Người chồng có vai trò rất quan trọng trong gia đình, có thể nói họ là trụ cột chính, nguồn thu nhập chính của gia đình đó.
Nếu chồng không may chết hoặc bị Tòa tuyên bố là đã chết thì tài sản của hai vợ chồng sẽ được chia như thế nào? Và sau đây Công ty TNHH Luật Trần và Liên Danh xin giải đáp thắc mắc liên quan đến nội dung luật thừa kế đất đai khi chồng chết cho bạn đọc.
Quyền thừa kế quyền sử dụng đất là gì?
Quyền thừa kế quyền sử dụng đất là quyền của cá nhân, thành viên hộ gia đình được để thừa kế quyền sử dụng đất của mình cho những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Theo Luật đất đai năm 2013, đối tượng được để thừa kế quyền sử dụng đất, bao gồm:
1) Cá nhân, thành viên hộ gia đình;
2) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở gắn liền với quyển sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Cá nhân sử dụng đất không phải là đất thuê có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật;
Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hô có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Trường hợp người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất; nếu không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì chỉ được hưởng giá trị của phần thừa kế đó.
Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất có quyền để thừa kế tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê, người nhận thừa kế được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định.
Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất trước ngày 01.7.2004 mà đã trả tiền thuê đất cho cả thời gian thuê hoặc đã trả trước tiền thuê đất cho nhiều năm mà thời hạn thuê đất đã được trả tiền còn lại ít nhất là 05 năm thì có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc hoặc theo pháp luật trong thời hạn đã trả tiền thuê đất.
Hộ gia đình, cá nhân thuê lại đất trong khu công nghiệp thì có quyền để thừa kế tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê.
Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyển cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất không thu tiền sử dụng đất sang đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất:
1) Trường hợp chọn hình thức giao đất có thu tiền sử dụng thì có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất;
2) Trường hợp chọn hình thức thuê đất thì có quyền để thừa kế tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê.
Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì có quyền để thừa kế nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật dân sự, trường hợp người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam hoặc cá nhân nước ngoài thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó.
Thừa kế quyền sử dụng đât là gì?
Thừa kế quyền sử dụng đât là sự chuyển dịch quyền sử dụng đất của người chết cho người còn sống.
Ở Việt Nam, với đặc thù đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu, Nhà nước giao quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản chung của hộ gia đình hoặc quyền tài sản riêng của cá nhân.
Bởi vậy, khi cá nhân hoặc thành viên trong hộ gia đình có người chết thì quyền sử dụng đất của họ được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Theo quy định của Bộ luật dân sự và pháp luật đất đai thì người để lại thừa kế quyền sử dụng đất bao gồm:
Cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản;
Cá nhân, thành viên hộ gia đình được Nhà nước giao đất nông nghiệp để trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở; 3) Cá nhân có quyền sử dụng đất do được người khác chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp.
Người thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản phải là người nằm trong diện thừa kế và phải có thêm các điều kiện: 1) Có nhu cầu sử dụng đất, có điều kiện trực tiếp sử dụng đất đúng mục đích; 2) Chưa có đất hoặc đang sử dụng đất dưới hạn mức theo quy định của pháp luật về đất đai.
Khi chồng mất thì ai sẽ quản lý tài sản?
Thứ nhất, trường hợp là tài sản chung của vợ chồng. Lúc này, khi chồng mất người vợ sẽ có toàn quyền quản lý tài sản. Theo Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết:
Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.
Khi có yêu cầu về chia di sản, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế…
Thứ hai, trường hợp là tài sản riêng của chồng. Lúc này tài sản sẽ được xác định là di sản thừa kế mà người chồng để lại và cũng được chia theo pháp luật cho các đồng thừa kế. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra theo quy định tại Khoản 1 Điều 616 Bộ luật Dân sự 2015.
Vợ có được toàn quyền chia tài sản khi chồng mất?
Trường hợp thứ nhất, nếu các tài sản là tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ. Theo quy định tại Điều 206 Bộ luật Dân sự 2015, vợ có toàn quyền định đoạt đối với những tài sản này. Do đó, khi chồng mất, vợ có toàn quyền chia tài sản.
Trường hợp thứ hai, nếu tài sản mà vợ muốn chia là tài sản riêng của chồng. Việc phân chia di sản được thực hiện như sau:
Một là chồng mất không để lại di chúc nên di sản thừa kể sẽ được chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của chồng.
Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: “vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết…”. Trong trường hợp này di sản chồng để lại sẽ được chia đều cho mọi người trong hàng thừa kế. Lúc này, các đồng thừa kế đều có quyền yêu cầu phân chia di sản chứ không riêng gì vợ.
Những người được thừa kế có thể tự thỏa thuận về việc chia di sản, nếu không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết.
Hai là chồng mất để lại di chúc. Theo Khoản 1 Điều 659 Bộ luật Dân sự 2015. Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp thứ ba, nếu các tài sản muốn chia là tài sản chung của vợ chồng thì được giải quyết như sau. Trong trường hợp này tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi, một nửa khối tài sản chung sẽ được xác định là tài sản riêng của vợ, vợ có toàn quyền định đoạt phần tài sản này.
Bên cạnh đó, một nửa khối tài sản chung thuộc về chồng đã mất sẽ được xác định là di sản thừa kế mà người chồng để lại và cũng được chia theo pháp luật cho các đồng thừa kế; việc phân chia được thực hiện tương tự như trường hợp thứ hai.
Như vậy việc phân chia tài sản chung trong gia đình phải làm theo Luật quy định. Trường hợp chồng để lại di chúc phải làm theo di chúc, trường hợp không để lại di chúc thì phải làm theo luật Bộ luật Dân sự
Quyền thừa kế tài sản chung của hai vợ chồng
Điều 66 của luật hôn nhân gia đình 2014 quy định:
Việc phân chia tài sản chung của hai Vợ Chồng khi người Chồng qua đời hoặc bị toà tuyên án là đã chết, cụ thể theo các trường hợp như sau.
– Trường hợp thứ nhất: Khi Chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì người Vợ quản lý tài sản chung của Vợ Chồng, trừ trường hợp người Chồng để lại Di chúc chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử một người khác quản lý di sản đó.
– Trường hợp thứ hai: Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của Vợ Chồng được chia đôi, trừ trường hợp Vợ Chồng đã có thõa thuận phân chia tài sản chung trước đó. Phần tài sản của Chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế hiện hành.
– Trường hợp thứ ba: Việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người Vợ và gia đình hiện tại thì người Vợ có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.
– Trường hợp thứ tư: Tài sản của người chồng tham gia kinh doanh được giải quyết theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 trong quy đinh này, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.
Hưởng một phần tài sản riêng của chồng
Tài sản riêng của Chồng là phần tài sản được hình thành trước hôn nhân hoặc tài sản được pháp luật xác nhận là của riêng người Chồng.
Trường hợp trước khi chết Chồng có để lại Di chúc (hợp pháp), thì tài sản sẽ được phân chia theo nội dung Di chúc để lại.
Trường hợp không có Di chúc hoặc Di chúc không hợp pháp thì tài sản sẽ được phân chia theo pháp luật.
Quyền hưởng thừa kế của Vợ khi Chồng qua đời như thế nào trong những trường hợp này.
Hưởng thừa kế theo Di chúc Chồng để lại
Khi người Chồng chết, có để lại Di chúc bằng văn bản hoặc Di chúc miệng thì phần di sản của người Chồng sẽ được chia cho những người có tên trong Di chúc.
Nếu Di chúc của người Chồng không chia phần tài sản cho Vợ, khi đó người Vợ vẫn được hưởng phần di sản bằng với 2/3 của một người thừa kế theo pháp luật (Bộ Luật dân sự 2015, Điều 644, Khoản 1, Điều a)
Chi tiết quy định về luật thừa kế theo di chúc xem thêm tại đây
Quyền thừa kế tài sản của chồng theo pháp luật:
Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể như sau:
– Khi người Chồng qua đời mà không để lại Di chúc hoặc Di chúc không hợp pháp thì di sản của của người Chồng sẽ được chia đều cho những người cùng một hàng thừa kế.
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, Chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Trong đó, những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Trần và Liên Danh về vấn đề luật thừa kế đất đai khi chồng chết. Tài sản chồng chết để lại không có di chúc vợ có được xử lý như thế nào?
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn liên hệ qua Hotline của Luật Trần và Liên Danh để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.