Luật quản lý thuế năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/07/2020 đã có nhiều những thay đổi mới về thủ tục liên quan đến thực hiện nghĩa vụ về thuế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân và thủ tục về quyết toán thuế. Dưới đây là thủ tục nộp thuế tncn qua mạng, hãy cùng Luật Trần và Liên Danh tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Thuế thu nhập cá nhân là gì?
Đóng thuế là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân vì thuế là nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước để đảm bảo các phúc lợi xã hội cho người dân. Hiểu đầy đủ về thuế là tiền đề để mỗi cá nhân thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình. Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là loại thuế đánh vào phần thu nhập vượt trên mức quy định phải đóng thuế của tất cả các cá nhân có phát sinh thu nhập và được thu trực tiếp vào khoản thu nhập mà cá nhân đó thu được (thuế này được gọi là thuế trực thu).
Các cá nhân có phát sinh thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau mà thuộc thu nhập phải chịu thuế thì bắt buộc phải quyết toán thuế TNCN. Việc quyết toán này có thể được làm bởi cá nhân đó hoặc được tổ chức, doanh nghiệp nơi cá nhân đó đang công tác làm thay.
Hiểu đơn giản thì đây là khoản tiền mà các cá nhân có thu nhập phải trích ra từ tiền lương, tiền công để đóng vào ngân sách Nhà nước.
Đối với các nhân viên làm tại các doanh nghiệp (DN), phần thuế này sẽ luôn xuất hiện tại một mục trên bảng lương.
Đối tượng cần phải đóng thuế TNCN: Các cá nhân cư trú và không cư trú tại Việt Nam có thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, Nhà nước không đánh thuế vào những cá nhân có thu nhập thấp với mức lương chỉ đủ nuôi sống bản thân. Từ đó, sự chênh lệch các tầng lớp dân cư về mặt thu nhập sẽ được giảm bớt.
Về quyết toán thuế thu nhập cá nhân
– Khai quyết toán thuế là việc xác định số tiền thuế phải nộp của năm tính thuế hoặc thời gian từ đầu năm tính thuế đến khi chấm dứt hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế hoặc thời gian từ khi phát sinh đến khi chấm dứt hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Tất cả các cá nhân cư trú có phát sinh thu nhập từ tiền công, tiền lương, từ sản xuất kinh doanh…phải làm quyết toán thuế TNCN. Đối với các cá nhân chỉ có một nguồn thu nhập tại một tổ chức thì thường sẽ được tổ chức đó quyết toán thay, việc này còn được gọi là ủy quyền quyết toán thuế TNCN. Còn cá nhân có phát sinh từ nhiều nguồn thu nhập thì phải tự làm quyết toán.
Ở các tổ chức, nhân viên kế toán thuế TNCN sẽ làm khấu trừ thuế TNCN đinh kỳ hàng tháng và cuối năm sẽ làm quyết toán thuế. Nếu vào kỳ quyết toán, cá nhân có phát sinh tiền thuế TNCN phải đóng thêm thì sẽ trích nộp tiền thuế TNCN từ tiền lương của cá nhân này (nếu cá nhân này còn làm việc tại tổ chức này).
Nếu số tiền thuế đã nộp lớn hơn tiền thuế quyết toán năm thì sẽ làm thủ tục hoàn thuế TNCN lại cho cá nhân đó. Tất cả việc này được cá nhân ủy cho tổ chức thực hiện và tổ chức được ủy quyền phải có trách nhiệm trong việc thực hiện đúng nghĩa vụ quyết toán thuế TNCN với nhà nước.
Nhưng cũng có một số trường hợp không được ủy quyền quyết toán thuế, các bạn lưu ý những trường hợp này.
Theo Thông tư 92/2015/TT-BTC, Khoản 3 Điều 21 quy định, cá nhân đảm bảo đủ điều kiện được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế theo quy định nhưng đã được tổ chức, cá nhân thu nhập cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN thì không ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập (trừ trường hợp tổ chức, cá nhân trả thu nhập đã thu hồi và hủy chứng từ khấu trừ thuế đã cấp cho cá nhân). (Trích dẫn từ thông tư).
Hoặc cá nhân thuộc diện phải quyết toán thuế TNCN thì trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế trên toàn bộ thu nhập phát sinh trong năm, không được ủy quyền cho tổ chức nào cả.
Thu nhập bao nhiêu thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân?
Theo quy định tại Điều 19 Văn bản hợp nhất 15/VBHN-VPQH ngày 11 tháng 12 năm 2014 hợp nhất Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 ngày 2 tháng 6 năm 2020 Về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân quy định mức giảm trừ gia cảnh sẽ áp dụng như sau:
– Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần sau đây:
a) Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);
b) Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
– Việc xác định mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc thực hiện theo nguyên tắc mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế.
– Người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, bao gồm:
a) Con chưa thành niên; con bị tàn tật, không có khả năng lao động;
b) Các cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định, bao gồm con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề; vợ hoặc chồng không có khả năng lao động; bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; những người khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.
Tức là thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng và không có người phụ thuộc mới phải nộp thuế. Nếu có một người phụ thuộc thì thu nhập trên 15,4 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế. Có hai người phụ thuộc thì thu nhập trên 19,8 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế.
Trường hợp trong năm, NLĐ đã nộp thuế TNCN (thuế TNCN tạm tính hàng tháng), khi quyết toán thuế TNCN nếu có số tiền thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp hoặc thu nhập tính thuế chưa đến mức phải nộp thuế thì được hoàn trả lại theo quy định.
Ví dụ: Anh A có thu nhập chịu thuế 10 triệu/tháng thì anh A chưa phải nộp thuế.
Anh A có thu nhập chịu thuế 12 triệu/tháng và không có người phụ thuộc thì anh A sẽ phải nộp thuế đối với phần vượt quá 11 triệu.
Anh A có thu nhập chịu thuế 12 triệu/tháng và có một con là người phụ thuộc thì anh A chưa phải nộp thuế vì tổng thu nhập chịu thuế nhỏ hơn tổng giảm trừ bản thân và giảm trừ gia cảnh.
Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân
Thứ nhất, đã ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, sẽ tính thuế TNCT theo biểu lũy tiền từng phần. Từng phần trong khoản thu nhập sẽ có những mức khác nhau, nếu thu nhập càng cao thì sẽ phải đóng mức thuế suất cao.
Thứ hai, người lao động ký hợp đồng thời hạn dưới 3 tháng hoặc không ký hợp đồng thì sẽ tính 10% trong tổng thu nhập của người đó.
Thứ ba, đối với cá nhân là người không cư trú tại Việt Nam (người ngoại quốc), sẽ được xác định thuế TNCT bằng việc chịu thuế từ tiền lương (tiền công) nhân với thuế suất 20%.
Như vậy, để tính được thuế TNCT, người lao động phải xác định được bản thân là người cư trú hay không cư trú. Kế đến, phải xét thời hạn của hợp đồng lao động đã ký là bao lâu.
Hướng dẫn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN qua mạng
Hiện nay, cá nhân thuộc diện trực tiếp quyết toán thuế TNCN từ tiền lương, tiền công có thể thực hiện nộp hồ sơ khai quyết toán thuế TNCN thông qua phương thức điện tử theo một trong hai hình thức:
Nộp hồ sơ quyết toán thuế, kê khai trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế
Gửi tờ khai quyết toán thuế TNCN qua ứng dụng HTKK
Lưu ý, chỉ áp dụng đối với cá nhân đã đăng ký tài khoản giao dịch thuế điện tử với cơ quan Thuế.
Nộp hồ sơ quyết toán thuế, kê khai trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế
Với hình thức này, cá nhân nộp thuế sẽ thực hiện Khai tờ khai 02/QTT-TNCN và nộp hồ sơ quyết toán thuế trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
3 bước thực hiện cụ thể như sau:
Bước 1:
Truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế tại địa chỉ: thuedientu.gdt.gov.vn bằng tài khoản giao dịch thuế điện tử đã đăng ký với cơ quan Thuế.
Bước 2:
Tại mục Quyết toán thuế/ Kê khai trực tuyến, chọn Tờ khai 02/QTT-TNCN – Tờ khai quyết toán thuế TNCN.
Thực hiện kê khai trực tuyến tờ khai 02/QTT-TNCN, nhập đầy đủ thông tin trên tờ khai 02/QTT-TNCN. Gửi bản chụp tài liệu kèm theo theo quy định (nếu có).
Nhập mã xác thực (OTP) gửi đến số điện thoại đã đăng ký với cơ quan Thuế.
Bước 3:
Sau khi hoàn thành nộp hồ sơ Quyết toán thuế, trong vòng 15 phút kể từ khi nhận được hồ sơ khai thuế điện tử của người nộp thuế, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế sẽ gửi Thông báo tiếp nhận hồ sơ khai thuế điện tử qua địa chỉ thư điện tử và tin nhắn SMS đến số điện thoại đã đăng ký với cơ quan Thuế.
Thời hạn nhận Thông báo chấp nhận hoặc không chấp nhận hồ sơ khai thuế điện tử từ Tổng Cục thuế là trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày ghi trên Thông báo tiếp nhận nộp hồ sơ khai thuế điện tử.
Hình thức: qua địa chỉ thư điện tử và tin nhắn đến số điện thoại đã đăng ký với cơ quan Thuế.
Gửi tờ khai quyết toán thuế TNCN qua ứng dụng HTKK
Với hình thức này, người nộp thuế sẽ thực hiện kê khai Tờ khai quyết toán thuế TNCN theo mẫu tờ khai 02/QTT-TNCN trên ứng dụng HTKK.
Tiếp đó, kết xuất tờ khai theo định dạng XML và đăng nhập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế tại địa chỉ thuedientu.gdt.gov.vn.
Lưu ý, cá nhân phải có tài khoản giao dịch thuế điện tử đã được đăng ký với cơ quan Thuế.
Kế đến, ấn chọn mục Quyết toán thuế/ Gửi tờ khai quyết toán thuế để đính kèm Tờ khai 02/QTT-TNCN kèm theo bản chụp các tài liệu kèm theo theo quy định.
Thực hiện nộp hồ sơ quyết toán thuế theo 3 bước tương tự như hướng dẫn tại mục 2.1.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về thủ tục nộp thuế tncn qua mạng Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.