Mỗi quốc gia trên thế giới đều có quốc kỳ, quốc huy và quốc ca riêng cho quốc gia của mình. Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là niềm tự hào của mỗi quốc gia đó, mỗi công dân đều có nghĩa vụ tôn trọng Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca. Hiện nay, để xử lý các hành vi xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, thì Bộ luật Hình sự Việt Nam đã quy định về Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Bài viết dưới đây Luật Trần và Liên Danh sẽ giới thiệu về Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca quy định tại Điều 351 BLHS năm 2015.
Quy định chi tiết của pháp luật về Điều 351 Bộ luật hình sự năm 2015
Điều 351 BLHS năm 2015 quy định tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca như sau:
“Điều 351. Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca
Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Dấu hiệu pháp lý tại Điều 351 BLHS năm 2015
Khách thể của tội phạm – Điều 351 Bộ luật hình sự
Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là tội xâm phạm đến danh dự quốc gia; xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính về quốc kỳ, quốc huy.
Đối tượng tác động là Quốc kỳ; Quốc huy và Quốc ca.
Điều 13 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ghi nhận:
“Điều 13.
Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca.”
Hiện nay trong các ngày tết, ngày lễ, ở những nơi công cộng các cơ quan thông tin treo băng, cờ khẩu hiệu, trong số đó có những băng màu đỏ, chiều dài 3 mét, chiều rộng 80cm, ở giữa cũng có ngôi sao vàng năm cánh; những tấm băng này không được coi là quốc kỳ. Cũng không coi là quốc kỳ những hình vẽ có hình giống quốc kỳ in trên tường, trên các phương tiện giao thông, trên quần, áo, nón, mũ, mặt, mũi…các hình vẽ này chỉ là hình ảnh, chứ không phải là quốc kỳ, nên không phải là đối tượng tác động của tội xúc phạm quốc kỳ. Việc treo quốc kỳ ở trụ sở các cơ quan, tổ chức, ở nơi công cộng phải tuân theo những quy định của Nhà nước.
Quốc huy thường chỉ được treo ở những cơ quan đại diện cho quyền lực Nhà nước như: Quốc hội, Phủ Chủ tịch, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, trụ sở các cơ quan ngoại giao của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài…
Theo hồi ký của nhà thơ, họa sĩ Văn Thao (con trai nhạc sĩ Văn Cao), “Tiến quân ca” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác cuối năm 1944 tại Hà Nội khi sự nghiệp cách mạng Việt Nam đang có những bước chuyển hết sức quan trọng hướng đến thời điểm lịch sử Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã lựa chọn bài hát “Tiến quân ca” làm quốc ca của nước Cộng hòa xã hội của nghĩa Việt Nam. Theo Bác, bài “Tiến quân ca” của Văn Cao vừa ngắn gọn, hùng tráng, dễ hát, dễ phổ biến rộng rãi, phù hợp trở thành Quốc ca.
Ngày 19/8/1945, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), trước hàng nghìn quần chúng cách mạng, nhạc sĩ Văn Cao chỉ huy đội đồng ca thiếu nhi tiền phong hát vang bài “Tiến quân ca” trong niềm tự hào khôn tả. Từ đây, âm hưởng hào hùng của “Tiến quân ca” được dịp lan tỏa, trở thành hồi kèn xung trận, đồng hành, giục giã các tầng lớp quần chúng lao khổ khắp mọi miền đất nước cùng đứng lên giành chính quyền, góp phần làm nên thành công vang dội của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Tiếp đó, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, dưới cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng gió mùa thu, hàng chục vạn người dân Thủ đô đã đồng thanh hát vang bài “Tiến quân ca” trong niềm tự hào, phấn khích tột độ. Và trong giờ phút lịch sử trọng đại, dưới ánh Quốc kỳ và âm hưởng Quốc ca thiêng liêng, hùng tráng ấy, Bác Hồ đã thay mặt quốc dân đồng bào đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[1]
Mặt khách quan của tội phạm – Điều 351 Bộ luật hình sự
Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi xúc phạm.
Xúc phạm quốc kỳ, quốc huy, quốc ca là hành vi tác động trực tiếp vào quốc kỳ; quốc huy hoặc Quốc ca để thông qua đó làm tổn thương đến danh dự quốc gia, chứ không nhằm làm tổn thương đến một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào.
Làm tổn thương đến danh dự của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân, người có hành vi xúc phạm có thể bằng lời nói: xuyên tạc lời Quốc ca, hoặc bằng hành động cụ thể như: xé rách, bôi bẩn, đâm thủng, dẫm, đạp, vò nát cờ tổ quốc; bôi bẩn, đập phá, làm hư hỏng quốc huy; viết, vẽ nội dung không lành mạnh lên quốc kỳ, quốc huy hoặc có những hành động khác làm biến dạng quốc kỳ, quốc huy.
Hậu quả của tội phạm là xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự của đất nước. Hậu quả của tội phạm không thể đong đến hay nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng nó có thể làm mất uy tín, danh dự của đất nước trước góc nhìn của bạn bè Quốc tế. Hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm có hành vi khách quan xảy ra.
Chủ thể của tội phạm – Điều 351 Bộ luật hình sự
Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt. Bất kì ai cũng có thể trở thành chủ thể của tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Họ có thể là người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch.
Ngoài ra, chủ thể của tội phạm phải thỏa mãn điều điện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.
Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXII Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Mặt chủ quan của tội phạm – Điều 351 Bộ luật hình sự
Người thực hiện hành vi xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là do cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hậu quả làm thương tổn đến danh sự quốc gia nhưng vẫn thực hiện hành vi xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca hoặc dù không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.
Có thể khẳng định rằng, động cơ mục đích là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này, vì nếu người phạm tội có hành vi xúc phạm quốc kỳ, quốc huy vì động cơ, mục đích chống chính quyền Nhà nước thì tuỳ trường hợp mà người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phản bội tổ quốc, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
Hình phạt tại Điều 351 BLHS năm 2015
Điều 351 Bộ luật Hình sự quy định duy nhất 01 Khung hình phạt đối với người phạm tội như sau: Khung hình phạt phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bị cáo có thể được hưởng khi phạm tội tại Điều 351 BLHS năm 2015
Điều 51 Bộ luật hình sự có quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, theo đó, khi bị cáo có một trong các tình tiết được quy định tại khoản 1 Điều 51 thì Hội đồng xét xử có thể xem xét cho giảm nhẹ trách nhiệm. Cụ thể:
Các tình tiết các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
m) Phạm tội do lạc hậu;
n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
r) Người phạm tội tự thú;
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 54 Bộ luật hình sự về việc áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt thì:
Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.
Vì vậy, bị cáo có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp có tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 hoặc trong trường hợp có từ hai tình tiết giảm nhẹ thì bị cáo còn có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Trên đây là nội dung tội phạm theo tại Điều 351 BLHS năm 2015. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Công ty luật uy tín để được hỗ trợ nhanh nhất.