Lý lịch tư pháp xác nhận thông tin của cá nhân để chứng minh người đó có án tích hay không. Tùy từng mục đích khác nhau mà nhiều người có nhu cầu xin lý lịch tư pháp.
Hiện tại có 2 cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp là: Sở Tư pháp và Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia. Tuy nhiên thực tế nhiều người chưa biết đến Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia. Bài viết chúng tôi xin giải đáp các nội dung xoay quanh vấn đề trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia đến bạn đọc.
Lý lịch tư pháp là gì?
Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, lý lịch tư pháp chính là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý hợp tác xã, doanh nghiệp trong trường hợp mà hợp tác xã, doanh nghiệp bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Phiếu lý lịch tư pháp là tài liệu dùng để chứng minh cá nhân là người có hay không có những án tích. Vì điều này ảnh hưởng đến việc một cá nhân có thể hay không thể đảm nhiệm chức vụ, thành lập hay quản lý hợp tác xã hoặc doanh nghiệp trong trường hợp mà hợp tác xã hoặc doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản.
Theo quy định tại Quyết định số 97/QĐ-BTP ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức như sau:
Chức năng của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia Bộ Tư pháp
Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia (sau đây gọi là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi cả nước.
Trung tâm có tư cách pháp nhân, có trụ sở tại thành phố Hà Nội, có con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia Bộ Tư pháp
Về xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp
a) Xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi cả nước;
b) Hướng dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Sở Tư pháp);
c) Tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp do Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an, cơ quan thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng và Sở Tư pháp cung cấp;
d) Tiếp nhận Lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp cung cấp;
đ) Cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp;
e) Lập Lý lịch tư pháp, cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo thẩm quyền;
g) Cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của người nước ngoài bị Toà án Việt Nam kết án theo yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
Thực hiện một số nhiệm vụ trong lĩnh vực lý lịch tư pháp do Bộ trưởng giao, gồm:
a) Xây dựng, trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chủ trương, chính sách trung và dài hạn về lý lịch tư pháp;
b) Xây dựng đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về lý lịch tư pháp để Bộ trưởng ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; tham gia thẩm định, góp ý các dự án, dự thảo văn bản khác do Bộ trưởng giao;
c) Xây dựng, trình Bộ trưởng kế hoạch công tác dài hạn, 5 năm, hàng năm của Trung tâm; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn, 05 năm và hàng năm của ngành Tư pháp;
d) Xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành và hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng các biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về lý lịch tư pháp;
đ) Tổ chức triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chủ trương, chính sách, đề án, dự án; các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi chức năng của Trung tâm và hướng dẫn nghiệp vụ về lý lịch tư pháp;
e) Thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lý lịch tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về lý lịch tư pháp theo phân công, phân cấp của Bộ;
g) Triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý lý lịch tư pháp theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
h) Thực hiện hợp tác quốc tế về lý lịch tư pháp theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
i) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về lý lịch tư pháp và việc quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo quy định của pháp luật.
Thực hiện kiểm tra, tham gia thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
Thực hiện chế độ tài chính, kế toán và quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản của Trung tâm theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng và quản lý đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của Trung tâm theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
Cơ cấu tổ chức của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia Bộ Tư pháp
a) Lãnh đạo Trung tâm gồm có: Giám đốc và không quá 03 (ba) Phó Giám đốc.
b) Các tổ chức trực thuộc Trung tâm:
– Phòng Hành chính – Tổng hợp;
– Phòng Tiếp nhận và xử lý thông tin;
– Phòng Dữ liệu lý lịch tư pháp.
Quy định của Luật Lý lịch tư pháp về mục đích quản lý lý lịch tư pháp
Theo quy định của Luật lý lịch tư pháp, quản lý lý lịch tư pháp nhằm hướng đến bốn mục đích cơ bản sau đây:
Một là, đáp ứng yêu cầu cần chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Hai là, ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hoà nhập cộng đồng.
Ba là, hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự.
Bốn là, hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Việc đáp ứng các yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức nêu trên được thực hiện thông qua Phiếu lý lịch tư pháp – là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Theo đó, quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức được pháp luật quy định cụ thể như sau:
– Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.
– Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.
– Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Theo quy định của Luật lý lịch tư pháp thì có hai loại Phiếu lý lịch tư pháp, bao gồm Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu lý lịch tư pháp số 2.
Nội dung của Phiếu lý lịch tư pháp số 1 xác nhận về tình trạng án tích và xác nhận thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã (nếu có yêu cầu). Theo đó, về tình trạng án tích: Đối với người không bị kết án; Đối với người được xóa án tích và thông tin về việc xóa án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp; Đối với người được đại xá và thông tin về việc đại xá đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”. Trường hợp người bị kết án chưa đủ điều kiện được xóa án tích thì ghi “có án tích”, tội danh, hình phạt chính, hình phạt bổ sung.
Về xác nhận thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã: Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”. Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không có yêu cầu thì nội dung xác nhận về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã không ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp số 1.
Nội dung của Phiếu lý lịch tư pháp số 2 xác nhận về tình trạng án tích và thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo đó, về tình trạng án tích: Đối với người không bị kết án thì ghi là “không có án tích”.
Đối với người đã bị kết án thì ghi đầy đủ án tích đã được xoá, thời điểm được xoá án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Toà án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án.
Trường hợp người bị kết án bằng các bản án khác nhau thì thông tin về án tích của người đó được ghi theo thứ tự thời gian. Về xác nhận thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã: Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”.
Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Qua nghiên cứu quy định pháp luật về nội dung ghi trong Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu lý lịch tư pháp số 2 rõ ràng nội dung xác nhận giữa Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu lý lịch tư pháp số 2 có sự khác nhau. Phiếu lý lịch tư pháp số 1 chỉ ghi những án tích chưa được xóa (những án tích đã được xóa không ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp số 1). Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cũng không ghi thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức không có yêu cầu.
Khác với Phiếu lý lịch tư pháp số 1, Phiếu lý lịch tư pháp số 2 ghi đầy đủ các thông tin của cá nhân, bao gồm các thông tin về án tích (đối với người đã bị kết án thì ghi đầy đủ án tích đã được xóa, thời điểm được xóa án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Tòa án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án) và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trên cơ sở quy định về quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, nội dung xác nhận của từng loại Phiếu lý lịch tư pháp, Luật lý lịch tư pháp tiếp tục quy định cụ thể về quyền của từng chủ thể trong việc yêu cầu cấp các loại Phiếu lý lịch tư pháp (bao gồm Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu lý lịch tư pháp số 2), cụ thể:
(i) Đối với cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp (bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam) có quyền yêu cầu cấp cả hai loại Phiếu lý lịch tư pháp: Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu lý lịch tư pháp số 2. Trong đó, Phiếu lý lịch tư pháp số 2 chỉ cấp theo yêu cầu của cá nhân nhằm mục đích “để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình” nên cá nhân không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2. Trong khi đó, cá nhân khi có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
– Đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội chỉ có quyền yêu cầu cấp một loại Phiếu lý lịch tư pháp, đó là Phiếu lý lịch tư pháp số 1 để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
– Đối với cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.