Án lệ số 16/2017/AL về công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2017 và được công bố theo Quyết định số 299/QĐ-CA ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Nguồn án lệ số 16/2017/AL
Quyết định giám đốc thẩm số 573/2013/DS-GĐT ngày 16-12-2013 của Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự “Tranh chấp thừa kế tài sản” tại tỉnh Vĩnh Phúc giữa nguyên đơn là chị Phùng Thị H1, chị Phùng Thị N1, chị Phùng Thị H2, chị Phùng Thị P với bị đơn là anh Phùng Văn T; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm chị Phùng Thị N2, chị Phùng Thị H3.
Vị trí nội dung án lệ số 16/2017/AL
Đoạn 2 phần “Nhận định của Toà án”.
Khái quát nội dung của án lệ số 16/2017/AL
Tình huống án lệ:
Di sản thừa kế là bất động sản đã được một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng. Các đồng thừa kế khác biết và không phản đối việc chuyển nhượng đó. Số tiền nhận chuyển nhượng đã được dùng để lo cuộc sống của các đồng thừa kế. Bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, Tòa án phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hợp pháp và diện tích đất đã chuyển nhượng không còn trong khối di sản để chia thừa kế mà thuộc quyền sử dụng của bên nhận chuyển nhượng.
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
Khoản 2 Điều 170, Điều 234, Điều 634, Điều 697 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương đương với khoản 2 Điều 221, Điều 223, Điều 612, Điều 500 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Từ khóa của án lệ:
“Xác lập quyền sở hữu theo thỏa thuận”; “Di sản”; “Di sản thừa kế là bất động sản”; “Đồng thừa kế”; “Chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.
Nội dung án lệ:
“Năm 1991, bà Phùng Thị G chuyển nhượng cho ông Phùng Văn K diện tích 131m2 trong tổng diện tích 398m2 của thửa đất trên; phần diện tích đất còn lại của thửa đất là 267,4m2. Năm 1999 bà Phùng Thị G đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 267,4m2, bà Phùng Thị G cùng vợ chồng anh Phùng Văn T vẫn quản lý sử dụng nhà đất này. Việc bà Phùng Thị G chuyển nhượng đất cho ông Phùng Văn K các con bà Phùng Thị G đều biết, nhưng không ai có ý kiến phản đối gì, các con của bà Phùng Thị G có lời khai bà Phùng Thị G bán đất để lo cuộc sống của bà và các con. Nay ông Phùng Văn K cũng đã được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, có cơ sở để xác định các con bà Phùng Thị G đã đồng ý để bà Phùng Thị G chuyển nhượng diện tích 131m2 nêu trên cho ông Phùng Văn K. Tòa án cấp phúc thẩm không đưa diện tích đất bà Phùng Thị G đã bán cho ông Phùng Văn K vào khối tài sản để chia là có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm xác định di sản là tổng diện tích đất 398m2 (bao gồm cả phần đất đã bán cho ông Phùng Văn K) để chia là không đúng.”
Bình luận án lệ số 16/2017/AL
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ Bộ luật Dân sự năm 2005
“Điều 170. Căn cứ xác lập quyền sở hữu
Quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong các trường hợp sau đây:
…
2. Được chuyển quyền sở hữu theo thoả thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;…”
“Điều 234. Xác lập quyền sở hữu theo thỏa thuận
-Tương ứng với Điều 221 Bộ luật Dân sự năm 2015.
-Tương ứng với Điều 223 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Người được giao tài sản thông qua hợp đồng mua bán, tặng cho, trao đổi, cho vay có quyền sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm chuyển giao tài sản, nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác.”
“Điều 634. Di sản
Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”
“Điều 697. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất5
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất chuyển giao đất và quyền sử dụng đất cho bên nhận chuyển nhượng, còn bên nhận chuyển nhượng trả tiền cho bên chuyển nhượng theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.”
Sự cần thiết phải công bố án lệ
Pháp luật về thừa kế qua các thời kỳ đều khẳng định di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác6; thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Như vậy, để xác định khối di sản của người chết để lại làm cơ sở để chia thừa kế thì phải xác định ở tại thời điểm người đó chết, tài sản riêng của họ và phần tài sản của họ trong tài sản chung với người khác gồm những gì. Kể từ thời điểm người để lại di sản chết thì người thừa kế của họ có quyền yêu cầu được nhận phần của mình trong khối di sản thừa kế này và xác lập quyền chính thức của mỗi người đối với tài sản được chia.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp di sản thừa kế không được phân chia ngay sau khi người để lại di sản chết mà sau một thời gian mới phát sinh yêu cầu phân chia. Trong khoảng thời gian từ thời điểm mở thừa kế đến khi chia thừa kế, một hoặc một số đồng thừa kế lại tiến hành giao dịch trên di sản thừa kế, làm cho hiện trạng và/hoặc giá trị khối di sản thừa kế thay đổi so với thời điểm mở thừa kế (ở đây loại trừ những thay đổi do tác động khách quan như thay đổi giá trên thị trường, hay do biến đổi tự nhiên). Vậy các giao dịch thuộc loại này, nhất là đối với những tài sản có giá trị lớn, phải đăng ký (như quyền sử dụng đất,…) thì có được công nhận hay không? Trong trường hợp nào thì được công nhận? Có quan điểm cho rằng khi chưa thực hiện việc phân chia di sản thừa kế thì không ai trong số các thừa kế hoặc người khác được chuyển dịch về quyền tài sản đối với di sản thừa kế đó, dù là với bất kỳ mục đích gì, các giao dịch liên quan đến di sản thừa kế do một hoặc một số đồng thừa kế thực hiện đều là vô hiệu. Quan điểm khác lại cho rằng trường hợp một hoặc một số đồng thừa kế đã chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ di sản vì mục đích lo cuộc sống của các đồng thừa kế, các đồng thừa kế khác không tham gia chuyển nhượng nhưng biết và không có ý kiến phản đối việc chuyển nhượng đó, việc chuyển nhượng đã hoàn thành thì phần tài sản đã chuyển nhượng không còn trong khối di sản thừa kế để chia mà thuộc về bên nhận chuyển nhượng.
Để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự có tình huống pháp lý tương tự như trên, Tòa án nhân dân tối cao đã lựa chọn, công bố Án lệ số 16/2017/AL về công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng. Án lệ này được phát triển từ Quyết định giám đốc thẩm số 573/2013/DS-GĐT ngày 16-12-2013 của Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự “Tranh chấp thừa kế tài sản” tại tỉnh Vĩnh Phúc giữa nguyên đơn là chị Phùng Thị H1, chị Phùng Thị N1, chị Phùng Thị H2, chị Phùng Thị P với bị đơn là anh Phùng Văn T; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm chị Phùng Thị N2, chị Phùng Thị H3.
Nội dung án lệ
Trong vụ việc cụ thể tạo lập nên án lệ số 16/2017/AL, vợ chồng ông Phùng Văn N và bà Phùng Thị G tạo lập được khối tài sản chung là 398m2 đất tọa lạc tại khu phố L, phường M, thành phố N, Vĩnh Phúc. Vợ chồng ông N, bà G có 6 người con chung. Năm 1984, ông N chết không để lại di chúc. Năm 1991, bà G chuyển nhượng cho ông Phùng Văn K diện tích 131m2 đất trong tổng diện tích đất trên, các con của ông N, bà G đều biết việc chuyển nhượng, không có ý kiến phản đối, và đều thừa nhận bà G chuyển nhượng quyền sử dụng đất để lo cuộc sống của bà và các con. Phần diện tích đất còn lại do bà G và một trong số những người con chung của ông N, bà G quản lý, sử dụng. Bà G đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi bà G chết (năm 2010) thì các con của ông N, bà G tranh chấp yêu cầu chia di sản thừa kế.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 573/2013/DS-GĐT ngày 16-12-2013, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao đã lập luận rằng “… Việc bà Phùng Thị G chuyển nhượng đất cho ông Phùng Văn K các con bà Phùng Thị G đều biết, nhưng không ai có ý kiến phản đối gì, các con của bà Phùng Thị G có lời khai bà Phùng Thị G bán đất để lo cuộc sống của bà và các con. Nay ông Phùng Văn K cũng đã được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, có cơ sở để xác định các con bà Phùng Thị G đã đồng ý để bà Phùng Thị G chuyển nhượng diện tích 131m2 nêu trên cho ông Phùng Văn K. Tòa án cấp phúc thẩm không đưa diện tích đất bà Phùng Thị G đã bán cho ông Phùng Văn K vào khối tài sản để chia là có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm xác định di sản là tổng diện tích đất 398m2 (bao gồm cả phần đất đã bán cho ông Phùng Văn K) để chia là không đúng.”
Căn cứ vào các tiêu chí lựa chọn án lệ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã lựa chọn phần lập luận nêu trên của quyết định giám đốc thẩm để phát triển thành Án lệ số 16/2017/AL. Án lệ này đã khẳng định ý kiến của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với 02 vấn đề pháp lý sau đây:
– Thứ nhất, khẳng định trường hợp di sản thừa kế là bất động sản do một trong số các đồng thừa kế chuyển nhượng cho người khác mà các đồng thừa kế khác biết và không phản đối việc chuyển nhượng; số tiền nhận chuyển nhượng đã được dùng để lo cho cuộc sống của các đồng thừa kế; bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đó là hợp pháp, bên nhận chuyển nhượng có quyền sử dụng đối với đất đó. Như vậy, các điều kiện cần và đủ để áp dụng Án lệ này là:
(1) Di sản thừa kế là bất động sản;
(2) Người thực hiện việc chuyển nhượng di sản thừa kế là một trong số các đồng thừa kế;
(3) Các đồng thừa kế khác (không tham gia vào việc chuyển nhượng) biết mà không phản đối việc chuyển nhượng. Việc không phản đối trong trường hợp này có thể được xem như ý kiến chấp nhận việc chuyển nhượng;
(4) Số tiền chuyển nhượng được dùng để lo cuộc sống cho các đồng thừa kế. Nói cách khác, mục đích của việc chuyển nhượng này không phải vì cá nhân người chuyển nhượng mà vì lợi ích chung của tất cả các đồng thừa kế;
(5) Bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật dân sự thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký. Do vậy, việc bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một trong những dấu hiệu để xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các bên đã phát sinh hiệu lực pháp luật.
Với các điều kiện cần và đủ nêu trên, Tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa một trong số các đồng thừa kế với bên nhận chuyển nhượng là hợp pháp.
– Thứ hai, với các điều kiện nêu trên, Tòa án phải xác định diện tích đất đã chuyển nhượng không còn trong khối di sản để chia thừa kế. Thực tế, vấn đề pháp lý thứ hai được đề cập là hệ quả phái sinh trên cơ sở công nhận vấn đề pháp lý thứ nhất. Có nghĩa là: Do hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được công nhận, bên nhận chuyển nhượng đã được ghi nhận là người có quyền sử dụng đất đó nên phần diện tích đất đã chuyển nhượng tuy được xác định là di sản thừa kế do người chết để lại nhưng không còn để chia. Khi đó, phần tài sản để chia thừa kế là phần tài sản còn lại của người để lại di sản thừa kế (không bao gồm phần quyền sử dụng đất đã được chuyển nhượng).
Tình huống tương tự được áp dụng án lệ
Theo án lệ số 16/2017/AL, trường hợp di sản thừa kế là bất động sản đã được một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng, các đồng thừa kế khác biết và không phản đối việc chuyển nhượng đó, số tiền nhận chuyển nhượng đã được dùng để lo cuộc sống của các đồng thừa kế, bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hợp pháp và diện tích đất đã chuyển nhượng không còn trong khối di sản để chia thừa kế mà thuộc quyền sử dụng của bên nhận chuyển nhượng.
Như vậy, với các vụ việc có tính chất tương tự đáp ứng được 05 tiêu chí như đã phân tích ở phần “Nội dung án lệ” thì Tòa án được áp dụng Án lệ này để giải quyết tranh chấp liên quan đến yêu cầu chia di sản thừa kế mà một trong số các đồng thừa kế đã thực hiện việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ di sản thừa kế. Chúng tôi cũng kiến nghị rằng, để tạo điều kiện cho việc áp dụng án lệ được phổ biến hơn thì có thể mở rộng phạm vi áp dụng của án lệ theo hướng di sản thừa kế có thể là bất kỳ tài sản nào (không nhất thiết phải là bất động sản); khi đó, trường hợp tài sản không phải đăng ký thì cũng không cần có điều kiện về việc bên nhận chuyển nhượng phải được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng. Trường hợp việc áp dụng án lệ không cho phép mở rộng như đề cập ở trên, chúng tôi kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án để phát triển án lệ về vấn đề pháp lý có tính chất gần tương tự, trong đó có đối tượng tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.
Trên đây là một số nội dung về án lệ số 16/2017/AL, nếu quý khách có bất cứ thắc mắc gì liên quan đến nội dung này, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.