Quá trình ly hôn sẽ có những Bản án, Quyết định không chỉ ảnh hưởng đến đời sống vật chất mà còn ảnh hưởng tới cả đời sống tinh thần của vợ, chồng trong tương lai. Và ngay cả khi có Bản án, Quyết định ly hôn của Toà án, vẫn có thể phát sinh các tình huống khiến các cá nhân liên quan phải cân nhắc việc kháng cáo ly hôn.
Vậy, kháng cáo ly hôn mở ra một con đường pháp lý khác như thế nào? Dưới đây chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về kháng cáo ly hôn.
Kháng cáo ly hôn là gì?
Kháng cáo bản án, quyết định ly hôn là việc vợ, chồng hoặc người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án ly hôn phản đối một phần hoặc toàn bộ Bản án, Quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp sơ thẩm để yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
Cần lưu ý là đương sự có quyền kháng cáo một phần hoặc toàn bộ bản án ly hôn sơ thẩm.
Thí dụ: Bản án giải quyết vấn đề kết thúc hôn nhân, chia con chung và chia tài sản chung. Nếu đương sự đồng ý ly hôn nhưng không đồng ý về việc chia con và tài sản thì kháng cáo MỘT PHẦN bản án. Nếu đương sự không đồng ý ly hôn cũng như không muốn chia tài sản và con cái thì có thể kháng cáo TOÀN BỘ bản án.
Căn cứ để kháng cáo ly hôn là gì?
Kháng cáo bản án, quyết định ly hôn phụ thuộc vào việc có căn cứ xác đáng đảm bảo việc xem xét lại Bản án, Quyết định sơ thẩm hay không. Những căn cứ này thường là những sai sót pháp lý cơ bản xảy ra trong quá trình tố tụng tại Tòa án cấp sơ thẩm. Ví dụ như Toà án cấp sơ thẩm có thể đã áp dụng luật, áp dụng các tính tiết, chứng cứ không đúng, dẫn đến kết quả không công bằng hoặc những vi phạm về thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.
Trong khi Toà án cấp sơ thẩm tập trung vào việc kiểm tra các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để đưa ra những phán quyết thì trọng tâm của Toà án cấp phúc thẩm khi giải quyết Kháng cáo bản án, quyết định ly hôn là xem xét lại phán quyết của Toà án cấp sơ thẩm xem có sai sót pháp lý gì hay không.
Chính vì vậy, căn cứ để kháng cáo ly hôn chủ yếu xoay quanh các vấn đề chứng minh những sai sót pháp lý của Bản án, Quyết định sơ thẩm, qua đó kiến nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét lại những sai sót này, đảm bảo quá trình xem xét lại diễn ra công bằng theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tục kháng cáo ly hôn yêu cầu hủy bản án ly hôn đơn phương:
Thủ tục Kháng cáo bản án, quyết định ly hôn yêu cầu hủy bản án ly hôn đơn phương được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Quý bạn đọc, người có yêu cầu cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đầy đủ, kèm theo đơn kháng cáo bản án ly hôn để nộp cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Hồ sơ kháng cáo ly hôn yêu cầu hủy bản án ly hôn đơn phương.
Bước 2: Quý bạn đọc, người có yêu cầu tiến hành nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền:
Người có yêu cầu nộp đơn cho tòa án có thẩm quyền.
Việc nộp đơn có thể được thực hiện qua đường bưu điện hoặc tiến hành nộp trực tiếp tại Tòa án.
Bước 3: Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ
Tòa án sẽ tiếp nhận hồ sơ và tiến hành kiểm tra, đơn kháng cáo và ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Tòa án sẽ xem xét tính hợp lệ của đơn kháng cáo và ra một trong các thông báo sau khi nhận được đơn kháng cáo bản án ly hôn đơn phương, theo những trường hợp sau:
– Trường hợp 1:
Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ thì Tòa án sẽ thông báo nộp tiền tạm ứng án phí.
Do đó quý bạn đọc, người có đơn kháng cáo bản án ly hôn đơn phương trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo nộp tạm ứng án phí phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Trong trường hợp quá hạn thời hạn này người kháng cáo mới nộp tiền tạm ứng án phí thì phải có lý do chính đáng.
– Trường hợp 2:
Tòa án sẽ trả lại đơn kháng cáo bản án ly hôn đơn phương và ra thông báo với lý do như:
+ Người kháng cáo bản án ly hôn đơn phương không có quyền kháng cáo;
+ Người kháng cáo không làm lại đơn kháng cáo hoặc không sửa đổi bổ sung theo yêu cầu của Tòa án hay người kháng cáo bản án ly hôn không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm trong thời hạn theo quy định của Luật.
Bước 4:
– Tòa án sẽ thông báo, kèm theo bản sao đơn kháng cáo và các tài liệu chứng cứ liên quan, gửi cho các đương sự có liên quan và gửi đến Viện kiểm sát cùng cấp biết về việc kháng cáo bản án ly hôn đơn phương này.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người kháng cáo bản án ly hôn nộp cho Tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm thì Tòa án sơ thẩm sẽ gửi hồ sơ cho Tòa án cấp phúc thẩm.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý vụ án ngay sau khi nhận được hồ sơ và ra thông báo thụ lý vụ án.
Bước 5:
– Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ, tài liệu để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo hay tài liệu còn thiếu nhằm làm rõ yêu cầu của người kháng cáo bản án ly hôn.
– Toàn tiến hành xem xét và đưa ra quyết định liên quan đến quá trình giải quyết theo thủ tục phúc thẩm như:
+ Đình chỉ xét xử phúc thẩm;
+ Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hoặc đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
Bước 6: Đưa vụ án xét xử phúc thẩm:
Việc xét xử theo thủ tục phúc thẩm chính là một trong các nội dung sau:
– Sửa bản án ly hôn sơ thẩm; bản án ly hôn sơ thẩm sẽ được giữ nguyên;
– Hủy bản án ly hôn sơ thẩm;
– Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án;
– Hủy một phần và chuyển hồ sơ cho Tòa án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm;
– Tạm đình chỉ giải quyết vụ án;
– Đình chỉ xét xử phúc thẩm.
Nội dung kháng cáo được chấp nhận thì Tòa án sẽ dựa trên hồ sơ vụ án đã được cấp xét xử sơ thẩm xem xét bởi bản chất phúc thẩm chính là xem xét lại bản án đã được xét xử sơ thẩm. Ngoài ra, quý bạn đọc và người có đơn kháng cáo có thể nộp bổ sung thêm chứng cứ, tài liệu mà mình thu thập được thêm liên quan đến nội dung có lợi cho mình về vụ án để nộp cho Tòa án cấp phúc thẩm.
Hồ sơ kháng cáo ly hôn yêu cầu hủy bản án ly hôn đơn phương:
Hồ sơ kháng cáo ly hôn yêu cầu hủy bản án ly hôn đơn phương bao gồm các loại giấy tờ sau đây:
(1) Đơn kháng cáo, theo mẫu số 54-DS được ban hành theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
(2) Chứng cứ, văn bản, tài liệu bổ sung (nếu có) nhằm chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình.
Chủ thể có quyền kháng cáo ly hôn đơn phương:
Trong trường hợp ly hôn đơn phương, ai là người có quyền kháng cáo bản án ly hôn?
Điều 271 Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định như sau: Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm, qua đó để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Theo quy định này thì vợ hoặc chồng hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo đối với bản án ly hôn chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm.
Việc kháng cáo là để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Đối với kháng cáo bản án ly hôn thì vợ hoặc chồng không được ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục này.
Mẫu đơn kháng cáo bản án ly hôn đơn phương:
Căn cứ theo Mẫu số 54-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì mẫu đơn kháng cáo bản án ly hôn đơn phương như sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
…, ngày… tháng … năm…
ĐƠN KHÁNG CÁO
Kính gửi: Tòa án nhân dân (1) …..
Người kháng cáo: (2) ….
Địa chỉ: (3) ….
Số điện thoại:…/Fax:….
Địa chỉ thư điện tử (nếu có):
Là:(4)….
Kháng cáo: (5)….
Lý do của việc kháng cáo:(6)….
Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết những việc sau đây:(7)….
Những tài liệu, chứng cứ bổ sung kèm theo đơn kháng cáo gồm có:(8)…
…
….
….
NGƯỜI KHÁNG CÁO(9)
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì mẫu đơn kháng cáo bản án ly hôn đơn phương như sau:
(1) Ghi tên Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án.
Nếu là Tòa án nhân dân cấp huyện thì cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào, thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà án nhân dân huyện Đ, tỉnh HN);
Nếu là Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì cần ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào. Cần ghi địa chỉ cụ thể của Tòa án (nếu đơn kháng cáo được gửi qua bưu điện).
(2) Nếu người kháng cáo ủy quyền cho người khác thì ghi họ, tên của người đại diện theo ủy quyền của người kháng cáo, của người kháng cáo ủy quyền kháng cáo, nếu người kháng cáo là cơ quan, tổ chức thì ghi tên của cơ quan, tổ chức đó (ghi như đơn kháng cáo) và ghi họ tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó, nếu người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức ủy quyền cho người khác kháng cáo thì ghi họ tên của người đại diện theo ủy quyền, của đương sự là cơ quan, tổ chức ủy quyền.
Nếu người kháng cáo là cá nhân thì ghi họ tên của cá nhân đó.
(3) Nếu người kháng cáo là cá nhân thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú; nếu là cơ quan, tổ chức thì ghi địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó (ví dụ: Địa chỉ: có trụ sở tại số 10 phố HP, quận N, thành phố N).
(4) Ghi tư cách tham giá tố tụng của người kháng cáo;
(5) Ghi cụ thể kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm hoặc phần nào của bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật đó (ví dụ: kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 03/2020/DS-ST ngày 10-02-2018 của Tòa án nhân dân tỉnh C).
(6) Ghi lý do cụ thể của việc kháng cáo.
(7) Nêu cụ thể từng vấn đề mà người kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết.
(8) Trường hợp có các tài liệu, chứng cứ bổ sung thì phải ghi đầy đủ tên các tài liệu, chứng cứ bổ sung kèm theo đơn kháng cáo để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp (ví dụ: các tài liệu kèm theo đơn gồm có:
1) Bản sao Giấy xác nhận nợ;
2) Bản sao Giấy đòi nợ;
(9) Trường hợp người kháng cáo là cá nhân thì phải ký tên hoặc điểm chỉ và ghi rõ họ tên của người kháng cáo đó.
Trường hợp nếu là cơ quan, tổ chức kháng cáo thì người đại điện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức kháng cáo ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó, trường hợp doanh nghiệp kháng cáo thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Trên đây là bài viết tư vấn chi tiết các vấn đề liên quan đến kháng cáo ly hôn, nếu các bạn có bất cứ thắc mắc nào, hãy liên hệ ngay với công ty luật uy tín Luật Trần và Liên Danh nhé!