Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ

Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ

Trong quá trình trưởng thành, cha mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với con cái. Bởi cha mẹ là những người có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục, che chở, tạo nên nhân cách sống cho mỗi con người. Như vậy, để làm tròn bổn phận của người làm con, đảm bảo thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ giữa con với cha mẹ thì pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ của con đối với cha mẹ như thế nào? Việc không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng của con đối với cha mẹ sẽ bị xử lý ra sao? trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ? Trong phạm vi bài viết này, Luật Trần và Liên Danh sẽ cung cấp tới Quý bạn đọc những thông tin hữu ích liên quan đến vấn đề này.

Căn cứ pháp lý

– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;

– Luật Trẻ em năm 2016 sửa đổi, bổ sung 2018;

– Luật Người cao tuổi năm 2009;

– Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007;

– Bộ luật Dân sự năm 2015;

– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;

– Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Quyền của con đối với cha mẹ

Căn cứ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể tại khoản 1 và khoản 3 Điều 70, Điều 71, khoản 1 Điều 76 và Điều 90, thì quyền của con đối với cha mẹ bao gồm:

– Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật.

– Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.

– Con có quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

– Con từ đủ 15 tuổi trở lên mà có tài sản riêng thì có quyền nhờ cha mẹ quản lý.

– Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết. Con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ, không cần phải có sự đồng ý của cha.

Bên cạnh đó, căn cứ theo Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành thì:

– Con còn có quyền được hưởng di sản thừa kế của cha mẹ không phụ thuộc vào nội dung của di chúc trong trường hợp cha mẹ chết để lại di sản (người thuộc diện thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất); và

– Con cũng có quyền lập di chúc chuyển giao tài sản của mình cho cha mẹ nếu đủ các điều kiện hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tại Điều 22 và Điều 23 của Luật Trẻ em năm 2016, sửa đổi, bổ sung năm 2018 cũng có quy định về quyền của con đối với cha mẹ như sau:

– Con có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của con.

– Khi phải cách ly cha, mẹ, người con được trợ giúp để duy trì mối liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ, gia đình, trừ trường hợp không vì lợi ích tốt nhất của người con

– Con có quyền được biết cha đẻ, mẹ đẻ, trừ trường hợp ảnh hưởng đến lợi ích tốt nhất của con; được duy trì mối liên hệ hoặc tiếp xúc với cả cha và mẹ khi con, cha, mẹ cư trú ở các quốc gia khác nhau hoặc khi bị giam giữ, trục xuất; được tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất cảnh, nhập cảnh để đoàn tụ với cha, mẹ; được bảo vệ không bị đưa ra nước ngoài trái quy định của pháp luật; được cung cấp thông tin khi cha, mẹ bị mất tích.

Trong trường hợp là con nuôi, con riêng, con dâu, con rể mà cùng sống chung với cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ chồng, cha mẹ vợ thì cũng sẽ có các quyền đối với cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ chồng, cha mẹ vợ được ghi nhận tại Điều 70 và Điều 71 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Có thể thấy, pháp luật ghi nhận rất nhiều về quyền của con đối với cha mẹ, mỗi quyền được đặt ra đều mang một giá trị và ý nghĩa rất nhân văn. Thông thường, quyền chỉ hay được nhắc đến trong trường hợp quyền của cha mẹ đối với con cái, tuy nhiên quyền của con cái đối với cha mẹ cũng được quy định rất phong phú. Theo đó, tùy thuộc vào từng độ tuổi và tình hình thực tế ra sao mà người con sẽ thực hiện các quyền khác nhau đối với cha mẹ.

Nghĩa vụ của con đối với cha mẹ

Quyền và nghĩa vụ luôn đi đôi với nhau, khi nhắc đến quyền thì không thể không kể đến nghĩa vụ. Nghĩa vụ của con đối với cha mẹ được pháp luật quy định khá rõ ràng và cụ thể. Theo đó, căn cứ khoản 2 và khoản 3 Điều 70, khoản 2 Điều 71, khoản 2 và khoản 3 Điều 75 và Điều 111 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì nghĩa vụ của con đối với cha mẹ được quy định như sau:

– Con phải có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ. Bên cạnh những trách nhiệm được luật pháp quy định, thì con trong gia đình còn có nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc giữ gìn danh dự văn hóa, truyền thống đạo đức gia đình.

– Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Khi còn trong độ tuổi đi học, con có nghĩa vụ đối với cha mẹ là vâng lời thầy cô, học hành chăm chỉ, tích lũy kiến thức và trau dồi đạo đức để khi trưởng thành sẽ tự tin tham gia vào đời sống xã hội, lao động để tạo thu nhập nuôi sống bản thân và chăm sóc gia đình.

– Con có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

– Con từ đủ 15 tuổi trở lên sống chung với cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nếu có thu nhập.

– Con đã thành niên khi sống cùng với cha mẹ, có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.

– Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Ngoài ra, theo Điều 10 Luật Người cao tuổi năm 2009 còn có quy định về nghĩa vụ của con đối với cha mẹ như sau: Đối với cha mẹ thuộc người cao tuổi thì con có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng, chăm sóc đời sống tinh thần, vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe và các nhu cầu về vui chơi, giải trí, thông tin, giao tiếp, học tập cho cha mẹ là người cao tuổi.

Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ
trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ

Đối với các trường hợp con nuôi, con riêng, con dâu, con rể mà cùng sống chung với cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ chồng, cha mẹ vợ thì cũng phải có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng và giúp đỡ họ theo quy định tại Điều 70 và Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Nhìn chung, trong mối quan hệ giữa con với cha mẹ thì con có các quyền và nghĩa vụ khác nhau. Để đảm bảo thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của con đối với cha mẹ, pháp luật đã đặt ra những quy định rõ ràng. Bên cạnh việc cha mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, … thì con cũng phải ý thức và nắm rõ được quyền, nghĩa vụ của mình để làm tròn bổn phận, trách nhiệm của một người con. Mặt khác, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ là quyền bình đẳng đối với mọi người con, không có sự phân biệt con trai, con gái, con nuôi, con trong hoặc ngoài giá thú, con dâu, con rể, …

Chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ của con đối với cha, mẹ

Mặc dù pháp luật đã quy định về quyền và nghĩa vụ của con đối với cha mẹ nhưng trên thực tế tình trạng con xúc phạm, chửi bới, chăm sóc không chu đáo và hành hạ cha mẹ của mình vẫn xảy ra thường xuyên. Theo đó, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm khác nhau mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng

Tùy theo độ tuổi tại thời điểm thực hiện hành vi, trường hợp người con có hành vi bạo lực gia đình được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, thì dựa theo Điều 42 và Điều 43 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 ghi nhận:

– Người có hành vi bạo lực với cha mẹ đã được góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư, mà trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày áp dụng biện pháp này vẫn có hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

– Trường hợp con đã bị áp dụng biện pháp trên nhưng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi bạo lực đối với cha mẹ nhưng vẫn chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục. Đối với con dưới 18 tuổi thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

– Đối với con là cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực đối với cha mẹ nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của khoản 1 Điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.

Xử phạt hành chính đối với con có hành vi bạo lực với cha mẹ

Trường hợp con có các hành vi bạo lực với cha mẹ, vi phạm nghĩa vụ của con đối với cha mẹ, thì tuỳ từng hành vi được thực hiện cụ thể như thế nào mà mức phạt được cụ thể hóa tại các điều khoản được quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể:

– Điều 52 đối với hành vi xâm hại sức khoẻ thành viên gia đình;

– Điều 53 đối với hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình;

– Điều 54 đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình;

– Điều 55 đối với hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

– Điều 57 đối với hành vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng;

– Điều 58 đối với hành vi bạo lực về kinh tế;

 – Điều 59 đối với hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của con đối với cha mẹ, thì người đó còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với những tội danh sau:

– Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017: Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình;

– Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017: Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.

Từ những chế tài đã được trích dẫn trên đây, có thể thấy được trong cuộc sống, con phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, chăm lo cho cha mẹ đến khi ốm đau, già yếu, khuyết tật. Vốn dĩ pháp luật không khắt khe trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của con đối với cha mẹ, tuy nhiên những quy định này được đặt ra một phần nhằm để nhắc nhở về đạo làm con, nhớ đến cội nguồn, công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, là cách để con báo hiếu cho cha mẹ, một phần là để là tạo sự ràng buộc, để con có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình đối với cha mẹ. Nếu làm trái với quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý tùy theo mức độ nặng nhẹ của hành vi.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác hãy liên hệ ngay với Công ty luật uy tín Luật Trần và Liên Danh để được tư vấn tận tình và nhanh chóng nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139