Tài sản là nhà ở mua trong thời kỳ hôn nhân nhưng chỉ đứng tên một người, vậy có được coi là tài sản chung của hai vợ chồng hay không? Và trường hợp nào tài sản sau hôn nhân đứng tên một người là tài sản chung, trường hợp nào tài sản sau hôn nhân đứng tên một người là tài sản riêng. Cùng tham khảo bài viết dưới đây của Luật Trần và Liên Danh để biết thêm chi tiết nhé!
Quy định về tài sản chung của vợ chồng nhưng do một bên vợ hoặc chồng đứng tên
Căn cứ quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về tài sản chung của vợ chồng như sau:
“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”
Bên cạnh đó, việc đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung tại Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“1. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
2. Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật này; nếu có tranh chấp về tài sản đó thì được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật này”.
Tại Điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn đăng ký tài sản chung của vợ chồng như sau:
“…
2. Đối với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng.
…”
Theo đó, tài sản chung của vợ chồng phải được đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung đó. Đối với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng.
tài sản sau hôn nhân đứng tên một người
Quy định về tài sản do một bên vợ hoặc chồng đứng tên là tài sản riêng của vợ chồng.
Theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về tài sản riêng của vợ, chồng:
“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này”.
Như vậy, căn cứ theo các quy định nêu trên có thể chia thành hai trường hợp khi có tranh chấp như sau:
Trường hợp 1: Nếu người đứng tên tài sản chứng minh được đó là tài sản riêng của mình thì tài sản đó là tài sản riêng của người đứng tên.
Trường hợp 2: Nếu người đứng tên không chứng minh được đó là tài sản riêng của mình thì tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng.
Một người đã kết hôn thì có thể một mình đứng tên trên sổ đỏ không?
Sau khi kết hôn, vợ hoặc chồng vẫn có thể đứng tên trên sổ đỏ một mình, theo đó, có thể kể ra những trường hợp phổ biến sau đây mà chỉ có vợ hoặc chồng đứng tên trên sổ đỏ:
Trường hợp thứ nhất, là vợ hoặc chồng được nhận thừa kế riêng là nhà, đất. Khi đó, Người thừa kế là vợ hoặc chồng sẽ đứng tên nhà đất một mình.
Ví dụ: người chồng sau khi kết hôn được cha mẹ để lại thừa kế cho riêng anh ta, thì tài sản đó vẫn là tài sản riêng của người chồng và người chồng được đứng tên một mình trên giấy tờ sở hữu.
Trường hợp thứ hai, là vợ hoặc chồng được tặng cho riêng nhà đất, thì họ cũng đứng tên một mình trên sổ đỏ.
Trường hợp thứ ba, là vợ hoặc chồng mua nhà đất bằng tài sản riêng của mình thì cũng đứng tên trên sổ đỏ một mình.
Trường hợp thứ tư, là trước khi kết hôn, hai bên có thỏa thuận về tài sản riêng của vợ, chồng sau khi kết hôn, và thỏa thuận này được công chứng hoặc chứng thực, thì tài sản phát sinh sau khi đăng ký kết hôn thuộc sở hữu của từng người theo nội dung đã thỏa thuận và khi đó, sổ đỏ cũng sẽ đứng tên 1 người.
Trường hợp thứ năm, là trường hợp vợ chồng thỏa thuận với nhau về việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân, theo đó, vợ chồng có thể thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung và nếu tải sản đó là nhà, đất, thì thỏa thuận này phải được công chứng, khi đó, nhà đất được chia là tài sản riêng theo thỏa thuận. Trường hợp này sổ đỏ cũng đứng tên 1 người.
Thủ tục đứng tên sổ đỏ một mình
Thủ tục để đứng tên sổ đỏ một mình vẫn thực hiện theo trình tự bình thường, tuy nhiên, hồ sơ nộp để cấp sổ đỏ đứng tên một người thì cần phải cung cấp các giấy tờ tương ứng với từng trường hợp đề cập ở mục 2. Cụ thể, thủ tục như sau:
Bước 1: Chuẩn bị bộ hồ sơ.
Theo đó, hồ sơ phải nộp để đứng tên sổ sổ một mình, thì ngoài bộ hồ sơ như xin cấp sổ lần đầu hoặc đăng ký biến động, bạn phải cung cấp một trong các giấy tờ sau:
1. Văn bản khai nhận, phân chia di sản thừa kế nếu bạn được thừa kế riêng.
2. Hợp đồng tặng cho nhà đất, nếu bạn được tặng cho riêng.
3. Chứng từ chứng minh bạn nhận chuyển nhượng nhà đất bằng tài sản riêng của bạn.
4. Bản Thỏa thuận công chứng về việc xác lập chế độ tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn.
5. Bản thỏa thuận công chứng về việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân.
Bước 2: Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ, bạn Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Hồ sơ hợp lệ thì bạn sẽ được cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ ghi ngày hẹn trả kết quả.
Bước 3: Bạn nộp các khoản tiền theo thông báo như: Lệ phí cấp Giấy chứng nhận, tiền sử dụng đất (nếu có), lệ phí trước bạ,…
Bước 4: Đến ngày hẹn ghi trên phiếu tiếp nhận, bạn đến Văn phòng đăng ký đất đai đã nộp hồ sơ để nhận sổ đỏ.
Sổ đỏ chỉ đứng tên chồng hoặc vợ, khi bán đất, người còn lại có phải ký tên không
Về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng, kể cả trường hợp tài sản chung của vợ chồng mà chỉ 1 người đứng tên, thì khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào liên quan đến nhà đất đều phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
Trường hợp là tài sản riêng của một người thì quyền định đoạt tài sản như thế nào là của riêng người đó, không cần ý kiến của người còn lại.
Và đã đề cập ở các mục trên, sổ đỏ đứng tên một người thì chưa thể khẳng định 100% đó là tài sản riêng của vợ hoặc của chồng. Do đó, thông thường Văn phòng đăng ký đất đai sẽ yêu cầu cung cấp giấy tờ chứng minh đó là tài sản riêng và Giấy “cam kết tài sản riêng” của người không đứng tên.
Sổ đỏ chỉ đứng tên một người, người còn lại muốn đứng tên cùng thì phải thực hiện thủ tục gì?
Nếu sổ đỏ, sổ hồng chỉ ghi tên của vợ hoặc của chồng, nay có yêu cầu ghi cả tên vợ và chồng thì thực hiện theo thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận.
Theo đó, hai vợ chồng cần chuẩn bị 1 bộ hồ sơ xin cấp đổi Giấy chứng nhận như sau (khoản 1 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ):
+ Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận theo Mẫu.
+ Bản gốc Sổ đỏ.
+ CMND, hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của cả vợ và chồng.
Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ, bạn nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Trong thời hạn không quá 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ trả kết quả Giấy chứng nhận cho bạn.
Nhà, đất ở Việt Nam luôn là một trong những tài sản lớn, có giá trị, do đó, những tranh chấp xung quanh đến nhà đất không chỉ giữa người mua, người bán, tranh chấp giáp ranh, mà vợ chồng, đặt biệt khi ly hôn, thì xung đột về tài sản cũng rất gay gắt và nhiều trường hợp không tìm được tiếng nói chung.
Trên đây là một số tư vấn vềtài sản sau hôn nhân đứng tên một người của Luật Trần và Liên Danh, hi vọng qua bài viết này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về tài sản sau hôn nhân đứng tên một người là như thế nào. Hãy liên hệ với chúng tôi để được cung cấp dịch vụ một cách chuyên nghiệp và nhanh nhất. Luật Trần và Liên Danh – Đồng hành pháp lý cùng bạn.