Căn cứ kết quả hoạt động kinh doanh sau thuế của doanh nghiệp trong năm tài chính hiện hành, kế toán hạch toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.
Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp bao gồm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.
Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?
Căn cứ Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 quy định thu nhập chịu thuế như sau
– Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác quy định tại khoản 2 Điều này.
– Thu nhập khác bao gồm thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá; thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ; khoản thu từ nợ khó đòi đã xoá nay đòi được; khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ; khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản thu nhập khác, kể cả thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam.” (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi 2013)
Như vậy, thuế thu nhập doanh nghiệp là một loại thuế mà nhà nước trực tiếp thu vào ngân sách của nhà nước tính trên thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp (tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ).
Ai phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp?
Căn cứ Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 quy định người nộp thuế như sau:
– Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật này (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:
+ Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
+ Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;
+ Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã;
+ Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
+ Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
– Doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
+ Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam;
+ Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú đó;
+ Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam mà khoản thu nhập này không liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú;
+ Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.
– Cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài là cơ sở sản xuất, kinh doanh mà thông qua cơ sở này, doanh nghiệp nước ngoài tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm:
+ Chi nhánh, văn phòng điều hành, nhà máy, công xưởng, phương tiện vận tải, mỏ dầu, mỏ khí, mỏ hoặc địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên khác tại Việt Nam;
+ Địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt, lắp ráp;
+ Cơ sở cung cấp dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ tư vấn thông qua người làm công hoặc tổ chức, cá nhân khác;
+ Đại lý cho doanh nghiệp nước ngoài;
+ Đại diện tại Việt Nam trong trường hợp là đại diện có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài hoặc đại diện không có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài nhưng thường xuyên thực hiện việc giao hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.” ( được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi 2013)
Như vậy, giả sử công ty của anh/chị được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam thì công ty anh/chị thuộc trong đối tượng phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Căn cứ Điều 6 Nghị định 218/2013/NĐ-CP quy định xác định thu nhập tính thuế như sau:
– Thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được xác định như sau:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định
– Thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
Thu nhập chịu thuế = Doanh thu – Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác
Doanh nghiệp có nhiều hoạt động kinh doanh thì thu nhập chịu thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh là tổng thu nhập của tất cả các hoạt động kinh doanh. Trường hợp nếu có hoạt động kinh doanh bị lỗ thì được bù trừ số lỗ vào thu nhập chịu thuế của các hoạt động kinh doanh có thu nhập do doanh nghiệp tự lựa chọn. Phần thu nhập còn lại sau khi bù trừ áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của hoạt động kinh doanh còn thu nhập.
Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải xác định riêng để kê khai nộp thuế. Trường hợp chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng dự án đầu tư (trừ dự án thăm dò, khai thác khoáng sản), chuyển nhượng bất động sản nếu bị lỗ thì số lỗ này được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế. Trường hợp doanh nghiệp làm thủ tục giải thể có bán bất động sản là tài sản cố định thì thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (nếu có) được bù trừ với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Căn cứ Điều 10 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi 2013) quy định thuế suất như sau:
– Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này và đối tượng được ưu đãi về thuế suất quy định tại Điều 13 của Luật này.
Những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% quy định tại khoản này chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
– Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá hai mươi tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%.
Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% tại khoản này là doanh thu của năm trước liền kề.
– Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này.”
Giả sử thu nhập chịu thuế của công ty anh/chị là 5 tỷ trên một năm đã trừ đi các khoản miễn thuế, các khoản lỗ… Thì áp dụng thuế suất là 20%.
Như vậy, công ty anh chị phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là một tỷ đồng
Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
Là số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tính trên thu nhập chịu thuế trong năm và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
Hạch toán kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu:
– Hàng quý, khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, kế toán phản ánh số thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tạm phải nộp vào ngân sách Nhà nước vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, ghi:
Nợ TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
Có TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vào NSNN, ghi:
Nợ TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp
Có TK 111, 112, …
– Cuối năm tài chính, căn cứ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế phải nộp theo tờ khai quyết toán thuế hoặc số thuế do cơ quan thuế thông báo phải nộp:
+ Nếu số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế phải nộp trong năm lớn hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp, kế toán phản ánh bổ sung số thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành còn phải nộp, ghi:
Nợ TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
Có TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp.
+ Nếu số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế phải nộp trong năm nhỏ hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp, kế toán ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, ghi:
Nợ TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp
Có TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
– Trường hợp phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của các năm trước, doanh nghiệp được hạch toán tăng (hoặc giảm) số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của các năm trước vào chi phí thuế thu nhập hiện hành của năm phát hiện sai sót.
+ Trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của các năm trước phải nộp bổ sung do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của năm hiện tại, ghi:
Nợ TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
Có TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp.
+ Trường hợp số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được ghi giảm do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành trong năm hiện tại, ghi:
Nợ TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp
Có TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
– Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí thuế thu nhập hiện hành, ghi:
+ Nếu TK 8211 có số phát sinh Nợ lớn hơn số phát sinh Có thì số chênh lệch, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
+ Nếu TK 8211 có số phát sinh Nợ nhỏ hơn số phát sinh Có thì số chênh lệch, ghi:
Nợ TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại
Là số thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ phải nộp trong tương lai phát sinh từ việc:
Ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả trong năm;
Hoàn nhập tài sản thuế thu nhập hoãn lại đã được ghi nhận từ các năm trước.
Hạch toán kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
– Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh trong năm từ việc ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả (là số chênh lệch giữa thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm lớn hơn thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập trong năm), ghi:
Nợ TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại
Có TK 347 – Thuế thu nhập hoãn lại phải trả.
– Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh trong năm từ việc hoàn nhập tài sản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại đã ghi nhận từ các năm trước (là số chênh lệch giữa tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập trong năm lớn hơn tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm), ghi:
Nợ TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại
Có TK 243 – Tài sản thuế thu nhập hoãn lại.
– Ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại (số chênh lệch giữa tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm lớn hơn tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập trong năm), ghi:
Nợ TK 243 – Tài sản thuế thu nhập hoãn lại
Có TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.
– Ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại (số chênh lệch giữa thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập trong năm lớn hơn thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm), ghi:
Nợ TK 347 – Thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phải trả
Có TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.
– Cuối kỳ kế toán, kết chuyển số chênh lệch giữa số phát sinh bên Nợ và số phát sinh bên Có TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại:
+ Nếu TK 8212 có số phát sinh Nợ lớn hơn số phát sinh Có, thì số chênh lệch ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.
+ Nếu TK 8212 có số phát sinh Nợ nhỏ hơn số phát sinh Có, thì số chênh lệch ghi:
Nợ TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Trần và Liên Danh về chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin hãy liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và chi tiết nhất.