Ngày 25/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động thương mại điện tử. Bên cạnh nhiều quy định mới về quản lý hoạt động thương mại điện tử nói chung, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khu mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua thương mại điện tử.
Thứ nhất, về chủ thể của hoạt động thương mại điện tử. Khoản 6 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi khoản 5 Điều 24 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 24: Chủ thể của hoạt động thương mại điện tử
5. Các thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ khác cho hoạt động thương mại điện tử”.
Như vậy, thương nhân cung cấp dịch vụ logistics nói chung và vận chuyển hàng hóa giao dịch qua sàn thương mại điện tử nói riêng chính thức được công nhận là chủ thể của hoạt động thương mại điện tử. Cùng với đó, trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ logistics trong quá trình giao dịch qua sàn thương mại điện tử cũng được đề cập đến tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP.
Thứ hai, về trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của người bán. Theo quy định mới, thông tin về hàng hoá, dịch vụ đối với website thương mại điện tử bán hàng phải được người bán cung cấp chi tiết, cụ thể:
– Đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.
– Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm như: năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy.
– Người bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó.
Như vậy, người tiêu dùng khi tiến hành các giao dịch mua sắm hàng hóa, sản phẩm được giới thiệu trên website thương mại điện tử sẽ được cung cấp các thông tin chi tiết về hàng hóa, sản phẩm, giúp hạn chế tình trạng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ do người bán đăng tải.
Thứ ba, về việc xác định trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin tới người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. Điểm c khoản 3 Điều 26 được bổ sung quy định: “Trường hợp thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của người bán tới người tiêu dùng trên website thương mại điện tử thì thương nhân, tổ chức đó là bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin theo pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Như vậy, các quy định về trách nhiệm của bên thứ ba trong Nghị định số 85/2021/NĐ-CP nêu trên là phù hợp với các quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sẽ phải chịu trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ tư, về quy định liên quan đến thông tin về điều kiện giao dịch chung. Từ ngày 01/01/2022, chính sách kiểm hàng sẽ được coi là một trong những điều kiện giao dịch chung bắt buộc mà thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố trên website thương mại điện tử. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần giúp người tiêu dùng hiểu rõ về chính sách kiểm hàng của từng doanh nghiệp để đưa ra quyết định lựa chọn tiến hành giao dịch. Bên cạnh đó, với các website có chức năng đặt hàng trực tuyến, người bán phải có cơ chế để khách hàng đọc và bày tỏ sự đồng ý riêng với các điều kiện giao dịch chung trước khi gửi đề nghị giao kết hợp đồng. Quy định này sẽ khiến các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử phải gia cố thêm tính năng để đảm bảo người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận, xem xét và đưa ra quan điểm cá nhân trước khi tiến hành các bước tiếp theo trong giao dịch mua sắm trực tuyến.
Thứ năm, về trách nhiệm giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng. Khoản 11 Điều 36 được bổ sung thêm quy định sau:
“- Chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo;
– Đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp và có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam;
– Là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng trong trường hợp một giao dịch thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử có nhiều hơn 02 bên tham gia”.
Như vậy, quy định mới sẽ ràng buộc trách nhiệm lớn hơn của các sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến trong công tác giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng. Hiện nay, các sàn thương mại điện tử đã và đang phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong trong việc xác minh và giải quyết các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nói chung và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói riêng. Tuy vậy, với quy định mới này, người tiêu dùng sẽ “an tâm” hơn khi tiến hành giao dịch các giao dịch trên sàn thương mại điện tử có nhiều hơn 02 bên tham gia hay khi các giao dịch đó là với người bán nước ngoài.
Mặc dù quyền lợi người tiêu dùng đã được bảo vệ trên cơ sở pháp luật, với hệ thống pháp lý rất rõ ràng nhưng việc triển khai trong thực tiễn cuộc sống vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là xử lý các vi phạm trong môi trường thương mại điện tử.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thời gian qua, nhiều sàn thương mại điện tử đã thu hút một lượng lớn khách hàng và trở thành kênh phân phối quan trọng với nhiều tiện ích. Thế nhưng, bên cạnh bề nổi về thuận lợi vẫn còn những góc khuất tiềm ẩn nhiều rủi ro đang rình rập đối với người tiêu dùng.
Đơn cử như với những sàn thương mại điện tử hay website uy tín thì bao giờ cũng có những quy định rất cụ thể, chi tiết đối với từng mục như giao hàng ra sao, khách hàng có quyền đổi, trả nếu sản phẩm không đúng như chất lượng quảng cáo, phương thức thanh toán…để người tiêu dùng lựa chọn sử dụng.
Tuy nhiên, vẫn có không ít sàn thương mại điện tử, website và nhất là những cá nhân bán hàng qua mạng xã hội Facebook, Zalo theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” khiến không ít trường hợp người tiêu dùng dở khóc dở cười.
Hiện nay, mỹ phẩm trên thị trường rất đa dạng, đến từ rất nhiều nguồn khác nhau như sản xuất, gia công, đóng gói trong nước, nhập khẩu, hàng xách tay của người nhập cảnh… Mỹ phẩm giả, kém chất lượng thường trà trộn và bán cùng hàng thật, khi khách hỏi mới đưa ra bán cho người tiêu dùng.
Trong những năm gần đây quảng cáo, bán mỹ phẩm trên thương mại điện tử, internet, mạng xã hội, các ứng dụng trực tuyến… ngày càng phổ biến. Đây là môi trường thuận lợi để các đối tượng vi phạm lợi dụng bán các sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng nhằm trốn tránh kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Mỹ phẩm giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được sản xuất khá tinh vi, rất khó để phân biệt, tuy nhiên trên các “khu chợ mạng” hình ảnh sản phẩm thật được các đối tượng sử dụng, quảng cáo để bán sản phẩm giả, xâm phạm quyền.
Thời gian vừa qua các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ sản xuất, đóng gói mỹ phẩm giả trong nước như tự pha chế nguyên liệu, đóng gói, dán nhãn, mỹ phẩm nhập lậu.
Ngoài ra, mỹ phẩm giả có nguồn gốc nước ngoài cũng có xu hướng gia tăng; có những cơ sở vi phạm có đầy đủ các dụng cụ, máy móc pha chế, đóng gói, dán nhãn để sản xuất hàng giả.
Mặc dù chính sách đồng kiểm khi mua hàng online đã được nhiều đơn vị áp dụng nhưng vẫn có nhiều người tiêu dùng do chủ quan nên đã mua phải hàng kém chất lượng, hàng không đúng như quảng cáo trên mạng.
Mặt khác, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm trên môi trường thương mại điện tử cũng ngày càng tinh vi. Do đó, để tránh bị phát hiện, các đối tượng này thường sử dụng hình ảnh thật khi đăng trên mạng nhưng khi sản phẩm khách hàng nhận được lại là hàng giả, hàng nhái.
Cũng chính bởi chưa hiểu hết quyền pháp lý của mình khi thực hiện các giao dịch thương mại điện tử và tâm lý e ngại nên đa số ngừoi tiêu dùng đều chấp nhận “mất tiền oan” chứ không phản ánh đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền hay đơn vị bảo vệ quyền lợi của mình.
Xử phạt các hành vi vi phạm về thương mại điện tử được quy định cụ thể tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không công bố rõ trên website quy trình tiếp nhận, trách nhiệm xử lý khiếu nại của khách hàng và cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng được giao kết trên website khuyến mại trực tuyến hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử;
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không hỗ trợ khách hàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi phát sinh mâu thuẫn với người bán trong giao dịch trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử;
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử; không cung cấp thông tin và hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử;
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử…