Kiểm toán là việc kiểm tra, xem xét, thẩm tra, đánh giá, kết luận và xác nhận tính đầy đủ, trung thực, hợp lý của số liệu, tài liệu kế toán, báo cáo tài chính theo các chuẩn mực được xác định trước của những tổ chức sản xuất, kinh doanh và quản lý nhà nước về kinh tế, do các nhân viên gọi là kiểm toán viên có đủ trình độ, có nghề nghiệp chuyên môn giỏi thực hiện. Vậy chủ thể kiểm toán là ai?
Quy định chung về kiểm toán
Kiểm toán do nhiều chủ thể tiến hành, do đó, tùy thuộc vào loại kiểm toán mà quyền và nghĩa vụ của chủ thể thực hiện kiểm toán và đối tượng bị kiểm toán có sự khác nhau. Căn cứ vào tư cách pháp lÍ của chủ thể tiến hành kiểm toán và giá trị pháp lí của hoạt động kiểm toán, kiểm toán được phân thành các loại: kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập, kiểm toán nội bộ.
Kiểm toán nhà nước hay còn gọi là kiểm toán công, do cơ quan kiểm toán nhà nước tiến hành để kiểm tra, đánh giá, kết luận và xác nhận tính đầy đủ, hợp lí, hợp pháp của số liệu, tài liệu kế toán, báo cáo tài chính của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến thu, chỉ ngân sách nhà nước.
Kiểm toán độc lập là hoạt động kiểm toán do Kiểm toán viên độc lập thực hiện theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân có nhu cầu kiểm toán đối với hoạt động tài chính của mình. Hoạt động của Kiểm toán viên độc lập nhằm giúp cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu kiểm toán thẩm định tính đầy đủ, trung thực, hợp lí của số liệu, tài liệu kế toán, báo cáo tài chính.
Kiểm toán nội bộ là kiểm toán thực hiện trong phạm vi một chủ thể kinh doanh. Kiểm toán nội bộ được thực hiện nhằm bảo đảm duy trì trật tự và hiệu quả của hoạt động tài chính của chính chủ thể tổ chức hoạt động kiểm toán. Riêng đối với doanh nghiệp nhà nước, thực hiện kiểm toán nội bộ là nghĩa vụ được pháp luật quy định.
Kết quả của hoạt động kiểm toán thể hiện ở báo cáo kiểm toán do đoàn kiểm toán hoặc Kiểm toán viên lập. Giá trị pháp lí của báo cáo kiểm toán tài chính phụ thuộc vào chủ thể tiến hành kiểm toán.
Hoạt động kiểm toán không thay thế các cơ quan nhà nước về kế toán và kiểm tra. Dịch vụ kiểm toán đã có hơn 100 năm nay. Công ti Praixơ Oatơhao (Price Waterhouse) được thành lập năm 1880 tại Luân Đôn, Công ti Athơ Anđecxen (Arthur Andersen) được thành lập năm 1889 tại Chicago, Hoa Kì. Trên thế giới hiện nay có những tập đoàn, công ti kiểm toán lớn như tập đoàn Erônxtơ Young.
Trước đây, ở Việt Nam, có công tỉ kiểm toán Việt Nam (VACO) là công ti kiểm toán đầu tiên, thành lập năm 1991, hoạt động một cách độc lập. Quy chế kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân ban hành theo Nghị định số 07/CP ngày 21.01.1994 của Chính phủ. Quốc hội Khoá XI, tại kì họp lần thứ 7 năm 2005 đã thông qua Luật kiểm toán nhà nước năm 2005 tạo cơ sở pháp lí ở tầm lập pháp cho sự ra đời, thành lập hệ thống các cơ quan kiểm toán nhà nước Việt Nam.
Hiện nay, ở Việt Nam đang áp dụng Luật kiểm toán nhà nước năm 2015 (Luật kiểm toán nhà nước sửa đổi năm 2019)
Chức năng của Kiểm toán nhà nước
Có thể hiểu một cách đơn giản: “kiểm toán là xem xét và đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính của một tổ chức”. Hoạt động kiểm toán nhằm xác định liệu hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán có được lập chính xác, đúng pháp luật và thể hiện chính xác các giao dịch mà nó minh chứng, về mặt nghiệp vụ, khi tiến hành kiểm toán, chủ thể kiểm toán sau khi xác nhận hồ sơ kiểm toán sẽ đưa ra kết luận và kiến nghị đối với việc sử dụng tài chính vừa kiểm toán.
Ở đây cần lưu ý một đặc thù của hoạt động kiểm toán nói chung là nếu phát hiện có sai phạm, cơ quan kiểm toán sẽ công khai sai phạm đó thay vì quyết định những biện pháp xử lí cụ thể. Kiểm toán là hoạt động khá phổ biến trong nền kinh tế thị trường và có thể được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau hướng tới nhiều đối tượng khác nhau.
Chức năng của kiểm toán nhà nước chính là tiến hành các hoạt động kiểm toán công. Chức năng của kiểm toán nhà nước có một số đặc điểm sau.
Thứ nhất, đối tượng kiểm toán của kiểm toán nhà nước là tất cả các hoạt động quản lí, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động liên quan đến việc quản lí, sử dụng tài chính công, tài sản công của các cơ quan, tổ chức có sử dụng tài chính, tài sản công.
Luật kiểm toán nhà nước năm 2015 không có sự hạn chế đối với các chủ thể sử dụng ngân sách nhà nước có thể trở thành đơn vị bị kiểm toán bởi kiểm toán nhà nước, đối tượng bị kiểm toán có thể là các bộ, Văn phòng chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức xã hội …Sự hạn chế phạm vi kiểm toán của kiểm toán nhà nước đến từ nguồn tài chính và tài sản được sử dụng là ngân sách nhà nước và tài sản công. kiểm toán nhà nước không tiến hành kiểm toán đối với việc sử dụng nguồn tài chính hoặc tài sản khác.
Như vậy, kiểm toán nhà nước không tiến hành kiểm toán đối với các doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân không sử dụng ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước Việt Nam cũng không chịu sự kiểm toán của kiểm toán nhà nước. Những đối tượng đó thuộc phạm vi kiểm toán của kiểm toán thương mại độc lập theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập.
Thứ hai, kiểm toán nhà nước là hoạt động kiểm toán mang tính quyền lực nhà nước, nhân danh nhà nước. Theo quy định của pháp luật, hằng năm kiểm toán nhà nước tự quyết định kế hoạch kiểm toán năm và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện. Ngoài ra, kiểm toán nhà nước cũng có thể tiến hành các cuộc kiểm toán không nằm trong kế hoạch năm nhưng phải dưới hình thức được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ.
Có thể hiểu là nếu những cơ quan này giao nhiệm vụ kiểm toán thì kiểm toán nhà nước phải thực hiện. Các cơ quan khác, bao gồm Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cũng có thể đề nghị kiểm toán nhà nước tiến hành một cuộc kiểm toán nào đó.
Khi đó kiểm toán nhà nước có thể xem xét, quyết định chứ không có nghĩa vụ đáp ứng đề nghị kiểm toán.1 Đó là 3 căn cứ pháp lý để kiểm toán nhà nước tiến hành một cuộc kiểm toán và khi cuộc kiểm toán đã được quyết định tiến hành một cách họp pháp thì đối tượng bị kiểm toán phải chấp hành sự kiểm toán của kiểm toán nhà nước (Khoản 1,2, 3, Điều 10 Luật kiểm toán nhà nước năm 2015 và Khoản 2 Điều 8, Điều 68 kiểm toán nhà nước năm 2015).
Hoạt động kiểm toán của kiểm toán nhà nước không dựa trên mối quan hệ khách hàng – nhà cung cấp dịch vụ như quan hệ kiểm toán độc lập trong nền kinh tế.
Thứ ba, hoạt động kiểm toán của kiểm toán nhà nước, cũng giống như các hoạt động kiểm toán thương mại độc lập, là hoạt động mang tính chuyên môn và tính khách quan rất cao. Hoạt động của kiểm toán nhà nước không phải hoạt động mang tính chất chính trị hay đơn thuần là hành chính điều hành.
Hoạt động mang tính chất chính trị, ví dụ hoạt động ban hành luật hay chính sách của Quốc hội hay Chính phủ, là những hoạt động lấy quyết định theo đa số.
Đa số quyết định có nghĩa là đúng và được thi hành. Các hoạt động hành chính điều hành dựa trên quan hệ cấp trên – cấp dưới, cấp trên quyết định là cấp dưới thi hành, cho dù quyết định của cấp trên có thể sai hay đúng. Hoạt động chủ yếu của kiểm toán nhà nước, cũng giống như các hoạt động kiểm toán khác, là làm việc với những con số, với hóa đơn, chứng từ tài chính. kiểm toán nhà nước xác nhận sự chính xác và hợp lí của sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ có sẵn quy chiếu theo các quy chuẩn cụ thể và chi tiết của kiểm toán, kế toán.
Ở góc độ nào đó, hoạt động này nhằm xác định cái đúng, cái sai căn cứ trên tiêu chuẩn nhất định. Vì vậy nó mang tính chuyên môn và khách quan. Cái gì đúng với quy chuẩn thì là đúng và cái gì sai với quy chuẩn thì là sai.
Cũng chính vì vậy mà trong các công đoạn kiểm toán của kiểm toán nhà nước, cũng như hoạt động kiểm toán khác, bao giờ cũng có một công đoạn dành cho đối tượng bị kiểm toán có ý kiến đối với các phát hiện và kết luận của kiểm toán nhà nước trình bày trong dự thảo báo cáo kiểm toán (Khoản 2 Điều 47 Luật kiểm toán nhà nước năm 2015), mục đích cũng là để tìm đến cái đúng, cái sai trong sử dụng tài chính, tài sản công một cách khách quan, chính xác nhất.
Nội dung kiểm toán của kiểm toán nhà nước
Phân tích trên đây về chức năng của kiểm toán nhà nước có thể đem lại ấn tượng rằng công việc của kiểm toán nhà nước chỉ liên quan tới việc kiểm tra và xác nhận các con số trình bày trên các sổ sách kế toán.
Tuy nhiên, trên thực tế nội dung kiểm toán mà kiểm toán nhà nước có thể quyết định tiến hành trong từng cuộc kiểm toán lại có phạm vi rộng hơn khá nhiều, trong đó bao gồm ba nội dung (Xem Điều 32 Luật kiểm toán nhà nước nàm 2015).
– Kiểm toán tài chính: Đây là nội dung thường có trong mỗi cuộc kiểm toán của kiểm toán nhà nước. Khi thực hiện nội dung kiểm toán này, kiểm toán nhà nước tiến hành xem xét, đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các số liệu, thông tin tài chính và báo cáo tài chính của đơn vị bị kiểm toán. Đây cũng là nội dung điển hình nhất của công tác kiểm toán và chính nội dung này được sử dụng chủ yếu để minh hoạ chức năng của kiểm toán nhà nước trong phân tích trên đây.
– Kiểm toán tuân thủ: Khi áp dụng nội dung này, kiểm toán nhà nước sẽ căn cứ vào hóa đơn, chứng từ và sổ sách kế toán để xem xét, đánh giá và xác nhận việc chi tiêu từ ngân sách của đơn vị bị kiểm toán có tuân thủ các định mức quy định bởi pháp luật, nội quy hoặc quy chế về tài chính mà đơn vị bị kiểm toán phải thực hiện.
Nếu nội dung kiểm toán thứ nhất chỉ đánh giá xem số tiền ghi trên hóa đơn sổ sách có phản ánh đúng thực tế thu chi hay không, ví dụ có khoản thu, chi nào thực tế cao hơn hay thấp hơn, thì nội dung kiểm toán này đánh giá các khoản thu chi có đúng định mức đã quy định hay không, ví dụ số tiền chi cho bài viết hội thảo là đúng với thực tế nhưng lại cao hơn mức quy định mà đơn vị đã đặt ra. Đây cũng là nội dung kiểm toán thường có trong các cuộc kiểm toán.
– Kiểm toán hoạt động: với nội dung kiểm toán này, kiểm toán nhà nước đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lí và sử dụng tài chính công và tài sản công. Đây là nội dung kiểm toán không trực tiếp liên quan tới việc đối chiếu, xác nhận giấy tờ, sổ sách kế toán mà mang tính chất khái quát và trừu tượng hơn.
Khi tiến hành kiểm toán hoạt động, kiểm toán nhà nước có thể sẽ xem xét tổng thể hoạt động của đơn vị bị kiểm toán từ góc nhìn sử dụng ngân sách và tài sản công để đánh giá việc sử dụng nguồn lực công có hiệu quả đối chiếu với kết quả hoạt động mà đơn vị đạt được, cả trước mắt và lâu dài.
Ví dụ, kiểm toán nhà nước có thể đánh giá hoạt động chi tiêu của đơn vị đều đúng thực tế và đúng định mức, tức là phù hợp nếu áp dụng nội dung kiểm toán thứ nhất và thứ hai, tuy nhiên có thể lượng chi tiêu đó là quá nhiều so với két quả đạt được hoặc quá ít để có thể đem đến kết quả như mong muốn.
Mặc dù về mặt pháp lý, nội dung kiểm toán của kiểm toán nhà nước bao gồm cả 3 nội dung trên đây, song trên thực tế không phải lúc nào các cuộc kiểm toán cũng đều thực hiện cả ba nội dung. Tuỳ vào yêu cầu của từng cuộc kiểm toán, Tổng kiểm toán nhà nước sẽ quyết định nội dung kiểm toán thích hợp (Khoản 2 Điều 32 Luật kiểm toán nhà nước năm 2015).
Nhìn chung, nội dung thứ nhất và thứ hai thường được áp dụng; trong khi đó nội dung thứ ba mang tính trừu tượng cao và khá phức tạp, do đó không phải bất kì cuộc kiểm toán nào cũng được áp dụng.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về chủ thể kiểm toán Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.