Người chưa đủ 18 tuổi bị tạm giam bao lâu?

người chưa đủ 18 tuổi bị tạm giam bao lâu

Người chưa đủ 18 tuổi chỉ bị tạm giam trong trường hợp có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả. Vậy người chưa đủ 18 tuổi bị tạm giam bao lâu theo quy định của pháp luật. Các quy định về vấn đề này được nêu tại Điều 419 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Nguyên tắc áp dụng biện pháp tạm giam đối với người dưới 18 tuổi

Điều 419 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định chỉ áp dụng  biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả.

  • Thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng hai phần ba thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên.
  • Khi không còn căn cứ để tạm giữ, tạm giam thì cơ quan, người có thẩm quyền phải kịp thời hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, người ra lệnh giữ, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam người dưới 18 tuổi phải thông báo cho người đại diện của họ biết.

Điều kiện áp dụng biện pháp tạm giam

Theo Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cơ quan có thẩm quyền chỉ áp dụng các biện pháp ngăn chặn khi:

  • Muốn kịp thời ngăn chặn tội phạm
  • Khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử
  • Khi có căn cứ cho rằng người bị buộc tội sẽ tiếp tục phạm tội
  • Đảm bảo cho thi hành án

Khi đó, tạm giam, tạm giữ là hai trong số các biện pháp ngăn chặn này; chúng giúp quá trình điều tra của cơ quan có thẩm quyền được diễn ra thuận lợi, nhanh chóng hơn.

Trong đó người bị tạm giam là bị can, bị cáo, người bị phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án, người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ, tạm giam được xem là biện pháp nghiêm khắc nhất trong các biện pháp ngăn chặn nhằm hạn chế một số quyền công dân của người bị buộc tội.

BLTTHS 2003 không quy định cụ thể về việc hạn chế tạm giam đối với người dưới 18 tuổi mà chỉ hướng dẫn“cần xem xét, cân nhắc áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác quy định tại các Điều 91, Điều 92 và Điều 93 Bộ luật Tố tụng hình sự trước khi áp dụng biện pháp tạm giam”[1]. Quy định này chỉ dừng lại ở mức độ là một lưu ý, khuyến khích “cần xem xét, cân nhắc”, nên còn tùy thuộc nhiều vào ý thức, nhận định chủ quan của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. BLTTHS 2015 đã khắc phục những hạn chế, thiếu sót nêu trên bằng việc quy định cụ thể, chặt chẽ căn cứ, điều kiện áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp tạm giam đối với người bị buộc tội nói chung, cũng như đối với bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi nói riêng. Theo quy định tại Điều 419 BLTTHS thì việc tạm giam người dưới 18 tuổi có 02 trường hợp với các điều kiện cụ thể sau đây:

* Trường hợp tạm giam đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thì phải có đủ hai điều kiện sau:

– Thứ nhất: Người bị buộc tội phạm vào một trong các tội sau đây: Tội Giết người, tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội Hiếp dâm, tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội Cướp tài sản, tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản;

Tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây: Điều 143 (tội Cưỡng dâm); Điều 150 (tội Mua bán người); Điều 151 (tội Mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 170 (tội Cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội Cướp giật tài sản); Điều 173 (tội Trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản); Điều 248 (tội Sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội Tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội Vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội Mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội Chiếm đoạt chất ma túy); Điều 265 (tội Tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội Đua xe trái phép); Điều 285 (tội Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật); Điều 286 (tội Phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (tội Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản); Điều 299 (tội Khủng bố); Điều 303 (tội Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).

– Thứ hai: Khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 BLTTHS, cụ thể là:

+ Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

+ Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

+ Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

+ Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

+ Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

* Trường hợp tạm giam đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thì phải có đủ hai điều kiện sau:

– Thứ nhất: Bị can, bị cáo bị điều tra, truy tố, xét xử về tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng.

– Thứ hai: Khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 BLTTHS như đã trình bày ở phần trên.

Ngoài ra, bị can, bị cáo từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam đối với tội nghiêm trọng do vô ý, tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu trong thời gian điều tra, truy tố, xét xử (có thể đang bị áp dụng hoặc không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác) họ tiếp tục phạm tội mới, bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.

Việc tạm giam trong những trường hợp nêu trên thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tạm giam, người ra lệnh tạm giam người dưới 18 tuổi phải thông báo cho người đại diện hợp pháp của họ biết.

* Không được áp dụng biện pháp tạm giam đối với người dưới 18 tuổi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Chưa áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác trước khi áp dụng biện pháp tạm giam;

– Khi chưa có đủ chứng cứ chứng minh rằng họ thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 BLTTHS;

– Người bị buộc tội là người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS;

– Người bị buộc tội là người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm các tội nghiêm trọng do vô ý, tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù đến 02 năm mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 419 BLTTHS.

– Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng nếu không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a, b, c và d khoản 4 Điều 119 BLTTHS.

người chưa đủ 18 tuổi bị tạm giam bao lâu
người chưa đủ 18 tuổi bị tạm giam bao lâu

Thời hạn áp dụng biện pháp tạm giam đối với người dưới 18 tuổi

Luật sư hình sự tư vấn trong trường hợp bị bắt tạm giam để điều tra, thời hạn tạm giam đối với người dưới 18 tuổi sẽ được xác định bằng hai phần ba thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên quy định tại Điều 173 Bộ luật tố tụng dân sự, thời hạn tạm giam để điều tra cụ thể như sau:

  • Với tội phạm ít nghiêm trọng, thời hạn tạm giam để điều tra là không quá 40 ngày đối, có thể bị gia hạn tạm giam một lần nhưng không quá 20 ngày;
  • Thời hạn tạm giam để điều tra là không quá 02 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, gia hạn một lần không quá 40 ngày;
  • Với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thời hạn tạm giam sẽ không quá 02 tháng 20 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 01 lần không quá 02 tháng;
  • Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thời hạn tạm giam sẽ không quá 02 tháng 20 ngày và có thể gia hạn tạm giam 02 lần, mỗi lần không quá 02 tháng 20 ngày.

Thời hạn tạm giam để truy tố:

  • Không quá 13 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng,
  • Không quá 20 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
  • Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn tạm giam để truy tố, nhưng không quá 07 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng; không quá 10 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và 20 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thời hạn tạm giam để xét xử sơ thẩm:

  • Không quá 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng,
  • Không quá 40 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng,
  • Không quá 50 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng,
  • Không quá 70 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Đối với vụ án phức tạp thì thời hạn tạm giam có thể được gia hạn thêm không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, không quá 20 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Thời hạn tạm giam để xét xử phúc thẩm:

  • Đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì thời hạn tạm giam không quá 40 ngày,
  • Đối với Tòa án nhân dân cấp cao thì thời hạn tạm giam không quá 60 ngày.

Hủy bỏ, thay thế biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi

Việc hủy bỏ, thay thế biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi được thực hiện như đối với bị can, bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Nguyên tắc chung, khi đã hết thời hạn tạm giam thì người bị tạm giam phải được trả tự do; khi không còn căn cứ để tạm giam thì cơ quan, người có thẩm quyền phải kịp thời hủy bỏ biện pháp tạm giam, trường hợp xét thấy cần thiết thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác (khoản 1 Ðiều 419 BLTTHS). Theo quy định tại khoản 1 Điều 125 BLTTHS, nếu bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi đang bị áp dụng biện pháp tạm giam, thì biện pháp tạm giam phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp: Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can; bị cáo được Tòa án tuyên không có tội, miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, hình phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc thuộc vào trường hợp không được áp dụng biện pháp tạm giam được phân tích ở mục 2 bài viết này.

Về thẩm quyền quyết định việc hủy bỏ, thay thế biện pháp tạm giam: Trong giai đoạn điều tra, truy tố việc hủy bỏ, thay thế biện pháp tạm giam do Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định (Điều 125, Điều 241, khoản 7 Điều 173 BLTTHS); trong giai đoạn chuẩn bị xét xử việc hủy bỏ, thay thế biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định (khoản 1 Điều 278, khoản 1 Điều 347 BLTTHS); trong giai đoạn xét xử do Hội đồng xét xử quyết định (khoản 3 Điều 278, khoản 3 Điều 347 BLTTHS).

Trên đây là một số vấn đề trả lời cho câu hỏi người dưới 18 tuổi bị tạm giam bao lâu theo quy định của pháp luật, nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách vui lòng liên hệ với Công ty luật uy tín để được hỗ trợ nhanh nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139