ngày 2 tháng 9 năm 1945 là ngày ghi dấu sự kiện vô cùng trọng đại đối với lịch sử đất nước và dân tộc ta. Đó là ngày Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc – Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản ”Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử do chính Người chuẩn bị, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Thời gian đã qua đi hơn 2/3 thế kỷ, nhiều chi tiết nội dung trong Tuyên ngôn đã được nghiên cứu, làm sáng tỏ trên nhiều lĩnh vực. Chúng ta càng thấy rõ những tư tưởng vĩ đại, tầm nhìn chiến lược của Người thể hiện trong Tuyên ngôn.
Tuyên ngôn Độc lập ngày ngày 2 tháng 9 năm 1945 là văn bản pháp lý đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu Độc lập – Tự do – Hạnh phúc, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Hơn thế nữa, Tuyên ngôn độc lập còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại, là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới.
Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước ta. Với hệ thống lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn, một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển.
Nội dung của Tuyên ngôn Độc lập đã được các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu, làm rõ, nhưng hiện vẫn còn những luận điệu xuyên tạc, đặt câu hỏi với dụng ý xấu: Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập bằng những câu trích dẫn từ hai bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và Pháp?
Điều này cần phải hiểu và lý giải rõ.
Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới như UNESCO đã tôn vinh, Người nhắc đến hai văn kiện lịch sử ấy với lòng trân trọng đặc biệt của một trí tuệ lớn đối với sự phát triển của văn minh nhân loại mà Cách mạng giành độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Cách mạng tư sản Pháp 1789 đã giành được. Đây là những thành quả văn hoá của nhân loại, là dấu mốc lớn của lịch sử loài người, trong đó đã khẳng đinh những quyền cơ bản của con người. Đó là “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” … “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”… Đây là những tư tưởng rất tiến bộ đã được khẳng định trong hai bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp. Dẫn dắt từ sự kiện này để Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến kết luận nhằm tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của quốc tế đối với cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Hai là, trên nền tảng và tiền đề đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng, chính cuộc cách mạng mà dân tộc Việt Nam đã giành được vào Tháng Tám năm 1945 là bước đi tiếp trong sự phát triển của nhân loại, đồng thời cũng là cột mốc cho sự phát triển của lịch sử giải phóng con người thuộc các dân tộc bị áp bức, bóc lột. Đó là mẫu hình đầu tiên và cũng là ngọn cờ đầu của cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa nhỏ yếu thoát khỏi ách đô hộ, thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới mà cách mạng Việt Nam do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã gương cao.
Ba là, đi sâu nghiên cứu hai bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp, chúng ta thấy cả hai bản Tuyên ngôn đã đề cao và khẳng định quyền con người: “Mọi người đều sinh ra bình đẳng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Chính sự suy rộng ra đã thể hiện một tư tưởng lớn, một luận điểm quan trọng thể hiện sự vượt trội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trình bày trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam. Đây là một nội dung rất căn bản, có ý nghĩa không chỉ đối với dân tộc ta mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với thời đại. Từ đó tới nay, các nước trên thế giới đã và đang liên tục đấu tranh để giành độc lập, giành quyền dân tộc cơ bản của mình.
Như vậy, có thể thấy, với vốn tiếng Anh cùng với thiên tài trí tuệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dịch và trích dẫn Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp nhưng có sự điều chỉnh và phát triển để thể hiện quan điểm riêng của mình về quyền con người và trên thực tế, tinh thần ấy đã được thể hiện và khẳng định trong tất cả các bản Hiến pháp của Việt Nam từ trước đến nay.
Đó chính là sự đóng góp về lý luận và thực tiễn về quyền con người, đem lại những tiến bộ và phù hợp với sự phát triển của nhân loại.
Hơn 70 năm đã trôi qua, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Với tinh thần đó mà cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong suốt hơn 70 năm qua. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức.
Để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần đoàn kết một lòng với quyết tâm cao, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập ,chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 2-9:
Sự kiện trong nước
Ngày 2-9-1945: Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngay sau khi Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đây, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới- Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Ngày 2-9-1947: Ngày thành lập Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1).
Ngày 2-9-1948: Hội nghị chuyên môn quân giới toàn quân được tổ chức. Đây là hội nghị chuyên môn đầu tiên của toàn ngành sản xuất vũ khí nước Việt Nam.
Ngày 2-9-1955: Diễn ra lễ tuyên dương Anh hùng quân đội lần thứ hai. Đại hội tuyên dương 26 anh hùng, trong đó truy phong 8 liệt sĩ.
Ngày 2-9-1965: Ngày thành lập Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4). Là sư đoàn chủ lực cơ động đầu tiên trên chiến trường Miền Đông Nam Bộ, được thành lập trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sư đoàn 9 đã làm nên những chiến thắng vang dội như Bầu Bàng, Dầu Tiếng, đánh bại lữ đoàn 173 thuộc sư đoàn bộ binh số 1 anh cả đỏ của Mỹ, mở ra thời kỳ “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau ngày giải phóng, sư đoàn làm nhiệm vụ quân quản Sài Gòn – Gia Định, đồng thời tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, góp phần giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
Trải qua gần 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Sư đoàn 9 đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang “Đoàn kết, khiêm tốn, anh dũng, sáng tạo, đi là chiến thắng, đánh là dứt điểm”, vinh dự hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Ngày 2-9-1969: Sau một thời gian lâm bệnh nặng, vào lúc 9 giờ 47 phút, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, lãnh tụ vĩ đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đi vào cõi vĩnh hằng. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi nhưng tên tuổi, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Người vẫn còn sống mãi trong muôn triệu trái tim, khối óc của nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè khắp năm châu trên thế giới.
Ngày 2-9-2015: Khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích K9 – Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội). Cùng với Công trình Lăng, Nhà tưởng niệm là sự tiếp nối các công trình trong Khu Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, là nơi để đồng bào, chiến sĩ cả nước và khách quốc tế đến dâng hương tưởng niệm
Sự kiện quốc tế
Ngày 2-9-1945: Kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Sáng ngày 2-9-1945, tại vịnh Tokyo, nghi lễ đầu hàng của phát xít Nhật trước quân Đồng minh diễn ra trên chiến hạm USS Missouri của Hải quân Mỹ, chính thức kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai – cuộc chiến quy mô nhất, tàn khốc và đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại, cướp đi sinh mạng của hơn 70 triệu người.
Ngày 2-9-1960: Đại hội toàn quốc nhân dân Cuba khai mạc. Đại hội thông qua những quyền cơ bản của công dân, xác định đường lối chống đế quốc và đoàn kết với các dân tộc đấu tranh cho tự do và hoà bình.