Việc khai, nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nộp theo thời gian nào rất quan trọng vì nó quyết định đến nghĩa vụ nộp tờ khai, nộp thuế của người nộp thuế và công việc định kỳ của kế toán phải thực hiện, vậy phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quý hay theo tháng? Thời hạn khai thuế, nộp thuế và mức phạt khi chậm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân như thế nào? Để hiểu rõ hơn về vấn đề, hãy theo dõi bài viết dưới đây của Luật Trần và Liên Danh.
Nộp thuế thu nhập cá nhân theo quý hay theo tháng?
Khoản 1 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định các loại thuế, khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu thuộc loại khai theo tháng, bao gồm: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp người nộp thuế đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 9 Nghị định này thì được lựa chọn khai theo quý.
Ngoài ra, khoản 2 Điều luật cũng nêu các loại thuế, khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước khai theo quý, bao gồm: Thuế thu nhập cá nhân đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện khấu trừ thuế theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân, mà tổ chức, cá nhân trả thu nhập đó thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng theo quý và lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý; cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế và lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý.
Như vậy, về nguyên tắc thuế thu nhập cá nhân được khai và nộp theo tháng, trường hợp người nộp thuế đáp ứng được các tiêu chí khai theo quý thì được lựa chọn khai theo quý.
Tiêu chí khai theo quý được quy định rõ tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP như sau:
Thứ nhất, khai thuế giá trị gia tăng theo quý áp dụng đối với:
Người nộp thuế thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng theo tháng được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định này nếu có tổng doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống thì được khai thuế giá trị gia tăng theo quý. Doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được xác định là tổng doanh thu trên các tờ khai thuế giá trị gia tăng của các kỳ tính thuế trong năm dương lịch;
Trường hợp người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động, kinh doanh thì được lựa chọn khai thuế giá trị gia tăng theo quý…
Thứ hai, khai thuế thu nhập cá nhân theo quý như sau: Người nộp thuế thuộc diện khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng nếu đủ điều kiện khai thuế giá trị gia tăng theo quý thì được lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý.
Tóm lại, người nộp thuế phải khai, nộp thuế thu nhập cá nhân theo tháng, trừ những trường hợp sau đây được lựa chọn khai theo quý:
Cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp, đơn vị hành chính sự nghiệp, các cơ quan đảng, tổ chức chính trị – xã hội,… có phát sinh trả thu nhập từ tiền lương, tiền công nhưng không phát sinh doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ;
Người nộp thuế có tổng doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống;
Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế;
Người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động, kinh doanh.
Thời hạn khai thuế, nộp thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019, thời hạn khai, nộp thuế thu nhập cá nhân được quy định như sau:
Trường hợp nộp thuế thu nhập cá nhân theo tháng: Thời hạn chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế;
Trường hợp nộp thuế thu nhập cá nhân theo quý: Thời hạn chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
Mức phạt khi chậm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, mức xử phạt đối với hành vi chậm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân như sau:
Trường hợp 1: Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
Trường hợp 2: Phạt từ 02 – 05 triệu đồng đối với hành vi hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp 1.
Trường hợp 3: Phạt từ 05 – 08 triệu đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.
Ngoài việc bị phạt tiền thì hành vi ở trường hợp 1, 2, 3 còn bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là nộp đủ số tiền chậm nộp nếu chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế.
Trường hợp 4: Phạt tiền từ 08 – 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 đến 90 ngày;
Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ngoài việc bị phạt tiền thì người nộp còn bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là nộp đủ số tiền chậm nộp nếu chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế.
Lưu ý: Trường hợp không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp và không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế.
Trường hợp 5: Phạt từ 15 – 25 triệu đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế.
Lưu ý: Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo trường hợp 4 lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp 11.5 triệu đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền thì người nộp còn bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là nộp đủ số tiền chậm nộp nếu chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế.
Cách tính thuế TNCN theo đối tượng người nộp thuế, loại hợp đồng ?
Luật Trần và Liên Danh cập nhật các nội dung liên quan đến phương pháp khấu trừ thuế TNCN theo quy định pháp luật thuế hiện hành.
Trả lời:
Đối với cá nhân cư trú có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên
Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế * Thuế suất
Thu nhập tính thuế = Thu nhâp chịu thuế – Các khoản giảm trừ
Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Các khoản thu nhập được miễn thuế – Các khoản thu nhập không chịu thuế
Trong đó:
– Tổng thu nhập là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm: Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản tiền phụ cấp, trợ cấp; tiền thưởng, tiền hỗ trợ,….
– Các khoản thu nhập đươc miễn thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC về thuế TNCN:
“i) Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động.”
Và khoản 4 Thông tư 92/2015/TT-BTC về thuế TNCN:
“r) Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam nhận được do làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế.”
Khoản 5 Thông tư 92/2015/TT_BTC:
“s) Thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu và cá nhân làm việc trên tàu có được từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác thủy sản xa bờ.”
– Các khoản thu nhập không chịu thuế TNCN quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, bổ sung tại khoản1 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC; tiết đ.1 điểm d khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, điểm g khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC,…
– Các khoản giảm trừ: quy định tại Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 25 Thông tư 92/2015/TT-BTC. (bao gồm giảm trừ gia cảnh, giảm trừ bảo hiểm)
– Thuế suất sẽ theo biểu lũy tiến từng phần:
Phương pháp tính thuế lũy tiến từng phần được cụ thể hóa theo Biểu tính thuế rút gọn như sau:
Bậc |
Thu nhập tính thuế /tháng |
Thuế suất |
Tính số thuế phải nộp |
|
Cách 1 |
Cách 2 |
|||
1 |
Đến 5 triệu đồng (trđ) |
5% |
0 trđ + 5% TNTT |
5% TNTT |
2 |
Trên 5 trđ đến 10 trđ |
10% |
0,25 trđ + 10% TNTT trên 5 trđ |
10% TNTT – 0,25 trđ |
3 |
Trên 10 trđ đến 18 trđ |
15% |
0,75 trđ + 15% TNTT trên 10 trđ |
15% TNTT – 0,75 trđ |
4 |
Trên 18 trđ đến 32 trđ |
20% |
1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ |
20% TNTT – 1,65 trđ |
5 |
Trên 32 trđ đến 52 trđ |
25% |
4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ |
25% TNTT – 3,25 trđ |
6 |
Trên 52 trđ đến 80 trđ |
30% |
9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ |
30 % TNTT – 5,85 trđ |
7 |
Trên 80 trđ |
35% |
18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 trđ |
35% TNTT – 9,85 trđ |
Cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động
Theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2015, Thuế TNCN phải nộp của đối tượng này được tính bằng 10% trên tổng thu nhập:
“Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
Cá nhân không cư trú
Theo quy định tại Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC:
“1. Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân (×) với thuế suất 20%.
2.Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền côngcủa cá nhân không cư trú được xác định như đối với thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này.
Như vậy, đối với cá nhân không cư trú, công thức tính thuế TNCN như sau:
Thuế TNCN phải nộp = 20% * Thu nhập chịu thuế TNCN
Trong đó: Thu nhập chịu thuế TNCN = Tổng thu nhập – Các khoản thu nhập không chịu thuế TNCN – Các khoản thu nhập được miễn thuế TNCN.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về cách nộp thuế thu nhập cá nhân theo quý Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.