Nguyên tắc thừa kế tài sản

nguyên tắc thừa kế tài sản

Thừa kế là một trong những chế định quan trọng của pháp luật dân sự cũng như là vấn đề gây khá nhiều tranh cãi trên thực tế.

Vậy khi tiến hành việc thừa kế, các chủ thể có liên quan trước hết phải tuân thủ các nguyên tắc thừa kế tài sản cơ bản của pháp luật về thừa kế.

Nguyên tắc pháp luật thừa kế là gì?

Nguyên tắc pháp luật thừa kế là những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật thừa kế. Thông qua đó góp phần phản ánh bản chất cũng như đặc trưng cơ bản của pháp luật thừa kế ở nước ta.

vậy, từ khi hình thành đến nay, những nguyên tắc pháp luật thừa kế ở nước ta có sự thay đổi phù hợp với bản chất của nhà nước ở từng giai đoạn lịch sử.

Đặc điểm

Là một hiện tượng xã hội tồn tại khách quan không phụ thuộc vào bất kì cá nhân nào trong xã hội.

Tồn tại song song với quyền sở hữu. Không có quyền sở hữu thì không có quyền thừa kế.

Là hệ quả tất yếu của quyền sở hữu. Chủ sở hữu có quyền sở hữu; định đoạt tài sản theo nhiều cách khác nhau; việc để lại tài sản cho người khác cũng là một cách.

Việc người thừa kế được thừa kế tài sản của người chết cũng là một căn cứ để làm phát sinh quyền đối với tài sản.

Phát sinh khi có một cá nhân chết đi mà không có tài sản thừa kế thì quan hệ thừa kế không phát sinh.

Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật về thừa kế

Bình đẳng về thừa kế của cá nhân

Việc bình đẳng về thừa kế của cá nhân được thể hiện ở việc các hàng thừa kế có các chủ thể có đặc điểm khác nhau nhưng vẫn đứng chung hàng thừa kế và được hưởng phần di sản thừa kế bằng nhau

Khoản 1 điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về những người thừa kế theo pháp luật như sau:

– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Điều này cho thấy pháp luật đã có sự bình đẳng trong việc nhận di sản thừa kế của vợ và chồng, theo đó vợ hoặc chồng sẽ được nhận di sản thừa kế nếu bên kia chết trước.

Cha mẹ cũng được hưởng di sản bằng nhau và con cái không phân biệt con trai con gái, con đẻ con nuôi đều được nhận di sản bằng nhau.

– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Điều này cho thấy rằng những người thân thích khác của người để lại di sản thừa kế cũng được hưởng phần thừa kế ngang bằng nhau nếu như họ đứng cùng hàng thừa kế.

Tôn trọng quyền định đoạt tài sản của người để lại di sản

Người để lại di sản hoàn toàn có quyền chủ động đưa ra những ai có quyền được hưởng di chúc, mỗi người được hưởng bao nhiêu hoặc những ai bị truất quyền hưởng di chúc, dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng, giao nghĩa vụ cho người thừa kế, chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản… mà không bị phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể khác.

– Ngoài ra người lập di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.

– Nếu một người chết để lại di chúc thì phải thực hiện việc dịch chuyển tài sản đến người có quyền được hưởng di sản thừa kế theo đúng ý chí của người lập di chúc. Việc hưởng di sản thừa kế theo pháp luật chỉ xảy ra nếu không có di chúc, di chúc không hợp pháp và các nguyên do khác phát sinh từ người thừa kế.

Tôn trọng quyền của người hưởng thừa kế

Pháp luật dân sự thiết lập các quan hệ dân sự mà ở đó các chủ thể tham gia có quyền tự quyết định cao, tự do ý chí khi thực hiện các quan hệ đó.

Vậy nên người thừa kế cũng có quyền từ chối nhận di sản thừa kế trừ trường hợp nguyên do nhận là để trốn tránh nghĩa vụ tài sản với người khác.

Bảo đảm quyền lợi của một số người thừa kế theo quy định của pháp luật

Pháp luật cho phép những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó với điều kiện họ không từ chối nhận di sản hoặc thuộc vào các trường hợp bị cấm nhận di sản:

– Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

– Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Điều này giúp cho việc đảm bảo quyền lợi của những chủ thể chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi khi họ không được quy định hưởng di sản theo di chúc hoặc được hưởng ít hơn phần của một người thừa kế theo pháp luật.

nguyên tắc thừa kế tài sản
nguyên tắc thừa kế tài sản

Nguyên tắc phân chia di sản thừa kế?

Thưa luật sư: A và B là vợ chồng hợp pháp có tài sản chung là 600 triệu có hai con chung là C 15 tuổi và D 20 tuổi có khả năng lao động. Bà B có tài sản riêng 100 triệu có con riêng là E 17 tuổi và bà B còn có mẹ ruột là F.

Khi bà B chết để lại di chúc hợp pháp toàn bộ tài sản cho Em. Xin hỏi luật sư trong trường hợp này chia thế nào?

Em xin cảm ơn!

Trả lời:

Bà B để lại di chúc cho E toàn bộ di sản tuy nhiên thì theo quy định của pháp luật thì các trường hợp sau đây vẫn được hưởng di sản thừa kế mà không phụ thuộc vào di chúc theo Luật dân sự năm 2015:

Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc:

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.

Theo quy định của bộ luật dân sự 2015 về người thành niên và chưa thành niên như sau:

Người thành niên:

Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.

Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này.

Người chưa thành niên:

Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Theo đó trong trường hợp này thì C là con của bà B và mới 15 tuổi chưa đủ tuổi thành niên vì vậy C vẫn được quyền hưởng di sản thừa kế của bà B để lại mà không phụ thuộc vào di chúc mà bà B để lại và mức hưởng là bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật.

Trước tiên để tính được tài sản thừa kế cho mỗi người là bao nhiêu thì phải tính được di sản thừa kế mà B để lại có tổng giá trị là bao nhiêu:

Thứ nhất A và B là vợ chồng hợp pháp có tài sản chung là 600 triệu thì theo quy định khi bà B chết đi thì 600 triệu đó sẽ được chia đôi A và B mỗi người một nửa. Như vậy bà B có 300 triệu trong di sản để lại.

Thứ hai bà B còn có 100 triệu là tài sản riêng thì tổng số di sản mà bà B để lại sẽ là 300 + 100 = 400 triệu.

Nếu xét theo thừa kế theo pháp luật thì những người thuộc diện hàng thừa kế thứ nhất bao gồm:

Người thừa kế theo pháp luật:

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Theo đó nếu chia thừa kế theo pháp luật thì di sản của bà B sẽ được chia đều cho A, C, D, E, F, mỗi người sẽ được 80 triệu.

Tuy nhiên thì trường hợp này thì bà B đã để lại di chức nên trong trường hợp này chỉ có C là con chưa thành niên được hưởng và mức hưởng là 2/3 của 80 triệu. Còn lại toàn bộ di sản E sẽ được thừa kế hết trong trường hợp này.

Trên đây là một số thông tin về nguyên tắc thừa kế tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc cần chúng tôi hỗ trợ tư vấn hay có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý thì hãy liên hệ với Luật Trần và Liên Danh, chúng tôi luôn đồng hành pháp lý cùng bạn.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139