Đăng ký khai sinh là cột mốc đầu tiên đánh dấu quyền công dân cho mỗi đứa trẻ khi sinh ra. Vì thế, khi đứa trẻ ra đời thì cha hoặc mẹ phải có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con của mình. Vậy hiện nay pháp luật quy định như thế nào về thủ tục đăng ký khai sinh? Thông qua bài viết dưới đây, Luật Trần và Liên Danh sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản liên quan đến thủ tục làm giấy khai sinh cho con 2023.
Cơ sở pháp lý
– Luật Hộ tịch năm 2014;
– Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch;
– Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
Giấy khai sinh là gì?
Hiện nay, cách hiểu phổ biến với Giấy khai sinh là một hồ sơ quan trọng ghi lại việc ra đời của một đứa trẻ. Thuật ngữ “giấy khai sinh” có thể đề cập đến tài liệu gốc xác nhận hoàn cảnh sinh nở hoặc bản sao có chứng thực hoặc đại diện cho việc đăng ký tiếp theo của lần sinh đó. Vậy pháp luật Việt Nam hiện nay có cách hiểu như thế nào về Giấy khai sinh.
Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 Giấy khai sinh được hiểu như sau:
Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này.
Đăng ký khai sinh và nội dung đăng ký khai sinh
Đăng ký khai sinh là gì?
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể thế nào là đăng ký khai sinh, tuy nhiên có thể hiểu đăng ký khai sinh là việc cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng trẻ đăng ký sự kiện sinh (ra đời) cho đứa trẻ mới được sinh ra tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và việc đăng ký khai sinh này phải được thực hiện trong khoảng thời gian mà pháp luật quy định.
Theo đó, căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 thì: “Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch”.
Cũng theo Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch thì giá trị pháp lý của giấy khai sinh được quy định:
– Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân;
– Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó;
– Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.
Như vậy, dựa theo các quy định nêu trên, có thể thấy được giấy khai sinh là một loại giấy tờ quan trọng gắn liền với suốt cuộc đời của mỗi người từ khi được sinh ra thể hiện quyền nhân thân của người đó. Giấy khai sinh là tiền đề để thực hiện tất cả các thủ tục, sự kiện pháp lý sau này như đăng ký hộ khẩu, làm chứng minh nhân dân, làm thẻ bảo hiểm y tế,… Do đó, đăng ký khai sinh được xem là việc làm quan trọng và cần thiết của cha, mẹ, người nuôi dưỡng trẻ khi trẻ vừa ra đời, nhằm đảm bảo tối đa quyền và lợi ích cho trẻ.
Nội dung đăng ký khai sinh
Về nội dung đăng ký khai sinh, căn cứ theo khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch năm 2014; khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP và Điều 6 Thông tư 04/2020/TT-BTP thì nội dung đăng ký khai sinh được quy định như sau:
– Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch, cụ thể:
+ Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán;
+ Quốc tịch của trẻ em được xác định theo quy định của pháp luật về quốc tịch;
+ Ngày, tháng, năm sinh được xác định theo Dương lịch;
+ Nơi sinh, giới tính của trẻ em được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì xác định theo giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch. Đối với trẻ em sinh tại cơ sở y tế thì nơi sinh phải ghi rõ tên của cơ sở y tế và tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có cơ sở y tế đó; trường hợp trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế thì ghi rõ tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em sinh ra;
+ Quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 của Luật Hộ tịch.
Lưu ý:
Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.
Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về họ, dân tộc, quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì họ, dân tộc, quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo họ, dân tộc, quê quán của cha hoặc mẹ
– Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú.
– Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh. Thủ tục cấp số định danh cá nhân được thực hiện theo quy định của Luật Căn cước công dân và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân, trên cơ sở bảo đảm đồng bộ với Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/ NĐ-CP.
Thẩm quyền đăng ký khai sinh
Theo quy định tại Điều 13 Luật Hộ tịch năm 2014 thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú (có thể là nơi đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú) của người cha hoặc người mẹ sẽ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ.
Thời hạn đăng ký khai sinh
Điều 15 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con.
Trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Trình tự thủ tục đăng ký khai sinh
Căn cứ Điều 15 và Điều 16 Luật Hộ tịch năm 2014; Điều 3 và Điều 9 Nghị định 123/2015/NĐ-CP; Điều 3 và Điều 6 Thông tư 04/2020/TT-BTP thì việc đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy trình như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Khi tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ, người đi đăng ký khai sinh cần chuẩn bị một số loại giấy tờ theo quy định để được đăng ký khai sinh như sau:
(1) Hồ sơ để nộp khi đăng ký khai sinh:
– Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu được ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BTP.
– Giấy chứng sinh:
+ Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;
+ Trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập;
+ Trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
(2) Giấy tờ xuất trình khi đăng ký khai sinh:
Khi đăng ký khai sinh cho trẻ, người đi đăng ký khai sinh phải xuất trình được những giấy tờ sau:
– Hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân của người yêu cầu làm Giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân.
– Giấy tờ chứng minh nơi cư trú của người yêu cầu làm Giấy khai sinh để chứng minh thẩm quyền đăng ký khai sinh.
– Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền
Sau khi chuẩn bị đủ các hồ sơ, giấy tờ đã nêu tại bước 1, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày trẻ được sinh ra, người đi đăng ký khai sinh mang hồ sơ đến nộp tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ hoặc người đang nuôi dưỡng trẻ để đăng ký khai sinh cho trẻ.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh và cấp giấy khai sinh
Công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra toàn bộ hồ sơ, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người đăng ký khai sinh nộp, xuất trình.
– Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, công chức tư pháp – hộ tịch sẽ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả;
– Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì công chức tư pháp – hộ tịch sẽ hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định; trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì phải lập thành văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên của người tiếp nhận.
Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đồng ý giải quyết thì công chức tư pháp – hộ tịch cập nhật thông tin khai sinh theo hướng dẫn để lấy Số định danh cá nhân, ghi nội dung khai sinh vào Sổ đăng ký khai sinh, hướng dẫn người đi đăng ký khai sinh kiểm tra nội dung Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh, cùng người đi đăng ký khai sinh ký tên vào Sổ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký 01 bản chính Giấy khai sinh cấp cho người được đăng ký khai sinh, số lượng bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về thủ tục làm giấy khai sinh cho con 2023. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác hãy liên hệ ngay với Công ty luật uy tín Luật Trần và Liên Danh để được tư vấn tận tình và nhanh chóng nhất.