Hợp đồng cầm cố tài sản

Hợp đồng cầm cố tài sản

Cầm cố được hiểu là việc một cá nhân đưa tài sản sở hữu hợp pháp của mình để nhận lại một khoản tiền theo lãi suất thỏa thuận giữa các bên một cách hợp pháp. Bài viết phân tích, giải đáp và cung cấp mẫu hợp đồng cầm cố tài sản bản theo quy định pháp luật:

Hợp đồng cầm cố tài sản là gì?

Căn cứ theo Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015, cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Ví dụ: A cho B vay tiền, để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả tiền, bên B sẽ cầm cố tài sản cho bên A. Việc cầm cố này được thực hiện thông qua hợp đồng gọi là hợp đồng cầm cố tài sản.

Đối tượng của hợp đồng cầm cố tài sản

Căn cứ theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, đối tượng của hợp đồng cầm cố gồm các loại tài sản: 

– Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

– Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng cầm cố tài sản

Quyền và nghĩa vụ của bên cầm cố tài sản

* Quyền của bên cầm cố tài sản

– Yêu cầu bên nhận cầm cố chấm dứt việc sử dụng tài sản cầm cố trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 314 của Bộ luật Dân sự 2015 nếu do sử dụng mà tài sản cầm cố có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.

– Yêu cầu bên nhận cầm cố trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt.

– Yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra đối với tài sản cầm cố.

– Được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản cầm cố nếu được bên nhận cầm cố đồng ý hoặc theo quy định của luật.

Trường hợp bên nhận cầm cố đồng ý hoặc luật khác liên quan có quy định về việc bên cầm cố được bán, được thay thế, được trao đổi hoặc được tặng cho tài sản cầm cố thì biện pháp cầm cố chấm dứt kể từ thời điểm bên mua tài sản, bên nhận thay thế tài sản, bên nhận tặng cho tài sản xác lập quyền sở hữu đối với tài sản cầm cố theo quy định tại Điều 161 của Bộ luật Dân sự 2015.

* Nghĩa vụ bên cầm cố tài sản

– Giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố theo đúng thỏa thuận.

Nội dung này được hướng dẫn tại Điều 31 Nghị định 21/2021/NĐ-CP như sau:

+ Thỏa thuận về giao tài sản cầm cố có thể là việc bên cầm cố giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố giữ hoặc giao cho người thứ ba giữ. Bên nhận cầm cố có thể giữ tài sản cầm cố tại nơi có tài sản hoặc tại địa điểm do mình lựa chọn.

+ Trường hợp tài sản cầm cố là vật có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị thì bên nhận cầm cố đang giữ tài sản đó phải thông báo cho bên cầm cố và yêu cầu bên cầm cố cho biết cách giải quyết trong thời hạn hợp lý; nếu hết thời hạn đó mà bên cầm cố không trả lời thì bên nhận cầm cố thực hiện biện pháp cần thiết để ngăn chặn.

+ Trường hợp tài sản cầm cố là vật do người thứ ba giữ mà có nguy cơ bị mất, hư hỏng, mất giá trị hoặc giảm sút giá trị thì quyền và nghĩa vụ giữa người thứ ba và bên nhận cầm cố được thực hiện theo hợp đồng gửi giữ tài sản.

+ Quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 31 Nghị định 21/2021/NĐ-CP không áp dụng trong trường hợp vật cầm cố bị hao mòn tự nhiên.

– Báo cho bên nhận cầm cố về quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố, nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận cầm cố có quyền hủy hợp đồng cầm cố tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố.

– Thanh toán cho bên nhận cầm cố chi phí hợp lý để bảo quản tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Quyền và nghĩa vụ của bên nhận cầm cố tài sản

* Quyền của bên nhận cầm cố tài sản

– Yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó.

– Xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

– Được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận.

– Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố.

Hợp đồng cầm cố tài sản
hợp đồng cầm cố tài sản

* Nghĩa vụ bên cầm cố tài sản

– Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mất, thất lạc hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.

– Không được bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.

– Không được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

Hiệu lực của cầm cố tài sản

– Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

– Cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố.

Trường hợp bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.

Mẫu hợp đồng cầm cố tài sản bản mới nhất

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————

HỢP ĐỒNG CẦM CỐ TÀI SẢN

Tại ……………………chúng tôi gồm có:

Bên cầm cố tài sản (sau đây gọi là bên A):

Ông(Bà) :………………………………..………… 

Sinh ngày …………………………………… 

Chứng minh nhân dân số:…cấp ngày ……. tháng ……. năm … tại …

Hộ khẩu thường trú (trường hợp không có hộ khẩu thường trú, thì ghi Đăng ký tạm trú) : …

Chỗ ở hiện tại : ……………………………… 

Bên nhận cầm cố tài sản (sau đây gọi là bên B):

Ông(Bà) :………………………………………………. 

Sinh ngày ……………………………………… 

Chứng minh nhân dân số: … cấp ngày ……. tháng … năm … tại …

Hộ khẩu thường trú (trường hợp không có hộ khẩu thường trú, thì ghi Đăng ký tạm trú): …

Chỗ ở hiện tại : ………………………………… 

Hai bên đồng ý thực hiện việc cầm cố tài sản với những thoả thuận sau đây:

ĐIỀU 1

NGHĨA VỤ ĐƯỢC BẢO ĐẢM

Bên A đồng ý cầm cố tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bên B (bao gồm: nợ gốc, lãi vay, lãi quá hạn và phí).

Số tiền mà bên B cho bên A vay là: … đ (bằngchữ: … đồng).

Các điều kiện chi tiết về việc cho vay số tiền nêu trên đã được ghi cụ thể trong Hợp đồng tín dụng.

ĐIỀU 2

TÀI SẢN CẦM CỐ

Tài sản cầm cố là …………… ,có đặc điểm như sau:

– ………………………………………………………………… 

Theo ………………………………….………………… 

………………………………………………………… 

………………………………………………………… 

thì bên A là chủ sở hữu của tài sản cầm cố nêu trên.

Hai bên thỏa thuận tài sản cầm cố sẽ do Bên …… giữ.

(Nếu hai bên thỏa thuận giao tài sản cầm cố cho người thứ ba giữ thì ghi rõ chi tiết về bên giữ tài sản)

………………………………………………………… 

ĐIỀU 3

GIÁ TRỊ TÀI SẢN CẦM CỐ

Giá trị của tài sản cầm cố nêu trên là: … đ (bằng chữ:… đồng)

Việc xác định giá trị của tài sản cầm cố nêu trên chỉ để làm cơ sở xác định mức cho vay của bên B, không áp dụng khi xử lý tài sản để thu hồi nợ.

ĐIỀU 4

NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN CỦA BÊN A

Nghĩa vụ của bên A:

– Giao tài sản cầm cố nêu trên cho bên B theo đúng thoả thuận; nếu có giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản cầm cố, thì phải giao cho bên B bản gốc giấy tờ đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác;

– Báo cho bên B về quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố, nếu có;

– Đăng ký việc cầm cố nếu tài sản cầm cố phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật;

– Thanh toán cho bên B chi phí cần thiết để bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thoả thuận khác;

– Trong trường hợp vẫn giữ tài sản cầm cố, thì phải bảo quản, không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn và chỉ được sử dụng tài sản cầm cố, nếu được sự đồng ý của bên B; nếu do sử dụng mà tài sản cầm cố có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị, thì bên A không được tiếp tục sử dụng theo yêu cầu của bên B;

Quyền của bên A

– Yêu cầu bên B đình chỉ việc sử dụng tài sản cầm cố, nếu do sử dụng mà tài sản cầm cố có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm giá trị;

– Yêu cầu bên B giữ tài sản cầm cố hoặc người thứ ba giữ tài sản cầm cố hoàn trả tài sản cầm cố sau khi nghĩa vụ đó được thực hiện; nếu bên B chỉ nhận giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản cầm cố, thì yêu cầu hoàn trả giấy tờ đó;

– Yêu cầu bên B giữ tài sản cầm cố hoặc người thứ ba giữ tài sản cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra đối với tài sản cầm cố hoặc các giấy tờ về tài sản cầm cố.

ĐIỀU 5

NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN CỦA BÊN B

Nghĩa vụ của bên B :

– Giữ gìn, bảo quản tài sản cầm cố và các giấy tờ về tài sản cầm cố nêu trên, trong trường hợp làm mất, hư hỏng, thì phải bồi thường thiệt hại cho bên A;

– Không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn hoặc dùng tài sản cầm cố để bảo đảm cho nghĩa vụ khác;

– Không được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu không được bên A đồng ý;

– Trả lại tài sản cầm cố và các giấy tờ về tài sản cầm cố nêu trên cho bên A khi nghĩa vụ bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

Quyền của bên B

– Yêu cầu người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố hoàn trả tài sản đó;

– Yêu cầu bên A thực hiện đăng ký việc cầm cố, nếu tài sản cầm cố phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

– Yêu cầu xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đó thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ, nếu bên A không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ;

– Được khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thoả thuận;

– Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên A.

ĐIỀU 6

VIỆC NỘP LỆ PHÍ CÔNG CHỨNG

Bên ……………….. chịu trách nhiệm nộp lệ phí công chứng Hợp đồng này.

ĐIỀU 7

XỬ LÝ TÀI SẢN CẦM CỐ

Trong trường hợp hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ mà bên A không trả hoặc trả không hết nợ, thì bên B có quyền yêu cầu xử lý tài sản cầm cố nêu trên theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ với phương thức:

– Bán đấu giá tài sản cầm cố (hoặc: Bên B nhận chính tài sản cầm cố để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm, hoặc: Bên B được nhận trực tiếp các khoản tiền hoặc tài sản từ bên thứ ba trong trường hợp bên thứ ba có nghĩa vụ trả tiền hoặc tài sản cho bên A)

Việc xử lý tài sản cầm cố nêu trên được thực hiện để thanh toán cho bên B theo thứ tự nợ gốc, lãi vay, lãi quá hạn, các khoản phí khác (nếu có), sau khi đã trừ đi các chi phí bảo quản, chi phí bán đấu giá và các chi phí khác có liên quan đến việc xử lý tài sản cầm cố.

ĐIỀU 8

PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu phát sinh tranh chấp, các bên cùng nhau thương lượng giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau; trong trường hợp không giải quyết được, thì một trong hai bên có quyền khởi kiện để yêu cầu toà án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

ĐIỀU 9

CAM ĐOAN CỦA CÁC BÊN

Bên A và bên B chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời cam đoan sau đây:

Bên A cam đoan:

Những thông tin về nhân thân và về tài sản cầm cốđã ghi trong hợp đồng này là đúng sự thật;

Tài sản cầm cố nêu trên không có tranh chấp;

Tài sản cầm cố không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật;

Việc giao kết hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối hoặc ép buộc;

Thực hiện đúng và đầy đủ tất cả các thoả thuận đã ghi trong Hợp đồng này;

Các cam đoan khác…

Bên B cam đoan:

Những thông tin về nhân thân đã ghi trong Hợp đồng này là đúng sự thật;

Đã xem xét kỹ, biết rõ về tài sản cầm cố nêu trên và các giấy tờ về tài sản cầm cố, đồng ý cho bên A vay số tiền nêu tại Điều 1 của Hợp đồng này;

Việc giao kết hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối hoặc ép buộc;

Thực hiện đúng và đầy đủ tất cả các thoả thuận đã ghi trong Hợp đồng này;

Các cam đoan khác…

ĐIỀU 10

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Hai bên công nhận đã hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc giao kết hợp đồng này.

Hai bên đã đọc Hợp đồng, đã hiểu và đồng ý tất cả các điều khoản ghi trong Hợp đồng và ký vào Hợp đồng.

Hợp đồng này có hiệu lực kể từ …………………….. 

Bên A

(ký, điểm chỉ và ghi rõ họ tên)

Bên B

(ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên)

Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về hợp đồng cầm cố tài sản. Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139