Để thực hiện được việc đăng ký kết hôn thì các chủ thể phải đáp ứng được các điều kiện đăng ký kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014. Sau khi có đủ điều kiện đăng ký kết hôn thì các bên cần phải hiểu rõ về thẩm quyền đăng ký kết hôn và trình tự thủ tục đăng ký kết hôn khác tỉnh để đảm bảo đăng ký kết hôn hợp pháp.
Điều kiện về chủ thể và thẩm quyền đăng ký kết hôn:
Để thực hiện việc đăng ký kết hôn thì người kết hôn phải đáp ứng những điều kiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau: Trước hết phải đáp ứng về độ tuổi kết hôn đối với nam giới phải đủ từ 20 tuổi trở lên, với nữ giới phải từ đủ 18 tuổi trở lên là độ tuổi đủ trưởng thành về mặt nhận thức để lập gia đình. Về ý chí của hai bên, khi kết hôn để được pháp luật ghi nhận là kết hôn hợp pháp thì giữa nam và nữ phải có ý chí tự nguyện để kết hôn với nhau, đến với nhau bằng mong muốn chung sống với nhau hợp pháp, xây dựng hạnh phúc gia đình, không có yếu tố lừa dối, giả tạo để kết hôn hay có yếu tố cưỡng ép người khác để kết hôn.
Người thực hiện việc kết hôn phải là người không thuộc vào trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, đủ tỉnh táo và minh mẫn để kết hôn với người khác. Việc kết hôn với người khác hợp pháp còn phải đáp ứng điều kiện là không thuộc vào các trường hợp cấm kết hôn theo quy định của pháp luật ví dụ như: Người nào đã kết hôn thì không được kết hôn với người khác, hoặc biết người khác đã có vợ, hoặc có chồng rồi nhưng vẫn cố tình kết hôn với người khác. Hoặc pháp luật cũng cấm kết hôn đối với những trường hợp đối tượng kết hôn là những người có quan hệ thân thích trong gia đình, trong dòng máu trực hệ hoặc phạm vi 3 đời. Cấm kết hôn giữa các đối tượng đã là cha, mẹ, con nuôi với nhau hợp pháp, hoặc họ đã từng là cha, mẹ con nuôi. Cấm hôn kết hôn giữa cha mẹ vợ, cha mẹ chồng với con rể, con dâu; giữa con riêng với cha dượng, mẹ kế.
Theo đó theo quy định của pháp luật hộ tịch thẩm quyền để đăng ký kết hôn không có yếu nước ngoài là thẩm quyền của ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn. Trong đó nơi cư trú của công dân theo quy định của pháp luật cư trú là chỗ ở mà người công dân đó đang thường trú hoặc tạm trú là nơi người đó thường xuyên sinh sống hoặc hiện tại đang sinh sống, theo đó xác định có thể là nơi một trong hai bên đang tạm trú hoặc đang thường trú. Như vậy, đối với trường hợp kết hôn không có yếu tố nước ngoài thì hai bên có thể lựa chọn ủy ban nhân dân xã nơi một trong hai bên đang tạm trú hoặc thường trú đều có thẩm quyền đăng ký kết hôn.
Đối với trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật thẩm quyền đăng ký kết hôn là thuộc về Uỷ ban nhân cấp huyện. Trong đó UBND cấp huyện đang là nơi cư trú của công dân Việt Nam sẽ thực hiện các thủ tục đăng ký kết hôn đối với các đối tượng đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, ví dụ: giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài, công dân Việt Nam với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài..vv. Đối với vấn đề kết hôn giữa hai bên nam nữ ngoài việc đáp ứng điều kiện để kết hôn thì phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Nếu các bên thực hiện việc kết hôn nhưng không được đăng ký theo quy định của pháp luật thì không có giá trị pháp lý và không được pháp luật đây là vợ chồng hợp pháp.
Thủ tục đăng ký kết hôn khác tỉnh được pháp luật quy định như thế nào? Cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định:
– Người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nộp Tờ khai theo mẫu quy định. Trường hợp yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nhằm mục đích kết hôn thì người yêu cầu phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
– Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã có vợ hoặc chồng nhưng đã ly hôn hoặc người vợ hoặc chồng đã chết thì phải xuất trình hoặc nộp giấy tờ hợp lệ để chứng minh; nếu thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 37 của Nghị định này thì nộp bản sao trích lục hộ tịch tương ứng.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra, xác minh tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu. Nếu người yêu cầu có đủ điều kiện, việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là phù hợp quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân ký cấp 01 bản Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người có yêu cầu. Nội dung Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi đúng tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu và mục đích sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
– Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Trường hợp người đó không chứng minh được thì công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân cấp xã được yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu về tình trạng hôn nhân của người đó trong thời gian thường trú tại địa phương.
– Ngay trong ngày nhận được văn bản trả lời, nếu thấy đủ cơ sở, Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người yêu cầu theo quy định tại Khoản 3 Điều này.
– Trường hợp cá nhân yêu cầu cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích khác hoặc do Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã hết thời hạn sử dụng theo quy định tại Điều 23 của Nghị định này, thì phải nộp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã được cấp trước đó.
Để đăng ký kết hôn thì hồ sơ cần có của mỗi người sẽ là CMND và Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; kèm theo đó là đơn đăng ký kết hôn (do UBND cấp).
Ở đây, do đăng ký kết hôn ở nơi bạn đăng ký thường trú do đó bạn sẽ không cần phải có Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, chỉ người yêu của bạn mới cần giấy này. Thủ tục xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thực hiện theo quy định nêu trên.
Giá trị sử dụng của Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được pháp luật quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 23 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn quy định giá trị sử dụng của Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân như sau:
“Điều 23. Giá trị sử dụng của Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp.
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được sử dụng để kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài hoặc sử dụng vào mục đích khác.
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không có giá trị khi sử dụng vào mục đích khác với mục đích ghi trong Giấy xác nhận.”
Có KT3 đăng ký kết hôn được không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi là nữ sắp kết hôn. Nhưng hộ khẩu thường trú của tôi ở huyện Trà Ôn, TP. Vĩnh Long, của chồng sắp cưới ở TP. Tân An, tỉnh Long An. Chúng tôi hiện đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Bản thân tôi đã có KT3, nhưng chồng sắp cưới thì chưa có. Nếu tôi muốn đăng ký kết hôn theo KT3 của tôi thì có được không? Nếu được thì cần những giấy tờ gì? Nếu không thì chúng tôi phải đăng ký ở đâu, thủ tục như thế nào?
Có phải sau khi đăng ký kết hôn và có giấy chứng nhận hôn thú rồi thì chúng tôi chính thức là vợ chồng? Tài sản sẽ được công nhận là của cả 2 (dù ai làm ra đi nữa) và khi chúng tôi mua nhà, nếu có vấn đề xảy ra, căn nhà ấy sẽ được chia đôi cho vợ chồng?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, căn cứ theo khoản 1 Điều 9 của Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật hộ tịch. Theo đó, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật hộ tịch 2014 quy định Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.
Như vậy, thẩm quyền đăng ký kết hôn trong nước theo quy định thuộc về ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ.
Căn cứ Luật cư trú cũng có quy định nơi cư trú tại Điều 12 Luật cư trú và được hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị định 31/2014/NĐ-CP. Căn cứ theo quy định nêu trên thì việc đăng ký kết hôn hoàn toàn có thể tiến hành ở nơi đăng ký tạm trú của một trong hai bên nam, nữ.
Thứ hai, hồ sơ khi đăng ký kết hôn: nộp Tờ khai (theo mẫu quy định), xuất trình Giấy chứng minh nhân dân và kèm theo đó là giấy chứng nhận độc thân của hai người. Điều 21 của Nghị Định 123/2015/NĐ-CP có quy định Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện việc cấp Gi ấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Thứ ba, về mặt pháp luật, kể từ thời điểm có giấy chứng nhận kết hôn hai bạn chính thức là vợ chồng. Vấn đề tài sản chung được quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014.
Giấy tờ kết hôn và nơi đăng ký kết hôn:
Tóm tắt câu hỏi:
Cháu và người yêu không hợp tuổi nên bị gia đình 2 bên ngăn cản, giờ chúng cháu muốn đăng ký kết hôn trước nhưng không muốn để gia đình 2 bên biết nên không thể đăng ký tại xã nơi cư trú mà chỉ có thể xin giấy xác nhận độc thân. Hiện cháu đang làm việc tại TPHCM, người yêu cháu học Hà Nội, chúng cháu đều có đăng ký tạm trú tại nơi làm việc và học tập. Cháu muốn hỏi nếu chúng cháu đăng ký kết hôn tại TPHCM hoặc HN có được không? Có yêu cầu gì về giấy tờ không ạ?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 9 của Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật hộ tịch. Theo đó, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật hộ tịch 2014 quy định Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.
Như vậy, thẩm quyền đăng ký kết hôn trong nước theo quy định thuộc về ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ.
Như vậy, bạn có thể đăng ký kết hôn tại nơi cư trú của bạn hoặc của bạn trai bạn. Lưu ý rằng nơi cư trú có thể là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Và giấy tờ cần thiết để đăng ký kết hôn bao gồm:
– Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu quy định)
– Bản sao chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của hai bên nam nữ
– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (theo mẫu quy định)
Đăng ký kết hôn ở đâu?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư, Tôi muốn hỏi vấn đề sau mong luật sư giải đáp giúp tôi
Tôi muốn kết hôn với một người có hộ khẩu thường trú tại xã khác. Vậy chúng tôi phải đến cơ quan nào để đăng ký kết hôn? Việc đăng ký kết hôn được thực hiện như thế nào? Em xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân gia đình mới nhất: “Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý”.
Căn cứ theo Điều 17 Luật Hộ tịch 2014 về thẩm quyền đăng ký kết hôn và nội dung Giấy chứng nhận kết hôn thì UBND cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.
Theo quy định của pháp luật, bạn phải đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân cấp xã nơi cư trú của bạn hoặc của bạn gái bạn. Nếu bạn đăng ký kết hôn không đúng cơ quan có thẩm quyền thì không có giá trị pháp lý. Do đó, trong trường hợp của bạn, bạn và bạn gái vẫn buộc phải đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của bạn hoặc bạn gái bạn.
Trên đây là bài viết tham khảo của công ty luật Trần và Liên Danh về thủ tục đăng ký kết hôn khác tỉnh. Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ các vấn đề khác lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7 để được tư vấn tốt nhất.