Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Bài viết dưới đây Luật Trần và Liên Danh sẽ cung cấp đến bạn đọc quy định của pháp luật về bản gốc lý lịch tư pháp, hãy cùng tìm hiểu nhé!
Lý lịch tư pháp là gì?
Khoản 1 Điều 2, Luật Lý lịch tư pháp số 28/2009/QH12 đưa ra định nghĩa rõ ràng về lý lịch tư pháp. Theo đó:
“Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.”
Có 02 loại phiếu lý lịch tư pháp, phân biệt với nhau rõ ràng dựa theo nội dung thể hiện trên phiếu đó, cụ thể:
Phiếu lý lịch tư pháp số 1 là Phiếu ghi các án tích chưa được xóa và không ghi các án tích đã được xóa; thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp số 1 khi cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu.
Phiếu lý lịch tư pháp số 2 là Phiếu ghi đầy đủ các án tích, bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Đối tượng được cấp Lý lịch tư pháp tại Việt Nam
Theo quy định tại Điều 7, Luật lý lịch tư pháp năm 2009, Lý lịch tư pháp Việt Nam được cấp cho các đối tượng sau:
Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.
Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Lý lịch tư pháp để làm gì?
Mục đích yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp là để:
Chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không
Ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án có thể tái hoà nhập cộng đồng.
Hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và hoạt động thống kê tư pháp hình sự.
Hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã…
Lý lịch tư pháp có thời hạn bao lâu?
Hiện nay, Luật Lý lịch tư pháp 2009 hay các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có bất kỳ quy định nào về thời hạn lý lịch tư pháp.
Tuy nhiên, tùy theo tính chất, lĩnh vực mà thời hạn của lý lịch tư pháp được quy định khác nhau tại các văn bản. Ví dụ, để xin giấy phép lao động cho người nước ngoài, người lao động nước ngoài bắt buộc phải xin Lý lịch tư pháp và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ nhận các Phiếu lý lịch tư pháp còn thời hạn 06 tháng tính từ ngày nộp hồ sơ.
Do đó, khi chuẩn bị hồ sơ tương ứng có yêu cầu lý lịch tư pháp, bạn cần tìm hiểu về thời hạn lý lịch tư pháp để chuẩn bị cho đúng.
Làm lý lịch tư pháp bản gốc mất bao lâu?
Điều 48 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định rõ về thời gian cấp lý lịch tư pháp như sau:
Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ.
Thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp không quá 15 ngày nếu người được cấp là:
công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài,
người nước ngoài;
người nước ngoài đã cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kể từ khi đủ 14 tuổi trở lên;
Trường hợp khẩn cấp quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này thì thời hạn không quá 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu.
Làm lý lịch tư pháp bao nhiêu tiền?
Lệ phí làm lý lịch tư pháp được quy định tại Thông tư số 244/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó,
Phí cấp phiếu lý lịch tư pháp: 200.000 đồng/phiếu;
Phí làm lý lịch tư pháp cho sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ (gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi dưỡng liệt sỹ): 100.000 đồng/người;
Ngoài ra, trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 02 Phiếu lý lịch tư pháp trong một lần yêu cầu, thì kể từ Phiếu thứ 3 trở đi tổ chức thu phí được thu thêm 5.000 đồng/Phiếu để bù đắp chi phí cần thiết cho việc in mẫu Phiếu lý lịch tư pháp.
Những trường hợp sau đây được miễn lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp:
Người cao tuổi theo quy định của Luật người cao tuổi;
Người khuyết tật theo quy định của Luật người khuyết tật;
Người thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật;
Người cư trú tại xã đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
Lý lịch tư pháp xin ở đâu?
Theo Điều 44 quy định Thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp, thì:
Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú và Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam sẽ xin cấp Lý lịch tư pháp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia; và
Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước, và Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài, và Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam xin cấp Lý lịch tư pháp tại Sở tư pháp tại tỉnh đang cư trú.
Dưới đây là địa chỉ một số cơ quan làm Lý lịch tư pháp:
Địa chỉ làm lý lịch tư pháp ở Hà Nội:
Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia: Tầng 6 – Nhà A – Học viện Tư pháp – Phố Trần Vỹ, Phường Mai Dịch, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Sở Tư pháp Hà Nội: 221 Trần Phú, P. Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội
Làm lý lịch tư pháp ở đâu TPHCM:
Sở tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh: 143 Pasteur, Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Làm lý lịch tư pháp cần giấy tờ gì?
Để yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, bạn sẽ cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
Tờ khai yêu cầu cấp giấy lý lịch tư pháp (Mẫu số 03/2013/TT-LLTP nếu tự xin hoặc Mẫu 04/2013/TT-LLTP nếu ủy quyền xin)
Bản sao chứng minh thư hoặc hộ chiếu
Bản sao sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú/tạm trú
Mẫu giấy ủy quyền làm lý lịch tư pháp có chứng nhận của Ủy ban nhân dân phường/xã nếu là công dân Việt Nam đang sinh sống trong nước hoặc cơ quan ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài nếu là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài (trừ trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp) và bản sao chứng minh thư của người được ủy quyền, trong trường hợp cá nhân uỷ quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1. Đối với phiếu lý lịch tư pháp số 2, cá nhân không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục.
Hướng dẫn cách làm lý lịch tư pháp bản gốc
Có 3 cách làm Lý lịch tư pháp, bao gồm:
Làm lý lịch tư pháp trực tiếp tại cơ quan cấp Lý lịch tư pháp,
Làm lý lịch tư pháp online;
Làm Lý lịch tư pháp qua bưu điện.
Trong phần này, chúng tôi sẽ hướng dẫn thủ tục xin lý lịch tư pháp trực tiếp, tức là trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan cấp lý lịch tư pháp.
Thủ tục cấp lý lịch tư pháp theo cách này bao gồm 3 bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo checklist ở trên. Lưu ý chuẩn bị hồ sơ theo đúng quy định, để tránh phải chuẩn bị lại;
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Bạn mang các giấy tờ đã chuẩn bị lên cơ quan cấp lý lịch tư pháp để nộp.
Lưu ý thời gian làm việc của các cơ quan này để tránh phải đi lại nhiều lần. Ví dụ, thời gian làm việc của Sở tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh là thứ 2 đến thứ 6, Sáng 7h30 đến 11h30, Chiều 13h00 đến 17h00, Thứ 7 Sáng 7h30 đến 11h30; thời gian làm việc của Sở tư pháp Hà Nội là sáng từ thứ 2 đến thứ 6, sáng từ 8h00 đến 11h30 và chiều từ 13h00 đến 16h30.
Khi hồ sơ đầy đủ, bạn sẽ đóng phí và nhận được phiếu hẹn kết quả.
Bước 3: Nhận kết quả:
Vào ngày hẹn nêu trong giấy hẹn, bạn đến cơ quan cấp lý lịch tư pháp để nhận kết quả lý lịch tư pháp của mình.
Khi đó, bạn phải đọc kỹ thông tin trong Lý lịch tư pháp, và hỏi ngay cán bộ trả hồ sơ nếu có thông tin chưa khớp.
Phân biệt phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2 như thế nào ?
Có thể phân biệt phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2 bằng các nội dung như sau:
Tiêu chí |
Phiếu lý lịch tư pháp số 1 |
Phiếu lý lịch tư pháp số 2 |
Cấp cho đối tượng nào? |
Cấp cho người nước ngoài đang hoặc đã cư trú tại Việt Nam; cấp cho công dân Việt Nam theo yêu cầu của cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền như tổ chức chính trị, cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng,… |
Cấp theo nhu cầu cá nhân, cấp cho bên cơ quan tiến hành tố tụng |
Mục đích |
–Cấp cho cá nhân: nhằm phục vụ nhu cầu của mỗi cá nhân trong đời sống để làm hồ sơ xin việc hay giấy phép lao động nhất là những trường hợp muốn xuất khẩu lao động sang nước ngoài. – Cấp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: để các cơ quan này có thể quản lý nhân sự và dự vào đó để xem xét các hoạt động đăng ký kinh doanh cũng như thành lập hay quản lý hợp tác xã, doanh nghiệp. |
–Cấp cho cơ quan tố tụng: mục đích là để sử dụng trong công tác điều tra, xét xử cá nhân, tổ chức,… – Cấp theo yêu cầu của các cá nhân: để các cá nhân nắm được lý lịch tư pháp của mình. |
Nội dung của phiếu |
– Phần án tích của phiếu chỉ được ghi những án tích chưa được xóa. – Các thông tin về chức vụ, khả năng thành lập cũng như quản lý hợp tác xã, doanh nghiệp chỉ được ghi vào khi cá nhân hoặc các tổ chức, cơ quan có yêu cầu. |
–Phần án tích của phiếu phải ghi đầy đủ các án tích đã xóa và các án tích chưa được xóa. – Nội dung phải có đầy đủ nội dung về chức vụ bị cấm đảm nhiệm, cấm thành lập và quản lý hợp tác xã, doanh nghiệp. |
Ủy quyền |
–Người khác có thể làm thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 nếu có ủy quyền của cá nhân. |
–Cá nhân phải trực tiếp xin cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 mà không được ủy quyền cho người khác. |
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về cách làm bản gốc lý lịch tư pháp Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.