Hiện nay, khi đất nước ngày càng trở nên dân chủ hóa, tình trạng bạo loạn, bạo động diễn ra ngày một tăng lên cả về số lượng lẫn quy mô dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc gia. Những người tham gia bạo loạn ngày một nhiều, các hành vi ngày càng mất kiểm soát. Tội bạo loạn đã được quy định cụ thể trong pháp luật Hình sự. Hành vi như thế nào thì cấu thành tội bạo loạn? Hình phạt của nhóm tội này ra sao? Bài viết dưới đây, Luật Trần và Liên danh sẽ giải đáp tội bạo loạn trong bài viết dưới đây.
Bạo loạn là gì?
Bạo loạn hay bạo động là một hình thức bất ổn dân sự thường được đặc trưng bởi một nhóm người gây ra sự xáo trộn mang tính bạo lực chống lại chính quyền, tài sản sở hữu hoặc nhân dân. Bạo loạn thường liên quan đến trộm cắp, phá hoại và phá hủy tài sản, công cộng hoặc tư nhân. Các tài sản được nhắm mục tiêu khác nhau tùy thuộc vào cuộc bạo loạn và khuynh hướng của những người liên quan. Mục tiêu có thể bao gồm các cửa hàng, xe hơi, nhà hàng, tổ chức nhà nước và các tòa nhà tôn giáo. Bạo loạn thường xảy ra khi đám đông có cảm giác bị đối xử không công bằng hoặc bất đồng quan điểm.
Trong lịch sử, bạo loạn đã xảy ra do nghèo đói, thất nghiệp, điều kiện sống tồi tàn, áp bức của chính phủ, thuế hoặc quân dịch bắt buộc, xung đột giữa các nhóm dân tộc, (bạo loạn chủng tộc) hoặc tôn giáo (bạo lực giáo phái, (pogrom), kết quả của một sự kiện thể thao (bạo loạn thể thao, côn đồ bóng đá) hoặc sự thất vọng với các kênh hợp pháp dùng để giải quyết bất bình.
Trong khi các cá nhân có thể cố gắng lãnh đạo hoặc kiểm soát một cuộc bạo loạn, các cuộc bạo loạn thường bao gồm các nhóm vô tổ chức thường xuyên “hỗn loạn và thể hiện hành vi bầy đàn “. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bạo loạn không phải là hành vi phi lý, giống như bầy đàn, mà thực sự tuân theo các chuẩn mực xã hội đảo ngược. Xử lý bạo loạn thường là một nhiệm vụ khó khăn đối với lực lượng cảnh sát. Họ có thể sử dụng hơi cay hoặc khí CS để kiểm soát những kẻ bạo loạn. Cảnh sát chống bạo động có thể sử dụng các phương pháp kiểm soát ít gây chết người hơn, chẳng hạn như súng săn bắn đạn nhựa để gây thương tích hoặc làm mất khả năng của những kẻ bạo loạn để bắt giữ dễ dàng hơn.
Trước khi tìm hiểu khái niệm tội bạo loạn, ta cần hiểu rõ khái niệm khái niệm “an ninh quốc gia” và các “tội xâm phạm an ninh quốc gia”. An ninh quốc gia là tổng thể các an ninh trên các lĩnh vực khác nhau như an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng – văn hóa, an ninh xã hội, an ninh quốc phòng, an ninh đối ngoại v. v.. Trong đó, an ninh chính trị là trung tâm, giữ vai trò quyết định của an ninh quốc gia. Trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia có tội có thể xâm phạm an ninh quốc gia trong tổng thể nhưng cũng có tội chỉ có thể xâm phạm an ninh quốc gia thuộc lĩnh vực cụ thể nhất định. Tuy nhiên, tội xâm phạm an ninh quốc gia thuộc lĩnh vực chính trị cũng được coi là xâm phạm an ninh quốc gia trong tổng thể do ý nghĩa quyết định của lĩnh vực an ninh này.
Các tội xâm phạm an ninh quốc gia là nhóm tội phạm được quy định tại chương đầu tiên trong Phần các tội phạm của Bộ luật này. Nhóm tội phạm này có tính chất nguy hiểm cho xã hội rất đặc biệt vì có khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội giữ vị trí quan trọng, có tính quyết định trong hệ thống các quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của luật hình sự. Đó là an ninh quốc gia. Đảm bảo an ninh quốc gia là điều kiện cần thiết cho sự đảm bảo các quan hệ xã hội khác.
Trong đó, an ninh quốc gia được hiểu “là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc” Việt Nam.
Căn cứ vào tình hình cụ thể của Việt Nam và quốc tế; dựa trên kinh nghiệm đấu tranh chống các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia cũng như kinh nghiệm lập pháp hình sự trong lĩnh vực này, Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi bổ sung năm 2017) đã quy định Tội bạo loạn là một trong mười bốn tội danh khác nhau thuộc chương “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia”.
Theo đó Tội bạo loạn là một hành động chống phá bằng bạo lực có tổ chức do lực lượng phản động hay lực lượng ly khai, đối lập trong nước hoặc cấu kết với nước ngoài tiến hành nhằm gây rối loạn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hoặc lật đổ chính quyền của một quốc gia, vùng lãnh thổ nhất định.
Quy định chi tiết tội bạo loạn
Điều 112 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định về Tội bạo loạn như sau:
Điều 112. Tội bạo loạn
Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 09 Bộ luật hình sự chia tội phạm thành 04 nhóm gồm nhóm tội ít nghiêm trọng, nhóm tội nghiêm trọng, nhóm tội rất nghiêm trọng và nhóm tội đặc biệt nghiêm trọng. Dựa vào mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt cơ bản quy định về tội phạm cụ thể, ta có thể xác định được tội phạm đó thuộc nhóm tội nào. Trong đó, Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Theo đó, xác định Tội bạo loạn thuộc tội đặc biệt nghiêm trọng.
Phân tích các dấu hiệu pháp lý của tội bạo loạn
Khách thể của tội phạm – Điều 112 Bộ luật hình sự
Theo quy định của Điều 112 Bộ luật hình sự, bạo loạn là hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân. Sự ổn định, vững mạnh của chính quyền nhân dân là điều mà pháp luật hình sự cần bảo vệ. Do đó, khách thể của tội bạo loạn là sự vững mạnh, an toàn của hệ thống chính quyền nhân dân.
Mặt khách quan của tội phạm – Điều 112 Bộ luật hình sự
Điều 112 Bộ luật hình sự miêu tả 03 hành vi cấu thành tội bạo loạn gồm hoạt động vũ trang; dùng bạo lực có tổ chức và cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cả 03 hành vi này đều hướng tới mục đích chống chính quyền nhân dân.
Trong đó:
– Hoạt động vũ trang chống chính quyền nhân dân là hoạt động có trang bị vũ khí (có thể là vũ khí thô sơ hoặc vũ khí quân dụng), có tổ chức công khai chống lại chính quyền, chống đối lực lượng vũ trang nhân dân, phá hoạt an ninh chính trị.
– Dùng bạo lực có tổ chức là hoạt động sư dụng sức mạnh tuy không có vũ khí nhưng có sự liên kết, phối hợp, tuân theo chỉ đạo của người tổ chức, chỉ huy để chống chính quyền nhân dân như bao vây, đánh chiếm hoặc đập phá trụ sở của chính quyền,…
– Cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân được hiểu là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhằm chống lại chính quyền nhân dân. Ví dụ cướp vũ khí của lực lượng vũ trang nhân dân hoặc dân quân tự vệ; cướp nhà, cướp đất của nhân dân để làm nơi ở, nơi ẩn náy của những người thực hiện hành vi bạo loạn,…
Để tiến hành bạo loạn chống chính quyền nhân dân, người phạm tội phải tập hợp, lôi kéo nhiều người tham gia. Chúng có thể vũ trang ngay từ đầu hoặc dùng bạo lực có tổ chức, cướp vũ khí của lực lượng vũ trang, tiến hành hoạt động vũ trang công khai chống chính quyền nhân dân.
Tội bạo loạn có cấu thành hình thức. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
Chủ thể của tội phạm – Điều 112 Bộ luật hình sự
Tội bạo loạn có thể được tiến hành bởi bất kì ai, công dân Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch, có năng lực trách nhiệm hình sự gồm năng lực nhận thức, năng lực làm chủ hành vi và đạt đủ tuổi truy cứu trách nhiệm hình sự từ 16 tuổi trở lên theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên tội phạm này thường xuất hiện dưới hình thức đồng phạm có tổ chức, bởi các hành vi của tội phạm cần một số lượng đông đảo người tham gia hành động, có sự tổ chức, sắp xếp rõ ràng mới nắm chắc thành công.
Mặt chủ quan của tội phạm – Điều 112 Bộ luật hình sự
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội hoàn toàn biết việc thực hiện các hành vi miêu tả trong cấu thành tội phạm là để chống phá chính quyền nhân dân. Tuy biết rõ và nhận thức rõ ràng mức độ nguy hiểm của hành vi đó nhưng người phạm tội vẫn chấp nhận thực hiện. Do vậy chắc chắn yếu tố lỗi ở đây là lỗi cố ý.
Nếu hành vi được thực hiện không nhằm mục đích chống phá chính quyền nhân dân thì tội phạm được thực hiện có thể là tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318 Bộ luật hình sự), tội chống người thi hành công vụ (Điều 330 Bộ luật hình sự), tội cướp tài sản (Điều 168 Bộ luật hình sự),…. Nội dung của các tội này sẽ được Luật Hoàng Anh phân tích ở những phần sau.
Luật sư hình sự tư vấn về hình phạt của tội bạo loạn
Điều 112 quy định 03 khung hình phạt gồm 02 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt cho chuẩn bị phạm tội như sau:
Mức hình phạt tại khoản 1 Điều 112 Bộ luật hình sự: Khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân, hoặc tử hình được quy định cho người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, người tổ chức được quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người có hoạt động đắc lực là người có hoạt động tham gia tổ chức và đã thực hiện các hành vi thể hiện sự tích cực và mức độ tham gia quan trọng của mình. Người gây hậu quả nghiêm trọng là người gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho sự tồn tại của chính quyền nhân dân.
Mức hình phạt tại khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự: Khung hình phạt tù từ 05 năm đến 15 năm đối với người đồng phạm khác. Pháp luật nhận định rằng người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng là những đối tượng đặc biệt nguy hiểm bởi đây là những kẻ gây ra hậu quả to lớn của tội bạo loạn. Còn những người đồng phạm khác, tuy cùng thực hiện tội phạm này nhưng mức độ tham gia ít hơn, các hành vi họ thực hiện cũng ít nguy hiểm hơn nên quy định khung hình phạt nhẹ hơn đối với họ.
Mức hình phạt tại khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự: Khung hình phạt áp dụng đối với người chuẩn bị phạm tội, phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Điều 14 Bộ luật hình sự quy định chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm. Như vậy, chuẩn bị phạm tội bạo loạn là khi người đó chuẩn bị công cụ, tìm kiếm phương tiện cần thiết để thực hiện hoạt động vũ trang, dùng bạo lực có tổ chức, cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân.
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của tội bạo loạn
Bên cạnh định khung hình phạt của từng tội danh, khi xét xử vụ án Hình sự, Thẩm phán sẽ xem xét tới những căn cứ làm giảm hình phạt cho bị cáo theo quy định của pháp luật. Đó dựa trên chính sách khoan hồng và nhân đạo của nhà nước và Luật pháp.
Theo quy định của Bộ Luật Hình sự, các tình tiết giảm nhẹ luật định được quy định tại điều 51 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) :
Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
Phạm tội do lạc hậu;
Người phạm tội là phụ nữ có thai;
Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
Người phạm tội tự thú;
Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải;
Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm;
Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Như vậy, khi làm việc với cơ quan chức năng, người phạm tội phải thành khẩn khai báo và hợp tác để được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của Luật sư bào chữa cho bị cáo. Việc góp mặt của luật sư khi tham gia vụ án với tư cách người bào chữa không chỉ xác định chính xác tội danh mà còn khai thác tối đa các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị can, bị cáo.
Trên đây là nội dung tội bạo loạn theo quy định của Bộ luật hình sự. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Công ty luật uy tín Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.