Sổ mục kê là một trong những loại giấy tờ pháp lý quan trọng trong việc quản lý đất đai của Nhà nước, được sử dụng khá phổ biến ở thời kỳ trước. Sổ mục kê được xem là một trong những cơ sở để Nhà nước xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất. Vậy sổ mục kê là gì và sổ mục kê có giá trị pháp lý như thế nào? Thông qua bài viết này, Luật Trần và Liên Danh sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản liên quan đến vấn đề này.
Cơ sở pháp lý
– Luật Đất đai năm 2013.
– Luật Đất đai năm 2003.
– Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
– Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định về bản đồ địa chính.
– Thông tư 02/2015/TT-BTNMT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Nghị định số 44/2014/NĐ-CP.
– Công văn 1568/BTNMT-ĐKTKĐĐ về việc sử dụng sổ dã ngoại và sổ mục kê đất đai.
Sổ mục kê là gì?
Khái niệm sổ mục kê
Trước khi có Luật Đất đai năm 2003 thì sổ mục kê được lập theo quy định tại các văn bản gồm:
– Quyết định số 56-ĐKTK ngày 5/11/1981 của Tổng cục Quản lý ruộng đất ban hành bản quy định về thủ tục đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước.
– Quyết định số 499/QĐ-ĐC ngày 27/7/1995 của Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) ban hành quy định mẫu sổ địa chính, sổ mục kê đất, sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sổ theo dõi biến động đất đai.
– Thông tư số 1990/2001/TT-TCĐC ngày 30-11-2001 của Tổng cục Địa chính hướng dẫn đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Khái niệm sổ mục kê đất đai (hay còn gọi tắt là sổ mục kê) được quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật Đất đai năm 2003 như sau: “Sổ mục kê đất đai là sổ được lập cho từng đơn vị xã, phường, thị trấn để ghi các thửa đất và các thông tin về thửa đất đó”.
Mặc dù sau này Luật Đất đai năm 2013 đã bãi bỏ quy định về định nghĩa sổ mục kê nhưng thay vào đó, khoản 1 Điều 20 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định về bản đồ địa chính đã có quy định về chức năng của sổ mục kê, cụ thể: “Sổ mục kê đất đai được lập để liệt kê các thửa đất và đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất theo kết quả đo vẽ lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, trích đo địa chính thửa đất trong phạm vi đơn vị hành chính cấp xã”.
Như vậy có thể hiểu Sổ mục kê là kết quả của việc điều tra, đo đạc địa chính, để tổng hợp các thông tin thuộc tính của thửa đất và các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất gồm có số hiệu tờ bản đồ, số hiệu thửa đất, diện tích, loại đất, tên người sử dụng đất và người được giao quản lý đất để phục vụ yêu cầu về việc quản lý đất đai.
Nội dung ghi trong sổ mục kê
Khoản 2 Điều 20 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định về bản đồ địa chính, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 20 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, quy định về nội dung sổ mục kê đất đai bao gồm:
– Số thứ tự tờ bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính.
Bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các yếu tố địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
Mảnh trích đo địa chính là bản vẽ thể hiện kết quả trích đo địa chính thửa đất.
– Số thứ tự thửa đất, đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất.
Số thứ tự thửa đất là số tự nhiên dùng để thể hiện số thứ tự của thửa đất trên mảnh bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính và được xác định là duy nhất đối với mỗi thửa đất trong phạm vi một mảnh bản đồ địa chính và mảnh trích đo địa chính đó.
– Tên người sử dụng, quản lý đất.
– Mã đối tượng sử dụng, quản lý đất.
– Diện tích đất.
Diện tích thửa đất là diện tích của hình chiếu thửa đất trên mặt phẳng ngang, đơn vị tính là mét vuông (m2), được làm tròn số đến một chữ số thập phân.
– Loại đất (bao gồm loại đất theo hiện trạng, loại đất theo giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất).
Theo quy định tại Công văn 1568/BTNMT-ĐKTKĐĐ ngày 25/4/2007 về việc sử dụng sổ dã ngoại và sổ mục kê đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì sổ mục kê được lập để phục vụ cho Nhà nước nắm đầy đủ ruộng đất và thực hiện thống kế, kiểm kê đất đai theo quy định của pháp luật đất đai; do đó sổ mục kê đất phải thể hiện toàn bộ các thửa đất của địa phương, bao gồm cả thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thửa đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các công trình thủy lợi, sông ngòi, kênh rạch, suối,… trong phạm vi địa giới hành chính của từng đơn vị xã, phường, thị trấn. Những thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thông tin của thửa thể hiện trên sổ mục kê đất thống nhất với thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, những thửa đất chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thông tin của thửa thể hiện theo kết quả điều tra, đo đạc hiện trạng đang sử dụng đất mà chưa có giá trị pháp lý về quyền sử dụng đất.
Hiện nay, sổ mục kê đất đai đã được lập dưới dạng số, lưu giữ trong cơ sở dữ liệu đất đai, được in cùng với bản đồ địa chính để lưu trữ và được sao để sử dụng đối với nơi chưa có điều kiện khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai. Việc lập sổ mục kê đất đai được thực hiện sau khi hoàn thành việc biên tập mảnh bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính.
Ý nghĩa của sổ mục kê trong quản lý đất đai
Thứ nhất, sổ mục kê giúp Nhà nước thực hiện quản lý đất đai hiệu quả.
Theo đó, thông qua sổ mục kê, Nhà nước có thể nắm rõ đầy đủ và chi tiết về các thông tin thửa đất trong từng đơn vị xã, phường, thị trấn, để từ đó thực hiện việc quản lý chung, thống kê, kiểm kê đất đai theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, là cơ sở để người đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, trường hợp chủ thể có tên trong sổ mục kê có quyền yêu cầu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất đã kê khai trong sổ mục kê.
Như vậy có thể thấy, sổ mục kê không chỉ có vai trò quan trọng đối với Nhà nước trong việc quản lý đất đai mà còn có ý nghĩa đối với người sử dụng đất, là cơ sở để xác định người sử dụng đất có được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không, để từ đó thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Sổ mục kê có giá trị pháp lý như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và khoản 1 Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có sổ mục kê lập trước ngày 18/12/1980 thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà trên sổ mục kê ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan nhưng đến trước ngày 01/07/2014 mà chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và đất đó không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
Theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 21 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai thì sổ mục kê còn là căn cứ để xác định việc sử dụng đất ổn định khi tiến hành thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, sổ mục kê được lập qua các thời kỳ là căn cứ để xác định hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp để làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tuy nhiên, việc này chỉ thực hiện được khi sổ mục kê có ghi các thông tin liên quan đến thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất.
Tuy nhiên cần lưu ý, sổ mục kê chỉ được coi là một trong những loại giấy tờ làm căn cứ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất kể từ 01/07/2014, tức là ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực pháp luật. Còn trước ngày 01/07/2014 thì sổ mục kê không được coi là một trong những loại giấy tờ làm căn cứ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 50 Luật Đất đai năm 2003, đồng thời tại Công văn 1568/BTNMT-ĐKTKĐĐ ngày 25/4/2007 về việc sử dụng sổ dã ngoại và sổ mục kê đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nêu rõ: “Sổ mục kê cũng không được coi là một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật đất đai”.
Quy định về lập sổ mục kê đất đai
Theo quy định tại Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, việc lập sổ mục kê đất đai phải được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền (cơ quan tài nguyên môi trường) sau khi đã tiến hành đo đạc, thu thập, chỉnh lý thông tin địa chính. Việc lập sổ mục kê được thực hiện như sau:
– Sổ mục kê đất đai được lập dưới dạng số, được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu đất đai và được in cùng với bản đồ địa chính để lưu trữ.
– Sổ mục kê cũng được được sao để sử dụng đối với nơi chưa có điều kiện khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai.
– Việc lập sổ mục kê đất đai được thực hiện sau khi hoàn thành việc biên tập mảnh bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính.
– Nội dung, hình thức của mẫu sổ mục kê đất đai được quy định tại phụ lục số 15 đính kèm theo Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về sổ mục kê là gì? Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác hãy liên hệ ngay với Công ty luật uy tín Luật Trần và Liên Danh để được tư vấn tận tình và nhanh chóng nhất.