Thủ tục xóa án tích được xem như một thủ tục bắt buộc đối với người phạm tội khi chấp hành xong hình phạt tù. Vậy, thực hiện thủ tục này như thế nào trên thực tiễn ? Luật sư tư vấn và giải đáp cụ thể:
Làm thủ tục xóa án tích ở đâu?
Án tích là một trong những hình thức thực hiện trách nhiệm hình sự, hậu quả pháp lý của việc phạm tội. Đây là đặc điểm xấu về nhân thân của người bị kết án nhưng không phải vĩnh viễn. Án tích tồn tại trong quá trình người phạm tội bị kết án cho đến khi được xóa án tích.
Sau khi chấp hành bản án và trải qua một thời hạn nhất định, nếu đáp ứng được các điều kiện của pháp luật thì người có án tích sẽ được xóa án tích. Người được xóa án tích được coi là người chưa bị kết án.
Có 03 trường hợp được xóa án tích bao gồm: Đương nhiên xóa án tích, xóa án tích theo quyết định của Tòa án và xóa án tích trong trường hợp đặc biệt.
Trong đó:
Người thuộc trường hợp đương nhiên xóa án tích có thể nộp đơn yêu cầu tại Sở tư pháp của tỉnh, thành phố nơi mình thường trú để cấp phiếu lý lịch tư pháp chứng minh mình không có án tích.
Trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án: Nộp hồ sơ cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án để làm thủ tục xóa án tích.
Đối với xóa án tích trong trường hợp đặc biệt: Cơ quan, tổ chức nơi người có án tích công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị xóa án tích với Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án.
Căn cứ Điều 369 Bộ luật Tố tụng hình sự
Làm thủ tục xóa án tích cần chuẩn bị giấy tờ gì?
Căn cứ Điều 369 Bộ luật Tố tụng hình sự, khi làm thủ tục xóa án tích cần chuẩn bị giấy tờ sau:
Trường hợp đương nhiên xóa án tích
– Chứng minh thư hoặc Căn cước công dân bản sao chứng thực.
– Trích lục/bản sao Bản án hình sự sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật, nếu đã xét xử phúc thẩm thì cung cấp cả trích lục/bản sao Bản án sơ thẩm và phúc thẩm.
– Căn cứ vào hình phạt chính tại Bản án, nộp một trong các giấy tờ (bản chính) sau đây:
Giấy chứng nhận đặc xá do Trại giam nơi thi hành án cấp (trường hợp bị xử phạt tù giam nhưng được đặc xá).
Giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt tù do Trại giam nơi thi hành án cấp hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (trường hợp bị xử phạt tù giam và đã chấp hành xong hình phạt tù).
Giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời gian thử thách án treo do Cơ quan thi hành án hình sự – Công an quận, huyện, thị xã hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (trường hợp bị phạt tù nhưng được hưởng án treo).
Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cải tạo không giảm giữ do Cơ quan thi hành án hình sự – Công an quận, huyện, thị xã cấp hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (trường hợp bị phạt cải tạo không giam giữ).
– Biên lai nộp tiền án phí, tiền phạt và các nghĩa vụ dân sự khác như: bồi thường, truy thu… trong bản án hình sự hoặc Giấy xác nhận kết quả thi hành do Cơ quan thi hành án dân sự cấp hoặc các giấy tờ khác có liên quan đến việc xác nhận đã nộp tiền án phí, tiền phạt và các nghĩa vụ dân sự khác.
– Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch Tư pháp.
Trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án
– Đơn xin xóa án tích (theo mẫu của Tòa).
– Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù của trại giam nơi thi hành án cấp.
– Giấy xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc thi hành xong các khoản bồi thường, án phí, tiền phạt.
– Giấy chứng nhận không phạm tội mới do Công an Quận, Huyện nơi người bị kết án thường trú cấp (theo mẫu quy định của ngành Công an).
– Bản sao chứng minh nhân dân/Căn cước công dân chứng thực.
Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt
– Văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức nơi người có án tích công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú.
– Đơn xin xóa án tích (theo mẫu của Tòa).
– Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù của trại giam nơi thi hành án cấp.
– Giấy xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc thi hành xong các khoản bồi thường, án phí, tiền phạt.
– Giấy chứng nhận không phạm tội mới do Công an Quận, Huyện nơi người bị kết án thường trú cấp.
– Bản sao chứng minh nhân dân/Căn cước công dân chứng thực.
Lệ phí làm thủ tục xóa án tích là bao nhiêu tiền?
Theo quy định hiện hành, người xin xóa án tích theo quyết định của Tòa án hoặc xóa án tích trong trường hợp đặc biệt không phải nộp bất cứ khoản lệ phí nào.
Trường hợp xin cấp lý lịch tư pháp:
Mức lệ phí cấp lý lịch tư pháp là 200.000 đồng/lần/người. Từ Phiếu thứ 03 trở đi thu thêm 5.000 đồng/Phiếu.
Nếu là học sinh, sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ thì được giảm còn 100.000/lần/người.
Các trường hợp được miễn lệ phí bao gồm:
Trẻ em theo quy định tại Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Người cao tuổi theo quy định tại Luật người cao tuổi.
Người khuyết tật theo quy định tại Luật người khuyết tật.
Người thuộc hộ nghèo theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020.
Người cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của pháp luật.
Thời gian làm thủ tục xóa án tích
Theo điều 369 Bộ luật Tố tụng hình sự:
– Trường hợp đương nhiên xóa án tích: Trong 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp là họ không có án tích.
– Trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa, xóa án tích trong trường hợp đặc biệt:
Trong 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn của người bị kết án, Tòa án đã xét xử sơ thẩm chuyển tài liệu về việc xin xoá án tích cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Trong 05 ngày kể từ ngày nhận tài liệu do Tòa án chuyển đến, Viện kiểm sát cùng cấp có ý kiến bằng văn bản và chuyển lại tài liệu cho Tòa án.
Nếu xét thấy đủ điều kiện thì trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận tài liệu do Viện kiểm sát chuyển đến, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định xóa án tích; trường hợp chưa đủ điều kiện thì quyết định bác đơn xin xóa án tích.
Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày ra quyết định xóa án tích hoặc quyết định bác đơn xin xóa án tích, Tòa án đã ra quyết định phải gửi quyết định này cho người bị kết án, Viện kiểm sát cùng cấp, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc, học tập.
Như vậy, thời gian để làm thủ tục xóa án tích theo quyết định của Tòa án và xóa án tích trong trường hợp đặc biệt là trong khoảng 18 ngày.
Đến đâu để đăng ký xóa án tích ?
Kính gửi công ty Luật Trần và Liên Danh. Bố em, cách đây khoảng 20 năm, bố bị đi tù 3 năm, bố đã thụ án xong và đóng đầy đủ tất cả các khoản chi phí cho tòa. Nhưng vì gia đình em hồi đó chưa có sự hiểu biết rộng về luật pháp nên không biết đến được xóa án tích cho trường hợp của bố. Anh chị giải đáp giúp gia đình em một vài câu hỏi:
1) Bố em muốn làm đơn xóa án tích bi giờ có còn được không? khi xóa án tích xong có được công nhận là người chưa từng có tiền án không? Thủ tục xóa án tích bố cần phải có những gì?
2) Em trai của em năm nay 18 tuổi. Sau khi học xong bố mẹ em muốn định hướng cho em trai làm ngành công an. Vậy, nếu như bố xóa được án tích rồi em trai em có bị ảnh hưởng gì trong việc xét lý lịch gia đình không?
3) Em là sinh viên cao đẳng của một trường đại học Hà Nội. Em đọc báo thấy có ưu tiên chọn cử nhân đại học, cao đẳng thực hiện nghĩa vụ công an. Vậy, sau khi em học xong liệu có quy định độ tuổi cho người học cao đẳng không (em học muộn 2 năm)? Em có thể tham gia nghĩa vụ công an và sau này trở thành công an nếu như việc xóa án tích của bố không bị ảnh hưởng không?
4) Chúng em sau này muốn kết nạp Đảng có được không? Mong anh chị giải đáp thắc mắc giúp gia đình em ?
Xin chúc anh chị lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, xin kính chúc công ty ngày càng phát triển và thành đạt. Em xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Căn cứ vào Điều 70 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017
Điều 70. Đương nhiên được xóa án tích
Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.
Thứ nhất, bố bạn muốn làm đơn xóa án tích bây giờ có còn được không? khi xóa án tích xong có được công nhận là người chưa từng có tiền án không? Thủ tục xóa án tích bố cần phải có những gì?
Theo thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi bố bạn phạm tội cách đây đã 20 năm tuy nhiên bạn không nêu rõ là bố bạn đã phạm tội gì nên có 2 trường hợp xảy ra như sau:
Trường hợp 1: Bố bạn bị phạt tù 3 năm nhưng tội mà bố bạn phạm phải không thuộc các tội quy định tại chương XI và chương XIV (tức là các tội về xâm phạm an ninh quốc gia và các tội xâm phạm về sở hữu) thì sẽ đương nhiên được xóa án tích nếu trong 3 năm bố bạn không phạm tội mới.
Trường hợp 2: Trong trường hợp bố bạn bị phạt tù 3 năm nhưng tội mà bố bạn phạm phải thuộc một trong các tội được quy định ở chương XI và chương XIV thì trong 3 năm bố bạn không phạm tội mới kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù thì trong trường hợp này bố bạn phải làm đơn xin xóa án tích. Khi xóa án tích xong bố bạn sẽ được coi như chưa bị kết án và được Tòa án cấp giấy chứng nhận.
Thủ tục xóa án tích: Trong trường hợp bố bạn cần cấp giấy chứng nhận xóa án tích thì làm đơn, kèm các tài liệu như giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù của trại giam nơi thụ hình án cấp, giấy xác nhận của thi hành án dân sự về việc thi hành xong các khoản bồi thường, án phí, tiền phạt, giấy chứng nhận không phạm tội mới do công an quận, huyện nơi người bị kết án thường trú cấp, bản sao hộ khẩu, bản sao chứng minh nhân dân. Hồ sơ gửi đến chánh án tòa án đã xử sơ thẩm vụ án để đề nghị cấp giấy chứng nhận được xóa án tích.
Thứ ba, sau khi bạn học xong có quy định độ tuổi cho người học cao đẳng không (em học muộn 2 năm)? Em có thể tham gia nghĩa vụ công an và sau này trở thành công an nếu như việc xóa án tích của bố không bị ảnh hưởng không?
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số: 70/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2019
Điều 4. Đối tượng tuyển chọn và thời gian phục vụ
Công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015. Công dân nữ trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Công an nhân dân, nếu tự nguyện và Công an nhân dân có nhu cầu thì được xem xét, tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể độ tuổi tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng đơn vị sử dụng và quy định ngành nghề cần thiết để tuyển chọn công dân nữ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phù hợp với nhu cầu sử dụng trong từng thời kỳ.
Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là 24 tháng. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ nhưng không quá 06 tháng trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Công an nhân dân năm 2018.
Thời gian thực hiện nghĩa vụ được tính từ ngày giao nhận công dân; trong trường hợp không giao nhận tập trung thì tính từ ngày đơn vị Công an nhân dân tiếp nhận đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ. Thời gian đào ngũ, thời gian chấp hành hình phạt tù không được tính vào thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về thủ tục xóa án tích. Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.