Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp thì góp vốn được hiểu là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Đây là một hoạt động thường xuất hiện trong quá trình hoạt động của công ty cổ phần. Vậy thủ tục góp vốn vào công ty cổ phần như thế nào?
Khái quát về công ty cổ phần
Với tính chất là một hiện tượng kinh tế- xã hội, công ty cổ phần, cũng như các loại hình công ty noi chung là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, trong đó có khoa học pháp lý. Trong khoa học pháp lý có khá nhiều cách tiếp cận khác nhau về khái niệm công ty cổ phần, thể hiện ở cả thuật ngữ và nội dung pháp lý.
Theo từ điển Bách khoa Việt Nam thì “công ty cổ phần” là những công ty được hình thành trên cơ sở liên hợp tư bản cá nhân bằng cách phát hành và bán cổ phiếu và lợi nhuận của công ty được phân phối giữa các cổ động theo số lượng cổ phần.
Trong cuốn Đại từ điển kinh tế thị trường của nước CHND Trung Hoa, công ty cổ phần (gọi là công ty hữu hạn cổ phần) được định nghĩa “là một loại hình công ty mà toàn bộ vốn chia thành các cổ phần có mức bằng nhau, cổ phần phát hành công khai theo luật pháp bằng hình thức cổ phiếu và tư do chuyển nhượng.
Quan điểm trong khoa học có ảnh hưởng nhất định đến nội dung luật pháp, do vậy trên thế giới hiện nay có khá nhiều trường phái pháp luật về công ty cổ phần. Theo pháp luật Cộng hòa Pháp, công ty cổ phần được gọi là công ty vô danh, phải có ít nhất 07 cổ đông, vốn điều lệ của công ty được chia thành các cổ phần với mệnh giá thông nhất là 100 F.Fr, các cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần.
Ở Cộng hòa Liên bang Đức, công ty cổ phần có những đặc điểm pháp lý cơ bản giống như công ty vô danh của Pháp. Bên cạnh đó công ty cổ phần của Đức có những nét đặc thù, thể hiện trong các quy định về tổ chức quản lý công ty, về phương thức phát hành và chuyển nhượng cổ phần, về vốn pháp định…
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 111 Luật doanh nghiệp, khái niệm công ty cổ phần được tiếp cận dựa trên các dấu hiệu pháp lý, cụ thể: Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
– Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
– Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
– Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
– Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định của pháp luật.
Từ quy định này, trên phương diện khoa học pháp lý có thể khái quát: Công ty cổ phần theo pháp luật Việt Nam là loại hình công ty đối vốn; vốn điều lệ được chia thành những phần bằng nhau gọi là cổ phần;
Người sở hữu cổ phần là cổ đông của công ty, chỉ chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài sản của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần mà cổ đông nắm giữ, công ty có quyền phát hành chứng khoán để công khai huy động vốn.
Vai trò của công ty cổ phần trong nền kinh tế thị trường thể hiện ở những khía cạnh cơ bản như sau:
– Công ty cổ phần là mô hình kinh tế hiệu quả nhất để hòa nhập và phát huy thế mạnh của các thành phần kinh tế, các hình thức sở hữu trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
– Công ty cổ phần có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chủ trương “tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, khơi dậy và phát huy tối đa nội lực…ra sức cần kiệm để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.”
– Công ty cổ phần là “chủ thể sản xuất hàng hóa” cho thị trường chứng khoán.
Ai có quyền góp vốn vào công ty cổ phần
Theo quy định tại khoản 3 điều 17 Luật doanh nghiệp 2020: “Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:
- a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
- b) Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.”
Vậy nên các cá nhân, tổ chức cần xem xét đến tư cách của mình trước khi quyết định góp vốn vào công ty và cần phân biệt trường hợp này với trường hợp các tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp
Vốn điều lệ công ty cổ phần
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020, Vốn điều lệ công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán các loại. Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.
Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.
Các loại cổ phần trong công ty cổ phần
Cổ phần là vốn điều lệ được chia thành nhiều phần và chia cho các cổ đông. Trong công ty cổ phần có hai loại cổ phần chính là cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi.
Cổ phần phổ thông
Cổ phần phổ thông là loại cổ phần mà người sở hữu nó sẽ có các quyền lợi nhất định như tham dự và phát biểu trong các Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp , nhận cổ tức, tự do chuyển nhượng cổ phần, quyền được thông tin,…
Cổ phần ưu đãi
Cổ phần ưu đãi là loại cổ phần mà người sở hữu nó sẽ có những quyền lợi đặc biệt hơn tùy vào từng loại cổ phần ưu đãi được đăng ký mua:
- Cổ phần ưu đãi biểu quyết: Chỉ được nắm giữ bởi tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập. Người sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông.
- Cổ phần ưu đãi cổ tức: là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm.
- Cổ phần ưu đãi hoàn lại: Là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại.
Công ty cổ phần cung cấp đa dạng các loại cổ phần tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng, điều kiện của nhà đầu tư, khiến cho việc huy động vốn trở nên dễ dàng và nhanh chóng. Ngoài ra, nó cũng như tạo các quyền lợi phù hợp với mong muốn của nhà đầu tư hơn so với công ty hợp danh và công ty trách nhiệm hữu hạn.
Trình tự và thủ tục góp vốn
Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.
Nếu sau thời hạn quy định trên có cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua, thì thực hiện theo quy định sau đây:
- a) Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;
- b) Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;
Cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này.
Ngoài ra, người thực hiện góp vốn phải tuân thủ các quy định chung về tài sản góp vốn, hình thức góp vốn, theo pháp luật.
Hộ kinh doanh có được góp vốn vào công ty cổ phần không?
Trả lời cho câu hỏi: “Hộ kinh doanh có được góp vốn vào công ty cổ phần không?”
Câu trả lời là: Hộ kinh doanh không có quyền góp vốn vào công ty cổ phần.
Phân tích các khía cạnh pháp lý xoay quanh câu trả lời này, trước hết, góp vốn được hiểu là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: “Cá nhân, thành viên hộ gia đình quy định tại khoản 1 Điều này – (Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh) chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc và được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.”
Như vậy, hộ kinh doanh không được góp vốn vào công ty cổ phần, hoạt động góp vốn chỉ được thực hiện với tư cách cá nhân.
Vậy, tại sao hộ kinh doanh không được góp vốn vào công ty cổ phần? Điều này xuất phát từ lí do hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với tài sản của mình, do đó việc góp vốn vào công ty cổ phần sẽ gây khó khăn trong việc xác định tài sản và trách nhiệm.
Bên cạnh quy định về góp vốn, cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
Đồng thời, các chủ thể đặc biệt sau sẽ không có quyền được góp vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp, bao gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Do vậy, khi thuốc một trong các trường hợp được liệt kê và phân tích ở trên, hộ giá đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức không được tiến hành góp vốn nói chung, và công ty cổ phần nói riêng.
Nếu có bất cứ thắc mắc gì liên quan đến các thủ tục góp vốn vào công ty cổ phần, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời tới Tổng đài tư vấn luật doanh nghiệp qua HOTLINE của Luật Trần và Liên Danh luôn sẵn sàng hỗ trợ quý khách.