Thừa kế quyền sử dụng đất là một chế định dân sự, là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh việc chuyển dịch tài sản của người chết cho người khác theo di chúc hoặc theo một trình tự nhất định, đồng thời quy định phạm vi, quyền nghĩa vụ và phương thức bảo vệ các quyền và nghĩa vụ của người thừa kế.
Theo quy định pháp luật thì cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp đến bạn đọc nội dung thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc theo quy định mới nhất hiện hành.
Thừa kế đất đai
Thừa kế đất đai có thể hưởng thừa kế qua những hình thức sau:
Thừa kế theo di chúc: là việc một chủ thể trước khi chết để lại di chúc có thể tồn tại dưới dạng văn bản, lời nói phải có người làm chứng…. di chúc hợp pháp theo pháp luật hiện hành, khi đó chủ thể được hưởng thừa kế đất đai sẽ nhận được tài sản theo nội dung của di chúc.
Thừa kế theo pháp luật: Là việc người có tài sản chết đi nhưng không để lại di chúc, di nguyện trao tài sản của mình cho một chủ thể nhất định nào, Khi đó tài sản của người chết sẽ được chia đều theo hàng thừa kế đã quy định trong Bộ Luật Dân sự năm 2015.
Vậy, những ai được hưởng thừa kế quyền sử dụng đất?
– Cá nhân sở hữu đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.
– Trường hợp thành viên thuộc gia đình được nhà nước giao đất:
+ Khi thành viên còn sống thì quyền sử dụng đất được giao là tài sản chung của cả hộ gia đình.
+ Khi thành viên đó chết, thì một phần quyền sử dụng đất trong trong tài sản của họ được chuyển vào phần tài sản thuộc di sản thừa kế và sẽ chuyển qua cho người được thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
+ Người nhận phần di sản thừa kế này có thể nhập chung vào khối tài sản chung của gia đình hoặc giữ phần thừa kế đó cho riêng mình.
– Trường hợp người thừa kế là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì người đó được thừa kế quyền sử dụng đất theo luật quy định. Nếu không thuộc đối tượng này thì chỉ được quyền hưởng giá trị của phần thừa kế đó (bán, cho thuê, cho tặng. . .)
Nhìn chung, những quy định của pháp luật về thừa kế quyền sử dụng đất trên nhằm đảm bảo quyền lợi cho các thành viên trong một hộ gia đình để họ yên tâm để đầu tư nâng cao hiệu quả sử dụng đất được nhà nước cấp cho.
Việc mở rộng đối tượng nhận thừa kế quyền sử dụng đất cũng là quy định phù hợp, thể hiện chính sách của nhà nước về đoàn kết dân tộc, khuyến khích kiều bào đóng góp vào quá trình xây dựng đất nước.
Điều kiện thực hiện quyền thừa kế đất đai
Để được hưởng thừa kế đất đai, ngoài những điều kiện để được hưởng thừa kế, thì di sản đất đai phải đáp ứng thêm những điều kiện sau:
Thứ nhất, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
Thứ hai, Điều kiện quan trọng là đất không có tranh chấp liên quan nào tại thời điểm thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất
Thứ ba, Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án
Thứ tư, Quyền sử dụng đất còn thời hạn sử dụng
Thứ năm, Quyền sử dụng đất của gia đình, cá nhân có nguồn gốc không phải là đất thuê có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc hoặc theo pháp luật
Quyền thừa kế đất đai có di chúc
Di chúc là gì?
Di chúc được hiểu là một loại giấy tờ hợp pháp thể hiện những mong muốn, nguyện vọng của người có di sản để lại về cách phân chia tài sản mình có được sau khi chết.
Hình thức của di chúc
Di chúc thừa kế đất đai hợp pháp được thể hiện dưới những hình thức cơ bản kèm theo những điều kiện sau:
Di chúc miệng: di chúc miệng hay còn gọi là ngôn chúc là sự bày tỏ bằng lời nói ý chí của người để lại di sản thừa kế lúc sống trong việc phân chia khối tài sản ấy sau khi chết. Đối với loại di chúc này cần có người làm chứng.
Di chúc văn bản: đây là loại di chúc chất phổ biến được thể hiện dưới dạng chữ viết, có chứng nhận hoặc công chứng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Khi nào di chúc hợp pháp?
Di chúc hợp pháp là di chúc đáp ứng đầy đủ những điều kiện luật định về ý chí, hình thức, người làm chứng. Để di chúc văn bản có hiệu lực thì di chúc phải ghi đầy đủ ngày, tháng, năm, thông tin, mong muốn của chủ thể được hưởng di sản.
Ngoài ra di chúc phải ghi rõ việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ, kèm theo chữ kí là lời hứa lúc minh mẫn của người có di sản thừa kế.
Chia thừa kế theo di chúc
Sau khi hoàn thành thủ tục kê khai, kiểm tra hiệu lực của di chúc, kiểm tra giấy tờ, tài liệu, giấy tờ nhân thân, người chứng kiến, phòng công chứng tiến hành thủ tục niêm yết công khai về phân chia di sản tại Ủy ban nhân dân xã phường nơi có di sản nếu là đất, hoặc nơi cuối cùng người chết cư trú:
Sau khi hoàn thành những thủ tục khai nhận di sản tại phòng công chứng, việc chia di sản thừa kế sẽ được tiến hành.
Hồ sơ thực hiện thủ tục nhận thừa kế quyền sử dụng đất
Hồ sơ đề nghị cấp, sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bao gồm:
Khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định hộ gia đình, cá nhân cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ như sau:
– Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo mẫu
– Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).
– Trường hợp đăng ký quyền sử dụng đất thì phải nộp một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (giấy tờ về thừa kế).
Trường hợp sử dụng đất do nhận thừa kế trước ngày 01/7/2014 khi nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người thừa kế nộp văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật như di chúc, văn bản khai nhận di sản…
Trình tự thủ tục nhận thừa kế quyền sử dụng đất, đề nghị cấp giấy chứng nhận
Bước 1: Soạn thảo thủ tục nhận thừa kế quyền sử dụng đất và nộp hồ sơ
Khi tiến hành đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp được thừa kế; cần tiến hành chuẩn bị các hồ sơ như trên.
Hộ gia đình cá nhân có thể nộp hồ sơ thực hiện việc đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo các cách sau:
Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất nếu có nhu cầu
Cách 2: Không nộp tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất
Nếu địa phương chưa thành lập bộ phận một cửa thì hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện đối với nơi chưa thành lập Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Đối với địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì nộp tại bộ phận một cửa cấp huyện.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ thực hiện Thủ tục nhận thừa kế quyền sử dụng đất
Bước 3: Giải quyết yêu cầu
Trong bước này người dân chỉ cần lưu ý vấn đề sau:
Khi nhận được thông báo của chi cục thuế thì hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ đóng các khoản tiền theo thông báo như: Lệ phí cấp Giấy chứng nhận, tiền sử dụng đất (nếu có), lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ (nếu có).
Khi nộp tiền xong thì giữ hóa đơn, chứng từ để xác nhận việc đã thực hiện nghĩa vụ tài chính và xuất trình khi nhận Giấy chứng nhận.
Bước 4. Trả kết quả
Thời gian giải quyết: Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 40 ngày với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Thời gian trên không tính các khoảng thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã; thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật; thời gian trưng cầu giám định.
Giải đáp thắc mắc về thừa kế đất đai
Đất thừa kế có phải chia khi ly hôn?
Nếu di sản thừa kế được hưởng trước thời kì hôn nhân và vợ, chồng xác lập tài sản riêng thì khi ly hôn không phải chia. Ngoài ra, nếu di sản thừa kế xác lập trước hoặc trong thời kì hôn nhân mà vợ, chồng không xác lập riêng sẽ thuộc tài sản chung và sẽ chia khi ly hôn.
Đất thừa kế có được bán không?
Câu trả lời là có, Đất thừa kế sau khi tiến hành khai nhận di sản thừa kế và chuyển giao quyền sở hữu đứng tên người nhận di sản. Khi đó người nhận di sản có quyền bán, tặng cho, chuyển nhượng cho chủ thế khác.
Thừa kế nhà đất có phải nộp thuế không?
Khi nhận di sản thừa kế là bất động sản có giá trị lớn hơn 10.000.000 đồng phải nộp 10% thuế suất, kèm theo 0.5% mức lệ phí trước bạ.
Bên cạnh đó nếu nhận thừa kế di sản trong trường hợp Giữa vợ với chồng; Cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; Cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; Cha chồng, mẹ chồng với con dâu; Cha vợ, mẹ vợ với con rể; Ông nội, bà nội với cháu nội; Ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; Anh chị em ruột với nhau; trường hợp này sẽ được miễn thuế và lệ phí trước bạ.
Thừa kế đất có nguồn gốc ông bà
Cụ thể gồm 02 trường hợp chính sau:
Trường hợp 01: Đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất: có những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất như thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất, giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất…
Trường hợp 02: Đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất: cũng giống như trường hợp 01, người sử dụng đất không có giấy chứng nhận từ ông bà để lại khi đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận gồm trường hợp không phải nộp tiền sử dụng đất hoặc có thể phải nộp tiền sử dụng đất.
Hi vọng, qua bài viết thủ tục thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc mới nhất đã giải đáp được những thắc mắc cho các bạn về các vấn đề có liên quan. Nếu các bạn đang cần tìm một công ty tư vấn luật uy tín, nhanh chóng và hiệu quả, vui lòng liên hệ với LUẬT TRẦN VÀ LIÊN DANH! để được tư vấn một cách nhanh chóng và tốt nhất!