Khái niệm xuất khẩu lao động là gì? Đặc điểm và các hình thức xuất khẩu lao động như thế nào? Đây đều là những thắc mắc chung của rất nhiều người khi tìm hiểu về vấn đề này. Cùng Luật Trần và Liên Danh tham khảo ngay bài viết dưới đây để có cái nhìn tổng quan nhất.
Khái niệm xuất khẩu lao động là gì?
Xuất khẩu lao động là hoạt động mua – bán hàng hóa sức lao động nội địa cho người sử dụng lao động nước ngoài.
Người sử dụng lao động nước ngoài ở đây chính là chính phủ nước ngoài hay cơ quan, tổ chức kinh tế nước ngoài có nhu cầu sử dụng lao động trong nước.
Hàng hóa sức lao động nội địa: là muốn nói tới lực lượng lao động trong nước sẵn sàng cung cấp sức lao động của mình cho người sử dụng lao động nước ngoài.
Hoạt động mua – bán thể hiện ở chỗ người lao động trong nước sẽ bán quyền sử dụng sức lao động của mình trong một khoảng thời gian nhất định cho người sử dụng lao động nước ngoài để nhận về một khoản tiền dưới hình thức tiền lương. Còn người sử dụng nước ngoài sẽ dùng tiền của mình mua sức lao động của người lao động, yêu cầu họ phải thực hiện công việc nhất định nào đó (do hai bên thỏa thuận ) theo ý muốn của mình.
Nhưng hoạt động mua – bán này có một điểm đặc biệt đáng lưu ý là: quan hệ mua-bán chưa thể chấm dứt ngay được vì sức lao động không thể tách rời người lao động. Quan hệ này khởi đầu cho một quan hệt mới – quan hệ lao động. Và quan hệ lao động sẽ chỉ thực sự chấm dứt khi hợp đồng lao động ký kết giữa hai bên hết hiệu lực hoặc bị xóa bỏ hiệu lực theo thỏa thuận của hai bên.
Nội dung xuất khẩu lao động gồm
Xuất khẩu lao động gồm có 2 nội dung:
Đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài
Xuất khẩu lao động tại chỗ (Xuất khẩu lao động nội biên): người lao động trong nước làm việc cho các doanh nghiệp FDI, các tổ chức quốc tế qua Internet.
Xét về nội dung: đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài
Người lao động ở đây bao gồm: người lao động làm các công việc phổ thông, sản xuất , giúp việc….(những công việc ít đòi hỏi trình độ chuyên môn), chuyên gia, tu nghiệp sinh.
Chuyên gia: là những người lao động có trình độ chuyên môn từ bậc đại học trở lên
Tu nghiệp sinh: chỉ những người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn của nước nhập khẩu lao động và nếu muốn vào làm việc ở các nước này họ phải được hợp pháp hóa dưới hình thức tu nghiệp sinh – nghĩa là vừa làm vừa được đào tạo tiếp tục về trình độ chuyên môn kỹ thuật
Các hình thức xuất khẩu lao động
Hình thức xuất khẩu lao động là cách thức thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài do nhà nước quy định. Ở Việt Nam cho đến nay tồn tại các hình thức sau
Cung ứng lao động ra nước ngoài
Nội dung: Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động sẽ tuyển lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo các hợp đồng cung ứng lao động.
Đặc điểm:
Các doanh nghiệp tự mình đảm nhiệm tất cả các khâu từ tuyển chọn đến đào tạo, đưa đi và quản lý người lao động ở nước ngoài
Các yêu cầu về tổ chức lao động do phía nước tiếp nhận đặt ra
Quan hệ lao động được điều chỉnh bởi pháp luật của nước tiếp nhận
Quá trình làm việc là ở nước ngoài, người lao động chịu sự quản lý trực tiếp của người sử dụng lao động nước ngoài
Quyền và nghĩa vụ của người lao động do phía nước ngoài bảo đảm.
Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhận thầu, khoán công trình ở nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài.
Nội dung: Các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận khoán công trình ở nước ngoài hoặc đầu tư dưới hình thức liên doanh, liên kết chia sản phẩm hoặc các hình thức đầu tư khác. Hình thức này chưa phổ biến nhưng sẽ phát triển trong tương lai cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
Đặc điểm:
Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam sẽ tuyển chọn lao động Việt Nam nhằm thực hiện các hợp đồng kinh tế, liên doanh, liên kết giữa Việt Nam và nước ngoài
Các yêu cầu về tổ chức lao động, điều kiện lao động do doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam đặt ra
Doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam trực tiếp đưa lao động sang nước ngoài, quản lý, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ cho lao động tại nước ngoài. Vì vậy quan hệ lao động tương đối ổn định
Cả người sử dụng lao động Việt Nam và lao động Việt Nam đều phải tuân theo pháp luật nước nhập khẩu lao động
Lao động cũng cần có trình độ học vấn, ngoại ngữ tốt, giao tiếp xã hội rộng, tìm hiểu rõ các thông tin về đối tác.
Điều kiện được kinh doanh ngành nghề xuất khẩu lao động
Tổ chức có đủ các điều kiện sau đây thì được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động:
Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn pháp định là 5 (năm) tỷ đồng;
Có đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
Có bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trường hợp doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì phải có phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
Người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trình độ từ đại học trở lên, có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế;
Có tiền ký quỹ theo quy định của Chính phủ. Mức ký quỹ mà Chính phủ quy định là 1 (một) tỷ đồng.
Thủ tục thành lập công ty xuất khẩu lao động
Tổ chức muốn thành lập công ty xuất khẩu lao động thực hiện theo quy trình sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ tại Sở kế hoạch và đầu tư
Hồ sơ thành lập công ty xuất khẩu lao động bao gồm các tài liệu sau:
Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
Điều lệ công ty;
Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc là công ty cổ phần);
Bản sao các giấy tờ: bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiều hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên hoặc cổ đông sáng lập; Bản sao quyết định thành lập công ty, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức; bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của đại diện pháp luật của tổ chức;
Các giấy tờ cần thiết khác (nếu có);
Giấy ủy quyền cho Công ty luật Luật Trần và Liên Danh thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp.
Sau khi nộp hố sơ tại sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, trong thời hạn 03 – 05 ngày làm việc, nếu hồ sơ hợp lệ và đầy đủ thì sở kế hoạch và đầu tư sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 2: Công bố thông tin đăng ký kinh doanh
Doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được công khai. Nội dung công bố bao gồm: Nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Ngành nghề kinh doanh; danh sách cổ đông sáng lập.
Bước 3: Khắc dấu và công bố mẫu dấu
Doanh nghiệp có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể ủy quyền cho công ty Luật Trần và Liên Danh hoặc tự mình thực hiện khắc dấu và thông báo mẫu con dấu với Sở kế hoạch và đầu tư.
Sau khi nhận thông báo về mẫu con dấu, Phòng đăng ký kinh doanh trao giấy biên nhận cho doanh nghiệp, thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Bước 4; Xin cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp chưa được phép hoạt động xuất khẩu lao động ngay mà phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động tại Cục quản lý lao động ngoài nước – Bộ lao động – thương binh và xã hội.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm các tài liệu sau:
Văn bản đề nghị cấp Giấy phép của doanh nghiệp;
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về vốn pháp định 5 tỷ đồng theo quy định;
Giấy xác nhận ký quỹ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp ký quỹ 1 tỷ đồng;
Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
Sơ yếu lý lịch của người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
Phương án tổ chức (đối với doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài) – Mở xem hoặc báo cáo về tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; – Mở xem
Danh sách trích ngang cán bộ chuyên trách trong bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm các nội dung: họ tên, ngày tháng năm sinh, chức vụ, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, nhiệm vụ được giao;
Văn bản ủy quyền cho Công ty Luật Trần và Liên Danh thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động.
Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét cấp Giấy phép cho doanh nghiệp.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về điều kiện thành lập công ty xuất khẩu lao động. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.