liên tục được áp dụng trong việc trình bày báo cáo này. Vì vậy, chúng tôi không thể xác định liệu có cần thực hiện các điều chỉnh đối với báo cáo tài chính, trong trường hợp Công ty không thể tiếp tục hoạt động liên tục.
Từ chối đưa ra ý kiến
Do tầm quan trọng của vấn đề nêu trong phần “Cơ sở của việc từ chối đưa ra ý kiến”, chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán. Do đó, chúng tôi không thể và không đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính tại ngày và cho năm kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 20X4 của Công ty.
Ý kiến kiểm toán trái ngược
Adverse – Ý kiến kiểm toán trái ngược hay còn được gọi là ý kiến không chấp nhận (Đây được coi là ý kiến “đáng sợ” nhất đối với bất cứ công ty nào, ý kiến không chấp nhận đồng nghĩa với việc báo cáo tài chính của công ty này phản ánh không trung thực và hợp lý).
Đối với ý kiến không chấp nhận, thì giá trị thông tin ở trên báo cáo sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
Mình sẽ cố gắng tìm và tiếp cận những doanh nghiệp có “ý kiến chấp nhận toàn phần” của kiểm toán viên ở trên báo cáo tài chính, để dễ dàng tìm hiểu và đưa ra kết luận về tiềm năng của DN đấy. Vì thông tin trên báo cáo tài chính khi đó sẽ đáng tin cậy.
Ví dụ về ý kiến kiểm toán trái ngược
Trên báo cáo tài chính của công ty Z, kiểm toán viên đưa ra ý kiến trái ngược ở phần báo cáo kiểm toán như sau:
Cơ sở đưa ra ý kiến của kiểm toán viên
Số dư đầu kỳ và số liệu so sánh:
Báo cáo tài chính của Công ty cho năm tài chính kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 20X3 được kiểm toán bởi kiểm toán viên khác với ý kiến kiểm toán ngoại trừ do Công ty kiểm toán tiền nhiệm không thể thu thập đầy đủ bằng chứng về khả năng thu hồi các khoản gốc trái phiếu và các khoản phải thu từ Công ty Z.
Tại ngày 31 tháng 12 năm 20X3, Công ty vẫn đang nắm giữ 75.000 trái phiếu của Công ty Z với giá trị ghi sổ là 7.000 triệu VND (đã đáo hạn ngày 29/3/20X1) và các khoản phải thu từ Công ty Z là 80 triệu VND.
Công ty Z đang trong quá trình giải thể, Ban Lãnh đạo không thể đánh giá được khả năng thu hồi những khoản này và vì vậy không xác định được số dự phòng cần thiết cho giá trị bị suy giảm. Công ty kiểm toán tiền nhiệm không thể xác định được những điều chỉnh cần thiết trên báo cáo tài chính cho khoản đầu tư trái phiếu và lãi phải thu từ trái phiếu của Công ty Z tại ngày 31 tháng 12 năm 20X3 và chi phí dự phòng cho năm tài chính kết thúc cùng ngày.
Các số dư đầu kỳ tại ngày 31 tháng 12 năm 20X3 mang sang ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình lưu chuyển tiền tệ của Công ty cho năm kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 20X4.
Khả năng thu hồi của khoản xây dựng cơ bản dở dang:
Như được trình bày tại Thuyết minh số N trong báo cáo tài chính, tại ngày 31 tháng 12 năm 20X4, Công ty có khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang với giá trị ghi sổ là 2.000 triệu VND là các chi phí đầu tư cơ sở vật chất cho dự án hoạt động kinh doanh chứng khoán mà dự án này đã tạm dừng triển khai. Chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán về khả năng thu hồi khoản xây dựng cơ bản dở dang này.
Do đó, chúng tôi không thể xác định được các điều chỉnh có thể là cần thiết đối với các khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang và lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán tại ngày 31 tháng 12 năm 20X4 và các khoản mục chi phí hoạt động kinh doanh và lỗ thuần trên báo cáo kết quả kinh doanh của Công ty cho năm kết thúc cùng ngày.
Giả định hoạt động liên tục:
Công ty đã gửi Công văn ngày 27 tháng 10 năm 20X3 tới cơ quan chủ quản, theo đó Ban Lãnh đạo đề nghị được tiếp tục hoạt động đến ngày 30/6/20X5 để Công ty hoàn tất các trách nhiệm và nghĩa vụ hiện tại, xây dựng chi tiết phương án giải thể, đảm bảo quá trình giải thể thuận lợi và nhanh gọn.
Do đó, báo cáo tài chính tại ngày và cho năm kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 20X4 phải được lập trên cơ sở Công ty không tiếp tục hoạt động liên tục. Toàn bộ tài sản được ghi nhận theo giá trị ước tính có thể thu hồi được. Các khoản dự phòng cũng được lập theo chi phí ước tính phát sinh để chấm dứt hoạt động kinh doanh và giải thể Công ty. Toàn bộ tài sản dài hạn và nợ phải trả dài hạn được phân loại là các khoản ngắn hạn. Như nêu tại Thuyết minh 2(c), Công ty vẫn lập báo cáo tài chính trên cơ sở hoạt động liên tục.
Ý kiến của kiểm toán viên
Do tính trọng yếu của các vấn đề nêu ra trong phần “Cơ sở đưa ra ý kiến của kiểm toán viên” đặc biệt về vấn đề cơ sở lập báo cáo tài chính, báo cáo tài chính đã phản ánh không trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính của Công ty XXX tại ngày 31 tháng 12 năm 20X4, kết quả hoạt động kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ trong năm kết thúc cùng ngày, theo các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam, Chế độ Kế toán doanh nghiệp Việt Nam và các quy định pháp lý có liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về ý kiến kiểm toán Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.