Vợ ly hôn nhưng chồng không đồng ý là một trong những trường hợp thường xuyên xảy ra và gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình giải quyết việc ly hôn.
Vậy đối với việc ly hôn khi một bên không đồng ý thì sẽ được xử lý như thế nào? Và thủ tục ly hôn cần những gì? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin nêu trên.
Những quy định chung về ly hôn
Căn cứ theo Khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 định nghĩa về ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Do đó chỉ có Tòa án mới có quyền thụ lý và ra phán quyết đối với việc ly hôn.
Xét về những hậu quả pháp lý do ly hôn, có thể kể đến như chấm dứt quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng, việc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn và quan hệ giữa cha mẹ đối với con cái.
Quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng: Khi quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật, thì các quyền và nghĩa vụ về nhân thân giữa vợ và chồng sẽ đương nhiên chấm dứt, chấm dứt quyền đại diện cho nhau giữa vợ và chồng và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của luật Hôn nhân và gia đình.
Quan hệ tài sản của vợ chồng khi ly hôn: Hai bên có thể thỏa thuận về việc chia tài sản, nếu không thỏa thuận được có thể yêu cầu Tòa án chia tài sản theo nguyên tắc chung.
Quan hệ giữa cha mẹ đối với con cái: Giữa cha, mẹ và con vẫn tồn tại các quyền và nghĩa vụ hay còn gọi là quyền nuôi con theo quy định của Điều 81 luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Quyền đơn phương yêu cầu ly hôn
Căn cứ theo Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình thì việc ly hôn có thể theo yêu cầu của một bên. Ly hôn theo yêu cầu một bên hay còn gọi quyền đơn phương yêu cầu ly hôn được quy định như sau:
Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Điều kiện ly hôn
Quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng có thể chấm dứt nếu hai bên cùng thỏa thuận hoặc theo yêu cầu của một bên.
Theo đó, có hai hình thức ly hôn là ly hôn thuận tình và một bên gửi yêu cầu đơn phương ly hôn.
Điều kiện để ly hôn thuận tình:
– Hai bên thật sự tự nguyện ly hôn
– Hai bên đã thỏa thuận về việc chia tài sản, quyền nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng…
Điều kiện để đơn phương ly hôn:
– Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình
– Khi một người vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài;
– Vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố mất tích;
– Khi một người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do người còn lại gây nên.
Như vậy, trả lời cho câu hỏi vợ muốn ly hôn nhưng chồng không đồng ý thì người chồng cần chứng minh có đủ điều kiện để được ly hôn đơn phương.
Hồ sơ ly hôn đơn phương nhưng chồng không đồng ý
Như vậy, bạn có thể tiến hành ly hôn đơn phương cho dù chồng của mình không đồng ý ký vào đơn ly hôn.
Theo đó, để có thể tiến hành ly hôn đơn phương, đương sự cần phải chuẩn bị hồ sơ và gửi hồ sơ lên tòa án có thẩm quyền để tiến hành giải quyết vụ việc ly hôn đơn phương.
Khi thực hiện việc ly hôn, đương sự cần chuẩn bị hồ sơ ly hôn đơn phương bao gồm những giấy tờ như sau:
Đơn khởi kiện ly hôn (Công ty TNHH Luật Trần và Liên Danh sẽ cung cấp mẫu đơn xin ly hôn đơn phương và hướng dẫn cách làm giấy ly hôn đơn phương cho quý khách hàng có nhu cầu).
Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (Bản gốc);
Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân của vợ và chồng, Sổ hộ khẩu của hai vợ chồng (Bản sao công chứng, chứng thực);
Trích lục bản sao giấy khai sinh của các con;
Giấy chứng minh quyền sở hữu và quyền sử dụng tài sản chung của vợ và chồng (bản photo công chứng/ chứng thực) như: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ); Đăng ký xe; sổ tiết kiệm…
Giấy tờ liên quan đến nợ chung;
Giấy xác nhận nơi cư trú, nhân thân của bị đơn;
Biên bản hòa giải cấp cơ sở để xác định về mâu thuẫn dẫn đến ly hôn.
Trình tự thủ tục ly hôn đơn phương nhưng chồng không đồng ý theo quy định mới nhất
Để thủ tục ly hôn đơn phương được giải quyết nhanh chóng, người yêu cầu ly hôn có thể tự mình thực hiện hoặc sử dụng dịch vụ tư vấn ly hôn đơn phương nhưng chồng không đồng ý do Luật Trần và Liên Danh cung cấp.
Dù bằng phương thức nào, người có yêu cầu cũng cần phải nắm rõ trình tự, thủ tục đơn phương ly hôn mới nhất gồm các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ: Vợ hoặc chồng phải chuẩn bị hồ sơ ly hôn đơn phương gồm những gì đã nêu ở trên. Ngoài ra, nếu có chứng cứ chứng minh vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình, không thực hiện nghĩa vụ… thì cũng phải cung cấp cho Tòa án.
Bước 2: Nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương tại cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể trong trường hợp đơn phương ly hôn thì đương sự nộp đơn đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị yêu cầu ly hôn đơn phương cư trú hoặc làm việc.
Nếu thủ tục ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài hay làm thủ tục ly hôn đơn phương khi chồng ở nước ngoài sẽ do Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện.
Bước 3: Tiếp nhận, xem xét hồ sơ và thụ lý vụ án:
Sau khi nhận được đơn từ nguyên đơn, Tòa án phải xem xét có thụ lý đơn hay không sau 05 ngày làm việc.
Nếu hồ sơ hợp lệ thì Tòa án gửi thông báo cho nguyên đơn đóng tiền tạm ứng án phí, Tòa án ra quyết định thụ lý đơn ly hôn đơn phương từ thời điểm nguyên đơn nộp biên lai đã đóng tiền tạm ứng án phí (Điều 191 và Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Bước 4: Tham gia phiên giao nộp, tiếp cận tài liệu, chứng cứ
Để làm sáng tỏ nội dung của vụ án ly hôn, trong giai đoạn xét xử, thẩm phán tiến hành mở phiên họp giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ.
Tại phiên họp này, người khởi kiện ly hôn đơn phương phải có mặt theo yêu cầu của tòa án.
Trường hợp nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án Điểm c Khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Bước 5: Tiến hành hòa giải: Thủ tục hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ án ra xét xử trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Nếu hòa giải thành: Tòa án lập biên bản hòa giải thành và sau 07 ngày mà các đương sự không thay đổi về ý kiến thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành và quyết định này có hiệu lực ngay và không được kháng cáo kháng nghị.
Nếu hòa giải không thành: Tòa án cũng phải lập biên bản hòa giải không thành sau đó ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Bước 6: Mở phiên tòa xét xử ly hôn đơn phương: Trong thời hạn 01 tháng kể từ khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, các bên được Tòa án gửi giấy triệu tập và được thông báo rõ về thời gian, địa điểm mở phiên Tòa xét xử ly hôn đơn phương.
Bước 7: Ra bản án ly hôn đơn phương
Nếu không hòa giải thành và xét thấy đủ điều kiện để giải quyết ly hôn thì khi kết thúc phiên tòa, Tòa án sẽ ra bản án chấm dứt quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng.
Chia tài sản khi ly hôn
Về nguyên tắc, ly hôn là sự thỏa thuận của hai vợ chồng. Về tài sản sau khi ly hôn cũng thế. Nếu hai bên thỏa thuận được thì Tòa án sẽ công nhận sự thỏa thuận về tài sản của hai người.
Trong trường hợp không thể thỏa thuận được, Tòa sẽ giải quyết theo hướng chia đôi nhưng có căn cứ vào các yếu tố sau:
– Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
– Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.
– Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng
Quy định về chia tài sản khi ly hôn cụ thể tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Vấn đề giành quyền nuôi con sau khi ly hôn
Một trong những vấn đề quan trọng không kém việc chia tài sản chính là vấn đề giành quyền được nuôi con và cấp dưỡng sau khi ly hôn.
Điều 80 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, khi ly hôn, hai vợ chồng thỏa thuận được về người nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên thì Tòa án sẽ công nhận thỏa thuận đó.
Ngược lại, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giao cho con một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Khi đó, cha hoặc mẹ phải chứng minh mình đủ điều kiện để đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con như: điều kiện kinh tế, tinh thần…
Lưu ý là, khi con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Ngoài ra, người nào không trực tiếp nuôi con phải có trách nhiệm cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng do thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.
Quyền nuôi con đối với từng độ tuổi của con
Con dưới 03 tuổi: được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Con trên 03 tuổi nhưng chưa đủ 07 tuổi: căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
Con từ đủ 07 tuổi trở lên: ngoài căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con còn phải xem xét nguyện vọng của con.
Như vậy, vợ và chồng có quyền thỏa thuận với nhau về việc nuôi con, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con sau khi ly hôn. Tuy nhiên, con dưới 36 tháng tuổi được ưu tiên hơn cho người mẹ nuôi nếu người mẹ có đủ điều kiện chăm nom, chăm sóc và giáo dục con cái.
Việc pháp luật quy định như vậy vì lúc này độ tuổi đứa trẻ còn quá nhỏ và nếu đứa trẻ người mẹ chăm sóc sẽ tốt hơn cho sự phát triển của đứa trẻ đó. Quyền nuôi con trên 3 tuổi khi ly hôn sẽ ngang bằng giữa hai vợ chồng.
Con trên 07 tuổi phải hỏi ý kiến, nguyện vọng của con vì lúc này trẻ bắt đầu có nhận thức về việc muốn ở với cha hay mẹ khi cha mẹ không còn sống chung với nhau.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc liên quan đến thắc mắc vợ muốn ly hôn nhưng chồng không đồng ý thì giải quyết như thế nào?
Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn giành quyền nuôi con khi ly hôn qua HOTLINE của Luật Trần và Liên Danh.