Chuyên viên cao cấp

Chuyên viên cao cấp

Trong cuộc sống hiện nay khá phổ biến các cụm từ “chuyên viên cao cấp, chuyên viên chuyên nghiệp, chuyên viên”…. vậy ý nghĩa thực sự của các cụm từ này là gì? Chuyên viên cao cấp có phải tập sự không? Bài viết dưới đây sẽ phân tích vấn đề này.

Chuyên viên cao cấp là gì?

Chuyên viên cao cấp được hiểu là công chức có chuyên môn nghiệp vụ cao nhất của một ngành nghề, lĩnh vực nào đó trong hệ thống quản lý nhà nước, để giúp cho người lãnh đạo có thể chỉ đạo trong lĩnh vực quản lý đó. Đó có thể là thanh tra cao cấp, kiểm toán viên cao cấp, kế toán viên cao cấp,… 

Để trở thành chuyên viên cao cấp thì phải trải qua giai đoạn thi lên ngạch, tức là thi từ một chuyên viên bình thường để có thể lên thành chuyên viên cao cấp. 

Trong hệ thống bộ máy hành chính của Việt Nam thì tất cả những cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên đều được phân thành từng ngạch khác nhau. Mỗi một ngạch là phụ thuộc vào năng lực cũng như cấp bậc làm việc của từng người. Hiện nay hệ thống hành chính Việt Nam có 05 ngạch đó là: ngạch chuyên viên cao cấp, ngạch chuyên viên hành chính, ngạch chuyên viên, ngạch cán sự và cuối cùng là ngạch nhân viên.

Trong đó, ngạch chuyên viên cao cấp là 01.001- hoặc tương đương.

*) Công việc của một chuyên viên cao cấp:

Chủ trì trong việc xây dựng các chủ trương, đường lối và chính sách có tầm cỡ lớn liên quan đến ngành trong phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó còn là người tổ chức và chỉ đạo hoạt động đúng nề nếp của ngành.

Chỉ đạo, đánh giá hiệu quả công việc đã thực hiện và cũng là người đề xuất ra các phương án sửa đổi bổ sung công việc đó.

Chủ trì, tham gia nghiên cứu các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đó nhằm phát hiện ra những thiếu sót để đổi mới hệ thống quản lý sao cho phù hợp nhất;

Là người đứng ra chủ trì những công việc biên soạn lại tài liệu, nếu phát hiện ra những điểm không phù hợp thì sẽ biên soạn và sửa lại;

Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ và chấn chỉnh lại công tác quản lý của ngành bằng mọi hình thức.

Đây là những công việc hàng ngày của những chuyên viên cao cấp. Các công việc có tính chất là hỗ trợ cho nhà quản lý có thể điều hành tốt công việc. Những công việc của chuyên viên cao cấp là rất quan trọng và phức tạp, chính vì thế mà đòi hỏi nhiều người chuyên viên cao cấp phải có trình độ chuyên môn cao thì mới có thể đảm nhiệm được công việc này.

*) Những yêu cầu của một chuyên viên chuyên nghiệp:

Để trở thành chuyên viên, các bạn phải đảm bảo được các yêu cầu của một chuyên viên sau:

– Nắm vững các quy định của pháp luật, chế độ chính sách của ngành, lĩnh vực và các kiến thức cơ bản về lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ được giao.

– Hiểu rõ các mục tiêu và đối tượng quản lý, hệ thống các nguyên tắc và cơ chế quản lý của nghiệp vụ thuộc phạm vi được giao; hiểu được những vấn đề cơ bản về khoa học tâm lý, khoa học quản lý; tổ chức khoa học quản lý.

– Nắm rõ quy trình xây dựng các phương án, kế hoạch, các quyết định cụ thể và có kiến thức am hiểu về ngành, lĩnh vực được giao; có kỹ năng soạn thảo văn bản và thuyết trình các vấn đề được giao nghiên cứu, tham mưu.

– Có phương pháp nghiên cứu, tổng kết và đề xuất, cải tiến nghiệp vụ quản lý; có năng lực làm việc độc lập hoặc phối hợp theo nhóm; có năng lực triển khai công việc bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

– Am hiểu thực tiễn, kinh tế – xã hội về công tác quản lý đối với lĩnh vực được giao; nắm được xu hướng phát triển của ngành, lĩnh vực ở trong nước.

Chuyên viên cao cấp
chuyên viên cao cấp

Chuyên viên cao cấp có phải tập sự không?

Việc tập sự chỉ áp dụng với công chức ngạch chuyên viên, ngạch cán sự và ngạch nhân viên mà không áp dụng với ngạch chuyên viên cao cấp

Để được chính thức bổ nhiệm vào ngạch công chức, người trúng tuyển phải trải qua thời gian tập sự nhằm làm quen với công việc được tuyển dụng. Tuy nhiên, chuyên viên cao cấp sẽ không phải tập sự và được bổ nhiệm thông qua kỳ thi nâng ngạch công chức

Chuyên viên cao cấp là ngạch công chức được bổ nhiệm:

Hiện nay, ngạch công chức gồm chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự và nhân viên (theo điều 42 Luật Cán Bộ, Công chức năm 2008). Trong đó, theo điều 5 Thông tư 11 năm 2014 của Bộ Nội vụ, chuyên viên cao cấp là: Công chức hành chính có yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ cao nhất về một hoặc một số lĩnh vực trong cơ quan, tổ chức hành chính từ cấp tỉnh trở lên; Có trách nhiệm chủ trì tham mưu, tổng hợp và hoạch định chính sách, chiến lược có tính vĩ mô theo ngành, lĩnh vực hoặc địa phương; Tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện các chế độ, chính sách…

Đặc biệt, theo quy định tại điểm h, khoản 3, điều 5 Nghị định này, chuyên viên cao cấp là ngạch công chức được bổ nhiệm thông qua kỳ thi nâng ngạch từ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương.

Ngoài ra, chuyên viên cao cấp phải đáp ứng các điều kiện về trình độ đào tạo, bồi dưỡng được quy định tại khoản 1, điều 1 Thông tư 05/2017/TT-BNV như sau: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác; Có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị – hành chính hoặc cử nhân chính trị hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền; Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị – hành chính; Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ tương đương bậc 4; Có chứng chỉ tin học trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.

Như vậy, có thể thấy, chuyên viên cao cấp là ngạch công chức có yêu cầu chuyên môn cao nhất và được bổ nhiệm thông qua kỳ thi nâng ngạch.

Không phải tập sự:

Về việc tập sự của công chức, điều 40 Luật Cán bộ, công chức nêu rõ: Người được tuyển dụng vào công chức phải thực hiện chế độ tập sự theo quy định của Chính phủ.

Cụ thể, căn cứ điều 20 Nghị định 24 năm 2010 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 12, điều 1 Nghị định 161 năm 2018, tập sự giúp người được tuyển dụng vào công chức tập làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng trong thời gian: 12 tháng với người được tuyển dụng vào công chức loại C; 6 tháng với người được tuyển dụng vào công chức loại D.

Theo đó, công chức loại C là công chức được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên; công chức loại D là công chức được bổ nhiệm vào ngạch cán sự và ngạch nhân viên (khoản 4, điều 1 Luật Cán bộ, công chức 2008).

Do đó, việc tập sự chỉ áp dụng với công chức ngạch chuyên viên, ngạch cán sự và ngạch nhân viên mà không áp dụng với ngạch chuyên viên cao cấp. Đồng nghĩa, chuyên viên cao cấp sẽ không phải tập sự và được bổ nhiệm thông qua kỳ thi nâng ngạch công chức.

Tiêu chuẩn bổ nhiệm ngạch chuyên viên cao cấp:

Tiêu chuẩn chung về phẩm chất:

– Có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng; trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân;

– Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công chức theo quy định của pháp luật; nghiêm túc chấp hành sự phân công nhiệm vụ của cấp trên; tuân thủ pháp luật, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, trật tự hành chính; gương mẫu thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan;

– Tận tụy, trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan, công tâm và gương mẫu trong thực thi công vụ; lịch sự, văn hóa và chuẩn mực trong giao tiếp, phục vụ nhân dân;

– Có lối sống và sinh hoạt lành mạnh, khiêm tốn, đoàn kết; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không lợi dụng việc công để mưu cầu lợi ích cá nhân; không quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực;

– Thường xuyên có ý thức học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực.

Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:

– Nắm vững và am hiểu sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước; định hướng phát triển, chiến lược, chính sách của ngành, lĩnh vực đang làm việc;

– Nắm vững và am hiểu hệ thống các kiến thức quản lý hành chính nhà nước, quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và các quy định của pháp luật về chế độ công vụ, công chức;

– Nắm vững tình hình và xu thế phát triển ngành, lĩnh vực công tác trong nước và thế giới; tổ chức nghiên cứu phục vụ quản lý và xử lý thông tin quản lý;

– Có năng lực đề xuất, tham mưu hoạch định chính sách, chủ trì xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, đề án, chương trình gắn với chuyên môn nghiệp vụ của ngành, lĩnh vực công tác để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

– Thành thạo và làm chủ các kỹ năng soạn thảo, thuyết trình, bảo vệ và tổ chức thực hiện để xây dựng và triển khai các dự án, đề án, chương trình liên quan đến công tác quản lý nhà nước;

– Có năng lực phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa và đề xuất được các phương pháp để hoàn thiện hoặc giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực hoặc địa phương;

– Có năng lực tổ chức chỉ đạo thực hiện việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tiến và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trong ngành, lĩnh vực hoặc địa phương;

– Đối với công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp thì trong thời gian giữ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương đã chủ trì xây dựng, thẩm định ít nhất 02 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, ngành hoặc cấp tỉnh mà cơ quan sử dụng công chức được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng; đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu. Cụ thể như sau:

Có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia Ban soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật mà cơ quan nơi công chức công tác được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng và đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Trường hợp tham gia xây dựng văn bản mà theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không bắt buộc cơ quan nơi công chức công tác được giao chủ trì phải thành lập Ban soạn thảo thì phải có văn bản giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng của người có thẩm quyền.

Có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia Ban chỉ đạo, Ban chủ nhiệm, Ban soạn thảo đề tài, đề án, chương trình, dự án cấp Bộ, ngành hoặc cấp tỉnh mà cơ quan nơi công chức công tác được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng và đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu hoặc phê duyệt.

Có văn bản giao nhiệm vụ của người có thẩm quyền về việc chủ trì xây dựng báo cáo thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý văn bản quy phạm pháp luật, gồm: dự án Luật, Nghị quyết của Quốc hội, dự án Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

– Có kinh nghiệm trong lĩnh vực hành chính, công vụ hoặc trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương từ đủ 06 năm trở lên, trong đó thời gian giữ ngạch chuyên viên chính tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng).

Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

– Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác;

– Có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị – hành chính hoặc cử nhân chính trị hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền;

– Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị – hành chính;

– Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 4 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

– Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hoặc chứng chỉ tin học ứng dụng tương đương.

Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về chuyên viên cao cấp. Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139