Người bào chữa là người tham gia tố tụng để bênh vực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo. Vậy, những ai có thể tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa? Và một số quy định pháp luật liên quan đến luật sư bào chữa cho bị cáo sẽ được chúng tôi cung cấp trong bài viết dưới đây.
Người bào chữa là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.
Những người nào có thể trở thành người bào chữa?
Người bào chữa có thể là Luật sư, người đại diện của người bị buộc tội, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý (khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
Những người không được bào chữa
Quy định tại khoản 4 Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì Những người sau đây không được bào chữa:
Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó;
Người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
Pháp luật quy định những người này không được trở thành người bào chữa nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án được khách quan, đúng pháp luật, công tâm khi giải quyết vụ án hình sự, tránh bỏ lọt tội phạm cũng nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, bị cáo, bị can khi tiến hành hoạt động tố tụng.
Những trường hợp phải chỉ định người bào chữa
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền chỉ định người bào chữa nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa khi:
Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
Phân tích quy định về người bào chưa
Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng kí bào chữa (Điều 72 bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Người bào chữa tham gia tố tụng để đưa ra những tình tiết xác định người bị buộc tội không có tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội và giúp đỡ người bị buộc tội về mặt pháp lí nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Sự tham gia tố tụng của người bào chữa là rất cần thiết, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp và sự hiểu biết của mình, người bào chữa tham gia vào quá trình giải quyết vụ án để giúp bảo vệ lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội. Qua đó sự tham gia của người bào chữa cũng góp phần vào việc xác định sự thật của vụ án được đúng đắn, không để bị can, bị cáo bị buộc tội oan, sai.
Người bào chữa có thể là những người sau:
– Luật sư: Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật, thực hiện dịch vụ pháp lí theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Hoạt động bào chữa của luật sư có tính chất chuyên nghiệp.
– Người đại diện của người bị buộc tội: Người đại diện cho người bị buộc tội là cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị buộc tội chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa hoặc người có nhược điểm về tâm thần; đại diện theo pháp luật của bị can, bị cáo là pháp nhân.
– Bào chữa viên nhân dân: Bào chữa viên nhân dân là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức pháp lí, đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, được ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.
– Trợ giúp viên pháp lí trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lí.
Vai trò của Luật sư trong Vụ án hình sự
Trong các vụ án hình sự, vai trò của Luật sư rất quan trọng. Họ là người bào chữa, người có trình độ am hiểu sâu sắc về pháp luật, đại diện cho thân chủ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm phạm.
Luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo không chỉ đơn thuần là thực hiện một công việc, mà còn là trách nhiệm, là đạo đức nghề nghiệp. Người luật sư có tài, có tâm với nghề luôn đặt mục tiêu đem lại những điều tốt đẹp nhất cho thân chủ trên cơ sở tuân thủ những quy định của pháp luật.
Vị trí, vai trò của luật sư ở các nước phát triển đã được khẳng định, việc nhờ luật sư bảo vệ cho mỗi người dân giống như một biện pháp an toàn tất yếu trong đời sống hàng ngày đối với họ.
Còn ở Việt Nam hiện nay thì sao? Vị trí, vài trò và tầm quan trọng của Luật Sư trong các vụ án như thế nào? Để giải đáp câu hỏi này, Công ty TNHH Luật Trần và Liên Danh xin được giới thiệu qua và nêu dẫn chứng để Quý bạn đọc nắm được và hiểu rõ về tầm quan trọng của Luật sư trong giải quyết vụ án hình sự.
Vai trò của Luật sư chúng tôi trong vụ án hình sự?
Theo luật định, Luật sư có quyền tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các thân chủ từ khi một người bị Cơ quan công an triệu tập lấy lời khai do bị tố cáo, do bị kiến nghị khởi tố hoặc tham gia bào chữa từ khi một người bị tạm giữ hình sự, tạm giữ trong trường hợp bắt người khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, hoặc đang bị truy nã…
Luật sư tham gia với tư cách người bào chữa từ khi có quyết định khởi tố bị can.
Luật sư tham gia với tư cách người bào chữa từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Luật sư tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.
Như vậy, có thể thấy Luật sư có thể tham gia bảo vệ/bào chữa cho thân chủ của mình từ khi bị triệu tập lấy lời khai, bị tạm giữ, bị tạm giam, bị truy tố, bị xét xử cho đến khi kết thúc vụ án.
Hiểu một cách đơn giản là theo pháp luật hiện hành, bất kể khi nào bạn muốn, bạn đều có quyền mời luật sư bảo vệ cho mình, làm việc cùng mình.
Luật sư sẽ làm gì để giúp cho thân chủ/khách hàng trong giải quyết vụ án?
Ngay từ khi tiếp nhận vụ án, Luật sư sẽ tư vấn các quy định pháp luật hình sự cho thân chủ, phân tích và xác định rõ tình trạng pháp lý của thân chủ, đưa ra những lời khuyên cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ, nhằm tránh và giảm thiểu những rủi ro về pháp lý;
Trong giai đoạn điều tra: Công ty TNHH Luật Trần và Liên Danh sẽ tham gia các buổi hỏi cung cùng thân chủ để tránh trường hợp thân chủ bị ép cung, nhục hình, ép khai không đúng sự thật gây bất lợi, oan sai; kịp thời khiếu nại, kiến nghị khi phát hiện những vi phạm, sai trái, bất lợi đối với thân chủ.
Luật sư thu thập chứng cứ nhằm chứng minh thân chủ vô tội hoặc giảm nhẹ TNHS cho thân chủ;
Trong giai đoạn truy tố, Luật sư làm việc với VKS, yêu cầu điều tra lại, điều tra bổ sung nếu thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho Thân Chủ, cung cấp thêm các tài liệu chứng cứ mới (nếu có);
Trong giai đoạn xét xử: Luật sư nghiên cứu hồ sơ, tham gia phiên tòa, hỏi, trình bày luận cứ, tranh luận tại phiên Tòa để làm rõ vụ án, đưa ra các chứng cứ, các lập luận để chứng minh thân chủ vô tội hoặc đề nghị giảm nhẹ tội;
Trong trường hợp kháng cáo, kháng nghị, Luật sư tham gia soạn thảo đơn và tiếp tục tham gia phiên tòa phúc thẩm để bảo vệ cho thân chủ/ khách hàng;
Vậy khi xảy ra tình huống pháp lý bạn nên làm gì?
Lời khuyên đầu tiên chúng tôi muốn bạn nhớ: Bạn nên tìm đến luật sư để nhờ trợ giúp, nếu bạn đang bị tạm giữ, tạm giam bạn có quyền mời luật sư thông qua hình thức viết đơn gửi người thân nhờ mời luật sư cho bạn hoặc gửi đích danh luật sư bạn biết. Pháp luật quy định cán bộ điều tra có trách nhiệm gửi đơn của bạn đến người thân để họ mời luật sư cho bạn.
Lời khuyên thứ hai: Ngay trong lần hỏi cung, lấy lời khai đầu tiên cán bộ điều tra lấy lời khai có trách nhiệm hỏi bạn về việc bạn có muốn mời luật sư không? Bạn hãy trả lời – tôi có! và bạn có quyền giữ im lặng đến khi luật sư của bạn đến làm việc cùng.
Nếu họ không hỏi câu đó, bạn hãy chủ động nói tôi cần mời luật sư. Nếu bạn bị đánh đập, bị ép cung bắt khai không đúng sự thật khi chưa có luật sư, bạn hãy nhớ khi nào có luật sư đến bạn có quyền nói tất cả nhưng lời khai trước đều do tôi bị ép cung, bị đánh đập bắt khai, nay tôi muốn khai lại;
Lời khuyên thứ ba: Bạn hãy nhớ, mọi lời khai của bạn cũng chính là chứng cứ chứng minh bạn có tội hay vô tội, luật pháp không buộc bạn phải đưa ra những lời khai chống lại mình, do đó bạn cần cân nhắc kỹ khi khai báo; Bạn cũng cần biết, khai báo thành khẩn là một tình tiết giảm nhẹ khi cần thiết;
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về luật sư bào chữa cho bị cáo bị cáo và một số vấn đề liên quan đến quyền mời Luật sư bào chữa. Nếu quý bạn đọc có thắc mắc vui lòng liên hệ với Công ty TNHH Luật Trần và Liên Danh qua số hotline để được Tư vấn Luật hình sự nhanh chóng nhất.