Cổ phần hóa doanh nghiệp là gì

Cổ phần hóa doanh nghiệp là gì

Cổ phần hóa doanh nghiệp là gì? Tại sao phải cổ phần hóa doanh nghiệp? Đây là hai câu hỏi mà Luật Trần và Liên Danh sẽ trả lời tại bài viết dưới đây.

Cổ phần hóa là gì ?

– Trước hết, cổ phần hóa là cách gọi tắt của chương trình chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần tại Việt Nam. Chương trình này được đưa vào thử nghiệm từ những năm 1990 – 1991 và chính thức áp dụng vào năm 1992, được đẩy mạnh hoạt động vào năm 1996 và cơ bản đã hoàn thành ở thời điểm năm 2010.

– Cổ phần hóa là quá trình biến doanh nghiệp có một chủ thành doanh nghiệp có nhiều chủ, đồng thời doanh nghiệp đó cũng chuyển sang hình thức công ty cổ phần, nghĩa là chuyển từ hình thức sở hữu lớn nhất sang sở hữu chung của nhiều người thông qua việc chuyển một phần hoặc toàn bộ tài sản của doanh nghiệp cho nhiều người dưới hình thức bán cổ phần cho những người này.

Những người này trở thành cổ đông của công ty cổ phần, doanh nghiệp một chủ trở thành công ty cổ phần. Do đó, cổ phần hóa có thể được áp dụng đối với bất kỳ công ty một chủ nào (doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước).

Bản chất của cổ phần hóa chính là phương thức thực hiện xã hội hóa sở hữu, chuyển doanh nghiệp một chủ thành doanh nghiệp nhiều chủ. Tức là chuyển từ hình thức sở hữu đơn nhất sang sở hữu chung thông qua việc chuyển một phần hoặc toàn bộ tài sản của doanh nghiệp cho các thành phần kinh tế khác.

– Nhưng đặc biệt khi nhắc đến quá trình cổ phần hóa hiện nay thì diễn ra phần lớn với các doanh nghiệp Nhà nước. Nhà nước sẽ bán cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước mà mình nắm giữ để thu tiền từ các cổ đông mua lại số phần cổ phần đó. Cổ đông mua số cổ phần này từ các công ty cổ phần hóa được hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật như quyền sở hữu, định đoạt một phần hay toàn bộ hoạt động kinh doanh hay quan trọng nhất là được hưởng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành các nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.

Cổ phần hóa doanh nghiệp

Đối tượng của cổ phần hóa doanh nghiệp

 – Doanh nghiệp cổ phần hóa được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16 tháng 11 năm 2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần có định nghĩa như sau: 

“Doanh nghiệp cổ phần hóa là doanh nghiệp thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Nghị định này thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định tại Nghị định này.”

Nhưng theo quy định 2 Điều 2 Nghị định 126/2017/NĐ-CP đã bị sửa đổi, thay thế bởi khoản 2 Điều 6 Nghị định 140/2020/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định 32/2018/NĐ-CP.

– Như vậy đối tượng thuộc doanh nghiệp cổ phần hóa gồm các doanh nghiệp theo quy định như sau:

+ Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm:

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ của Tổng công ty nhà nước (kể cả Ngân hàng Thương mại nhà nước), Công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chưa chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp cấp II).

Điều kiện để cổ phần hóa doanh nghiệp

Các doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 126/2017/NĐ-CP muốn thực hiện việc cổ phần hóa cần phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 4 Nghị định 126/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị định 140/2020/NĐ-CP, cụ thể các điều kiện như dưới đây:

– Thứ nhất, không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ. Danh mục doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ;

– Thứ hai, sau khi đã xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Chương II và Chương II của Nghị định 140/2020/NĐ-CP mà giá trị thực tế doanh nghiệp bằng hoặc lớn hơn các khoản phải trả;

– Thứ ba, đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công.

Đối với các công ty nông, lâm nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, ngoài phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với diện tích đất phi nông nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải có phương án sử dụng đất đối với diện tích đất nông nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.

– Bên cạnh đó phải lưu ý:

+ Các doanh nghiệp sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Chương II và Chương III Nghị định 140/2020/NĐ-CP mà giá trị thực tế doanh nghiệp thấp hơn các khoản phải trả thì cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo doanh nghiệp phối hợp với Công ty Mua bán nợ Việt Nam và các chủ nợ của doanh nghiệp xây dựng phương án mua bán nợ đảm bảo tính khả thi và hiệu quả để tái cơ cấu doanh nghiệp hoặc chuyển sang thực hiện các hình thức chuyển đổi khác theo quy định của pháp luật.

Cổ phần hóa doanh nghiệp là gì
cổ phần hóa doanh nghiệp là gì

+ Nhà nước không cấp thêm vốn để cổ phần hóa, kể cả các doanh nghiệp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục, phân loại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi thực hiện cổ phần hóa thuộc diện Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần.

– Hình thức cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước:

+ Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

+ Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

+ Bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

– Chi phí thực hiện cổ phần hóa do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định phê duyệt dự toán và quyết toán. Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc) doanh nghiệp cổ phần hóa quyết định mức chi cụ thể theo các nội dung đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Các khoản chi phí cổ phần hóa phải đảm bảo có đầy đủ chứng từ hợp lý, hợp lệ, tiết kiệm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tại sao phải cổ phần hóa doanh nghiệp ?

Xuất phát từ những lợi ích của việc cổ phần hóa doanh nghiệp mà việc cổ phần hóa trở nên quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

– Lợi ích đầu tiên khi cổ phần hóa là giúp chủ sở hữu doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ thu lại được một khoản tiền từ việc bán cổ phần hoặc phát hành thêm cho các cổ đông khác. Nếu là Nhà nước sẽ tạo nguồn thu lớn cho Ngân sách Nhà nước, giúp giảm chi phí cho bộ máy vận hành, quản lý, tạo sự công bằng xã hội.

– Lợi ích tiếp theo phải kể đến khi cổ phần hóa doanh nghiệp là giúp cho doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đa dạng hóa chủ sở hữu của doanh nghiệp giúp cho việc tự chủ về ra quyết định của một chủ thể.

– Giúp khả năng huy động vốn dễ dàng và thuận tiện hơn vì đã được chuyển đổi thành công ty cổ phần. Tranh thủ sự tham gia của các nhà đầu tư, thu hút vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý, người lao động trong doanh nghiệp, cổ đông ngoài doanh nghiệp, … Giúp cho khả năng huy động vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ trở nên dễ dàng hơn.

– Đối với việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ làm giảm sự can thiệp của Nhà nước vào doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể tự chủ, ra các quyết định đầu tư, kinh doanh, mở rộng sản xuất của doanh nghiệp.

– Tạo điều kiện cho người lao động trong doanh nghiệp tham gia mua cổ phần và khẳng định quyền làm chủ của mình. Từ đó mỗi người lao động sẽ ý thức được quyền lợi của mình, tạo động lực làm việc giúp cho kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ trở nên hiệu quả hơn đồng thời sẽ giúp người lao động sẽ được hưởng lợi nhuận xứng đáng với công sức lao động của họ.

– Tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tăng tính hiệu quả của cả hai khu vực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân do có tính cạnh tranh cao, thúc đẩy cả hai bên đều phải cải tiến và phát triển để tồn tại.

– Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng góp phần vào công cuộc phòng chống tham nhũng. Thực hiện các quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế song phương và đa phương khi Việt Nam là thành viên.

– Việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần sẽ thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán, từ đó thu hút được nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Góp phần đưa nền kinh tế của đất nước hội nhập với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Như vậy: Việc cổ phần hóa doanh nghiệp có rất nhiều lợi ích cho mọi chủ thể trong xã hội, vì thế việc cổ phần hóa doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần phải được chú trọng và đẩy nhanh tốc độ thực hiện.

Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về câu hỏi cổ phần hóa là gì? Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139