Hoạt động kinh doanh hành hóa, dịch vụ ngày càng được phát triển trên môi trường mạng, đi cùng với xu hướng phát triển đó nhiều cá nhân, tổ chức đã lựa chọn cách thức bán hàng trên website để có thể tiếp cận nhanh nhất đến khách hàng những sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp. Khi thiết lập website bán hàng cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu website cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật Thương mại điện tử, để đảm bảo hoạt động như sau:
Căn cứ pháp lý
Nghị định 52/2013/ NĐ-CP về Thương mại điện tử.
Nghị định 08/2018/NĐ- CP Sửa đổi một số nghị định liên quan đên điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ công thương.
Thông tư 47/2014/ TT- BTC Quy định quản lý website thương mại điện tử.
Website thương mại điện tử bán hàng là gì?
Là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.
Tại sao phải tiến hành thông báo website Thương mại điện tử bán hàng:
Theo nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Website bán hàng, website thương mại điện tử không đăng ký, thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng. Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng khi thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử mà chưa xin giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định
Cung cấp thông tin trên website thương mại điện tử bán hàng
– Website thương mại điện tử bán hàng phải cung cấp đầy đủ thông tin về người sở hữu website, hàng hóa, dịch vụ và các điều khoản của hợp đồng mua bán áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website
– Những thông tin này phải bảo đảm các yêu cầu sau:
+ Rõ ràng, chính xác, dễ tìm và dễ hiểu;
+ Được sắp xếp tại các mục tương ứng trên website và có thể truy cập bằng phương pháp trực tuyến;
+ Có khả năng lưu trữ, in và hiển thị được về sau;
Được hiển thị rõ đối với khách hàng trước thời điểm khách hàng gửi đề nghị giao kết hợp đồng.
Tại sao phải đăng ký website/ ứng dụng với bộ công thương?
Được đảm bảo bởi Nhà nước
Khi website/ ứng dụng thực hiện thủ tục đăng ký website/ ứng dụng tức là website/ứng dụng này được thành lập và hoạt động một cách hợp pháp tại Việt Nam. Lúc này tất cả mọi hoạt động trên website/ứng dụng đều được hợp pháp hóa một cách công khai và minh bạch. Các quyền lợi cũng như lợi ích của website đều được bảo hộ theo quy định của pháp luật.
Khẳng định thương hiệu doanh nghiệp
Các website/ ứng dụng sau khi đăng ký sẽ được cung cấp một Logo có dòng chữ “Đã đăng ký” từ Bộ Công Thương có gắn link dẫn đến trang thông tin quản lý về thương mại điện tử của Bộ Công thương. Chỉ có các website/ ứng dụng đã thực hiện đăng ký mới có Logo này hiển thị trên website.
Việc này đã giúp thương hiệu của bạn được nâng cao bởi website của bạn đã tuân theo quy định của pháp luật.
Tăng độ uy tín cho website/ ứng dụng với khách hàng
Chỉ những website/ ứng dụng đã thực hiện đăng ký với Bộ Công thương mới có link dẫn đến thông tin website/ ứng dụng trên trang web quản lý của Bộ Công thương nên khách hàng có thể dễ dàng phân biệt, nhận dạng được đâu là website/ ứng dụng thật, đâu là website/ ứng dụng giả mạo.
Bên cạnh đó, khách hàng có thể thấy website/ ứng dụng tuân thủ đúng quy định của pháp luật qua đó thấy được quyền và lợi ích của chính khách hàng khi thực hiện giao dịch trực tuyến được đảm bảo bởi pháp luật. Từ đó, website/ ứng dụng sẽ tạo cho khách hàng sự tin tưởng, được bảo đảm khi mua bán, sử dụng dịch vụ của mình.
Tuân thủ pháp luật
Theo quy định Nghị định 52/2013/NĐ-CP trách nhiệm của thương nhận, tổ chức có website/ ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là phải đăng ký thiết lập website/ ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với Bộ Công thương.
Thương nhân, tổ chức có trách nhiệm tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương về việc thiết lập website/ ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sau khi website/ ứng dụng đã được hoàn thiện với đầy đủ cấu trúc, tính năng và thông tin theo đề án cung cấp dịch vụ, đã hoạt động tại địa chỉ tên miền được đăng ký và trước khi chính thức cung cấp dịch vụ đến người dùng.
Quy định này thể hiện việc đăng ký website/ ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là bắt buộc, cần thực hiện trước khi hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng. Điều này đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của Chủ sở hữu website/ ứng dụng và ngăn chặn được rủi ro về mặt pháp lý cho website/ ứng dụng.
Điều kiện để cá nhân, tổ chức thiết lập website bán hàng
Đối với cá nhân phải là cá nhân được cấp mã số thuế cá nhân.
Đối với tổ chức: là doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh, tổ chức khác được cấp mã số thuế có ngành nghề kinh doanh phù hợp với hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên website bán hàng.
Đã thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng.
Có website bán hàng cung cấp đầy đủ các thông tin sau:
Thông tin về người sở hữu website
Tên và địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân;
Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức, hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân;
Số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác.
Thông tin về hàng hóa, dịch vụ
Thương nhân, tổ chức, cá nhân phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.
Thông tin về giá cả
Thông tin về giá hàng hóa hoặc dịch vụ, nếu có, phải thể hiện rõ giá đó đã bao gồm hay chưa bao gồm những chi phí liên quan đến việc mua hàng hóa hoặc dịch vụ như thuế, phí đóng gói, phí vận chuyển và các chi phí phát sinh khác;
Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, nếu thông tin giá hàng hóa hoặc dịch vụ niêm yết trên website không thể hiện rõ giá đó đã bao gồm hay chưa bao gồm những chi phí liên quan đến việc mua hàng hóa hoặc dịch vụ như thuế, phí đóng gói, phí vận chuyển và các chi phí phát sinh khác thì giá này được hiểu là đã bao gồm mọi chi phí liên quan nói trên.
Thông tin về điều kiện giao dịch chung
Thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố những điều kiện giao dịch chung đối với hàng hóa hoặc dịch vụ giới thiệu trên website, bao gồm:
Các điều kiện hoặc hạn chế trong việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ, như giới hạn về thời gian hay phạm vi địa lý, nếu có;
Chính sách hoàn trả, bao gồm thời hạn hoàn trả, phương thức trả hoặc đổi hàng đã mua, cách thức lấy lại tiền, chi phí cho việc hoàn trả này;
Chính sách bảo hành sản phẩm, nếu có;
Các tiêu chuẩn dịch vụ, quy trình cung cấp dịch vụ, biểu phí và các điều khoản khác liên quan đến việc cung cấp dịch vụ, bao gồm cả những điều kiện và hạn chế nếu có;
Nghĩa vụ của người bán và nghĩa vụ của khách hàng trong mỗi giao dịch.
Các điều kiện giao dịch chung phải có màu chữ tương phản với màu nền của phần website đăng các điều kiện giao dịch chung đó và ngôn ngữ thể hiện điều kiện giao dịch chung phải bao gồm tiếng Việt.
Trong trường hợp website có chức năng đặt hàng trực tuyến, người bán phải có cơ chế để khách hàng đọc và bày tỏ sự đồng ý riêng với các điều kiện giao dịch chung trước khi gửi đề nghị giao kết hợp đồng.
Thông tin về vận chuyển và giao nhận
Thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố những thông tin sau về điều kiện vận chuyển và giao nhận áp dụng cho hàng hóa hoặc dịch vụ giới thiệu trên website:
Các phương thức giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ;
Thời hạn ước tính cho việc giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ, có tính đến yếu tố khoảng cách địa lý và phương thức giao hàng;
Các giới hạn về mặt địa lý cho việc giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ, nếu có.
Trường hợp phát sinh chậm trễ trong việc giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải có thông tin kịp thời cho khách hàng và tạo cơ hội để khách hàng có thể hủy hợp đồng nếu muốn.
Thông tin về các phương thức thanh toán
Thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố toàn bộ các phương thức thanh toán áp dụng cho hàng hóa hoặc dịch vụ giới thiệu trên website, kèm theo giải thích rõ ràng, chính xác để khách hàng có thể hiểu và lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp.
Nếu website thương mại điện tử có chức năng thanh toán trực tuyến, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải thiết lập cơ chế để khách hàng sử dụng chức năng này được rà soát và xác nhận thông tin chi tiết về từng giao dịch thanh toán trước khi thực hiện việc thanh toán.
Hồ sơ chuẩn bị để thực hiện thủ tục thông báo website bán hàng
Đăng ký kinh doanh của công ty.
Giấy tờ chứng thực cá nhân (CMND/CCCD/ Hộ chiếu) đối với cá nhân.
Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Bản ảnh logo của website.
Giấy tờ khác theo yêu cầu của Bộ Công thương.
Lưu ý khi chuẩn bị hồ sơ thực hiện thủ tục thông báo website bán hàng
Khi thực hiện thủ tục thông báo website bán hàng hồ sơ được nộp online nên hồ sơ phải được định dạng là: jpg,png,jpeg,doc,docx,pdf,rar,zip,xls,xlsx.
Cá nhân, tổ chức không phải nộp hồ sơ bản giấy.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo website bán hàng
Việc tiếp nhận, xử lý thông báo website bán hàng được Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) thực hiện trực tuyến tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn
Thủ tục xin cấp thông báo website bán hàng
Bước 1: Tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống tại website www.online.gov.vn.
Bước 2: Sau khi được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống, tổ chức, cá nhân tiến hành đăng nhập, chọn chức năng Thông báo website thương mại điện tử bán hàng và tiến hành khai báo thông tin theo mẫu.
Bước 3: Trong thời hạn 6-8 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức, cá nhân nhận thông tin phản hồi của Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký xác nhận website bán hàng đã thông báo đó là một đoạn mã để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng, thể hiện thành biểu tượng đã thông báo. Khi chọn biểu tượng này, người sử dụng được dẫn về phần thông tin thông báo tương ứng của thương nhân, tổ chức, cá nhân tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Một số câu hỏi của cá nhân, tổ chức thiết lập website bán hàng
Không có website có thực hiện được thủ tục thông báo với Bộ Công thương được không ?
Doanh nghiệp phải có website đã thiết lập, hoàn thiện và hiển thị đầy đủ các thông tin về hàng hóa, dịch vụ, giá cả, thông tin về chủ sở hữu website, phương thức vận chuyển, giao nhận, thanh toán, các điều kiện giao dịch chung như: điều kiện hoàn trả, bảo hành, khiếu nại, quyền và nghĩa vụ của các bên…
Lập website bán hàng thì cần có những ngành nghề gì ?
Công ty cần bổ sung các ngành nghề liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán trên website và ngành nghề về hoạt động Thương mại điện tử:
Mã ngành 4791: Bán lẻ theo yêu cầu đặt hàng qua bưu điện hoặc internet.
Tạo app điện thoại để bán hàng cần thực hiện thủ tục gì ?
Việc bán hàng trên ứng dụng cung cấp trên thiết bị di động là một các thức cung cấp dịch vụ, hàng hóa đến khách hàng qua môi trường mạng, tổ chức, cá nhân sở hữu ứng dụng cũng cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, thực hiện thủ tục thông báo giống như website bán hàng.
Không thông báo website bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng thì bị phạt thế nào ?
Thương nhân sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về dang ky website ban hang. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.