Hiện nay, thủ tục kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm là hành vi tố tụng sau khi xử sơ thẩm, nếu đương sự không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm thì có quyền yêu cầu tòa cấp trên xét xử một lần nữa theo trình tự phúc thẩm. Hiện nay cũng có rất nhiều bản án dân sự đưa ra mà đương sự không đồng tình với quan điểm của Tòa. Vậy hồ sơ, thủ tục trình tự thực hiện như thế nào. mời quý bạn đọc tham khảo bài viết bên dưới.
Kháng cáo là gì?
Kháng cáo là quyền cơ bản của công dân khi cho rằng bản án, quyết định của tòa án không đúng quy định pháp luật. Người có quyền kháng cáo thể hiện sự không đồng tình của mình về các quyết định của Tòa án trong bản án hoặc quyết định sơ thẩm và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại bản án hoặc quyết định đó.
Người có quyền kháng cáo vụ án dân sự trong thủ tục kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm
Theo quy định tại Điều 271 BLTTDS 2015 chỉ rõ:
Người có quyền kháng cáo vụ án dân sự là đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
– Người kháng cáo là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người kháng cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ.
– Người kháng cáo nếu không tự mình kháng cáo thì có thể ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền của người kháng cáo, của người kháng cáo ủy quyền kháng cáo; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo ủy quyền kháng cáo và văn bản ủy quyền. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Việc ủy quyền phải được làm thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản ủy quyền đó được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được Chánh án Tòa án phân công. Trong văn bản ủy quyền phải có nội dung đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm.
Đơn kháng cáo trong thủ tục kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm
Nội dung chính của đơn kháng cáo
Tại Khoản 1 Điều 272 BLTTDS nội dung chính của đơn kháng cần có sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo
- Tên, địa chỉ, số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo
- Kháng cáo toàn bộ hoặc một phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật
- Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo
- Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.
Đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của BLTTDS. Kèm theo đơn kháng cáo, người kháng cáo phải gửi tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Thời hạn kháng cáo trong thủ tục kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm
Theo quy định tại Điều 273 BLTTDS 2015:
- Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án, đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
- Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.
- Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.
Kháng cáo thay
Những trường hợp kháng cáo thay được quy định tại Khoản 3, 4, 5 Điều 272 BLTTDS như sau:
Người kháng cáo quy định tại Điều 271 BLTTDS 2015 này nếu không tự mình kháng cáo thì có thể ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền của người kháng cáo, của người kháng cáo ủy quyền kháng cáo, số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo ủy quyền kháng cáo và văn bản ủy quyền. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi tên, địa chỉ, số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của đương sự là cơ quan, tổ chức; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo pháp luật phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó, trường hợp doanh nghiệp kháng cáo thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Người đại diện theo pháp luật của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo pháp luật; họ, tên, địa chỉ của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo pháp luật phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Theo đó BLTTDS không quy định bắt buộc chỉ có đương sự mới có quyền tự mình kháng cáo mà vẫn có thể ủy quyền hoặc một số cơ quan tổ chức đại diện có thể thực hiện việc kháng cáo thay.
Nơi tiếp nhận đơn kháng cáo
Căn cứ theo quy định tại Khoản 7 Điều 272 BLTTDS quy định nơi tiếp nhận đơn kháng cáo như sau:
Đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của BLTTDS.
Trường hợp thay đổi, bổ sung rút, kháng cáo
Theo quy định tại Điều 284 BLTTDS 2015 các trường hợp thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo được quy định chi tiết như sau: 6
- Trường hợp chưa hết thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 273 của Bộ luật này thì người đã kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng cáo ban đầu.
- Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu, nếu thời hạn kháng cáo hết.
- Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền rút kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với những phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo.
Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định.
- Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, trước khi mở phiên tòa phải được lập thành văn bản và gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo cho các đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.
Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, tại phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa.
Như vậy, để thực hiện việc kháng cáo hợp lệ cần chú trọng những yếu tố như quyền kháng cáo, đơn kháng cáo, thời hạn kháng cáo để đảm bảo thủ tục kháng cáo được chính xác nhằm đảm bảo quyền lợi của các đương sự.
Nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm
- Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật, nếu họ không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm và nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Hết thời hạn này mà người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm thì được coi là từ bỏ việc kháng cáo, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
- Trường hợp sau khi hết thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo mới nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà không nêu rõ lý do thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án phải có văn bản trình bày lý do chậm nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm để đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp này được xử lý theo thủ tục xem xét kháng cáo quá hạn.
Trên đây là một số nội dung Luật Trần và Liên Danh giới thiệu đến quý bạn đọc về thủ tục kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm, nếu có thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.