Chứng thực chữ ký người dịch

chứng thực chữ ký người dịch

Thủ tục chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và Thông tư số 158/2015/TTLT-BTC-BTP trong hai trường hợp là: Người dịch là cộng tác viên của Phòng Tư pháp và người không phải là cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp mà tự dịch giấy tờ, văn bản phục vụ mục đích cá nhân.

 Tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.

– Có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch.

Đối với ngôn ngữ không phổ biến mà người dịch không có bằng cử nhân ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp đại học theo quy định tại Khoản này thì phải thông thạo ngôn ngữ cần dịch.

Tiêu chuẩn người dịch và ngôn ngữ phổ biến được hướng dẫn chi tiết tại Điều 16 Thông tư 01/2020/TT-BTP như sau:

– Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, người dịch phải có trình độ cử nhân (đại học) ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng đại học trở lên đối với chuyên ngành khác được học bằng thứ tiếng nước ngoài cần dịch. Trường hợp có bằng đại học trở lên đối với chuyên ngành khác được học bằng thứ tiếng nước ngoài cần dịch thì người dịch cần xuất trình thêm bảng điểm hoặc giấy tờ để chứng minh ngôn ngữ học của mình.

Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A có trình độ thạc sỹ Luật quốc tế tại Trung Quốc, chương trình học bằng tiếng Trung Quốc, nên ông A có đủ tiêu chuẩn để dịch tiếng Trung Quốc. Ông Nguyễn Văn B là cử nhân kinh tế tại Nhật Bản nhưng chương trình học bằng tiếng Anh, nên ông B đủ tiêu chuẩn để dịch tiếng Anh.

– Ngôn ngữ phổ biến được hiểu là ngôn ngữ được thể hiện trên nhiều giấy tờ, văn bản được sử dụng tại Việt Nam và nhiều người Việt Nam có thể dịch ngôn ngữ này ra tiếng Việt hoặc ngược lại. Ví dụ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật Bản, tiếng Tây Ban Nha.

Ngôn ngữ không phổ biến là ngôn ngữ ít được thể hiện trên giấy tờ, văn bản sử dụng tại Việt Nam và ít người có thể dịch được ngôn ngữ này ra tiếng Việt hoặc ngược lại. Ví dụ: tiếng Mông Cổ, tiếng Ấn Độ…

Quy định của pháp luật về chứng thực chữ ký người dịch

Trang đầu tiên của bản dịch phải được ghi rõ chữ “BẢN DỊCH” vào chỗ trống phía trên bên phải. Nếu bản dịch có từ hai trang trở lên thì phải đánh số trang theo thứ tự và phải đóng dấu giáp lai giữa các tờ. Bản dịch phải được đính kèm với bản sao của giấy tờ cần dịch.

Theo Điều 31 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 2 năm 2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì thủ tục chứng thực chữ ký người dịch được quy định như sau:

– Người dịch là cộng tác viên của Phòng Tư pháp yêu cầu chứng thực chữ ký phải xuất trình bản dịch và giấy tờ, văn bản cần dịch.

Khi thực hiện chứng thực, người thực hiện chứng thực phải đối chiếu chữ ký của họ trên bản dịch với chữ ký mẫu trước khi thực hiện chứng thực; trường hợp nghi ngờ chữ ký trên bản dịch so với chữ ký mẫu thì yêu cầu người dịch ký trước mặt.

– Đối với người không phải là cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp mà tự dịch giấy tờ, văn bản phục vụ mục đích cá nhân và có yêu cầu chứng thực chữ ký trên bản dịch thì phải xuất trình các giấy tờ sau đây:

Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;

Bản chính hoặc bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều 27 của Nghị định này; trừ trường hợp dịch những ngôn ngữ không phổ biến mà người dịch không có bằng cử nhân ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp đại học nhưng thông thạo ngôn ngữ cần dịch;

Bản dịch đính kèm giấy tờ, văn bản cần dịch.

Người yêu cầu chứng thực phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 24 của Nghị định này.

– Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ yêu cầu chứng thực, tùy theo từng trường hợp, nếu thấy đủ giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 2 Điều này và giấy tờ, văn bản được dịch không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 32 của Nghị định này thì thực hiện chứng thực như sau:

Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký người dịch theo mẫu quy định;

Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.

Đối với bản dịch giấy tờ, văn bản có từ 02 (hai) trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu giấy tờ, văn bản có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.

Trường hợp người dịch là viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự đồng thời là người thực hiện chứng thực tại các Cơ quan đại diện thì viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự phải cam đoan về việc đã dịch chính xác nội dung giấy tờ, văn bản; ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của Cơ quan đại diện.

Lời chứng chứng thực chữ ký người dịch

– Tôi ……………… Giấy chứng minh nhân dân/Hộ chiếu (3) …………………………….., cam đoan đã dịch chính xác nội dung của giấy tờ/văn bản này từ tiếng…………… sang tiếng………….

Ngày ………… tháng ………. năm ………….

Người dịch ký và ghi rõ họ tên

Ngày ………… tháng ………. năm ………….

(Bằng chữ …………………………………………………)

Tại ………………………………………………………… (4).Tôi (5) ………………………………….., là (6) ……………………………….…………

Chứng thực

Ông/bà ………………. là người đã ký vào bản dịch này trước mặt tôi (10).

Số chứng thực …………. quyển số ………….. (1) – SCT/CKND

Ngày ………… tháng ………. năm ………….

Người thực hiện chứng thực ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu (2)

Chú thích:

(1) Ghi theo thông tin đã ghi tại bìa sổ chứng thực (ví dụ: 01/2015).

– (2) Nếu thực hiện tại Phòng Tư pháp thì Trưởng phòng/Phó trưởng phòng ký, đóng dấu Phòng Tư pháp; nếu thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì Chủ tịch/Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân ký, đóng dấu Ủy ban nhân dân cấp xã; nếu thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng thì công chứng viên ký, đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

– (3) Nếu là Giấy chứng minh nhân dân thì gạch ngang Hộ chiếu, nếu là Hộ chiếu thì gạch ngang cụm từ Giấy chứng minh nhân dân.

– (4) Ghi rõ địa điểm thực hiện chứng thực (ví dụ: UBND xã A, huyện B); chỉ cần ghi giờ, phút trong trường hợp chứng thực ngoài trụ sở.

– (5) Ghi rõ họ và tên của Người thực hiện chứng thực.

– (6) Ghi rõ chức danh của người thực hiện chứng thực, kèm theo tên cơ quan thực hiện chứng thực (ví dụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã A, huyện B, tỉnh C, Trưởng phòng Tư pháp huyện B, tỉnh C; công chứng viên Phòng Công chứng số 1 thành phố H).

– (10) Trường hợp đã đăng ký chữ ký mẫu, thì gạch ngang cụm từ “trước mặt tôi”.

chứng thực chữ ký người dịch
chứng thực chữ ký người dịch

Giấy tờ, văn bản không được dịch để chứng thực chữ ký người dịch

Các bạn tham khảo thêm Điều 32 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về những mẫu giấy tờ, văn bản không được dịch để chứng thực chữ ký người dịch, như sau:

Điều 32. Giấy tờ, văn bản không được dịch để chứng thực chữ ký người dịch

Giấy tờ, văn bản đã bị tẩy xóa, sửa chữa; thêm, bớt nội dung không hợp lệ.

Giấy tờ, văn bản bị hư hỏng, cũ nát không xác định được nội dung.

Giấy tờ, văn bản đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được dịch.

Giấy tờ, văn bản có nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 22 của Nghị định này.

Giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Nghị định này.

Thủ tục chứng thực chữ ký người dịch mà người dịch không phải là cộng tác viên dịch thuật

Trình tự thực hiện

– Người yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch phải xuất trình các giấy tờ phục vụ việc chứng thực chữ ký người dịch.

– Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ do người yêu cầu chứng thực xuất trình, nếu thấy đủ giấy tờ theo quy định và giấy tờ, văn bản được dịch không thuộc các trường hợp giấy tờ, văn bản không được dịch để chứng thực chữ ký người dịch thì yêu cầu người dịch ký trước mặt và thực hiện chứng thực như sau:

* Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký người dịch theo mẫu quy định;

* Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.

Đối với bản dịch giấy tờ, văn bản có từ 02 (hai) trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu giấy tờ, văn bản có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.

– Đối với trường hợp chứng thực chữ ký tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thì công chức tiếp nhận hồ sơ kiểm tra các giấy tờ, nếu nhận thấy người yêu cầu chứng thực có đủ điều kiện theo quy định thì đề nghị người yêu cầu chứng thực ký vào bản dịch và chuyển cho người có thẩm quyền ký chứng thực.

Cách thức thực hiện

Nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện/Phòng Tư pháp.

Hồ sơ

Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;

Bản chính hoặc bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch; trừ trường hợp dịch những ngôn ngữ không phổ biến mà người dịch không có bằng cử nhân ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp đại học nhưng thông thạo ngôn ngữ cần dịch;

Bản dịch đính kèm giấy tờ, văn bản cần dịch.

Thời hạn giải quyết

Trong ngày cơ quan, tổ chức tiếp nhận yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ hoặc có thể kéo dài hơn theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực…

Đối tượng thực hiện TTHC

Cá nhân

Cơ quan thực hiện TTHC

Phòng Tư pháp

Kết quả thực hiện TTHC

Giấy tờ, văn bản được chứng thực chữ ký người dịch

Phí, lệ phí

Lệ phí chứng thực: 10.000 đồng/trường hợp (trường hợp được tính là một hoặc nhiều chữ ký trong một giấy tờ, văn bản)

(Thông tư số 158/2015/TTLT-BTC-BTP ngày 12 tháng 10 năm 2015 của liên Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai

Không

Yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC

Giấy tờ, văn bản không được dịch để chứng thực chữ ký người dịch:

Giấy tờ, văn bản đã bị tẩy xóa, sửa chữa; thêm, bớt nội dung không hợp lệ.

Giấy tờ, văn bản bị hư hỏng, cũ nát không xác định được nội dung.

Giấy tờ, văn bản đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được dịch.

Giấy tờ, văn bản có nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 22 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ .

Giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ, trừ những loại giấy tờ được cấp cho cá nhân được sử dụng nhiều lần như: Hộ chiếu, Thẻ thường trú, Giấy phép lái xe, Bằng tốt nghiệp, chứng chỉ ngoại ngữ thì không phải hợp pháp hóa lãnh sự trước khi chứng thực bản sao từ bản chính.

(Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ )

Căn cứ pháp lý của TTHC

Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Thông tư số 158/2015/TTLT-BTC-BTP ngày 12 tháng 10 năm 2015 của liên Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về thủ tục chứng thực chữ ký người dịch Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139