Trong hệ thống các Cơ quan thi hành án hình sự, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này được quy định tùy thuộc vào tính chất của loại hình phạt và mục đích của việc áp dụng loại hình phạt đó. Vậy để cụ thể hóa về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này bạn có thể tham khảo nội dung phía dưới đây.
1. Cơ sở pháp lý:
Luật thi hành án hình sự số 41/2019/QH14 ban hành ngày 14 tháng 06 năm 2019;
Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ban hành ngày 09 tháng 11 năm 2020 hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự;
2. Hệ thống các cơ quan thi hành án hình sự:
Thi hành án hình sự là chức năng đặc biệt của một số cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ thi hành hình phạt hoặc các biện pháp tư pháp. Cơ quan thi hành án hình sự hiểu một cách đơn giản là các cơ quan chuyên trách do Nhà nước thành lập để chuyên thi hành án hình sự, hoặc là các cơ quan khác của nhà nước được giao nhiệm vụ thi hành án hình sự trong những trường hợp cụ thể. Cho đến nay, khái niệm Cơ quan thi hành án hình sự, hệ thống Cơ quan thi hành án hình sự chưa được quy định trong pháp luật nước ta, nhưng nhiệm vụ thi hành án hình sự thì được quy định một cách khá cụ thể trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, hệ thống các cơ quan thi hành án hình sự ở nước ta bao gồm:
- Cơ quan Công an;
- Chính quyền địa phương (xã, phường hoặc thị trấn) nơi người bị kết án cư trú;
- Cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc;
- Cơ sở chuyên khoa y tế;
- Cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan hữu quan khác;
- Các cơ quan, tổ chức thi hành án trong quân đội.
Có thể nói, hệ thống Cơ quan thi hành án hình sự ở nước ta rất phức tạp, gồm cơ quan chuyên trách, cơ quan không chuyên trách, cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội. Điều này một phần là do sự đa dạng về nội dung bản án, quyết định của Tòa án và sự phong phú về hình thức thực hiện bản án và biện pháp tư pháp quyết định. Mặt khác, việc hoàn thiện hệ thông Cơ quan thi hành án ở nước ta mới chỉ được đặt ra trong thời gian gần đây, hệ thống Cơ quan thi hành án hiện hành đã tồn tại khá lâu mà chưa có những cải cách cần thiết.
Để thi hành hình phạt tù, Nhà nước đã thành lập cơ quan chuyên trách thuộc Bộ Công an, đó là Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Đối với các loại hình phạt không phải là tù hoặc tử hình và các biện pháp tư pháp hình sự, Nhà nước không thành lập cơ quan chuyên trách mà giao cho chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc thi hành. Cơ quan thi hành án dân sự có quyền thi hành các quyết định về dân sự trong vụ án hình sự, thi hành án phạt tiền, tịch thu tài sản, xử lý vật chứng, tịch thu tiền, tài sản thu lợi bất chính trong các bản án, quyết định của Tòa án về hình sự.
Như vậy, thi hành án là hoạt động phức tạp vừa có sự tham gia của các cơ quan thi hành án chuyên trách, vừa có sự tham gia của chính quyền địa phương, của các cơ quan nhà nước khác, các tổ chức xã hội. Trong quá trình thi hành án, ngoài việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, các cơ quan thi hành án, một mặt phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, và mặt khác phải phối hợp với các cơ quan nhà nước khác, sự chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với việc tổ chức thi hành án hàng ngày diễn ra trên địa bàn địa phương, các tổ chức xã hội và công dân mới thi hành án có hiệu quả. Tư tưởng này được coi là một trong những nguyên tắc quan trọng của hoạt động thi hành án và do vậy cần phải được thể hiện, thực hiện nghiêm túc trong thực tiễn.
3. Nhiệm vụ của các cơ quan thi hành án hình sự:
3.1 Khái quát chung về nhiệm vụ của các cơ quan thi hành án hình sự:
Trong hệ thống các Cơ quan thi hành án hình sự, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này được quy định tùy thuộc vào tính chất của loại hình phạt và mục đích của việc áp dụng loại hình phạt đó. Tuy nhiên, có thể xác định một số nhiệm vụ chung cơ bản sau đây của hệ thống các cơ quan thi hành án hình sự:
Nhiệm vụ cơ bản nhất của các cơ quan thi hành án hình sự là đảm bảo việc thi hành các bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trong thực tế theo đúng quy định của pháp luật. Thi hành đúng có nghĩa là thực hiện đúng các nội dung của bản án hoặc quyết định của Tòa án, theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định, bằng các biện pháp và theo các hình thức pháp luật cho phép. Thi hành đúng đắn bản án còn có nghĩa là phải kết hợp hài hòa giữa trừng trị và giáo dục, cải tạo, sao cho hình phạt vừa thể hiện đúng, đủ yếu tố trừng trị ở mức cần thiết tối thiểu và phát huy tối đa các yếu tố giáo dục, cải tạo;
Nhiệm vụ thứ hai mà các cơ quan thi hành án hình sự phải thực hiện là cải tạo, giáo dục người phạm tội, ngăn ngừa họ phạm tội mới đồng thời tạo các điều kiện cần thiết giúp những người chấp hành hình phạt tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong hình phạt;-
Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo của các cơ quan thi hành án hình sự là thông qua việc thi hành án giáo dục ý thức pháp luật đối với xã hội nói chung, ngăn ngừa tội phạm, động viên và tạo điều kiện để quần chúng nhân dân tham gia vào công tác thi hành án hình sự, giáo dục người phạm tội, đấu tranh phòng chông tội phạm.
Các nhiệm vụ nói trên tuy có tính độc lập tương đối, nhưng có mối quan hệ biện chứng, bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong quá trình thi hành án hình sự.
Những nhiệm vụ chung nói trên được thực hiện thông qua việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng loại Cơ quan thi hành án hình sự. Theo quy định của pháp luật hiện hành (Điều 257 BLTTHS hiện hành), cơ quan Công an thi hành án trục xuất, phạt tù có thời hạn, tù chung thân và tham gia Hội đồng thi hành án tử hình. Cơ quan Công an có nhiệm vụ thi hành hình phạt trục xuất đối với người nước ngoài phạm tội bị Tòa án áp dụng hình phạt trục xuất; đối với hình phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thẩn, cơ quan Công an dẫn giải người bị kết án đến trại giam, sau đó báo lại cho Tòa án nhân dân đã ra quyết định thi hành án biết. Các trại giam có nhiệm vụ thi hành các biện pháp giáo dục, cải tạo người bị kết án tù theo quy định của pháp luật. Đôi với hình phạt tử hình, Trưởng hoặc Phó Công an tỉnh có nhiệm vụ tham gia Hội đồng thi hành án tử hình. Ngoài ra, cơ quan Công an phải cử đội bắn, lực lượng chuẩn bị pháp trường và bảo vệ việc thi hành hình phạt tử hình.
3.2 Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc
Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc có nhiệm vụ theo dõi, giáo dục và giám sát việc cải tạo của những người được hưởng án treo hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ, thi hành đúng quyết định trong bản án về chế độ thử thách đối với người được hưởng án treo hoặc chế độ cải tạo không giam giữ.
Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi thi hành án có nhiệm vụ thi hành án phạt quản chế, cấm cư trú, tưóc một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm một số chức vụ hoặc cấm làm những nghề hoặc công việc nhất định.
3.3 Cơ sở chuyên khoa y tế
Cơ sở chuyên khoa y tế có nhiệm vụ thi hành quyết định về bắt buộc chữa bệnh của Viện kiểm sát hoặc của Tòa án đối với những người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, khi xét xử hoặc khi đang chấp hành hình phạt mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Nhiệm vụ cụ thể do Quy chế về chữa bệnh bắt buộc quy định.
3.4 Cơ quan thi hành án dân sự
Cơ quan thi hành án dân sự có nhiệm vụ thi hành án phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự trong vụ án hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành, uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, hoặc cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giúp chấp hành viên trong việc thi hành án bằng cách: chứng kiến việc chấp hành viên kê biên tài sản; giáo dục đương sự tự giác thi hành đúng bản án hoặc quyết định của Tòa án; khấu trừ thu nhập của người bị kết án để chuyển cho chấp hành viên thi hành án; hỗ trợ chấp hành viên cưỡng chế thi hành án;… Trong trường hợp cần cưỡng chê thi hành án, theo yêu cầu của Tòa án hoặc của chấp hành viên, thì cơ quan Công an và các cơ quan hữu quan khác có nhiệm vụ phối hợp việc cưỡng chế thi hành án: giữ gìn trật tự, ngăn chặn những hành vi cản trở, chống đối việc cưỡng chế thi hành án.
Việc thi hành bản án và quyết định của Toà án quân sự do các tổ chức trong quân đội đảm nhiệm, trừ hình phạt trục xuất.
Để đảm bảo cho Tòa án, cơ quan ra quyết định thi hành bản án hoặc quyết định có thể kiểm tra, theo dõi, giám sát việc thi hành án, Điều 257 BLTTHS còn quy định các cơ quan thi hành án phải báo cho Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án về việc bản án hoặc quyết định đã được thi hành; nếu chưa thi hành thi phải nêu rõ lý do.
Trong việc thực hiện nhiệm vụ thi hành án, việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thi hành án hình sự vơi nhau và với các Cơ quan điều tra, Kiểm sát, Tòa án, chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan giữ vai trò rất quan trọng. Hoạt động có hiệu quả của mỗi cơ quan này là tiền đề, điều kiện để các cơ quan khác hoạt động có hiệu quả.
Theo quy định của pháp luật, Cơ quan thi hành án có nhiệm vụ tổ chức việc đưa các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án ra thi hành. Nhưng hoạt động thi hành án hình sự chưa thể bắt đầu khi chưa có quyết định thi hành của Tòa án. Ngoài ra, Tòa án còn có quyền xử lý một số vấn đề khác liên quan đến hoạt động thi hành án như quyết định việc hoãn thi hành án, tạm đình chỉ thi hành án… khi có căn cứ do pháp luật quy định. Viện kiểm sát có quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thi hành án cũng như của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc thi hành án nhằm bảo đảm cho hoạt động này được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật, phát hiện và khắc phục kịp thời mọi biểu hiện vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án.
Trên đây là một số ý kiến của Luật Trần và Liên Danh về cơ quan thi hành án hình sự, nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.