Căn cước công dân bị sai thông tin

Căn cước công dân bị sai thông tin

Căn cước công dân là một trong những giấy tờ tùy thân quan trọng của công dân Việt Nam và mang giá trị sử dụng lớn. Vậy khi thông tin trên căn cước công dân sai thì phải làm gì? căn cước công dân bị sai thông tin thủ tục đính chính thông tin sai trên căn cước công dân được thực hiện như thế nào? Để trả lời tất cả các câu hỏi trên mời độc giả tham khảo bài viết dưới đây của của Luật Trần và Liên Danh.

Căn cước công dân là gì?

Khoản 1 Điều 3 Luật căn cước công dân 2014 quy định về căn cước công dân như sau:

“Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này.”

Theo đó Căn cước công dân được hiểu là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam. Trên thẻ Căn cước công dân thể hiện những thông tin cơ bản như họ tên, ngày sinh, quê quán,.. cụ thể như sau:

+Mặt trước thẻ có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc; dòng chữ “Căn cước công dân”; ảnh, số thẻ Căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn;

+ Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.

+  Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể về quy cách, ngôn ngữ khác, hình dáng, kích thước, chất liệu của thẻ Căn cước công dân.

Giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân:

– Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

– Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin quy định tại Điều 18 của Luật Căn cước công dân 2014; được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ Căn cước công dân để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin cá nhân của mình.

– Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

Lợi ích của người dân khi sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp là gì?

Thứ nhất, thông tin cá nhân được bảo mật cao. Chíp điện tử được sử dụng trên thẻ CCCD lưu giữ chính xác thông tin của chủ thẻ, tuân thủ bảo mật của thế giới và Việt Nam. Do đó rất khó để làm giả chip điện tử, góp phần giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, đảm bảo độ tin cậy trong việc thực hiện các giao dịch, đặc biệt là giao dịch tài chính.

Thứ hai, tránh giả mạo giấy tờ. Thẻ căn cước công dân gắn chíp có mức độ bảo mật cao. Ngoài một con chip điện tử, thẻ CCCD còn kết hợp mã QR code để thuận tiện trong việc kiểm soát thông tin.

Thứ ba, Tích hợp được nhiều loại giấy tờ khác nhau trong một thẻ căn cước công dân gắn chíp. Thẻ có thể tích hợp hơn 30 loại giấy tờ khác nhau như: giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, sổ hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, sổ bảo hiểm xã hội… Nhờ vậy thay vì việc người dân phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ khác nhau thì có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chíp để làm mọi giao dịch.

Thẻ căn cước công dân gắn chip không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân, nó chỉ có vai trò lưu trữ thông tin của công dân. Trong trường hợp bị mất thẻ căn cước công dân gắn chip cũng không có nguy cơ lọt thông tin ra ngoài.

Như vậy, sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp tạo nhiều thuận tiện cho công dân tỏng các giao dịch hành chính, dễ dàng sửa đổi thông tin, đồng thời giúp cơ quan nhà nước khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý dễ dàng hơn. Vì vậy, khi thẻ căn cước công dân gắn chíp bị sai thông tin, công dân cần nhanh chóng tiến hành sửa đổi để thuận tiện cho quá trình đi lại và các hoạt động giao dịch.

Căn cước công dân ghi sai thông tin phải làm gì?

Pháp luật quy định về những trường hợp được đổi, được cấp lại thẻ Căn cước công dân:

“1. Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:

a) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này;

b) Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;

c) Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;

d) Xác định lại giới tính, quê quán;

đ) Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;

e) Khi công dân có yêu cầu.

Thẻ Căn cước công dân được cấp lại trong các trường hợp sau đây:

a) Bị mất thẻ Căn cước công dân;

b) Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.”

Như vậy khi người dân bị sai sót thông tin trên thẻ căn cước công dân sẽ được đổi hoặc cấp lại thẻ căn cước công dân

Nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân

– Công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân:

+ Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;

+ Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

+ Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;

+ Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.

– Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an có thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

Căn cước công dân bị sai thông tin
căn cước công dân bị sai thông tin

Thủ tục đính chính, sửa sai thông tin trên căn cước công dân: 

Bước 1: Đến cơ quan Công an đề nghị đổi thẻ

Người dân đến cơ quan Công an có thẩm quyền tại nơi mình đăng kí thường trú hoặc tạm trú tiếp nhận cấp đổi thẻ để đề nghị cấp đổi thẻ .

Bước 2: Thu nhận thông tin của công dân

– Công dân điền vào tờ khai theo mẫu quy định;

– Cán bộ Công an nơi tiếp nhận đề nghị đổi thẻ CCCD thu nhận thông tin công dân:

+ Tìm kiếm thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ; (trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong tờ khai theo mẫu quy định.)

+ Đối với người đang ở trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thì xuất trình giấy chứng minh do Quân đội nhân dân hoặc Công an nhân dân cấp kèm theo giấy giới thiệu của thủ trưởng đơn vị;

+ Lựa chọn loại cấp và mô tả đặc điểm nhân dạng; thu nhận vân tay; Chụp ảnh chân dung;

+ Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân Thu lệ phí theo quy định, cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục;

Bước 3: Thu lại Căn cước công dân đang sử dụng

Bước 4: Trả kết quả đổi thẻ Căn cước công dân

– Trả thẻ Căn cước công dân theo thời hạn và địa điểm trong giấy hẹn theo quy định. Trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước công dân trả thẻ tại địa điểm theo yêu cầu của công dân và công dân phải trả phí dịch vụ chuyển phát.

– Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật thì cơ quan quản lý căn cước công dân phải cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân trong thời hạn sau đây:

+ Tại thành phố, thị xã không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi; không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại;

+ Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;

+ Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;

Lưu ý: Trường hợp người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình thì phải có người đại diện hợp pháp đến cùng để làm thủ tục theo quy định

Lệ phí phải nộp khi đính chính, sửa sai thông tin trên căn cước công dân:

– Công dân đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu sẽ phải trả 50.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.

– Trường hợp công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân: 30.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.

– Cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất thẻ Căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.

(thông tư 59/2019/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân)

 – Các trường hợp miễn nộp lệ phí căn cước công dân

+ Đổi thẻ căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính;

+ Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật;

+ Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.

– Các trường hợp không phải nộp lệ phí căn cước công dân

+ Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân lần đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 19, khoản 2 Điều 32 Luật căn cước công dân;

+ Đổi thẻ căn cước công dân theo quy định tại Điều 21 và điểm a khoản 3 Điều 32 Luật căn cước công dân;

+  Đổi thẻ căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về thủ tục đính chính thông tin sai trên căn cước công dân. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác hãy liên hệ ngay với Công ty luật uy tín Luật Trần và Liên Danh để được tư vấn tận tình và nhanh chóng nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139