Hồ sơ đăng ký kết hôn

hồ sơ đăng ký kết hôn

Những bạn trẻ nào đang muốn kết hôn nhưng còn do dự không biết là mình đã đủ điều kiện để đăng ký kết hôn hay chưa? Theo quy định của luật hôn nhân gia đình thì nam, nữ bao nhiêu tuổi là đủ điều kiện kết hôn? hồ sơ đăng ký kết hôn bao gồm những loại giấy tờ gì? Muốn biết được điều đó thì hãy cùng Luật Trần và Liên Danh tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Khái niệm kết hôn là gì?

Kết hôn là gì? Kết hôn là việc thiết lập mối quan hệ hôn nhân một vợ một chồng khi đã thỏa mãn các điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật. Việc đăng ký kết hôn sẽ được công nhận nếu thực hiện đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều kiện đăng ký kết hôn

Theo quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về điều kiện đăng ký kết hôn thì nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau:

– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

– Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn như:

+ Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

+ Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

+ Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

Ngoài ra, Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Các trường hợp cấm kết hôn

Nam, nữ thực hiện việc kết hôn cần đảm bảo đáp ứng tất cả các điều kiện kết hôn quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Trong đó, Luật Hôn nhân và gia đình có điều kiện về không thuộc những trường hợp cấm kết hôn.

Theo điểm d khoản 1 Điều 8 về Điều kiện kết hôn quy định:

Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

Các trường hợp cấm kết hôn tại điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 bao gồm:

Kết hôn giả tạo

Kết hôn giả tạo được hiểu là việc nam, nữ kết hôn trên cơ sở một thỏa thuận hoặc một hợp đồng nào đó nhằm mục đích khác lớn hơn là lý do xây dựng gia đình.

Chẳng hạn như: việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.

Trên nguyên tắc, kết hôn giả tạo vẫn sẽ đảm bảo nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng.

Tuy nhiên, mục đích của kết hôn là xây dựng gia đình không đảm bảo.

Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn

Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Cụ thể, nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi khi xác định tuổi theo ngày, tháng, năm sinh.

Việc quy định độ tuổi kết hôn nhằm đảm bảo họ có khả năng thực hiện nghĩa vụ là xây dựng gia đình và phát triển xã hội hay không.

Cưỡng ép kết hôn là việc một người dùng hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ.

Lừa dối kết hôn là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch và dẫn đến việc đồng ý kết hôn; nếu không có hành vi này thì bên bị lừa dối đã không đồng ý kết hôn.

Cản trở kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 hoặc buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ.

Ta có thể thấy, cấm các hành vi cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn đều nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, thể hiện ý chí tự nguyện của nam, nữ khi đăng ký kết hôn.

Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn với người đang có chồng, có vợ

Theo Thông tư liên tịch số 01/2016 /TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình quy định người đang có vợ có chồng là người thuộc một trong các trường hợp:

Người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nhưng chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết;

Người chung sống như vợ chồng với người khác trước ngày 03-01-1987 mà chưa đăng ký kết hôn và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc bị tuyên bố là đã chết;

Người đã kết hôn với người khác vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình nhưng đã được Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết.

Như vậy, pháp luật hiện nay cấm kết hôn với các chủ thể là người đã có vợ, có chồng theo quy định của pháp luật mà chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ, chồng của họ chết hoặc vợ, chồng của họ không bị Tòa án tuyên bố là đã chết.

Kết hôn giữa những người có quan hệ thân thích

Những người có quan hệ thân thích bị cấm kết hôn với nhau bao gồm:

Những người cùng dòng máu về trực hệ;

Giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;

Giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó người này sinh ra người kế tiếp nhau.

Những người cùng dòng máu về trực hệ thì không được kết hôn với nhau.

Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm:

Cha, mẹ là đời thứ nhất;

Anh, chị, em cùng cha, mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai;

Anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.

Như vậy, cấm kết hôn giữa những người trong phạm vi ba đời được hiểu là:

Cấm kết hôn giữa anh, chị, em cùng cha mẹ với nhau, anh, chị, cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha;

Cấm kết hôn giữa bác ruột, chú ruột, cậu ruột với các cháu gái, bác ruột, cô ruột, dì ruột với các cháu trai;

Cấm kết hôn giữa anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì với nhau.

Ngoài ra, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 còn cấm kết hôn giữa:

Cha mẹ nuôi với con nuôi;

Giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Đây là quy định hoàn toàn phù hợp với đạo đức, văn hóa của người Việt Nam, bảo vệ những nét đẹp mang giá trị văn hóa, truyền thống đối với đời sống hôn nhân và gia đình, đồng thời góp phần ổn định các quan hệ hôn nhân và gia đình.

Như vậy, các trường hợp cấm kết hôn được quy định cụ thể tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc cấm kết hôn nhằm mục đích đó là bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình.

Các hành vi vi phạm trường hợp cấm kết hôn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật đối với từng hành vi cụ thể.

hồ sơ đăng ký kết hôn
hồ sơ đăng ký kết hôn

Hồ sơ đăng ký kết hôn gồm những gì?

Kết hôn trong nước:

Theo Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

– Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu;

– Chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ Căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh. Lưu ý, những loại giấy tờ này đều phải đang còn thời hạn sử dụng;

– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã nơi cư trú cấp.

– Quyết định hoặc bản án ly hôn của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu trước đó đã từng kết hôn và ly hôn.

Kết hôn có yếu tố nước ngoài:

Nếu việc kết hôn có yếu tố nước ngoài thì căn cứ theo Điều 30 Nghị định 123/2015, hồ sơ cần chuẩn bị gồm:

– Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu);

– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân còn giá trị sử dụng, do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp thể hiện nội dung: Hiện tại người nước ngoài này không có vợ/có chồng. Nếu nước đó không cấp thì thay bằng giấy tờ khác xác định người này đủ điều kiện đăng ký kết hôn.

– Giấy xác nhận không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác, có đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình (do cơ quan y tế của thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận).

– Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (bản sao).

Nộp hồ sơ đến đâu?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Hộ tịch 2014, sau khi chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ nêu trên, các cặp đôi là công dân Việt Nam, đăng ký kết hôn tại Việt Nam cần đến UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai bên để đăng ký kết hôn.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 37 Luật Hộ tịch năm 2014, trong những trường hợp sau đây, nơi thực hiện việc đăng ký kết hôn cho các cặp nam, nữ là UBND cấp huyện:

– Công dân Việt Nam với người nước ngoài;

– Công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

– Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau;

– Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.

Riêng hai người nước ngoài khi có nhu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì đến UBND cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên để thực hiện việc đăng ký kết hôn (Căn cứ khoản 1 Điều 37 Luật Hộ tịch).

Thời gian cấp đăng ký kết hôn là bao lâu?

Giấy chứng nhận kết hôn được cấp ngay sau khi cán bộ tư pháp nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ và xét thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định (theo Điều 18 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).

Nếu thấy đủ điều kiện kết hôn, Điều 18 Luật Hộ tịch 2014 nêu rõ, cán bộ tư pháp ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam nữ ký tên vào Sổ hộ tịch và Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

Đồng thời hai bên nam, nữ cùng ký vào Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Sau đó, cán bộ tư pháp báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

Trong trường hợp nếu cần xác minh thêm các điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn cấp Giấy chứng nhận kết hôn không quá 05 ngày làm việc.

Do đó, có thể thấy thời hạn cấp Giấy đăng ký kết hôn là ngay sau khi hai bên được xét đủ điều kiện kết hôn và được UBND nơi có thẩm quyền thực hiện đăng ký kết hôn cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

Riêng trường hợp có yếu tố nước ngoài, theo Điều 32 Nghị định 123, việc trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ký.

Đặc biệt: Nếu trong 60 ngày kể từ ngày ký mà hai bên không thể có mặt để nhận giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì Giấy này sẽ bị hủy. Nếu hai bên vẫn muốn kết hôn thì phải thực hiện thủ tục lại từ đầu.

Lệ phí đăng ký kết hôn là bao nhiêu?

Nếu đăng ký kết hôn của công dân Việt Nam cư trú trong nước thì được miễn lệ phí đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 11 Luật Hộ tịch. (trước đây mức lệ phí này được quy định tối đa 30.000 đồng).

Những trường hợp còn lại theo Điều 3 Thông tư 85/2019 sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Trên đây là toàn bộ thông tin về hồ sơ đăng ký kết hôn. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho các cặp đôi chuẩn bị lập gia đình. Nếu còn vướng mắc hoặc cần tư vấn thêm, bạn đọc vui lòng liên hệ qua hotline để được hỗ trợ nhanh nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139