Một trong những nguyên tắc cơ bản của quy định hôn nhân và gia đình là một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. Đồng thời, trong thời kỳ hôn nhân, nam/nữ không được kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác. Trong bài viết dưới đây, Luật Trần và Liên Danh sẽ giới thiệu tới quý bạn đọc tội danh này:
Thế nào là vi phạm chế độ một vợ một chồng
Vi phạm chế độ một vợ một chồng là việc một người đã có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, hoặc người chưa có vợ có chồng mà lại cố tình chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đã có vợ có chồng.
Việc chung sống này có thể công khai hoặc không công khai, nhưng phải thể hiện ở các dấu hiệu như: Thời gian chung sống với nhau tương đối dài; có tài sản chung; đã có con chung với nhau; được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng…
Quy định của pháp luật tội vi phạm chế độ một vợ một chồng
Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng được quy định tại Bộ luật hình sự điều 182 tội vi phạm chế độ một vợ một chồng như sau:
Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Phân tích yếu tố cấu thành tội phạm tội vi phạm chế độ một vợ một chồng
Các yếu tố cấu thành tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
– Mặt khách quan
Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau đây:
+ Về hành vi, có một trong các hành vi sau:
Có hành vi kết hôn trái pháp luật với người khác trong khi người phạm tội đang có vợ hoặc có chồng một cách hợp pháp hoặc được xác định là hôn nhân thực tế và quan hệ hôn nhân đó còn đang tồn tại hoặc tuy chưa có vợ, có chồng mà kết hôn trái pháp luật với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ hợp pháp.
Việc kết hôn trái pháp luật thể hiện qua việc dùng thủ đoạn khai báo gian dối và chưa có vợ hoặc chồng, hoặc mua chuộc cán bộ có thẩm quyển để tiến hành việc kết hôn nhằm xác lập quan hệ hôn nhân mới giữa nam, nữ trong khi chính họ đang có vợ hoặc chồng.
Hành vi sống như vợ chồng với người khác: nếu không thuộc trường hợp kết hôn nêu ở trên thì hành vi chung sống như vợ chồng với người khác cũng cấu thành tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Hành vi nêu trên được thể hiện ở chỗ đôi nam, nữ mà một hoặc cả hai bên đang có vợ hoặc chồng nhưng lại chung sống với nhau không đăng ký kết hôn và coi nhau như vợ chồng một cách công khai (như ở chung một nhà, công khai mối quan hệ vợ chồng với hàng xóm, cha mẹ, bạn bè, có tài sản chung, con chung).
Tuy nhiên, thực tế việc xác định dấu hiệu nàv không dễ dàng vì phần đông việc chung sống ở dạng này thường diễn ra một cách lén lút, bí mật, trừ một số trường hợp khá đặc biệt có sự đồng ý của vợ hoặc chồng cho lấy thêm vợ hoặc chồng khác.
Lưu ý:
+ Hôn nhân thực tế được hiểu là trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký trước chính quyền, không vi phạm điều cấm của Luật hôn nhân và gia đình và quan hệ này phải xác lập trước khi Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực.
+ Trường hợp người có chồng, có vợ hợp pháp nhưng đang ly thân mà kết hôn hoặc chung sống với người khác như vợ chồng thì vẫn bị coi là phạm vào tội này.
+ Nếu hậu quả nghiêm trọng xảy ra mà cấu thành một tội phạm khác thì người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội độc lập đó.
Ví dụ: A đi công tác xa đã chung sống với chị B như vợ chồng, nên đã tìm cách giết vợ để được chung sống với B một cách trọn vẹn. Hành vi của A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội là tội vi phạm chế độ một vợ một chồng và tội giết người.
+ Nếu người đang có vợ có chồng hợp pháp mà sống như vợ như chồng với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu với trẻ em.
+ Nếu sống chung như vợ chồng với trẻ em chưa đủ 13 tuổi thì họ phạm vào tội hiếp dâm trẻ em.
+ Dấu hiệu khác: Hành vi nói trên phải gây hậu quả nghiêm trọng (như làm cho gia đình họ đổ vỡ phải ly hôn…) hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
– Khách thể
Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, một trong những nguyên tắc cơ bản quy định Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
– Mặt chủ quan
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý trực tiếp.
– Chủ thể
Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự, phải dù tuổi kết hôn (nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên) và phải là đang có vợ hoặc có chồng hợp pháp hoặc là người chưa có vợ, chưa có chồng nhưng biết rõ người khác đang có chồng có vợ, mà vẫn kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đó.
Đốì với người còn lại mà chưa có vợ hoặc có chồng khi biết rõ bên kia đã có chồng hoặc có vợ mà vẫn đồng ý kết hôn với họ thì cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này với vai trò đồng phạm.
Thực tế có trường hợp đồng tính luyến ái chung sống với nhau như vợ chồng theo chúng tôi thì không thể coi là hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng.
Văn bản hướng dẫn:
- Hướng dẫn toàn điều:
Nghị quyết 04 -HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự
Chương 5:
CÁC TỘI XÂM PHẠM CHẾ ĐỘ HÔN NHÂN, GIA ĐÌNH VÀ CÁC TỘI PHẠM ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN
- Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 144).
– Chủ thể của tội phạm này là “người đang có vợ, có chồng” tức là người đang có một quan hệ hôn nhân hợp pháp hoặc hôn nhân thực tế (hôn nhân có đủ điều kiện như luật hôn nhân và gia đình quy định, nhưng còn thiếu điều kiện đăng ký kết hôn).
Người chưa có chồng hoặc chưa có vợ mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đã có vợ, có chồng, là đồng phạm với người vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Người có ác ý “tranh chồng, cướp vợ”, phá hoại hanh phúc gia đình của người khác cần bị xử lý nghiêm khắc.
– Về mặt khách quan của tội phạm, kết hôn nói ở điều luật là lấy vợ, lấy chồng bằng giấy tờ gian dối, do đó, được Ủy ban nhân dân công nhận; “chung sống như vợ chồng” là ăn, ở với nhau công khai hoặc lén lút và coi nhau là vợ chồng một cách trái pháp luật.
– Đối với các trường hợp lấy vợ lẽ hoặc chung sống tay ba trở lên, về nguyên tắc, nếu diễn ra ở các tỉnh phía Bắc từ sau ngày ban hành Luật hôn nhân và gia đình (13-1-1960), và ở các tỉnh phía Nam từ sau ngày 25-3-1977 (thi hành pháp luật thống nhất trong cả nước theo Quyết định 76/CP của Hội đồng Chính phủ), thì đó là trái pháp luật.
Tuy nhiên, khi vận dụng, cần chú ý là tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng có quan hệ đến tình cảm gia đình, giữa vợ và chồng giữa cha mẹ và con cái. Vì vậy, cần xem xét thận trọng và toàn diện, có chiếu cố đến tình hình khi sự việc xảy ra, tình trạng đất nước đang có chiến tranh hoặc còn bị chia cắt; chú ý đến phong tục, tập quán, trình độ của quần chúng ở từng miền, từng khu vực; tinh thần đấu tranh của quần chúng đối với hành vi vi phạm; hậu quả đối với hạnh phúc gia đình, đối với xã hội v.v… để quyết định biện pháp xử lý về dân sự (tiêu hôn), hình sự hoặc biện pháp phối hợp với đoàn thể đấu tranh, giáo dục.
Cần xử lý thích đáng trường hợp vi phạm chế độ một vợ một chồng đã được giáo dục, giải thích mà vẫn cố ý vi phạm, đang bị dư luận xã hội phê phán hoặc đã bị buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng, mà vẫn duy trì quan hệ đó.
- Hướng dẫn điểm b khoản 1 “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.”
Nghị Quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999.
- Về tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” quy định tại một số điều luật của BLHS
6.1. Đối với các tội mà điều luật có quy định tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” và đã được hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền thì thực hiện theo đúng hướng dẫn của các văn bản đó.
6.2. Đối với các tội mà điều luật có quy định tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” nhưng chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền thì phân biệt như sau:
- Đối với điều luật quy định một tội (tội đơn) thì “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” là trước đó một người đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê trong tội đó bằng một trong các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong những hành vi được liệt kê trong tội đó.
Ví dụ: A đã bị xử phạt hành chính về hành vi đặt chướng ngại vật trên đường sắt để cản trở giao thông đường sắt, chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính, A lại thực hiện một trong các hành vi (đặt chướng ngại vật trên đường sắt; làm xê dịch ray, tà vẹt; khoan, đào, xẻ trái phép nền đường sắt, mở đường trái phép qua đường sắt…) quy định tại Điều 209 của BLHS để cản trở giao thông đường sắt.
- Đối với điều luật quy định nhiều tội khác nhau (tội ghép) thì “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” là trước đó một người đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê trong một tội tại điều luật đó bằng một trong các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong những hành vi được liệt kê trong tội đó (không bao gồm các hành vi được liệt kê trong tội khác cũng tại điều luật đó).
Ví dụ: Điều 164 của BLHS quy định tội làm tem giả, vé giả, tội buôn bán tem giả, vé giả.Trường hợp B đã bị xử phạt hành chính về hành vi làm tem giả, chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính, B lại làm vé giả thì bị coi là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”; nếu B chỉ buôn bán tem, vé giả thì không coi là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.
Trên đây là một số nội dung về tội vi phạm chế độ một vợ một chồng, nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.