Trong đời sống hôn nhân, khi hai bên không còn lý do để duy trì cuộc hôn nhân đó nữa thì cả hai có thể tự nguyện đồng ý ly hôn, trường hợp này là ly hôn thuận tình. Đối với trường hợp chỉ một bên muốn ly hôn thì có thể yêu cầu ly hôn đơn phương.
Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Luật Trần và Liên Danh để có thêm những thông tin hữu ích về quy trình ly hôn mới nhất hiện nay nhé!
Quy trình, thủ tục ly hôn và các giấy tờ cần thiết khi ly hôn?
Kính chào Luật sư, em có một vấn đề mong các luật sư giải đáp: Quy trình và thủ tục ly hôn hiện nay của pháp luật quy định ra sao? Các giấy tờ cần thiết cho việc ly hôn là gì? Em xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Việc ly hôn chia làm hai trường hợp đó là thuận tình ly hôn (cả 2 vợ chồng đều đồng ý ly hôn) và đơn phương ly hôn (chỉ có vợ hoặc chồng đồng ý ly hôn).
Theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, tòa án khi tiếp nhận đơn xin ly hôn sẽ tiến hành hòa giải tại tòa.
Nếu hòa giải không thành, tòa án sẽ tiến hành thủ tục ly hôn theo quy định của pháp luật. Căn cứ chính để tòa giải quyết cho ly hôn đơn phương là: tình trạng hôn nhân trầm trọng, không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.
Hồ sơ, thủ tục ly hôn được quy định như sau:
– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
– Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);
– Giấy khai sinh của các con (bản sao có chứng thực);
– Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);
– Đơn xin ly hôn theo mẫu
Trình tự thủ tục ly hôn:
Bước 1: Đi đến Tòa Án Nhân Dân nơi cư trú của đương sự vợ/chồng đang làm việc hay công tác nộp đơn ly hôn;
Bước 2: Sau khi nộp đơn ly hôn tòa án sẽ đưa ra lệ phí của việc ly hôn của 2 vợ chồng “Phí tạm ứng ly hôn” – 300.000 đồng;
Bước 3: Sau khi nộp phí tạm ứng dân dự sơ thẩm tại chi cục hành án Quận/ Huyện thì đến tòa án nộp biên lai phí tạm ứng – Hướng dẫn thủ tục ly hôn;
Bước 4: Thụ lý giải quyết.
Thời hạn giải quyết: Đối với vụ việc là thuận tình ly hôn: khoảng 01 tháng đến gần 02 tháng. Trong trường hợp đơn phương ly hôn: khoảng 04 đến 06 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
Có ly hôn đơn phương được không khi không có giấy tờ của chồng?
Thưa luật sư. Cháu muốn ly hôn đơn phương, nhưng cháu không có chứng minh thư và hộ khẩu của chồng. Liệu cháu có làm thủ tục ly hôn đơn phương được không ạ? Cháu đăng ký kết hôn trên nhà chồng, nhưng khẩu của cháu vẫn ở quê. Cháu muốn nộp đơn thì nộp ở đâu ạ?
Cháu xin ý kiến của luật sư ạ. Cháu và chồng cháu lấy nhau được hai năm, nhưng vợ chồng cháu không có tình cảm với nhau nhiều. Chồng cháu lúc nào cũng áp đặt cháu phải làm thế này thế kia.
Và anh ta chả quan tâm gì mẹ con cháu, con ốm đau hay như thế nào cũng không quan tâm. Cháu không muốn tiếp tục sống cuộc sống như vậy nữa? Cảm ơn luật sư!
Trả lời:
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014, trường hợp khi đời sống hôn nhân có những dấu hiệu rạn nứt, có sự vi phạm nghĩa vụ của vợ, chồng và khi một bên vợ hoặc chồng có yêu cầu ly hôn đơn phương thì Tòa án sẽ xem xét để giải quyết.
Vì ly hôn là giải pháp cuối cùng sau khi đã dùng mọi biện pháp mà không thể hàn gắn, do đó, để được giải quyết ly hôn đơn phương thì phải có căn cứ chứng minh tình trạng hôn nhân hiện tại đủ điều kiện để được giải quyết ly hôn.
Theo đó, tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
- Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
- Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không thể đạt được do hành vi bạo lực gia đình, hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của các bên trong quy định trên được hiểu như sau:
– Vợ hoặc chồng thường xuyên có hành vi đánh đập, hành hạ, ngược đãi người kia, sử dụng lời nói xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau, gia đình, mọi người xung quanh đã biết và đã nhắc nhở nhưng vẫn tiếp tục có các hành vi như vậy.
– Vợ hoặc chồng không thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với gia đình như không yêu thương, quý trọng, giúp đỡ lẫn nhau; không quan tâm, chăm sóc, lo lắng cho các con. Có lối sống không lành mạnh, chơi bời, tệ nạn, nợ nần.
– Vợ và chồng không còn tình cảm với nhau, không tôn trọng nhau, không có sự bình đẳng trong việc thực hiện quyền của mỗi bên. Không chung thủy, có quan hệ ngoại tình đã được nhắc nhở nhưng vẫn tiếp diễn.
Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp, chồng bạn luôn áp đặt bạn, không tôn trọng ý kiến của bạn, đây được coi là sự không bình đẳng trong thực hiện quyền của mỗi bên. Ngoài ra, chồng bạn thường xuyên bỏ bê gia đình, không quan tâm đến bạn và con ngay cả những lúc ốm đau.
Đây được coi là thiếu trách nhiệm với gia đình, vi phạm nghĩa vụ của một của chồng đối với gia đình. Và quan trọng hơn cả là trong đời sống hôn nhân của vợ chồng bạn đã không còn tình cảm với nhau nữa.
Dựa vào những thông tin trên, Tòa án sẽ xem xét để giải quyết đơn ly hôn đơn phương cho bạn. Khi muốn yêu cầu đơn phương ly hôn bạn phải nộp hồ sơ đơn phương ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền để được giải quyết.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương cho bạn là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng bạn đang cư trú (có thể là nơi thường trú hoặc tạm trú).
Nếu bạn muốn nộp đơn khởi kiện ly hôn tại nơi bạn cư trú thì phải có văn bản thỏa thuận của vợ, chồng bạn về việc chọn Tòa án nơi bạn cư trú, nhưng vì bạn ly hôn đơn phương nên trường hợp này gần như không xảy ra, do đó nơi bạn nộp hồ sơ ly hôn đơn phương sẽ là Tòa án cấp huyện nơi chồng bạn đang cư trú.
Hồ sơ ly hôn đơn phương gồm các giấy tờ sau:
– Đơn khởi kiện ly hôn đơn phương (theo mẫu);
– Giấy đăng ký kết hôn (bản chính);
– Sổ hộ khẩu (bản sao có công chứng hoặc chứng thực) của hai người;
– CMND/ Căn cước công dân của hai người (bản sao có công chứng hoặc chứng thực);
– Giấy khai sinh của các con (bản sao có công chứng hoặc chứng thực);
– Nếu có tài sản thì nộp kèm theo các giấy tờ chứng minh tài sản đó (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở….)
Như vậy, trong hồ sơ ly hôn phải có bản sao CMND/Căn cước công dân, Sổ hộ khẩu của chồng bạn.
Nhưng theo như bạn trình bày, bạn không có CMND và sổ hộ khẩu của chồng nên trong trường hợp bạn không có điều kiện để cung cấp được những giấy tờ theo quy định thì bạn vẫn có thể nộp hồ sơ bình thường, đồng thời bạn phải trình bày lý do không thể cung cấp những giấy tờ đó với Tòa án, trong quá trình giải quyết, Tòa án sẽ yêu cầu chồng bạn bổ sung sau trong hồ sơ.
Vậy nên trong trường hợp còn thiếu một số giấy tờ bạn không thể cung cấp ngay được thì bạn vẫn có thể nộp hồ sơ ly hôn đơn phương tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng bạn đang cư trú để được giải quyết.
Ly hôn đơn phương nhưng không đủ giấy tờ?
Thưa luật sư, vợ chồng tôi xảy ra nhiều mâu thuẫn, không thể tiếp tục sống với nhau và đã ly thân mấy năm nay.
Nay tôi muốn ly hôn nhưng giấy tờ thì chồng tôi giữ hết, tôi có thể trích lục giấy đăng ký kết hôn nhưng còn thiếu giấy đăng ký tạm trú tạm vắng vì chồng tôi hiện giờ ở trọ thì tôi phải làm sao? Cảm ơn!
Trả lời:
Trong đời sống hôn nhân, khi hai bên không còn lý do để duy trì cuộc hôn nhân đó nữa thì cả hai có thể tự nguyện đồng ý ly hôn, trường hợp này là ly hôn thuận tình.
Đối với trường hợp chỉ một bên muốn ly hôn khi cảm thấy các quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm nghiêm trọng và không thể duy trì cuộc hôn nhân này nữa thì có thể yêu cầu ly hôn đơn phương, nhưng trường hợp này phải có căn cứ theo quy định pháp luật.
Theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về ly hôn theo yêu cầu của một bên theo đó, khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Có thể hiểu tình trạng hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài do vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng như sau:
– Vợ, chồng có hành vi đánh đập, hành hạ, ngược đãi, hoặc dùng lời nói thô tục chửi rủa, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau, làm cho đối phương cảm thấy xấu hổ, nhục nhã với mọi người; gây tổn thương về thân xác và tinh thần.
– Vợ, chồng có quan hệ ngoại tình hoặc chung sống với người khác một cách thường xuyên, đã được gia đình họ hàng nhắc nhở, khuyên bảo; được cơ quan, tổ chức, đoàn thể khác hòa giải nhiều lần nhưng vẫn tiếp diễn, tiếp tục có quan hệ ngoại tình.
– Vợ, chồng không có trách nhiệm với gia đình, bỏ bê con cái không quan tâm, không có trách nhiệm xây dựng tài sản chung của gia đình. Không yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, không giúp đỡ nhau cũng như không tạo điều kiện cho người kia phát triển về mọi mặt.
– Không còn tình nghĩa vợ, chồng; không bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa vợ, chồng; không tôn trọng ý kiến, đóng góp của người kia; thường xuyên áp đặt, cấm đoán đối phương phải làm hay không được làm việc này việc kia.
– Có một số hành vi như chơi bời, cờ bạc gây nợ nan…hay phá tán tài sản của gia đình.
Khi có căn cứ để yêu cầu ly hôn đơn phương thì bạn nộp hồ sơ ly hôn đơn phương tại tòa án có thẩm quyền để được giải quyết.
Thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015, bạn thực hiện nộp hồ sơ ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng bạn thường trú, trường hợp chồng bạn không có nơi thường trú thì nộp tại nơi tạm trú.
Trong hồ sơ ly hôn bạn cung cấp cho Tòa án sẽ phải cung cấp Bản sao Sổ hộ khẩu của chồng bạn (đối với trường hợp có nơi thường trú), nếu bạn và chồng bạn cùng hộ khẩu thì Sổ hộ khẩu cần nộp là Sổ hộ khẩu chung đó; nếu bạn và chồng bạn không có cùng hộ khẩu thì phải nộp hai sổ hộ khẩu của hai người.
Đối với trường hợp nộp hồ sơ tại nơi chồng bạn tạm trú thì cần có sổ tạm trú của chồng bạn.
Như vậy, trong hồ sơ không nhất thiết phải có giấy đăng ký tạm trú, tạm vắng của chồng bạn, trường hợp Tòa yêu cầu bạn bổ sung mà bạn không thể cung cấp được thì có thể làm đơn trình bày với Tòa. Khi giải quyết ly hôn, Tòa sẽ yêu cầu chồng bạn bổ sung các giấy tờ còn thiếu sau.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về quy trình ly hôn. Nếu có thắc mắc về các vấn đề liên quan đến ly hôn, hãy gọi ngay cho chúng tôi qua số tổng đài và chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn những vấn đề pháp lý liên quan tốt nhất và miễn phí.