Người làm chứng

Người làm chứng

Ai được coi là người làm chứng? Người làm chứng trong tố tụng hình sự có được làm người phiên dịch trong cùng một vụ án hay không?

Người làm chứng trong tố tụng hình sự là ai?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người làm chứng được hiểu là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

Người làm chứng có quyền và nghĩa vụ như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người làm chứng có các quyền và nghĩa vụ như sau:

(1) Quyền của người làm chứng bao gồm:

– Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

– Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;

– Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

(2) Nghĩa vụ của người làm chứng là:

– Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;

– Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

Như vậy, quyền và nghĩa vụ của người làm chứng được thực hiện theo quy định nêu trên.

Người phiên dịch là ai?

Tại khoản 1 Điều 70 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, quy định về người phiên dịch cụ thể như sau:

“1. Người phiên dịch, người dịch thuật là người có khả năng phiên dịch, dịch thuật và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt hoặc có tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt.”

Theo đó, người có khả năng phiên dịch và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt hoặc có tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt được xem là người phiên dịch.

Quyền của người phiên dịch trong tố tụng hình sự được quy định như thế nào?

Theo khoản 2, khoản 3 Điều 70 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quy định về người phiên dịch, người dịch thuật, theo đó:

Người phiên dịch trong tố tụng hình sự có những quyền và nghĩa vụ sau đây:

(1) Quyền của người phiên dịch:

– Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định;

– Đề nghị cơ quan yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc phiên dịch, dịch thuật;

– Được cơ quan yêu cầu chi trả thù lao phiên dịch, dịch thuật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

(2) Nghĩa vụ của người phiên dịch:

– Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

– Phiên dịch, dịch thuật trung thực. Nếu phiên dịch, dịch thuật gian dối thì người phiên dịch, người dịch thuật phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự;

– Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi phiên dịch, dịch thuật;

– Phải cam đoan trước cơ quan đã yêu cầu về việc thực hiện nghĩa vụ của mình

Người làm chứng có được làm người phiên dịch trong cùng một vụ án hình sự hay không?

Theo khoản 4 Điều 70 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quy định về người phiên dịch, người dịch thuật như sau:

“4. Người phiên dịch, người dịch thuật phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

b) Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản trong vụ án đó;

c) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.”

Theo đó, khi thuộc một trong các trường hợp sau đây thì người phiên dịch phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi :

– Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

– Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản trong vụ án đó;

– Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, trường hợp người phiên dịch đã tham gia vụ án với tư cách là người làm chứng thì phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi. Do đó, người làm chứng không được làm người phiên dịch trong cùng một vụ án hình sự.

Việc lấy lời khai của người làm chứng có thể tiến hành ngoài trụ sở tòa án được không?

Theo Điều 99 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc lấy lời khai của người làm chứng như sau:

“Điều 99. Lấy lời khai của người làm chứng

Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành lấy lời khai của người làm chứng tại trụ sở Tòa án hoặc ngoài trụ sở Tòa án.

Trước khi lấy lời khai của người làm chứng, Thẩm phán phải giải thích quyền, nghĩa vụ của người làm chứng và yêu cầu người làm chứng cam đoan về lời khai của mình.

Người làm chứng
người làm chứng

Thủ tục lấy lời khai của người làm chứng được tiến hành như thủ tục lấy lời khai của đương sự quy định tại khoản 2 Điều 98 của Bộ luật này.

Việc lấy lời khai của người làm chứng chưa đủ mười tám tuổi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được tiến hành với sự có mặt của người đại diện theo pháp luật hoặc người đang thực hiện việc quản lý, trông nom người đó.”

Đồng thời tại Điều 98 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:

– Thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Đương sự phải tự viết bản khai và ký tên của mình. Trường hợp đương sự không thể tự viết được thì Thẩm phán lấy lời khai của đương sự. Việc lấy lời khai của đương sự chỉ tập trung vào những tình tiết mà đương sự khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký Tòa án ghi lại lời khai của đương sự vào biên bản. Thẩm phán lấy lời khai của đương sự tại trụ sở Tòa án; trường hợp cần thiết có thể lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Tòa án.

– Biên bản ghi lời khai của đương sự phải được người khai tự đọc lại hay nghe đọc lại và ký tên hoặc điểm chỉ. Đương sự có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản ghi lời khai và ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận. Biên bản phải có chữ ký của người lấy lời khai, người ghi biên bản và đóng dấu của Tòa án; nếu biên bản được ghi thành nhiều trang rời nhau thì phải ký vào từng trang và đóng dấu giáp lai. Trường hợp biên bản ghi lời khai của đương sự được lập ngoài trụ sở Tòa án thì phải có người làm chứng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi lập biên bản.

– Việc lấy lời khai của đương sự thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 69 của Bộ luật này phải được tiến hành với sự có mặt của người đại diện hợp pháp của đương sự đó.

Theo đó, Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký Tòa án ghi lại lời khai của đương sự vào biên bản. Thẩm phán lấy lời khai của đương sự tại trụ sở Tòa án; trường hợp cần thiết có thể lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Tòa án.

Như vậy, việc lấy lời khai của người làm chứng có thể thực hiện tại trụ sở tòa án hoặc ngoài trụ sở tòa án.

Chi phí của người làm chứng được quy định như thế nào?

Theo Điều 167 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về chi phí cho người làm chứng như sau:

“Điều 167. Chi phí cho người làm chứng

Chi phí hợp lý và thực tế cho người làm chứng do đương sự chịu.

Người đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng phải chịu tiền chi phí cho người làm chứng nếu lời làm chứng phù hợp với sự thật nhưng không đúng với yêu cầu của người đề nghị. Trường hợp lời làm chứng phù hợp với sự thật và đúng với yêu cầu của người đề nghị triệu tập người làm chứng thì chi phí này do đương sự có yêu cầu độc lập với yêu cầu của người đề nghị chịu.”

Theo đó, chi phí hợp lý và thực tế cho người làm chứng do đương sự chịu. Người đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng phải chịu tiền chi phí cho người làm chứng nếu lời làm chứng phù hợp với sự thật nhưng không đúng với yêu cầu của người đề nghị. Trường hợp lời làm chứng phù hợp với sự thật và đúng với yêu cầu của người đề nghị triệu tập người làm chứng thì chi phí này do đương sự có yêu cầu độc lập với yêu cầu của người đề nghị chịu.

Trường hợp khi đang tiến hành xét xử tại phiên tòa nhưng người làm chứng tự ý rời khỏi phiên tòa thì giải quyết thế nào?

Hiện nay, pháp luật không có quy định về trường hợp người làm chứng tự ý rời khỏi phiên tòa đang diễn ra.

Tuy nhiên, việc người làm chứng tự ý rời khỏi phiên tòa đồng nghĩa với việc vắng mặt. Do đó, có thể áp dụng quy định tại điểm a khoản 4 Điều 66 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 như sau:

Người làm chứng

Người làm chứng có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải

Bên cạnh đó tại Điều 293 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có quy định về sự có mặt của người làm chứng như sau:

Sự có mặt của người làm chứng

Người làm chứng tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.

Trường hợp người làm chứng được Tòa án triệu tập nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể quyết định dẫn giải theo quy định của Bộ luật này.

Như vậy, trong trường hợp người làm chứng đã cung cấp đầy đủ lời khai và vì một lý do bát khả kháng nào dó buộc phải rời khỏi phiên toàn thì chủ tọa phiên tòa sẽ công bố những lời khai của người làm chứng và tiếp tục phiên tóa.

Nếu lời khai của người làm chứng liên quan đến những vấn đề quan trọng của vụ án thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.

Trường hợp việc tự ý rời khỏi phiên tòa của người làm chứng không vì một lý do bất khả kháng nào đó hoặc việc vắng mặt sẽ gây ảnh hưởng đến việc xét xử thì Hội đồng xét xử có quyền yêu cầu dẫn giải người làm chứng quay lại phiên tòa.

Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về người làm chứng. Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139